PNO - Dù có nhiều thăng trầm, hoạt động sân khấu tại TPHCM vẫn sôi động nhất cả nước. Trong đó, sân khấu múa rối phát triển ổn định và còn nhiều tiềm năng phát triển.
“Loại hình giải trí mà trẻ con dễ tiếp nhận và yêu thích đầu đời chính là múa rối. Còn du khách nước ngoài khi đến TPHCM gần như đều đi xem múa rối nước. Như vậy, tiềm năng phát triển của múa rối TPHCM là vô cùng lớn” - tiến sĩ, đạo diễn Hoàng Duẩn - người gắn bó lâu năm và nghiên cứu sâu về sân khấu múa rối TPHCM - nhận định.
Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng là một trong các đơn vị nhanh nhạy trở lại phục vụ du khách sau đại dịch.
Những năm qua, ông Huỳnh Anh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Sân khấu - Nghệ thuật Thái Dương - đã khai thác rất tốt thị trường này với 2 thương hiệu xã hội hóa nổi bật là nhà hát múa rối nước Rồng Vàng và nhà hát múa rối Nụ Cười. Trong đó, nhà hát múa rối Nụ Cười, thành lập từ năm 1983 là nhà hát tư nhân hiếm hoi ở khu vực phía Nam chuyên biểu diễn kịch rối phục vụ thiếu nhi TPHCM và nhiều tỉnh, thành khác. Cuối năm 2019, nhà hát chính thức có điểm diễn cố định tại nhà hát Nón Lá, trong khuôn viên Cung văn hóa Lao động (quận 1) phục vụ khán giả thiếu nhi hằng tuần. Còn nhà hát múa rối nước Rồng Vàng thành lập từ năm 2007, hiện đang là một thương hiệu du lịch nổi bật của TPHCM.
Trước đại dịch COVID-19, trung bình hằng năm, múa rối Nụ Cười diễn hơn 300 suất rối cạn và hàng trăm chương trình kịch rối thiếu nhi; còn múa rối nước Rồng Vàng diễn khoảng 800 suất/năm (ít nhất 2 suất/ngày). “Tuy vẫn chưa thể trở lại tần suất biểu diễn như trước, nhưng 2 đơn vị vẫn hoạt động ổn định và khả quan. Chúng tôi vẫn tích cực triển khai công tác truyền thông, kết nối các công ty lữ hành, dịch vụ du lịch… đưa du khách trở lại” - ông Huỳnh Anh Tuấn cho biết.
Đoàn rối Rồng Phương Nam (nhà hát nghệ thuật Phương Nam) có 2 điểm diễn thường xuyên là sân khấu rối nước bên trong Bảo tàng Lịch sử TPHCM (quận 1) và rạp xiếc công viên Gia Định (quận Gò Vấp). Trong đó, điểm diễn tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM cũng là điểm đến ưa thích của du khách khi đến TPHCM. Thạc sĩ Trần Được - Phó trưởng đoàn rối Rồng Phương Nam - cho biết: “Ngoài 4 suất diễn cố định vào cuối tuần, còn lại là các suất diễn theo yêu cầu vào các ngày trong tuần. 1 năm trở lại đây, du lịch dần phục hồi, lượng khách cũng ổn định khi các suất diễn đều lấp được 70% số ghế, đồng đều cả khách nước ngoài, khán giả người lớn và học sinh, sinh viên”.
Khắc phục hạn chế
Trở về từ cuộc thi Tài năng múa rối toàn quốc 2023 tại Hà Nội, ông Trần Được cho rằng, tài năng của nghệ sĩ rối TPHCM luôn được khẳng định, cái còn thiếu là một sân khấu chuyên nghiệp với đầy đủ điều kiện kỹ thuật cho nghệ thuật rối để diễn viên chuyên tâm tập luyện và sáng tạo.
Nhà hát nghệ thuật Phương Nam đạt 1 giải Nhì và 2 giải Triển vọng tại cuộc thi Tài năng Múa rối toàn quốc 2023.
Với đoàn rối Rồng Phương Nam, khó khăn là không gian rạp xiếc công viên Gia Định vốn không phải dành cho rối, còn tại bảo tàng lịch sử chỉ là sân khấu cơ động, không đủ điều kiện cho các tiết mục đòi hỏi chuyên môn cao hay kỹ thuật hiện đại. “Có sân khấu đủ chuẩn mới giúp nảy sinh các ý tưởng hay ho, còn cứ chắp vá thì bó buộc sáng tạo, có nghĩ được nhiều cái hay cũng không thể làm. Chưa kể, điều kiện phục vụ khán giả không đủ tốt, thiếu tiện nghi cho du khách cũng khiến các đơn vị kết nối du lịch phải cân nhắc. Như hiện nay, chỉ với 120 ghế, điểm diễn Bảo tàng Lịch sử TPHCM không thể đáp ứng các đoàn khách quá đông người” - ông Trần Được cho biết.
Điều đáng mừng là hạn chế này sẽ được khắc phục khi dự án sân khấu biểu diễn đa năng Phú Thọ hoàn thành (dự kiến vào năm 2025). Trong đó có 1 sân khấu 300 ghế với đầy đủ tính năng chuyên nghiệp cho nghệ thuật múa rối. Đơn vị cũng đang chuẩn bị để sẵn sàng vận hành khi sân khấu này đi vào hoạt động.
Bài toán khá nan giải là múa rối đang hụt nguồn nhân lực. Ông Trần Được cho biết, hiện chỉ có Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội đào tạo chuyên ngành múa rối, nhưng những năm gần đây tuyển sinh khá chật vật, thậm chí có năm không có sinh viên nào. “Còn lại, các đơn vị tự đào tạo tại chỗ từ con em trong nghề hoặc “bắt” nghệ sĩ từ ngành khác như kịch nói, cải lương sang; nhưng vẫn còn rất thiếu và gặp rất nhiều khó khăn vì các bạn làm trái nghề thường khó bám trụ” - ông Trần Được chia sẻ.
Ngày 16/9, nghệ sĩ Lê Hay ra mắt sân khấu thiếu nhi Búp Sen Hồng tại Nhà thiếu nhi quận 11, do chính thiếu nhi biểu diễn. Trước đó, nghệ sĩ Lê Hay cũng đã tập huấn cho 100 giáo viên mầm non trong quận về nghệ thuật múa rối, phương thức tận dụng mọi vật dụng làm thành con rối phục vụ công tác giảng dạy.
Đạo diễn Hoàng Duẩn cho biết, khoảng trước năm 2010, hoạt động rối phong trào ở TPHCM rất phát triển, gần như nhà thiếu nhi nào cũng đó đội kịch rối thu hút nhiều thiếu nhi tham gia diễn rối. “Đó chính là nguồn nhân lực cho các đơn vị biểu diễn múa rối lớn nhỏ hiện nay. Thế nhưng bẵng đi một thời gian, rối phong trào lại không còn được quan tâm, ảnh hưởng rất nhiều đến việc phát triển sân khấu múa rối” - anh nói.
Đạo diễn Hoàng Duẩn cũng chia sẻ, sắp tới, anh sẽ phối hợp với “ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn mở lớp đào tạo diễn viên múa rối, có gửi thư đến các nhà thiếu nhi, trung tâm văn hóa của TPHCM để chào mời cán bộ quản lý, chuyên viên đến học, nhằm tập huấn lại cho đội ngũ này để có thể gầy dựng lại phong trào múa rối từ cơ sở.
Nhiều tọa đàm/hội thảo về tác giả - tác phẩm được tổ chức tại TPHCM và Hà Nội dành cho những tên tuổi lớn: Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Đình Thi…