Nghệ thuật hát bội và bài toán bảo tồn - phát triển

07/12/2022 - 17:44

PNO - Nghệ thuật tuồng, hát bội - di sản văn hóa quý báu của dân tộc đang đứng trước nguy cơ thất truyền. Vấn đề này không mới, nhưng từ nhiều năm qua, giải pháp bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật này vẫn là bài toán chưa có lời giải.

Nhiều vấn đề cấp bách và những đề xuất nhằm giữ gìn vốn quý của văn hóa dân tộc đã được đặt ra tại hội nghị chuyên đề “Công tác bảo tồn phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống và di sản văn hóa phi vật thể tại TPHCM và Bình Định”. Hội nghị là một trong những hoạt động của chuyến giao lưu giữa nhà hát nghệ thuật hát bội TPHCM - Sở Văn hóa và Thể Thao TPHCM và nhà hát nghệ thuật truyền thống Bình Định - Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định đầu tháng 12/2022.

Những chuyện muôn năm cũ…

Dù có nhiều khác biệt trong lối dàn dựng, biểu diễn, nhưng sân khấu tuồng của Bình Định và nghệ thuật hát bội của TPHCM vẫn có chung những khó khăn: vắng khán giả, nhất là khán giả trẻ; thiếu hụt trầm trọng lực lượng sáng tác, diễn viên, nhạc công trẻ; thiếu kịch bản hay; khó khăn trong tìm kiếm điểm diễn, mở rộng địa bàn để tiếp cận các đối tượng khán giả…

Giữ gìn và phát triển nghệ thuật tuồng, hát bội cần những chiến lược đồng bộ và lâu dài - ẢNH: T.V
Giữ gìn và phát triển nghệ thuật tuồng, hát bội cần những chiến lược đồng bộ và lâu dài - ẢNH: T.V

Phó trưởng đoàn tuồng nhà hát nghệ thuật truyền thống Bình Định Nguyễn Minh Ngọc âu lo: “Chỉ 5 năm nữa, nguồn nhân lực trẻ của nghệ thuật tuồng sẽ cạn kiệt”. Thực tế này được chứng minh ngay trong chương trình biểu diễn giao lưu của nhà hát nghệ thuật truyền thống Bình Định và nhà hát nghệ thuật hát bội TPHCM tối 3/12. Thế hệ nghệ sĩ đảm đương các vai diễn chính đa phần đã đi qua tuổi thanh xuân. Dẫu vẫn đầy nhiệt huyết và đam mê với nghề, nhưng dấu vết tuổi tác, sức khỏe lại khó che giấu, khi họ hóa thân vào nhân vật.

Nguồn nhân lực của tuồng, hát bội đang gặp rất nhiều khó khăn. Dù các địa phương đều cố gắng tìm những cơ chế riêng trong tuyển dụng nhưng vẫn vướng quy định chung về bằng cấp. Yêu cầu tuyển dụng vẫn phải đảm bảo đã tốt nghiệp các trường đào tạo về văn hóa nghệ thuật. NSND Nguyễn Thị Hòa Bình - nguyên Giám đốc nhà hát tuồng Đào Tấn - khẳng định: “Cần có những chính sách, cơ chế đặc thù cho ngành nghệ thuật truyền thống (trong đó có nghệ thuật tuồng) về tiền lương, chế độ đãi ngộ phù hợp. Đồng thời, có cơ chế mở cho ngành nghệ thuật truyền thống đặc thù về bằng cấp, biên chế… tạo điều kiện thuận lợi trong khâu tuyển chọn người có năng khiếu nghệ thuật đến với tuồng”.

NSND Trần Ngọc Giàu đưa ra một quan điểm khá mới: “Bảo tồn hát bội - loại hình di sản văn hóa phi vật thể chỉ có một con đường duy nhất là thông qua những người nghệ sĩ đang gắn bó và cống hiến tài năng, tâm huyết cho hát bội. Cần xóa quan điểm đang tồn tại phổ biến là Nhà nước phải “nuôi nghệ sĩ, nuôi đoàn hát”, thay vào đó là nhận thức nghệ sĩ, nhà hát thay Nhà nước thực hiện công tác bảo tồn, giữ gìn những di sản văn hóa quý giá của dân tộc. Cần có chính sách lương bổng và sự tôn vinh dành cho nghệ sĩ hát bội, đủ để người làm nghề thấy được tôn trọng. Về phía con em các nghệ sĩ và lớp trẻ yêu thích nghệ thuật cũng thấy được tương lai tươi sáng và sự vinh hạnh khi được trở thành nghệ sĩ hát bội”.

Trích đoạn Lê Công kỳ án  - Nhà hát nghệ thuật hát bội TP.HCM:

 

 

Bảo tồn nguyên bản hay theo sự phát triển cuả thời đại? 

Nghệ thuật hát bội vốn mang tính ước lệ cao, sân khấu hát bội thường được trang trí theo lối tối giản để công chúng tập trung vào thưởng thức tài năng của nghệ sĩ. Một số ý kiến cho rằng nên tái tạo đúng không gian biểu diễn truyền thống của hát bội là ở đình (nhà vỏ ca) thay vì đổi mới không gian biểu diễn, và kiểm soát tốt hơn sự can thiệp quá mức của các yếu tố công nghệ trong các vở hát bội. Bảo tồn theo nguyên bản, hay áp dụng những công nghệ mới của thời đại 4.0 để mang lại sự hiện đại, tính hấp dẫn cho sân khấu tuồng, hát bội là một trong những “bài toán” mang tính sống còn của loại hình nghệ thuật này.

Theo NSND Nguyễn Thị Hòa Bình: “Việc lạm dụng quá nhiều công nghệ hiện đại, đặc biệt là trong trang trí, thiết kế sân khấu sẽ ảnh hưởng đến tính ước lệ và những trình thức biểu diễn của người nghệ sĩ. Không quá bảo thủ với những cái vốn có, nhưng phải dung hòa được yếu tố ước lệ và công nghệ hiện đại để vừa hấp dẫn khán giả, đồng thời tôn vinh diễn xuất của người nghệ sĩ. Để làm được điều đó, những người sáng tạo phải am hiểu nghệ thuật tuồng. Không gian của nhà hát trang trọng vẫn là yếu tố không thể thiếu. Hiện nay không có đình nào đáp ứng được nhu cầu về cơ sở vật chất cho nghệ thuật tuồng, nhất là những vở diễn đề tài hiện đại”.

NSND Vương Duy Biên - nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cho biết thêm: “Cần phải bảo tồn nguyên bản những gì được tiếp thu từ ông cha để lại. Bên cạnh đó, vẫn phải có những tác phẩm mang tính thử nghiệm, đáp ứng sự phát triển chung của xã hội. Sân khấu luôn cần những tác phẩm hấp dẫn khán giả, vì đây chính là đối tượng quyết định sự tồn tại và khuyến khích những sáng tạo mới của nghệ thuật”.

Tuồng, hát bội đang thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực kế thừa
Tuồng, hát bội đang thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực kế thừa

Thực tế từ nhà hát tuồng Đào Tấn cho thấy, tuồng là loại hình nghệ thuật không quá khó khăn khi tiếp thu yếu tố mới. NSND Hòa Bình đưa ra một ví dụ về thử nghiệm đưa các ca khúc vào vở diễn từ cách đây hơn 2 thập niên của nhà hát tuồng Đào Tấn. Đây là cách làm nhẹ đi những trình thức nặng nề của sân khấu cổ điển, và đưa tuồng đến gần hơn với khán giả. Thử nghiệm này đã thành công và được sử dụng phổ biến.

Để có thể vừa bảo tồn, vừa phát triển, theo NSND Vương Duy Biên, người làm nghề phải vừa có thể đảm đương cả những tác phẩm mang tính bảo tồn nguyên gốc, đồng thời vẫn có thể thích nghi với sáng tạo, thử nghiệm mới. Điều này một lần nữa lại quay về với vấn đề của muôn thuở: nguồn nhân lực kế thừa của nghệ thuật tuồng, hát bội. 

Hoa Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI