Nghệ thuật hát bội đến với sân khấu học đường

12/06/2024 - 21:07

PNO - Chiều 12/6 Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Phú Nhuận phối hợp với Nhà hát Nghệ thuật hát bội TPHCM tổ chức chương trình “Nghệ thuật học đường” nhằm giới thiệu nghệ thuật hát bội đến thiếu nhi của 13 xã, phường quận Phú Nhuận.

Ông Võ Hồ Hoàng Vũ - Phó giám đốc Nhà hát Nghệ thuật hát Bội TPHCM - cho biết, chương trình sân khấu học đường đã được nhà hát thực hiện từ năm 2002 đến nay. Thời gian gần đây, thành phố có chủ trương đưa các loại hình âm nhạc dân tộc vào học đường nên nhà hát đã đẩy mạnh nhiều suất diễn để phục vụ học sinh. Hiện nhà hát có hơn 10 trích đoạn, mỗi trích đoạn từ 15- 30 phút biểu diễn. Tùy đối tượng học sinh ở cấp học nào mà chọn vở diễn phù hợp, thông thường là các câu chuyện lịch sử, các giai đoạn, nhân vật lịch sử.

Tiết mục múa chào mừng “Nghĩ về hát bội, thêm yêu truyền thống” của các Nghệ sĩ đến từ Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TP.HCM- Ảnh: Kiều Anh
Tiết mục múa chào mừng Nghĩ về hát bội, thêm yêu truyền thống của các nghệ sĩ đến từ Nhà hát Nghệ thuật hát bội TPHCM

Tại buổi biểu diễn ở Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Phú Nhuận, hơn 200 em thiếu nhi vô cùng hào hứng khi lần đầu tiên được xem tiết mục múa chào mừng Nghĩ về hát bội, thêm yêu truyền thống, trích đoạn Ông già cõng vợ đi xem hội, trích đoạn Gương trinh nữ tướng... Thông qua các trích đoạn là những bài học về truyền thống yêu nước và dựng nước của ông cha ta, bài học về tình yêu thương con người với con người.

Ngoài được thưởng thức các vở diễn đặc sắc về tạo hình và âm thanh, các em học sinh còn được tìm hiểu quá trình lịch sử về sự hình thành và phát triển của nghệ thuật hát bội, biết được cách hóa trang và phân biệt tính cách nhân vật qua hóa trang, được tập thử một vài động tác đặc trưng như đi ngựa, chèo thuyền và cùng giao lưu với các ca nghệ sĩ.

 Các em thiếu nhi được giao lưu cùng nghệ sĩ và thử tập các động tác đi ngựa, chèo thuyền- Ảnh: Kiều Anh
Các em thiếu nhi được giao lưu cùng nghệ sĩ và thử tập các động tác đi ngựa, chèo thuyền

Lần đầu được xem hát bội, em Nguyễn Đức Trung, học sinh Trường THCS Long Bình, cho biết: “Trước đây em chỉ biết về cải lương, nhưng sau những vở diễn em được xem ở trường ngày hôm nay em thấy vô cùng ấn tượng và muốn tìm hiểu về lịch sử cũng như muốn xem thêm nhiều vở diễn nữa. Em rất mong trường sẽ tổ chức thêm nhiều chương trình nghệ thuật truyền thống để được gặp gỡ các nghệ sĩ và học hỏi nhiều hơn”.

Nhiều khán giả trẻ đến xem các vở diễn tại Thảo Cầm Viên
Nhiều khán giả trẻ đến xem các vở diễn tại Thảo Cầm Viên

Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Khanh cho rằng: “Chúng ta nên có niềm tin rằng, hát bội vẫn sẽ “sống” theo một cách khác, vẫn giữ được những giá trị truyền thống nhưng được khoác lên lớp áo mới hơn, trẻ hơn. Chính những dự án của các bạn trẻ sẽ góp phần tạo lối ra tốt cho nghệ thuật truyền thống, tạo ra một thế hệ khán giả trẻ, cũng như có thêm nhiều đất diễn, tạo chất xúc tác mạnh để các nghệ sĩ gắn bó hơn với nghề và tiếp tục cho ra đời nhiều vở hay hơn nữa”.

Kiều Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI