PNO - PN - Có một nghịch lý hiện nay là trình độ biểu diễn nghệ thuật hàn lâm ngày càng đi lên, lượng công chúng cũng ngày một khả quan hơn, nhưng văn hóa thưởng thức của khán giả lại đi xuống.
edf40wrjww2tblPage:Content
Tiếng giày cao gót “đạp” vào tai người nghe
Đêm nhạc Antonio Vivaldi mới đây tại Nhà hát Thành phố dự kiến diễn từ lúc 20g. Đúng giờ chuông reo, khách đến chỉ lác đác dù bảng “sold out” (hết vé) đã được treo trước khi đêm diễn bắt đầu. 20g05, chuông reo lần nữa, thêm khách lục tục kéo vào. 20g10, đêm diễn bắt đầu. Dàn nhạc ra chào, tiếng vỗ tay vang dội. Khi thanh âm tha thiết của đàn violin bắt đầu cất lên, cả khán phòng bỗng giật mình vì tiếng lộp cộp của giày cao gót chen ngang. Tiếng giày “đạp” vào tai khán giả khá lâu, bởi nữ khán giả gây ra tiếng động vô duyên ấy phải mất một quãng đường dài để lên ngồi hàng ghế gần sân khấu.
Chuyện giờ giấc đêm múa ballet đương đại Cây nỏ thần của nghệ sĩ Chun Yoo-Oh (Hàn Quốc) cũng không khá hơn. Vé mời ghi rõ yêu cầu khán giả đến sớm 30 phút (tức 19g30) để sắp xếp chỗ ngồi. Nhưng thực tế, 20g20 đêm múa mới có thể bắt đầu, và đến 21g vẫn còn khách lò dò đến! Trong ánh sáng mờ ảo của sân khấu, những bóng người cứ hiện lên lổn nhổn vì nhiều khán giả phải đứng dậy nhường lối đi vào cho khách đến muộn. Dù có lịch sự thu người lại hết mức, người đến sau vẫn không thể vô hình và vô thanh khi xuất hiện. Tiếng thì thào, bước chân qua hàng ghế làm cho người xem và cả nghệ sĩ đang trình diễn bị phân tâm.
Chuyện “giờ dây thun” không còn xa lạ gì tại các đêm diễn. Các nghệ sĩ luôn phải đợi khán giả, không chỉ những người quá giờ mà cả người đến đúng giờ, vì họ còn gửi xe, trình vé, lấy brochure, đi vào, ổn định chỗ ngồi. Tất cả các “thủ tục” lấy của họ cả chục phút, lấy luôn thời gian của hàng trăm khán giả đến đúng giờ và các nghệ sĩ phía sau tấm màn nhung. Đã có những chương trình trễ đến 30 phút vì khách đi bằng vé mời và khách VIP đến muộn. Có mặt trễ, không kịp xem nội dung các tiết mục, cũng không tìm hiểu trước về chương trình, nên mới có những tiếng vỗ tay lạc lõng khi bản nhạc chưa kết thúc. Và những tiếng vỗ tay đáng lý phải thật giòn giã khi tiết mục kết thúc, thì lại kém nhiệt tình vì trước đó nhiều người… vỗ nhầm, hoặc đang mải lo ra sớm để… lấy xe trước.
Một số hình ảnh ăn mặc phản cảm của khán giả tại các chương trình hàn lâm
Sự cố gần đây trong một đêm diễn được sự chỉ huy của nhạc trưởng hàng đầu nước Nhật, giám đốc nhà hát Opera Tokyo, Dàn nhạc Giao hưởng Nagoya, Dàn nhạc giao hưởng Sendai - ông Yoshikazu Fukumura, đã làm những khán giả văn minh tím mặt. Khi tiết mục đang vào phần cao trào, điện thoại của một nữ khán giả lớn tuổi bỗng đổ chuông với âm lượng rất lớn. Vị này luống cuống lần mò mãi không tìm thấy chiếc điện thoại để tắt, trong lúc tiếng chuông cứ réo giục giã, thách thức sự kiên nhẫn của những người xung quanh. Sân khấu chết lặng đến vài phút trong sự ngỡ ngàng của các nghệ sĩ. Khổ chủ sau khi tắt được điện thoại thì… tỉnh rụi như chưa từng nghe MC trước đó đến ba lần nhắc khán giả chuyển điện thoại sang chế độ rung.
Khách đi xem biểu diễn nghệ thuật còn thường xuyên dùng điện thoại để chat, chụp ảnh “tự sướng” đăng facebook và bận rộn trả lời comments suốt buổi. Một số người lại tỏ ra quan tâm đến nội dung đêm diễn bằng cách dùng ánh sáng màn hình hoặc đèn pin điện thoại để xem tờ chương trình, gây ảnh hưởng đến người ngồi cạnh. Chuyện chướng mắt nữa là những màn trình diễn thời trang “tả pí lù” của một số khán giả kém ý thức với quần lửng, áo hai dây như đang đi leo núi hoặc tắm biển.
Ứng xử chưa đẹp với nghệ thuật hàn lâm
Với nhà tổ chức chương trình, việc ngăn chặn khán giả làm điều khó coi dường như vượt quá khả năng. Dù trên vé ghi rõ quy định về trang phục, giờ giấc, trẻ em dưới 10 tuổi không được vào khán phòng, không được mang thức ăn vào nhà hát… nhưng nếu có ai đó không thèm đọc hoặc cố tình phớt lờ thì… cũng chịu thua. Nhân viên nhà hát không thể không cho khán giả vào bên trong, mà chỉ có thể nhắc nhẹ… lần sau mặc trang phục đúng quy định. Ngoài ra, còn có nhiều khách du lịch nước ngoài, thấy giá vé rẻ đã tò mò tạt ngang vào nghe nhạc cổ điển trong trang phục bụi bặm, nhân viên cũng không thể từ chối.
“Chúng tôi chỉ có thể tập trung đầu tư cho chất lượng của chương trình, còn hình thức tổ chức biểu diễn và trang phục khán giả thì chưa thể can thiệp được, vì Nhà hát Thành phố không phải của chúng tôi”, một lãnh đạo Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO) cho biết.
Mang trẻ con vào khán phòng
Tiếng màn trập máy ảnh vang lên khi các phóng viên tác nghiệp cũng là một điểm gây khó chịu trong những đêm nhạc cổ điển. Mặc khán giả yên lặng thưởng thức, nhiều tay máy vẫn bấm máy liên tục. Đã có một số cách giải quyết như chỉ cho phép chụp ảnh trong 15 phút đầu chương trình; mời đến ghi hình trước tại các buổi tổng duyệt; dành hai hàng ghế cuối tầng trệt để tác nghiệp bằng ống kính tiêu cự dài để không ảnh hưởng đến người xem. Nhưng không phải đã hết phiền hà vì cánh báo chí quá hăng say.
Sự dễ dãi của khán giả tại những đêm diễn nghệ thuật hàn lâm còn vì tình trạng “bụt chùa nhà không thiêng”. Có nhiều người Việt sẵn sàng bỏ ra 300 đô la (gần bảy triệu đồng), xếp hàng ba tiếng đồng hồ mua vé xem nhạc kịch ở châu Âu, hay đáp máy bay sang Singapore, Thái Lan để nghe hòa nhạc. Nhưng cũng những khán giả này, họ chỉ thích kiếm giấy mời xem miễn phí các buổi biểu diễn nghệ thuật ở TP.HCM, chứ nhất định không bỏ tiền mua vé.
Nghệ thuật hàn lâm đang nỗ lực tìm kiếm thêm khán giả để chinh phục bằng những chương trình chất lượng. Bên cạnh những buổi biểu diễn của các tài năng quốc tế là các chương trình miễn phí, những buổi workshop, master class do các nghệ sĩ Việt trở về từ nước ngoài như NSND Đặng Thái Sơn, nghệ sĩ Bích Trà, Lê Phi Phi hay các nghệ sĩ nổi tiếng người nước ngoài đứng lớp. Ở quy mô nhỏ hơn là những buổi “cà phê nghệ thuật” với sự tham gia của các tài năng như Nguyễn Mạnh Duy Linh, Việt Anh, Tăng Thành Nam, Nguyễn Phúc Hùng… Những đêm Giai điệu trẻ dành cho sinh viên đều đặn trong những năm qua, những buổi trò chuyện cùng học sinh - học viên các trường quốc tế tìm hiểu về âm nhạc cổ điển… Thông tin về các mùa biểu diễn, nội dung đêm diễn được giới thiệu từ trước đó nhiều tháng qua các ấn phẩm trang trọng.
Nhưng nỗ lực trên nhận lại sự đối xử không tương xứng. Nhiều khán giả cho âm nhạc hàn lâm xuống “chiếu dưới” trong cuộc chơi thị trường, như thể mỗi chiếc vé được mua là một cuộc “nhón tay làm phúc”, ủng hộ những người làm nghệ thuật đỉnh cao. Dù số đêm diễn bán hết vé đã nhiều hơn, nghệ sĩ có động lực để trình diễn hơn, chất lượng đêm diễn được đánh giá cao hơn… nhưng ý thức thưởng thức nghệ thuật của khán giả thì vẫn chưa tương thích.
TUỆ NHÃ
Nghệ sĩ sáo flute Nguyễn Ly Hương:
Đối với những chương trình giao thoa với nhạc trẻ hoặc mang tính chất trẻ trung, thì khán giả có thể diện váy ngắn nhưng cần ở mức độ trẻ trung vừa phải chứ không phản cảm, hở hang. Còn ở những chương trình hòa nhạc trang trọng tất nhiên cần phải ăn mặc chuẩn mực.
Nghệ sĩ Clarinet Đào Nhật Quang:
Người châu Âu có văn hóa ăn mặc rất rõ ràng. Họ mặc cực kỳ thoải mái khi đi chơi. Còn khi đi nghe hòa nhạc hoặc những chương trình có tính chất lễ tân, họ ăn diện rất đẹp và cẩn thận để thể hiện đẳng cấp và gu thẩm mỹ của mình. Người Nhật cũng vậy, họ thường diện vest sẫm màu sang trọng, nhất là trong các chương trình có quan chức hoặc nghệ sĩ nổi tiếng. Ở Việt Nam ta thì do đặc trưng thời tiết nóng bức có thể không mặc vest, nhưng vẫn có thể mặc quần âu áo sơ mi, lịch sự như thời trang công sở.
Biên đạo Ngọc Khải, vũ đoàn Arabesque:
Từ nhiều năm nay, chúng tôi cố gắng giữ sự trọn vẹn cho không gian thưởng thức của khán giả bằng cách hạn chế quay phim, chụp ảnh trong không gian vở diễn. Nếu vẫn có những việc làm cố tình, chúng tôi buộc phải dừng vở diễn và làm lại từ đầu. Nhưng tôi luôn hy vọng điều đó không xảy ra.
NSND Trần Ngọc Giàu cho biết, Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024 có thêm giải thưởng cho tác giả chuyển thể là bước tiến lớn, động viên lực lượng sáng tác.