PNO - Nhờ tác phẩm nghệ thuật đường phố (street art), nhiều cung đường, đoạn phố ở các nước trên thế giới trở thành điểm đến yêu thích của du khách, thu về nguồn lợi tài chính đáng kể cho địa phương. Là thành phố năng động, hiện đại, du nhập nghệ thuật đường phố khá sớm nhưng TPHCM lâu nay vẫn còn bỏ ngỏ loại hình nghệ thuật này.
Graffiti (nghệ thuật vẽ tranh tường) là loại hình nghệ thuật đường phố phổ biến nhất, được giới trẻ rất yêu thích nhưng đang bị thả nổi, dẫn đến tác phẩm nghệ thuật thì hiếm mà tranh vẽ bậy thì nhiều.
Các thí sinh dự cuộc thi Graffi ti Championship 2024 đang vẽ trước Bưu điện TPHCM chiều 6/12 - Ảnh: Diễm Mi
Daos501 (Đào) - nghệ sĩ vẽ tranh tường (graffiti) kỳ cựu của Việt Nam và TPHCM - kể, thời niên thiếu, anh thường vẽ lên tường, bị chính quyền địa phương mời “làm việc” nhiều lần khiến người nhà vô cùng phiền lòng do phải đến bảo lãnh, cam kết không để tái phạm. Trưởng thành hơn, anh ý thức rằng nếu muốn lan tỏa giá trị đích thực của tranh đường phố thì không nên vẽ tùy hứng mà phải có ý tưởng, có phương án khoa học để thể hiện, tạo ra tác phẩm ấn tượng, mang tính nghệ thuật cao. Theo anh, ở TPHCM, không có nhiều không gian cho graffiti đích thực. Do thiếu sân chơi, một số cá nhân lén lút vẽ lên tường nhà dân hay các công trình công cộng, trong đó có tác phẩm “coi được”, có sản phẩm vẽ bậy.
Nghệ sĩ graffiti Khang Huỳnh - giám khảo của cuộc thi Graffiti Championship 2024 vừa diễn ra ở TPHCM - cho biết, ở Việt Nam, nghệ thuật đường phố nói chung, graffiti nói riêng không nhận được những đánh giá tích cực, một phần cũng do nhiều người trẻ thiếu ý thức trong sáng tác. Tuy nhiên, cần nhìn nhận đúng đắn về khả năng, những đóng góp tích cực của những bạn trẻ có tài, đang hoạt động tích cực. Có thể xem cuộc thi Graffiti Championship 2024 là sân chơi chính danh để các tài năng graffiti được cọ xát, học hỏi và thể hiện năng lực.
Nghệ thuật đường phố (street art) là tập hợp các loại hình nghệ thuật mà tác phẩm được tạo ra ở nơi công cộng, lấy cảm hứng từ môi trường đô thị nhằm làm mới không gian đô thị, trong đó phổ biến là loại hình tạo tranh tường (vẽ bằng sơn, đổ sơn lên khuôn, dán tem nhãn, khảm), tạo hình, chiếu sáng các công trình công cộng, trình diễn tập thể…
Các hoạt động liên quan nghệ thuật đường phố ở TPHCM vẫn còn khá hiếm hoi, nghệ thuật đường phố ở TPHCM vẫn chưa được các cơ quan, ban, ngành chức năng quan tâm, đầu tư đúng mực. Theo báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, trong năm 2024, sở đã tổ chức 41 lễ hội, sự kiện, chuỗi sự kiện (giảm 9 lễ hội, sự kiện so với năm 2023) nhưng trong danh sách này, chưa có hoạt động nào dành cho nghệ thuật đường phố.
Việc bỏ ngỏ nghệ thuật đường phố như thời gian qua là một thiếu sót đáng tiếc, nhất là khi TPHCM được biết đến là thành phố năng động, hiện đại, du nhập nghệ thuật đường phố khá sớm và đa dạng loại hình. Không nên xem nhẹ việc phát triển nghệ thuật đường phố bởi chính mảng màu này sẽ làm đặc sắc hơn văn hóa thành thị, qua đó thu hút du khách, giúp người trẻ có cơ hội phát triển khả năng, niềm đam mê.
Những tín hiệu đáng ghi nhận
Hoạ sĩ graffiti Thảo Xeko đang thực hiện tác phẩm ở khu Bưu điện TPHCM trong khuôn khổ sự kiện Saigon Urban Street Fest by artLIVE mùa đầu tiên (năm 2023) - Ảnh: Diễm Mi
Ở TPHCM, graffiti xuất hiện khoảng 20 năm trước. Nếu trong giai đoạn đầu, graffiti chỉ toàn bôi bẩn, vẽ bậy thì những năm gần đây, các tác phẩm graffiti đã được xuất hiện một cách chính thống hơn thông qua một số hoạt động có tổ chức.
Lần đầu được xem các công đoạn hoàn thiện một tác phẩm graffiti ở Bưu điện TPHCM, Trần Lê Vân - 21 tuổi, ở TP Thủ Đức - tỏ ra thích thú: “Tôi thường thấy những bức vẽ trên tường dọc đường, không biết do ai vẽ, vẽ khi nào, ý tưởng ra sao nhưng đa phần đều xấu xí, làm bẩn các công trình. Xem cuộc thi graffiti diễn ra ở đây, chứng kiến các bước thực hiện một tác phẩm, tôi hiểu hơn năng khiếu, chất xám, công sức mà các nghệ sĩ trẻ bỏ ra cho một tác phẩm graffiti, đồng thời hiểu hơn về niềm đam mê của các bạn trẻ về loại hình nghệ thuật này”.
Có thể xem Jam - Vietnam Urban Arts 2021 do Viện Pháp tại Việt Nam tổ chức là “phát súng” đầu tiên cho chuỗi sự kiện nhằm mang tới hình ảnh mới cho graffiti ở TPHCM. Lần đầu tiên, trong khuôn viên xanh mát của dinh thự Pháp ở số 6 Lê Duẩn, quận 1, các nghệ sĩ graffiti trình diễn tài hội họa trước đông đảo công chúng trẻ trong nước và quốc tế.
Tiếp đó, Viện Goethe (của Đức) tại TPHCM đã phối hợp Hội đồng Nghệ thuật Thụy Sĩ Pro Helvetia tổ chức sự kiện Saigon Urban Arts 2021 với nhiều tọa đàm về nghệ thuật đường phố cùng chuỗi hoạt động làm đẹp cho một số mảng tường trên đường phố của TPHCM. Bẵng đi 2 năm, tới năm 2023, Viện Goethe tại TPHCM tiếp tục phối hợp artLIVE tổ chức sự kiện Saigon Urban Street Fest, đưa nghệ sĩ graffiti đến Bưu điện TPHCM để vẽ trực tiếp trước công chúng. Ở mùa thứ hai vừa kết thúc vào ngày 7/12, cũng tại địa điểm trên, trong 2 ngày liên tiếp, đông đảo người dân, du khách được chứng kiến một cuộc thi vẽ graffiti khá gay cấn, hấp dẫn.
Có thể nói, trong tháng 11 và 12/2024, nghệ thuật đường phố ở TPHCM có dịp nở rộ. Ngoài cuộc thi graffiti, công chúng yêu mến bộ môn nhảy hip hop có thể tham gia Hipfest World Final 2024. Sự kiện này quy tụ hơn 800 thí sinh từ khắp nơi trên thế giới, là cuộc thi hip hop có quy mô quốc tế đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam. Cộng đồng yêu mến môn trượt ván (skateboard) cũng có thể tham gia sự kiện Đêm thâu Halloween Skate Night - sân chơi dành riêng cho những người đam mê ván trượt, dự kiến sẽ được tổ chức thường niên ở TPHCM.
Ở TPHCM, graffiti đang được nhìn nhận cởi mở hơn qua các hoạt động cụ thể. Các cuộc thi trượt ván, hip hop cũng cho thấy một đời sống sôi động của nghệ thuật đường phố. Ở công viên bờ sông Sài Gòn những ngày diễn ra sự kiện Hipfest World Final 2024, không khí cực kỳ náo nhiệt với những tiếng reo hò, cổ vũ mỗi khi các vận động viên thể hiện thành công động tác khó. Có thể nói, “bức tranh” nghệ thuật đường phố ở TPHCM trong năm 2024 đã phong phú sắc màu hơn.
Đừng nhân danh graffiti để vẽ bậy, làm xấu cảnh quan
Nghệ thuật đường phố ở TPHCM đang tồn tại giữa những lằn ranh. Vẫn còn đó những cá nhân chưa có ý thức, vẽ bậy lên các công trình. Ở một ngã tư đường thuộc TP Thủ Đức, bên cạnh dòng chữ “Vì mỹ quan thành phố, xin đừng viết vẽ lên tường” lại xuất hiện bức vẽ graffiti xấu xí.
Trong năm 2024, Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ TPHCM đã phải nhiều lần ra quân khôi phục lại hiện trạng các bức tường, chân cầu, thành cầu bị vẽ bậy. Tuy nhiên, khó mà có thể xóa hết những bức tường bị bôi bẩn trên khắp thành phố; có trường hợp hôm nay xóa thì hôm sau lại bị bôi bẩn. Cũng trong năm 2024, ngân sách TPHCM đã chi khoảng 5 tỉ đồng để sơn sửa và sơn chỉnh trang, chống vẽ bậy trên các cầu lớn.
Cơ quan chức năng cũng liên tục ghi nhận các vụ vẽ bậy lên toa tàu thuộc đoàn tàu metro số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên) đặt ở bãi (depot) Long Bình, TP Thủ Đức. Tình trạng vẽ bậy lên chân cầu Ba Son, hầm chui Nguyễn Hữu Cảnh, nhà dân, công viên thỉnh thoảng vẫn tái diễn. Hành vi vẽ bậy của những cá nhân vô ý thức càng khiến công chúng có cái nhìn không mấy thiện cảm với bộ môn nghệ thuật graffiti.
Du lịch các nước thu lợi nhờ nghệ thuật đường phố
Nổi lên từ những năm 1960-1970 cùng sự trỗi dậy của văn hóa hip hop, nghệ thuật đường phố - trong đó có graffiti - ở các nước cũng chịu nhiều điều tiếng. Phải qua một thời gian, các nước mới có những chiến lược, quyết sách phù hợp để đưa nghệ thuật đường phố vào khuôn khổ, hoạt động có tổ chức hơn và đặc biệt là sinh lợi.
Ở TP Melbourne của Úc, có một con đường tranh tường nổi tiếng mang tên Hosier Lane. Trên đường này, từng mảng tường đều được các nghệ sĩ graffiti phủ kín bằng những hình vẽ khác nhau. Mỗi nghệ sĩ một cá tính, một trường phái nhưng họ không vẽ tùy hứng mà có sự tính toán về màu sắc, bố cục để tạo sự hài hòa. Hosier Lane hiện đang là điểm chụp hình đánh dấu sự có mặt (check-in) yêu thích của khách du lịch khi đến Úc.
Nhiều phố tranh tường ở các nước khác cũng được liệt kê vào danh sách những nơi mà du khách nên đến, như đường phố Bogotá ở Colombia, Montreal ở Canada, Lisbon của Bồ Đào Nha, Brussels của Bỉ... Ở những con phố này, có cả ngàn bức vẽ graffiti đậm chất nghệ thuật. Chúng không quá tách biệt mà gần như hòa vào đời sống, phù hợp với cảnh quan, không gian đô thị.
Gần hơn, trong khu vực Đông Nam Á, nghệ thuật đường phố đã tạo thêm điểm nhấn cho nhiều thành phố, như một số khu “sống ảo” ở Kampong Glam hay Little India của Singapore, con hẻm nghệ thuật Bukit Bintang của Malaysia, làng Jodipan ở Malang thuộc Indonesia...
Không phải quốc gia nào cũng có thống kê các con số cụ thể mà nghệ thuật đường phố mang lại cho du lịch. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là nghệ thuật đường phố giúp thu hút du khách và tăng thêm trải nghiệm cho du khách khi đến địa phương.
Riêng con đường tranh tường Hosier Lane đã mang về nguồn tiền trung bình 62 triệu USD/năm cho TP Melbourne thông qua các tour tham quan nghệ thuật đường phố với khoảng 80.000 du khách đến đây mỗi năm. Tại đây, các nghệ sĩ đường phố cũng sống được nhờ nghề vẽ tranh dạo. Ngoài các bức tường tranh, Hosier Lane còn có các tiệm bán đồ lưu niệm như thiệp, áo in graffiti cùng nhiều vật phẩm liên quan nghệ thuật đường phố như nón, ván trượt, tranh khổ nhỏ...
Ý kiến:
Nếu biết khai thác, đây là thị trường ngách tiềm năng
Ngay sau khi được thành lập vào tháng 6/2023, đến tháng 10, artLIVE tổ chức sự kiện Taste of Saigon by artLIVE (lễ hội nghệ thuật hương vị) ở hội trường Thống Nhất. Liền sau đó, chúng tôi tổ chức Saigon Urban Street Fest (lễ hội nghệ thuật đường phố) tại Bưu điện TPHCM. Đây là 2 lễ hội mà chúng tôi định hình sẽ tổ chức thường niên.
Trong năm đầu tiên, Saigon Urban Street Fest đưa các nghệ sĩ gốc Việt từ nước ngoài về Việt Nam trình diễn, còn năm nay, chúng tôi cùng các nghệ sĩ trong nước định hướng để đi đường dài, xây dựng cộng đồng nghệ thuật tại Việt Nam. Điểm nhấn của năm nay là cuộc thi Graffiti Championship 2024. Chọn graffiti vì đây là cộng đồng dù chưa lớn ở Việt Nam nhưng giàu tiềm năng phát triển nghệ thuật. Hiện nay, sân chơi dành cho graffiti chưa nhiều. Do đó, khi tổ chức cuộc thi, ở vòng loại, chúng tôi có 1 gara để các bạn có thể vẽ lên tất cả các bức tường. Đến vòng chung kết, các thí sinh xuất sắc được đưa đến không gian công cộng rộng lớn hơn để thể hiện tài năng, khát vọng của mình trước sự chứng kiến của cộng đồng. Từ đây, công chúng có thể thay đổi cái nhìn về graffiti, xem graffiti là bộ môn nghệ thuật đúng nghĩa.
Chúng tôi không chỉ muốn tổ chức một cuộc thi mà còn muốn tạo đường dài cho một cộng đồng tiềm năng. Rất nhiều nghệ sĩ có nền tảng từ graffiti đã tạo ra các mô hình đồ chơi nghệ thuật (art toy) rất đẹp, giá trị. Tôi muốn nhắc đến hiện tượng Labubu rất ăn khách (hot) trong thời gian qua, nếu không xây dựng thì không thể có những thị trường như vậy. Graffiti không chỉ là tranh tường mà còn có những thị trường ngách khác cần hướng đến.
Các hoạt động do artLIVE tổ chức là thường niên nên nếu được đưa vào lịch trình du lịch của TPHCM để du khách biết trước thời gian, địa điểm và tham gia là động lực để chúng tôi cố gắng nhiều hơn, bên cạnh việc duy trì mục tiêu xây dựng cộng đồng làm nghệ thuật, tạo sân chơi cho nghệ thuật đường phố.
Bà Trang Dương - nhà sáng lập artLIVE
Graffiti Việt biết nương vào hoàn cảnh để phát triển
Trong bất cứ ngành nghệ thuật nào, ranh giới giữa đúng và sai, tốt và xấu đều rất mong manh. Tài năng của nghệ sĩ nằm ở chỗ thuyết phục được chính mình và cộng đồng thông qua tác phẩm chứ không có sự đúng, sai tuyệt đối. Graffiti cũng vậy.
Tôi gắn bó với graffiti 20 năm trong vai trò người nghiên cứu, viết lách từ giai đoạn đầu, khi bộ môn này manh nha ở Việt Nam. Tôi nhớ đã tới vô số đồn công an để xin cho các bạn trẻ vẽ graffiti về nhà và giải thích thêm cho các cán bộ hiểu về loại hình nghệ thuật này. Việt Nam hiện có khoảng 50 nghệ sĩ graffiti hoạt động thường xuyên, cộng thêm 50 người ở “vòng ngoài”. Đây là cộng đồng rất nhỏ, trải dài từ Bắc chí Nam, mạnh nhất là ở TPHCM và TP Hà Nội. Mỗi nơi đều có những nghệ sĩ riêng và trong giới đều biết rõ.
Phải nói rằng graffiti Việt Nam rất giỏi ứng biến, biết nương tựa vào hoàn cảnh để khẳng định bản thân, để cất lên tiếng nói của mình. Vẽ trên toan hay trên bức tường, xe hơi hay vật phẩm nào đó như chiếc ghế, bình nước thì chỗ để vẽ cũng chỉ là phương tiện để nghệ sĩ thể hiện tài năng và bản lĩnh. Đây là điều rất tuyệt vời của graffiti Việt Nam. 20 năm non trẻ nhưng họ rất biết nương tựa hoàn cảnh để phát triển, thể hiện mình.
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 147/2024/NĐ-CP thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP, và chính thức có hiệu lực từ ngày 25/12/2024.