Ở một xã hội thường phủ nhận sự tồn tại của các vấn đề về sức khỏe tinh thần như Việt Nam hay các nước Á Đông khác, khi trải qua những chấn thương về tâm lý, làm sao để thể hiện cảm xúc của bản thân mà không sợ người khác phán xét? Đối với Tricia Nguyễn, người sáng lập dự án độc lập Wintercearig, nghệ thuật cũng là giải pháp để giải phóng tâm hồn.
Wintercearig có nghĩa là Sầu đông, thể hiện một sự lạnh, buồn dai dẳng của mùa đông, gợi lại ký ức đầy “mây đen” trong lòng Tricia Nguyễn. Cơn trầm cảm của bản thân chính là cơn cớ để cô gái này khởi động dự án nghệ thuật nhằm nâng cao nhận thức về sức khỏe tinh thần tại Việt Nam, thông qua nghệ thuật đương đại, các cuộc hội thảo và đàm thoại.
|
Không khí tại một xưởng chơi “Làm màu” do Toa tàu tổ chức |
Dự án ra mắt tại The Factory Contemporary Art Center năm 2017, với trưng bày nghệ thuật của nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Đan và hai vở múa đương đại: Rối loạn lo âu và Trầm cảm. Triển lãm Khu rừng đã được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM tháng 10/2018, với sự góp mặt của các nghệ sĩ như Florian Sông Nguyễn (Pháp), Thu Trần (Hà Nội), Hoàng Nam Việt, Chung Nguyễn, Khánh Chinh và Thịnh Thiệu (TP.HCM).
Năm nay, Sầu đông tập trung vào đối tượng trẻ em và thanh niên, tổ chức các hội thảo nghệ thuật trong 6 tháng và triển lãm vào tháng 11 tới.
Tricia Nguyễn nói, so với các phương pháp trị liệu khác, nghệ thuật gắn với trải nghiệm riêng tư và đầy tính cá nhân ở đó. Quá trình tương tác với tác phẩm cũng là quá trình mỗi cá nhân tự chữa lành chấn thương tâm lý của mình. Ở đó, họ không bị ai phán xét, không chịu bất kỳ áp lực nào từ bất cứ ai, cũng chẳng ai bắt họ phải thế này thế khác. Họ tự do, trải nghiệm và cùng sáng tạo, tái sinh tác phẩm trên những chiều kích mới. Nghệ sĩ chỉ là người đưa cho họ chiếc chìa khóa, quyết định mở lòng mình ra hay không thuộc về họ.
Nếu ở nước ngoài, sức khỏe tinh thần được chăm sóc thường xuyên và nghệ thuật trị liệu đã có từ lâu thì ở nước ta, vấn đề này vẫn chưa được quan tâm đúng và đủ. Nếu một người có vấn đề về tâm lý, thường họ sẽ bị phán xét là người điên hoặc không bình thường, bị cô lập, kỳ thị, gây ra tâm lý sợ bị nhòm ngó, ngại tìm đến bác sĩ hoặc chuyên gia.
|
Múa Rối loạn âu lo trong chương trình Wintercearig - Ảnh: Florien Nguyễn |
Trên thế giới, bên cạnh các phương pháp truyền thống, trị liệu nghệ thuật (Art therapy) được xem là phương thức hiệu quả hỗ trợ sức khỏe tinh thần, đã được áp dụng thành công tại các cơ sở y tế, trường học, thậm chí là nhà tù. So với phương pháp trị liệu truyền thống, trị liệu nghệ thuật tập trung vào biểu hiện cảm xúc, suy nghĩ của bản thân như một phương pháp trị liệu. Cảm xúc và suy nghĩ được khám phá thông qua nhiều hình thức khác nhau, bao gồm: vẽ, tô màu, múa...
Theo cách này, trị liệu nghệ thuật gồm ba yếu tố: nhà trị liệu, người có vấn đề về sức khỏe tinh thần và nghệ thuật. Thông qua việc thể hiện bản thân, các nhà trị liệu nghệ thuật tin rằng, mọi người có thể cảm thấy kết nối nhiều hơn với thế giới xung quanh.
Tại Việt Nam, ngoài Sầu đông, có thể kể thêm một số dự án, chương trình khác liên quan tới các nhóm múa chuyển động trị liệu, các khóa học do Toa tàu, các xưởng nghệ thuật cho trẻ em như Tí Toáy... thực hiện, đều sử dụng nghệ thuật như một công cụ để giải phóng tâm hồn. Trị liệu nghệ thuật có thể giúp ta vượt qua nỗi đau, những áp lực căng thẳng ở mức độ cao, phát triển trí nhớ, kỹ năng giao tiếp và tạo cảm giác tự tin. Ngoài ra, nghệ thuật cũng có khả năng làm dịu, truyền cảm hứng, tiếp thêm sức mạnh cho những người đang gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần.
Adrian Hill - nhà tiên phong trong lĩnh vực nghệ thuật trị liệu - cho rằng, giá trị của nghệ thuật trị liệu nằm ở chỗ, nó hoàn toàn choán hết tâm trí, giải phóng năng lực sáng tạo và có thể kích hoạt bệnh nhân xây dựng hàng rào tự vệ mạnh mẽ đối với những biến cố không may.
|
Một bức tranh trong triển lãm Dải hẹp của bầu trời của hoạ sĩ Nguyễn Ngọc Đan. Hội họa là thứ chị gửi gắm nỗi cô đơn. |
Tháng 11/2018, nhân triển lãm Dải hẹp của bầu trời tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, khi được hỏi về khoảng thời gian bị trầm cảm sau khi về nước và khó hòa nhập cộng đồng, họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan kể, chính hội họa là thứ chị gửi gắm nỗi cô đơn, vừa là phương tiện để suy tư về cuộc sống.
Triển lãm trưng bày những tác phẩm có những chiếc lồng chim đung đưa, có cả những chiếc lồng trống không, có những chú chim bay đi tìm tự do… ngụ ý như một cách vẫy vùng, tìm khoảng không gian riêng để hít thở, để tồn tại, trong dải hẹp nhỏ nhoi của bầu trời. Đan nói, dù cuộc sống có khó khăn thế nào, con người cũng phải đấu tranh để vượt thoát khỏi những ngột ngạt, tù túng, để hướng tới những điều tốt đẹp.
Cốc Vũ