Bảo tồn và phát triển
Vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc lập hồ sơ các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Việt Nam trình UNESCO xem xét. Trong đó, tỉnh Thái Bình giữ vai trò chủ trì trong việc lập hồ sơ cho nghệ thuật chèo.
Giữa làn sóng đô thị hóa và sự phát triển của các loại hình giải trí hiện đại, việc bảo tồn, phát huy giá trị của nghệ thuật truyền thống càng trở nên cấp bách. Việc bảo tồn nguyên trạng hay phát triển chèo hiện đại hơn, là bài toán được đặt ra.
NSƯT Tuấn Cường - Phó Giám đốc Nhà hát chèo Việt Nam - cho biết từ khi ra đời đến nay, chèo đã qua nhiều lần biến đổi, phát triển. Chẳng hạn, đầu thế kỷ XX, chèo từ nông thôn bước ra thành thị, nên chức năng phản ánh, cách thể hiện cũng thay đổi rất nhiều trên sân khấu lớn, so với khi xuất hiện tại lễ hội nơi làng quê.
|
Cảnh trong vở chèo Quan Âm Thị Kính |
“Tuy nhiên, mỗi loại hình có những đặc trưng riêng, nên trước tiên phải gìn giữ được những điều đó. Chèo có thể hòa nhập, nhưng không hòa tan. Chẳng hạn cấu trúc làn điệu, mô hình nhân vật, động tác đặc trưng… không được thay đổi. Điều gì không phù hợp, tự khắc sẽ bị loại thải”, NSƯT Tuấn Cường nói.
NSND Quốc Anh - Giám đốc Nhà hát chèo Hà Nội - cũng cho rằng bảo tồn phải đi đôi với phát triển. Theo đó, bảy vở chèo cổ: Kim Nham, Trương Viên, Lưu Bình Dương Lễ, Quan Âm Thị Kính, Chu Mãi Thần, Trinh Nguyên, Từ Thức phải được giữ nguyên bản. Ngoài ra, nếu những vở diễn khác hay, chất lượng cũng nên được bảo tồn theo hình thức này.
Với đặc tính giai điệu mềm mại, lời đậm chất thơ, chèo có thêm một hướng đi khác, phát triển thành các vở diễn đương đại, hoặc kết hợp với những loại hình, thể loại âm nhạc khác. Gần đây, nghệ sĩ Sao Mai nhận nhiều lời khen khi ứng dụng chèo vào sản phẩm nghệ thuật mang tính đương đại. Trong Sóng ngầm sông Hồng, chị hóa thân thành Thị Màu, thể hiện những động tác đặc trưng của chèo kết hợp múa đương đại. Nền nhạc kết hợp jazz, hip hop…
NSND Quốc Anh cho rằng về nội dung, chèo đã phản ánh cuộc sống hiện thực tốt hơn, nhưng khả năng hòa nhập, tạo ra những điều mới mẻ vẫn còn chậm. Thực tế, thi thoảng mới xuất hiện một vài sản phẩm phối hợp ăn ý giữa nghệ thuật truyền thống và âm nhạc hiện đại như rap, EDM… Vẫn còn thiếu nhịp cầu nối giữa các nghệ sĩ chèo nói riêng, nghệ thuật truyền thống nói chung và nghệ sĩ, ca sĩ trẻ.
Sớm tiếp cận những khán giả trẻ
Nghệ thuật sống được phải có thị trường, khán giả. Thực tế, hiện nghệ thuật truyền thống nói chung khó tiếp cận người trẻ. NSND Thúy Ngần cho rằng việc phải tạo ra được lớp khán giả trẻ là điều cấp thiết. Việc tiếp cận đối tượng khán giả này cần diễn ra ngay từ trên ghế nhà trường.
|
Cảnh trong vở chèo Xuý Vân giả dại |
Vài năm gần đây, bà đã tham gia giảng dạy, trình diễn tại một số trường ở Hà Nội, Nam Định trong các buổi ngoại khóa, hoặc bổ trợ cho bài giảng của giáo viên. Đây là cơ hội tốt để các em có thể biết, thu nạp kiến thức về chèo. Theo đó, học sinh tiểu học sẽ dừng ở việc biết, chơi cùng chèo. Học sinh trung học cơ sở có thể nhận thức sâu hơn thông qua việc tìm hiểu nhạc cụ, nhân vật, các làn điệu.
Tuy nhiên, nữ nghệ sĩ trăn trở vì hiện tại mô hình này chưa được đồng bộ. Chỉ có trường nào có điều kiện, hoặc quan tâm mới tổ chức. “Anh chị em nghệ sĩ luôn sẵn sàng tham gia những hoạt động này. Hơn ai hết, chúng tôi mong muốn chèo tiếp tục được người trẻ biết, giữ gìn và tiếp tục phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, để có được một dự án lớn, phải cần cơ quan quản lý nhà nước tính toán, sắp xếp”, nữ nghệ sĩ tâm sự.
Một hướng đi khác đang được Nhà hát chèo Việt Nam phát triển, là tiếp cận khán giả trẻ trên môi trường mạng. Đơn vị này đã tổ chức nhiều mini show nhỏ cho các nghệ sĩ trình diễn phục vụ khán giả vài tháng qua, bước đầu thu được tín hiệu tốt. “Mạng xã hội, môi trường số ngày càng có sức ảnh hưởng lớn đến cuộc sống con người. Tại đây, nghệ thuật có nhiều cơ hội tiếp cận khán giả hơn. Vì thế, chúng tôi cố gắng thực hiện những phép thử”, NSƯT Tuấn Cường chia sẻ.
Một trong những con đường phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống tốt nhất, là kết hợp chúng với du lịch. Thường vào mùa lễ hội (rơi vào những tháng đầu năm), nghệ sĩ chèo sẽ có lịch hoạt động khá dày đặc. Nhưng những tháng sau đó, họ phải chuyển sang đi đóng phim, hát đám tiệc. Điều này gây lãng phí nguồn nhân lực hiện có.
NSND Thúy Ngần nói khi sang Nhật du lịch, bà ấn tượng với mô hình phát triển kịch Nô tại đây. Khi bước vào một khu phố, du khách được mặc kimono, sau đó được xem, tìm hiểu hết những yếu tố xoay quanh loại hình này. Hiện, ở các tỉnh đồng bằng Bắc bộ, trung du miền núi Bắc bộ và Bắc Trung bộ - những nơi chèo phát triển mạnh - vẫn lưu giữ được nhiều cảnh vật cổ xưa, phù hợp để kết hợp chèo với du lịch, trải nghiệm văn hóa. Nhưng việc này vẫn chưa được đẩy mạnh.
Một hướng khác là xây dựng chèo thành một thương hiệu sân khấu, có dấu ấn. Bà lấy ví dụ vở xiếc Làng tôi, chỉ từ những chất liệu sẵn có, nhưng với âm thanh, ánh sáng, cách dàn dựng hiện đại rất hút khách. Điểm đặc biệt nhất là đạo diễn luôn biết mang đến sự bất ngờ, khiến khán giả phải ồ lên thích thú. Điều này chèo cần học hỏi.
Việc phát triển được những mô hình này sẽ giúp nghệ sĩ, người làm nghề an tâm gắn bó hơn, đồng thời cũng thu hút được nhân lực trẻ. Ngoài ra, bà cho rằng công tác quảng bá cần phải được đẩy mạnh. Điều này, nghệ thuật chèo chưa làm tốt.
“Khách du lịch đến một quốc gia nào đó thì chắc chắn nghệ thuật truyền thống là điểm khó thể bỏ qua. Nhiều tỉnh miền Bắc nổi tiếng với nghệ thuật chèo, các nhà hát, đoàn chèo vẫn hoạt động nhộn nhịp. Đây là nền tảng tốt. Tuy nhiên, để nâng tầm, phát triển toàn diện, thì cần các bên phối hợp, với sự định hướng của Nhà nước, cơ quan quản lý. Chúng tôi thực sự chờ đợi điều này”, NSND Quốc Anh bộc bạch.
Hiện, tình hình biểu diễn sân khấu, du lịch vẫn còn chịu tác động bởi COVID-19. Khi nhịp sống trở lại bình thường, người làm nghề kỳ vọng những trăn trở, đề xuất sẽ được lắng nghe, chung sức để duy trì sức sống của môn nghệ thuật truyền thống này.
Trung Sơn