Trong tổng diện tích hơn 73ha đất mà UBND huyện Cần Giờ, TPHCM muốn đưa ra khỏi ranh rừng phòng hộ Cần Giờ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TPHCM đề xuất giữ lại hơn 46ha. Đây là phương án vừa được Sở NN-PTNT báo cáo cho UBND TPHCM liên quan đến vụ "Hơn 73ha rừng Cần Giờ bất ngờ… biến mất" mà Báo Phụ Nữ TPHCM từng phản ánh.
Đất có rừng bị loại khỏi rừng
Theo tìm hiểu của chúng tôi, phương án giải quyết trên được đưa ra sau khi Sở NN-PTNT TPHCM chủ trì cuộc họp với nhiều đơn vị liên quan như Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp, UBND huyện Cần Giờ… Dựa trên các tài liệu và tình hình thực tế, Sở NN-PTNT đề xuất UBND TPHCM giải quyết theo hướng: trong tổng diện tích hơn 73,21ha mà UBND huyện Cần Giờ kiến nghị đưa ra ngoài ranh rừng phòng hộ, cần giữ lại 46,67ha vì đây là đất đang có rừng. Theo đó, giữ lại hơn 19ha tại xã An Thới Đông và hơn 27ha tại xã đảo Thạnh An.
Đối chiếu báo cáo của Sở NN-PTNT với báo cáo của Ban Thường vụ Huyện ủy huyện Cần Giờ về vụ loại bỏ hơn 73ha đất ra khỏi ranh rừng phòng hộ Cần Giờ, chúng tôi nhận thấy có sự khác nhau. Cụ thể, sau khi Báo Phụ Nữ TPHCM đăng bài phản ánh về vụ việc này, trong báo cáo gửi Thành ủy và UBND TPHCM, Ban Thường vụ Huyện ủy huyện Cần Giờ cho rằng, việc đưa hơn 73ha đất ra khỏi ranh rừng phòng hộ Cần Giờ là hợp lý và cần thiết.
|
Nhìn vào bản đồ trước và sau khi kiểm kê rừng, toàn bộ diện tích rừng ở xã Thạnh An biến mất, chỉ còn một màu trắng xóa - Ảnh: H.N. |
Ban Thường vụ Huyện ủy huyện Cần Giờ cho rằng, hơn 30ha được đề xuất loại ra ở xã đảo Thạnh An nằm trên cù lao Phú Lợi (gồm ấp Thạnh Hòa và ấp Thạnh Bình) từ trước đến nay là khu dân cư hiện hữu nhưng do nằm trong ranh rừng phòng hộ nên người dân gặp khó khăn trong việc xác lập chủ quyền đất đai. Nhiều vị trí khác cũng không phải là đất rừng mà là đất làm muối, đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản…
Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở NN-PTNT, trong tổng diện tích đất được đề xuất loại ra khỏi rừng phòng hộ ở xã Thạnh An, có đến hơn 27ha là đất đang có rừng cần giữ lại. Cụ thể, tại cù lao Phú Lợi, có đến hơn 25ha đất đang có rừng (diện tích đất có rừng còn lại ở ấp Thiềng Liềng). Tại xã An Thới Đông, cũng có hơn 19ha đất được xác định đang có rừng.
Trao đổi với chúng tôi về diễn biến vụ loại bỏ hơn 73ha đất ra khỏi rừng phòng hộ Cần Giờ, một cựu cán bộ kiểm lâm từng có nhiều năm làm công tác bảo vệ rừng Cần Giờ cho rằng, những lý giải của Huyện ủy huyện Cần Giờ là không thuyết phục. Ông bày tỏ: “Nếu Báo Phụ Nữ TPHCM không phản ánh vụ việc, hơn 73ha đất ở huyện Cần Giờ sẽ bị loại khỏi khu vực rừng phòng hộ để chuyển sang mục đích sử dụng khác. Như vậy, TPHCM suýt mất một diện tích rừng lớn nếu thực hiện theo đề xuất của UBND huyện Cần Giờ”.
Lẫn lộn trong quản lý đất rừng
Đối với 26ha đất được đề xuất đưa ra khỏi ranh rừng phòng hộ Cần Giờ, Sở NN-PTNT cho biết, trên thực tế, đây là khu vực không có rừng xen cài trong khu dân cư và do thực tế đã sử dụng vào mục đích khác, trong đó, xã Thạnh An có hơn 6ha, diện tích lớn còn lại thuộc xã An Thới Đông - nơi đang có một trường học và một số khu dân cư hiện hữu.
Vì sao đất rừng phòng hộ lại có khu dân cư? Theo giải thích của Sở NN-PTNT, đây là vấn đề do lịch sử để lại. Năm 1978, huyện Cần Giờ (khi đó được gọi là huyện Duyên Hải) được UBND TPHCM tiếp nhận từ tỉnh Đồng Nai về, mục đích sử dụng rừng ngập mặn Cần Giờ cho đến năm 1990 là rừng sản xuất. Thời kỳ này, trong ranh giới rừng ngập mặn Cần Giờ, đã tồn tại các ruộng muối, khu đầm nuôi thủy sản và các khu dân cư.
Đến năm 1991, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 173-CT về phê duyệt “Dự án tiền khả thi rừng phòng hộ môi trường TPHCM”, trong đó diện tích đất để thực hiện dự án trên ở huyện Cần Giờ là 34.000ha, trong đó phần lớn là đất chưa có rừng. Dự án có mục tiêu: kết hợp phòng hộ với tổ chức lại sản xuất, tạo điều kiện ổn định và từng bước nâng cao đời sống nhân dân trong khu vực; giải pháp thực hiện dự án là: đối với vùng Duyên Hải, cần giải quyết tốt mối quan hệ về mặt tổ chức xã hội, kinh tế, kỹ thuật, giữa xây dựng rừng và kinh doanh thủy sản nhằm bảo đảm đời sống nhân dân trong vùng. Từ đó, rừng ngập mặn Cần Giờ được gọi là rừng phòng hộ.
|
Ông Lê Văn Sinh - Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ - cho biết, rừng trong khu vực 73ha bị đưa ra khỏi quy hoạch rừng phòng hộ Cần Giờ sau đợt kiểm kê năm 2016 trên thực tế vẫn còn nguyên vẹn. Từ năm 2016 đến nay, UBND huyện Cần Giờ vẫn thực hiện các thủ tục pháp lý về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với diện tích rừng bị đưa ra khỏi quy hoạch - Ảnh: S.V. |
Cũng theo Sở NN-PTNT, do không có quy hoạch cụ thể cho từng loại đất trong khu vực của dự án nên trong quá trình triển khai thực hiện, có những bất cập như việc chuyển đổi từ rừng sản xuất sang rừng phòng hộ không đồng thời với việc phân loại đất theo thực tế đã sử dụng, không bóc tách đất nông nghiệp, đất khu dân cư hiện hữu ra khỏi ranh rừng phòng hộ, dù điều 8 và điều 23 Luật Đất đai năm 1987 có quy định về vấn đề này. Tiếp đến, do trong ranh giới rừng phòng hộ, chỗ nào có đất trống thì trồng rừng mới, dẫn đến tình trạng rừng xen cài trong khu dân cư hiện hữu, xen cài với ruộng muối và đầm nuôi thủy sản.
“Từ những năm 1980, huyện Cần Giờ phát triển nhiều tuyến đường bộ quan trọng như đường Rừng Sác, đường An Thới Đông, đường Lý Nhơn, tạo ra những khu vực rừng và đất có cây rừng không còn tập trung, liền vùng và liền thửa (rừng bị tách ra do bị ngăn cách bởi tuyến đường, nhất là tại các khu dân cư và đất nông nghiệp cận rừng)… Đến năm 2011, UBND TPHCM có văn bản về thực hiện các chương trình, dự án phục vụ công tác quản lý, phát triển tài nguyên rừng ngập mặn Cần Giờ, chấp thuận cho UBND huyện Cần Giờ xây dựng đề án Phát triển bền vững rừng phòng hộ môi trường Cần Giờ đến năm 2020, tầm nhìn năm 2025, trong đó có chủ trương dự toán chi phí di dời các hoạt động sản xuất trong rừng phòng hộ trình UBND TPHCM xem xét quyết định, nhưng đến nay chưa được thực hiện’’ - báo cáo của Sở NN-PTNT nêu.
Nhiều hậu quả chưa được giải quyết
Ngày 9/2, trao đổi với chúng tôi, chủ một số hộ dân làm muối ở ấp Thiềng Liềng, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ có đất bị đưa vào diện tích rừng phòng hộ sau đợt kiểm kê rừng Cần Giờ năm 2016 cho biết, đến nay, họ vẫn chưa được giải thích nguyên nhân cũng như thời hạn giải quyết khiếu nại. Nội dung này cũng chưa được đề cập cụ thể trong báo cáo của Sở NN-PTNT trình cho UBND TPHCM nói trên.
Trong bản báo cáo trên, Sở NN-PTNT chỉ cho biết, do thực trạng trước đây để lại, dẫn đến trường hợp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đất sản xuất nông nghiệp xen cài trong rừng, nhưng đến thời điểm gia hạn thời hạn sử dụng đất thì không thực hiện được vì đất nông nghiệp nằm trong ranh rừng phòng hộ; các khu dân cư hiện hữu nhưng có rừng xen cài cũng không triển khai được việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; công tác rà soát quy hoạch rừng qua các thời kỳ chưa giải quyết được các tồn tại như rừng và đất thổ cư, ruộng, vườn và nương rẫy cố định của dân xen kẽ…
|
Nhóm phóng viên