Nghe thầy lang, mất cơ hội vàng

03/12/2018 - 06:00

PNO - Phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm, khả năng điều trị khỏi rất cao. Nhưng không ít trường hợp bệnh nhân vì tin vào "thần dược" cây cỏ đã ngưng điều trị theo phác đồ của bác sĩ, bỏ lỡ cơ hội vàng để khỏi bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại 1 Bệnh viện (BV) Ung Bướu TP.HCM, cho biết, nơi đây đang điều trị cho bệnh nhân Phan Thị X., 45 tuổi, ngụ Q.7, TP.HCM, bị ung thư buồng trứng di căn sang gan, lách. Trong khi mới bốn tháng trước, khối u của chị vẫn còn nhỏ, chưa di căn; phác đồ điều trị là phẫu thuật và hóa trị với tiên lượng lành bệnh rất cao. 

Chồng của chị X. kể: “Lúc đầu, vợ tôi bị báng bụng và đau hạ sườn phải. Đi khám ở BV Chợ Rẫy, bác sĩ kết luận bị ung thư buồng trứng với khối u nhỏ, mổ và hóa trị sẽ ổn”. Đang dự định hôm sau nhập BV Ung Bướu TP.HCM thì một người họ hàng khuyên nên trị thuốc nam của ông thầy ở tỉnh Đồng Nai, đã trị hết cho cả trăm bệnh nhân ung thư. Nghe vậy, vợ chồng chị X. rất tin và nghĩ rằng cứ theo điều trị thuốc nam vài tháng, không hết thì quay về tây y. Nhưng chị không biết rằng, với bệnh nhân ung thư, vài tháng sẽ làm bệnh tiến triển nặng hơn và dễ bỏ qua cơ hội vàng điều trị. 

Nghe thay lang, mat co hoi vang

Vợ chồng chị X. khăn gói xuống Đồng Nai bốc thuốc. Lần đầu, thầy bốc cho chị 30 thang thuốc, dặn uống một thang/ngày, sắc uống mỗi ngày ba lần và không ăn đồ bổ. Sau khi uống được 15 thang, chị X. bớt đau, ăn ngủ được nên càng tin. Nhưng đến thang 68, chị bị nôn ói dữ dội, không ăn gì được, sức khỏe rất yếu. Thấy vợ kiệt sức nên ngày 15/11, chồng chị đưa vào BV Ung Bướu TP.HCM.

Khi nhập viện, chị X. trong tình trạng bụng báng to, khó thở, nôn ói, tiêu tiểu ít, đau quặn bụng. Khi làm xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh cho thấy: bụng có nhiều dịch và nhiều khối bướu, bướu đè chặt vùng chậu, dính vào túi cùng vách chậu và bàng quang trực tràng; ung thư buồng trứng xâm lấn bàng quang, trực tràng, di căn gan và lách. 

Tương tự, cô gái trẻ M. 26 tuổi, ở Q.Tân Bình (TP.HCM) được BV Bình Dân phát hiện ung thư dạ dày thể thâm nhiễm và chỉ định phẫu thuật, hóa trị. Thế nhưng, gia đình sợ hóa trị con gái sẽ bị rụng tóc, da xám xịt xấu xí nên chuyển uống thuốc nam. Chỉ sau ba tháng, M. vào BV Đại học Y Dược TP.HCM khám trong tình trạng: ung thư dạ dày giai đoạn cuối, là thể thâm nhiễm đã lan tràn khắp ổ bụng và không thể phẫu thuật. Bác sĩ chỉ có thể chăm sóc giảm nhẹ, kéo dài thời gian sống cho M. được ngày nào hay ngày đó.

Tại một buổi sinh hoạt chuyên đề ung thư gần đây của BV Ung Bướu TP.HCM, hơn 70% bệnh nhân ung thư được khảo sát cho biết, có dùng thuốc nam và hầu hết đều nghe theo truyền miệng. Một trong những sai lầm của bệnh nhân là khi nghe uống thuốc nam hay thì tin như thần dược và tự ý dừng điều trị thuốc tây. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, khi phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm, khả năng điều trị khỏi rất cao. Nhưng nhiều bệnh nhân đã bỏ lỡ, tự ý dừng điều trị khiến bệnh chuyển sang giai đoạn nặng nhanh, khi quay lại BV thì đã muộn.

Tiến sĩ - bác sĩ Trần Đặng Ngọc Linh, Trưởng khoa Xạ 2 BV Ung Bướu TP.HCM, cho biết, hiện chưa có cơ sở khoa học chứng minh thuốc nam, đông y điều trị dứt hẳn bệnh ung thư, mà chỉ có thể hỗ trợ trong điều trị, song song đó vẫn phải theo phác đồ của bác sĩ. Điều trị ung thư là vấn đề đòi hỏi chuyên môn sâu mà tây y có rất nhiều phương pháp như: phẫu thuật, hóa trị, xạ trị… Bệnh nhân không nên tin vào những lời đồn đại mà tự ý dừng điều trị để theo uống thuốc nam, vừa tốn thời gian, tiền bạc, lại đánh mất cơ hội điều trị bệnh khoa học và hiệu quả.

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI