Nghề tay trái “cứu khổ” gia đình

11/05/2020 - 11:30

PNO - Nhìn những dòng mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt chồng, tôi thấy yêu thương quá đỗi. Lòng thầm mong ngày tháng qua nhanh, dịch bệnh được đẩy lùi, cuộc sống trở về nhịp bình thường.

Mùa COVID-19 tất cả đều phải đình trệ nhưng cái ăn cái mặc ở mức thấp nhất vẫn không thể bỏ qua. Bình thường chồng tôi làm nghề cho thuê nhạc cụ, con trai 18 tuổi phụ bếp quán ăn, xem như kinh tế gia đình ổn định.

Nhưng mùa COVID-19 về, dàn nhạc không thể cho thuê, quán ăn nhà hàng đều đóng cửa, con trai phải nghỉ việc không lương. Công việc của tôi cũng kéo giảm vì sự “giãn cách xã hội”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Làm gì trong những ngày này để không phí thời gian mà cũng có đồng ra đồng vào? Vậy là chồng tôi quyết định… đi mua giấy thùng các-tông của các tiệm tạp hóa, cửa hàng sữa. Nguồn giấy chắc chắn là có rồi, mua bán cũng không vấn đề gì bởi “duyên mua bán” chồng tôi khá lắm.

Vấn đề là đầu mối thu mua giấy. Vậy là mất một ngày hỏi thăm bạn bè và tìm tới các điểm thu mua đó. Hóa ra có một trại giấy cách nhà tôi có 5km, nhưng mua - bán theo phương pháp “gối đầu”. Nghĩa là giao chuyến hàng này thì chuyến hàng sau mới phải trả tiền chuyến trước. Người ta gọi đó là cách làm ăn theo kiểu “giữ chân” nhau. Tất nhiên tiền cân giấy sẽ cao hơn chỗ khác 100 đồng/kg. 

Trại giấy cách nhà tôi 12km thì mua bán theo kiểu “tiền tươi”, thu mua chuyến nào trả tiền chuyến đó. Giá cả có thể lên xuống theo từng chuyến hàng, nhưng trại sẽ bao trước cho người đi thu mua một ngày để tránh bị động giá kéo theo lỗ vốn.

Vốn ít, xác định đây chỉ là công việc thời vụ nên chồng tôi chọn trại giấy xa nhà hơn để liên kết làm ăn. Cái xe tải nhỏ của chồng dùng để chở dàn nhạc cụ giờ tiếp tục nhiệm vụ chở giấy “cứu khổ” gia đình trong mùa dịch. Chỉ là phải tìm thêm vài khúc gỗ “cơi thùng” để chở được nhiều giấy mà không bị rớt.

Ngày đầu hai cha con “ra quân” đã thu về 300kg giấy. Ì ạch vác xuống xe rồi còn phải xé bớt băng keo trên các thùng này. Vì để nhiều băng keo quá, sẽ bị “trừ bì” mất 10% tổng số lượng.

Thở phì phì vì mệt, chồng bảo: “Trời ơi, có làm mới biết, nào giờ cứ nói nhẹ như giấy mà giờ ôm mấy trăm ký đơ cái lưng luôn”. Con trai cười như mếu: “Đứng bếp mười tiếng một ngày vẫn không mệt bằng khiêng lên khiêng xuống xe giấy này đó mẹ”.

Mệt thì mệt vậy thôi nhưng việc là phải làm, mỗi ký giấy thùng lời được 500 đồng. Ngày nào tốt mối mở hàng thì chồng tôi vẫn mua được ba bốn trăm ký, số tiền lời từ “nghề tay trái” này đủ cho vợ con tạm ổn qua mùa dịch bệnh.

Nhìn những dòng mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt chồng, tôi thấy yêu thương quá đỗi. Lòng thầm mong ngày tháng qua nhanh, dịch bệnh được đẩy lùi, cuộc sống trở về nhịp bình thường, để chồng con không còn quá nhọc nhằn. 

Trang Đào

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI