Sinh năm 1961 tại Mỹ, David Binney là một trong những nhà soạn nhạc Jazz nội lực nhất trong bối cảnh âm nhạc hiện nay.
Dành được nhiều lời khen ngợi từ giới phê bình cho đến những đồng nghiệp, mới đây, David Binney được tờ Jazz Times ghi nhận là một trong số ít "những nghệ sĩ đã góp phần tạo ra một không gian nhạc Jazz… độc đáo và đầy tính phiêu lưu". Stereophile gọi anh là “một trong những nghệ sĩ sở hữu tư duy nguyên bản nhất trong nền âm nhạc đương đại”.
Trong suốt sự nghiệp của mình, David Binney đã thu âm hơn 20 album với tư cách là trưởng nhóm hoặc đồng trưởng nhóm và hơn 300 album khác với nhiều tư cách khác. Anh được công chúng yêu nhạc biết đến với những màn trình diễn cùng với nhiều nhóm nhạc nổi tiếng như Gil Evans và Maria Schneider, Jim Hall, Uri Caine, Vinicius Cantuaria, Norah Jones, Bobby Previte, Cecil McBee và vô số nghệ sĩ khác.
|
David Binney |
* Phóng viên: Anh đã đến với âm nhạc và Jazz như thế nào?
David Binney: Bố mẹ tôi là những người rất yêu âm nhạc và yêu Jazz. Khi tôi còn nhỏ, họ đã cho tôi nghe âm nhạc của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng. Còn nhớ năm 12 tuổi, khi được nghe một bản nhạc của John Coltrane, tôi đã nói với bố mẹ rằng, con muốn chơi saxophone. Tới năm 14 tuổi, tôi biết rằng, đây là cái mà tôi sẽ chọn để đi suốt cuộc đời của mình.
* Anh chọn cho mình cách chơi nhạc như thế nào? Từ đâu âm thanh của Jazz được tạo nên?
- Tôi không nghĩ quá nhiều về việc mình sẽ tạo ra một thứ Jazz như thế nào. Với tôi, đó chỉ là sự ứng tấu mà thôi. Tôi nghe rất nhiều loại nhạc, từ Jazz cổ điển tới âm nhạc điện tử; tôi nghĩ, âm nhạc của tôi là một sự phối hợp của rất nhiều thứ, không phải là của một cái gì riêng biệt.
|
Với David Binney, Jazz chỉ là sự ứng tác. |
* Làm sao khuyến khích các bạn trẻ ứng tác về một tác phẩm khi họ có sự lo lắng nhất định nào đó, hoặc không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
- Hiện có rất nhiều bạn trẻ yêu âm nhạc, yêu Jazz, đó là điểm tốt nhưng có một điểm rất không tốt của trường học, đó là dạy học sinh phải như thế này, phải như thế kia. Đối với tôi, âm nhạc không phải là một cái gì có quy luật. Với âm nhạc, chúng ta có thể làm được rất nhiều thứ, khám phá rất nhiều chuyện và không phải chỉ có một cách để có thể làm được bất cứ điều gì. Chúng ta có thể thử nghiệm, chơi với nó. Đối với chúng tôi, để làm nên một đêm nhạc, ngoài sự tập luyện hết mình, còn yêu cầu các thành viên có nền tảng về âm nhạc tốt.
Âm nhạc giống như một thứ ngôn ngữ, cũng như tiếng Việt hay tiếng Anh, chúng ta học những thứ rất là cơ bản, sau đó dùng nó ra sao là cách riêng của mỗi người. Trên sân khấu, tôi không biết mình sẽ chơi như thế nào, giới hạn ở đâu, cứ chơi thôi.
Trong những lần trình diễn với nhau, có khi chúng tôi quay sang nói với nhau: “Chơi cái gì mà ghê quá vậy?”. Nhưng sau đó nghĩ lại thì thấy: “Ồ, sự ghê đó mới là điều hay. Jazz là một thể loại mà mình được tự do, phóng khoáng, thể hiện được bản thân mình nhất, không theo một quy luật nào cả. Nó giúp tôi tự tạo được những âm thanh riêng của mình, có nhẹ có mạnh, có chậm có nhanh. Rất thú vị.
Vai trò của các nhạc sĩ đó là điều khiển, kiểm soát âm thanh, nhưng đôi khi, chúng tôi dùng điều đó để biến thành một bài khác. Hoặc đôi khi ở trên sân khấu, chúng tôi lắng nghe nhau rất kĩ càng, khi đến giữa bài, cảm xúc dâng lên, có khi chuyển sang một màu sắc khác của tác phẩm vừa rồi. Thực sự, nó giống như một hành trình vui vẻ, thú vị. Nó là một cuộc đối thoại trên sân khấu. Nếu khán giả hiểu được, họ sẽ là những người đồng hành cùng chúng tôi trên chuyến hành trình âm nhạc này.
* Tôi tò mò không hiểu, khi ứng tác như thế, làm sao các bạn biết đến đoạn nào sẽ là phần trình diễn của mình?
- Chúng tôi nghĩ nó như một cuộc đối thoại. Khi thấy mình cần phải nói một điều gì đó thì mình sẽ nói. Và tất cả những điều mình làm trên sân khấu chỉ là đối thoại và trả lời trong một cuộc nói chuyện. Có nghệ sĩ nghĩ tới nhân vật khi ứng tác, còn như tôi, có lúc đang chơi một hòa âm thì ngoảnh sang “chiến hữu” của mình nói, hãy cho thêm “nước” vào.
Âm nhạc có khi là sự tưởng tượng. Mình phải nghĩ ra, dùng hình tượng mô tả. Có nhiều cách trả lời khác nhau, như tôi đã trả lời bằng một âm thanh tối hơn, tạo ra một không gian âm nhạc khác, màu sắc âm nhạc khác hơn. Tôi nghĩ, có nhiều cách khác nhau để sự đối thoại được diễn ra.
* Làm sao để dạy người trẻ cách ứng tác trong một môi trường đã đóng khung?
- Tôi hoàn toàn có thể dạy họ kĩ thuật, hệ thống hòa âm nọ, hòa âm kia. Nhưng quan trọng nhất là mình dạy các bạn trẻ cách mở lòng. Tôi chỉ có thể cho họ những thông tin cơ bản, còn dùng nó ra sao để ứng tác, tự do, là cái họ cần làm. Mà dạy ứng tác cho người khác là một cái gì đó rất đóng khung.
Với nhạc Jazz, người ta hay nói giỡn câu: “Chơi sai nốt mới là nhạc Jazz” là vì vậy. Trường học đóng khung nhưng nó cho bạn nền tảng, nó giúp biết được sự chính xác nằm ở đâu. Khi một người nói chuyện, bạn có thể nhận ra người đó nói hay hoặc không hay. Một người nói mà không có nền tảng gì, bạn sẽ nhận ra ngay.
* Xin cảm ơn anh!
Cốc Vũ (thực hiện)
Ảnh: Soul Live Project