LTS: Phía sau ánh đèn sân khấu rực rỡ, sau những vai diễn ông hoàng bà chúa áo xiêm lộng lẫy, những nhân vật đầy quyền uy, ma lực… người nghệ sĩ cũng có những số phận, nỗi niềm riêng. Đôi khi, số phận của người nghệ sĩ trong đời thực còn phong ba, thăng trầm gấp bội những nhân vật mà họ thể hiện. Thành công của người nghệ sĩ bao giờ cũng được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, tình yêu và sự tận hiến cho nghệ thuật. Như con tằm rút ruột nhả tơ, có người may mắn thành công ngay từ những vai diễn đầu tiên, nhưng cũng có người đi gần nửa hành trình nghệ thuật mới nhận ra đâu là thế mạnh, khả năng thực sự của mình. Nhưng ở vị trí, vai trò nào, người nghệ sĩ cũng luôn có một ước mơ cháy bỏng: Được sống với sân khấu, với vai diễn đến hơi thở cuối cùng.
Phía sau hào quang còn biết bao câu chuyện chưa kể về cuộc đời, nỗ lực của người nghệ sĩ. Từ số báo này, Báo Phụ Nữ TP.HCM sẽ “kể lại” những câu chuyện vui buồn, trăn trở, khát vọng của những người đã tận hiến đời mình, để mang lại niềm vui, nụ cười và cảm xúc đẹp cho công chúng.
Bài 1: Nghệ sĩ Trang Thanh Xuân:“Tuổi nào ghi dấu chân chim qua trời…”
Bài 2: NSƯT Thoại Mỹ: Có vinh quang mấy cũng không quên thuở cơ hàn
Bài 3: Nghệ sĩ Nhứt Dũng: “Nhạc lễ khó mà vượt đại dương lần nữa”
Bài 4: NSƯT Ngọc Dung: Nghề rộng dài như sông như biển...
Bài 5: Họa sĩ thiết kế Lê Trường Tiếu: Tuổi xế chiều trôi đi cùng năm tháng
|
Với nghệ sĩ xiếc, việc đối diện hiểm nguy không có gì lạ, đôi khi, họ còn phải rời sân khấu trên chiếc cáng cứu thương. Nhưng dù vào ra bệnh viện năm lượt, bảy lần thì sau đó họ vẫn cứ bám trụ với nghề. Sự gan góc của nghệ sĩ xiếc không phải không có lý do. Ngoài mưu sinh, họ còn giữ trong mình tình yêu nghề mãnh liệt mà nếu dừng lại, cuộc sống của họ sẽ lắm buồn tẻ.
Xiếc là tình yêu, lẽ sống
NSƯT Phi Vũ thong thả đến buổi hẹn với chúng tôi trong tâm thế của một người đã cũ - cũ bởi thông tin về ông đã dày đặc trên mặt báo, cũ là bởi thời đỉnh cao nghề nghiệp đã qua từ lâu, có nhắc lại cũng chỉ như nhớ thương một thuở, ít nhiều không có câu chuyện mới mẻ. Ông bây giờ, nếu ví von một cách hóm hỉnh, có lẽ giống như một món đồ cổ, vẫn luôn mang nhiều giá trị, nhưng trong dòng chảy của đời sống hiện đại, nếu chẳng hô hào khoa trương, thì sẽ lẩn khuất, trung dung sống cuộc đời riêng.
Theo nghề xiếc từ năm 15 tuổi, đến bây giờ khi mái đầu đã bạc, NSƯT Phi Vũ vẫn gắn bó với nghề, duy chỉ thay đổi về tính chất tiết mục. Ông kể ngày trước, thời còn hừng hực lửa nghề, ông thử đủ trò mạo hiểm từ nhào lộn, đu dây, thăng bằng cho tới cầu bật... Trò nào càng mạo hiểm càng kích thích lửa nghề bên trong người thanh niên gốc Huế. “Có đến 20 trò tôi có thể thực hiện. Ngày trước, những trò tôi diễn hay đều cần nền tảng thể lực tốt, nên từ khi có tuổi, bản thân phải giảm bớt để không bị quá sức. Giờ đây, tôi chủ yếu diễn các trò chọc cười thiếu nhi, những tiết mục đơn giản phục vụ khán giả. Công việc cũng nhẹ nhàng hơn trước rất nhiều”, NSƯT Phi Vũ nói.
Chỉ lên những vết sẹo phía sau đầu, trên mặt, NSƯT Phi Vũ hài hước rằng cha mẹ sinh ra hình hài nguyên vẹn, cho đến khi theo nghề xiếc lại trầy trụa vết thương, từ xước xát ngoài da cho đến chấn thương nặng, phải nhập viện. “Nhiều tiết mục tôi phải đi cấp cứu năm sáu lần, nhưng nằm viện xong, tôi lại diễn tiếp. Lần nặng nhất là lần tôi đu từ dây này nhảy sang dây kia nhưng không có đồ bảo hộ. Đèn sân khấu khi đó không đủ sáng nên khi bay qua, một chân của tôi mắc vào vòng, còn một chân trượt ra ngoài. Tôi té từ độ cao năm sáu mét xuống đất, và phải nằm viện mười ngày. Đợt đó, tôi đi cùng đoàn xiếc Tuổi Trẻ ra miền Trung diễn nên tình cảnh khá khó khăn. Trong suốt sự nghiệp, tôi từng gặp nhiều chấn thương nặng, mọi người đều nghĩ sẽ khó qua khỏi, nhưng nhờ Tổ nghiệp, tôi vẫn khỏe mạnh đến giờ”, nghệ sĩ chia sẻ.
Theo NSƯT Phi Vũ, nghề nghiệp nào cũng có khó khăn, chẳng thể mang nghề của mình đi so với công việc của người khác để rồi thở than. Huống hồ gì, ông lại yêu nghề tha thiết, và nhiều người trẻ khác cũng đang cố gắng giữ lấy đam mê của mình. “Nghề này bạc, nói thế cũng đúng, bởi đồng tiền kiếm được so với công sức bỏ ra bị chênh nhau. Nhưng hỏi có bạc hoàn toàn hay không thì cũng chẳng phải, bạc hay không là do mình. Mình thiếu nghiêm túc, đối xử tệ với nghề thì nghề nghiệp cũng phản ngược trở lại. Còn nếu đam mê, chăm chỉ, cầu tiến thì đâu đó, vẫn sống được với nghề”, NSƯT Phi Vũ nói thêm.
Trong suốt bốn mươi mấy năm theo nghề, không phải không có lúc nản lòng, nhiều khi thấy vài người rời đi để làm công việc khác, NSƯT Phi Vũ cũng bị nao núng. Ông biết nếu hoàn cảnh không được khấm khá, ai cũng sẽ bị áp lực bởi tài chính, gia đình, và không vì mưu sinh, chắc nhiều người - trong đó có ông, đã không gắn bó với xiếc lâu như thế. Nhưng điều lớn hơn - chiếc neo giữ họ lại với nghề là tình yêu dành cho xiếc. NSƯT Phi Vũ nói tình yêu đó lớn đến nỗi, nếu không làm xiếc, có bày ra trăm thứ nghề, ông cũng chẳng biết mình có thể làm được gì khác nữa.
Xiếc cho NSƯT Phi Vũ được thỏa mãn với đam mê, có thêm học trò, cho ông cơ hội giao lưu với khán giả trong và ngoài nước. Xiếc còn mang đến cho ông một mái ấm đúng nghĩa với người vợ hiền và hai đứa con ưu tú. Chỉ điều đó thôi, đã quá đủ cho một đời người! “Phía nhà vợ tôi (diễn viên xiếc Ngọc Hương - PV), ba mẹ vợ là chủ gánh xiếc Độc Lập - gánh xiếc đầu tiên ở miền Nam, tiền thân của đoàn xiếc Tuổi Trẻ và là Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam bây giờ. Tôi nên duyên với vợ sau một lần gặp tai nạn khi biểu diễn cho đoàn xiếc Độc Lập, và vợ khi đó phải chăm tôi. Chúng tôi biết và yêu nhau trong 10 năm trước khi lập gia đình”, NSƯT Phi Vũ kể lại.
Nếu một mai nghề xiếc không còn
Trong lúc gợi lại chuyện xưa, NSƯT Phi Vũ nhiều lần nhắc chuyện ngày nay - chuyện một thế hệ kế thừa không còn nhiều gương mặt trẻ tiềm năng, thậm chí, cả những ứng viên thực sự muốn theo nghề cũng chẳng thể tìm thấy. Bằng kinh nghiệm của người đi trước, cũng có con từng theo nghề xiếc nhưng về sau lại chọn con đường khác, NSƯT Phi Vũ vô cùng lo lắng và trăn trở. Bởi ông hiểu thời thế có nhiều tác động nhất định đến nghệ thuật xiếc, và nếu không nhanh chóng giữ gìn, chuyện đứt gãy thế hệ là hoàn toàn có thể xảy ra.
“Gia đình tôi đông người theo nghề xiếc. Ngoài bên vợ, phía nhà tôi, hai anh trai Phi Hùng, Phi Lâm cũng gắn bó với nghiệp xiếc. Các cháu bây giờ có nhiều đứa là đồng nghiệp và trong số các con của chúng tôi, cũng có cháu đam mê. Con trai tôi từng đi diễn từ năm 5 tuổi đến năm 12 tuổi thì dừng. Lúc đó, tôi có ý muốn cho con theo nghề, nhưng cháu quyết định chọn con đường riêng và tôi buộc phải tôn trọng”, NSƯT Phi Vũ nói.
Ông cho rằng độ tuổi tốt nhất để đào tạo lớp kế thừa nằm trong khoảng 10 - 14 tuổi, nhưng việc thuyết phục phụ huynh gửi con vào trường xiếc gặp rất nhiều trở ngại. Nếu ngày trước, mỗi lần thông báo tuyển sinh có cả ngàn người nộp hồ sơ, trường chỉ được chọn năm, bảy người để đào tạo, thì giờ đây, có ai chịu đăng ký đã mừng. Với tình hình hiện tại, trong vòng vài năm nữa, xiếc không thể phát triển thêm khi không có lớp kế thừa.
“Có những người trẻ đến với xiếc vì đam mê, nhưng cuối cùng phải rời đi vì nhu cầu mưu sinh. Họ sống không nổi với đồng lương trong thời điểm này, nên đành bỏ dở. Nghề này, vinh quang đi liền với gian nan, sự nhọc công. nếu cuộc sống cá nhân không được đảm bảo, cũng khó lòng giữ được chân người có đam mê, huống gì với những người trẻ khác”, NSƯT Phi Vũ tâm sự.
Thoảng trong ánh mắt, nụ cười hiền của NSƯT Phi Vũ thời điểm hiện tại, có thể thấy sự thong dong, yêu đời, nhưng cũng ở đó, hiện rõ những nỗi lo về lớp kế thừa. Ông bảo để xiếc trở về thời hoàng kim như những năm đầu thập niên 1980 là điều không thể. Chúng ta sẽ không bao giờ còn thấy lại được cảnh khán giả xếp hàng dài từ phía đường Ngô Quyền đến trước rạp Lệ Thanh (quận 5, TP.HCM) chờ xem xiếc như ngày xưa nữa. Xiếc ngày nay sống giữa hằng hà những loại hình giải trí khác, lại còn thêm ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nên cảnh đã buồn lại càng buồn thêm.
Dẫu vậy, chẳng ai có thể dập tắt hy vọng của một lão làng nghề xiếc, dù mong ước của ông sẽ phải cần thật nhiều thời gian. NSƯT Phi Vũ nói ông mong sớm có những chính sách phù hợp để chiêu mộ được người trẻ đến với ngành, khi ông còn khỏe, để còn truyền được ngọn lửa nghề đến nhiều thế hệ mai sau.
Diễm Mi