Nghệ sĩ Vũ Ngọc Khải: Hướng về các biểu tượng văn hóa Việt

15/03/2020 - 19:57

PNO - Khải làm việc, vận động liên tục để nuôi dưỡng óc sáng tạo. Sự sáng tạo của anh thường hướng về các biểu tượng văn hóa Việt qua những vở múa đương đại.

Vũ Ngọc Khải là một trong số ít diễn viên - biên đạo múa đương đại người Việt làm việc lâu dài tại các công ty múa ở châu Âu. Quá trình tồn tại trong môi trường múa có sự đào thải khắc nghiệt hàng đầu thế giới đã tạo cho Khải nhiều áp lực nhưng chính những áp lực ấy giúp anh có sức sáng tạo tốt. Trong cuộc trò chuyện, Khải nói nhiều về sự sáng tạo và đặt câu hỏi: “Trong nghệ thuật nếu ngừng sáng tạo thì tương lai sẽ đi về đâu?”.

Khải làm việc, vận động liên tục để nuôi dưỡng óc sáng tạo. Sự sáng tạo của anh thường hướng về các biểu tượng văn hóa Việt qua những vở múa đương đại. Nón - vở múa do anh dàn dựng năm 2015 - đã đem lại một làn gió mới cho múa đương đại Việt Nam khi dùng biểu tượng nón lá và nhạc dân tộc. Tại Hanoi Dance Fest 2019, Đáy giếng của anh với biểu tượng chiếu cói một lần nữa đem lại sự ngạc nhiên thú vị cho cả giới chuyên môn và khán giả.

Nón - vở múa đã đem lại làn gió mới cho múa đương đại Việt Nam khi dùng biểu tượng nón lá và nhạc dân tộc
Nón - vở múa đã đem lại làn gió mới cho múa đương đại Việt Nam khi dùng biểu tượng nón lá và nhạc dân tộc

Hiện tại, Vũ Ngọc Khải tạm ngưng công việc ở Thụy Sĩ để về Việt Nam thực hiện những dự án riêng, bắt đầu bằng chuỗi workshop chạy xuyên suốt “Made in Vietnam”, tiếp tục chạy dự án cộng đồng “1648km Từ tôi đến bạn”. Chuỗi workshop “Made in Vietnam” do Khải khởi xướng và cùng với 6 biên đạo và diễn viên khác điều phối vừa được khán giả của Hanoi Grapevine bình chọn trong hạng mục Dự án ý nghĩa của năm 2019. 

Nếu không có sự sáng tạo, chúng ta chỉ làm lại những thứ ông bà đã làm 

Phóng viên: Vì sao các anh muốn thực hiện chuỗi workshop “Made in Vietnam”?

Nghệ sĩ Vũ Ngọc Khải: Vì chúng tôi muốn làm điều gì đó tốt cả về tinh thần và thể chất cho các bạn trẻ Việt Nam,

đồng thời thấy rằng xây dựng một cộng đồng rộng lớn có kiến thức về múa đương đại là rất cần thiết. Cung cấp kiến thức về chuyển động, chuyển hóa năng lượng tích cực để tránh stress, hiểu về múa đương đại và nuôi dưỡng sự sáng tạo là các mục đích của “Made in Vietnam”.

Chúng tôi giới thiệu những điều cơ bản nhất về cơ thể người, luyện tập cho học viên những kỹ năng đi - đứng - nằm - ngồi - ngã - chạy sao cho an toàn, tránh tổn thương cơ thể. Chúng tôi cũng muốn truyền tải tới học viên cảm hứng về nghệ thuật múa vì thông tin về nghệ thuật múa đương đại ở Việt Nam còn hạn chế, đa số khán giả vẫn thấy múa đương đại trừu tượng và khó hiểu.

Ngoài ra, chúng tôi dạy cách chuyển động, nói chuyện về không gian chúng ta đang sống, xem chúng liên quan thế nào đến cảm xúc của mình, cảm xúc tiêu cực sau một ngày làm việc nên đưa đi đâu, năng lượng và cảm xúc tích cực nên được sử dụng như thế nào cho hiệu quả... Cuối cùng là phần dành cho sáng tạo. Sau nhiều năm làm việc ở nhiều nơi trên thế giới, tôi cho rằng chúng ta cần nghĩ khác về sáng tạo, nếu không các loại hình nghệ thuật sẽ vẫn giậm chân tại chỗ.

* Nghĩa là tính sáng tạo của Việt Nam trong nghệ thuật còn yếu?

- Chính xác là rất yếu. Tôi nghĩ có hai thứ liên quan đến sáng tạo là duy mỹ và kỹ thuật. Chúng ta thiếu cả hai. Riêng về múa đương đại, sân khấu bây giờ có cái hay là một tác phẩm được kết hợp với nhiều lĩnh vực khác nên đòi hỏi phải có sự sáng tạo. Ví dụ, với vở Nón và Đáy giếng, tôi đưa vào rất nhiều thứ liên quan đến nghệ thuật thị giác. Để tạo không gian mỹ thuật, tôi sử dụng ánh sáng nhân tạo và đạo cụ chiều sâu, chiều nông, các đường chéo, các tầng lớp. Để có kỹ thuật ấy phải có phòng tập, sân khấu và các loại đèn hiện đại. 

Chúng tôi may mắn được học những thứ liên quan đến thị giác ngay trên sân khấu. Hằng năm, chúng tôi diễn hàng trăm show và nghệ sĩ được đào tạo trong một “lò” về nghệ thuật thị giác. Chúng tôi còn phải học rất nhiều về âm nhạc, về tổng phổ nhạc cổ điển; học Bach, Beethoven, Mozart; tìm hiểu cả nhạc Campuchia, Lào, Thái Lan… Trong nghệ thuật đương đại, không gian âm nhạc rất được chú trọng.

Để tác phẩm hấp dẫn, người soạn nhạc phải tạo được không gian âm nhạc nhiều tầng. Nghệ sĩ phải phân tích được để cảm nhận âm thanh tốt và múa vào đúng nhịp. Âm nhạc trên sân khấu đương đại rất nhiều tầng với các nhạc sĩ chơi trực tiếp trên sân khấu hoặc bản thu sẵn. Nói chung, muốn sáng tạo, nghệ sĩ cần phải học rất nhiều thứ để có một nền tảng tốt.

* Thật ra nói về sáng tạo thì rất mơ hồ, đó là chưa kể đánh giá về sự sáng tạo mỗi nơi lại mỗi khác? 

Đặt vài câu hỏi sẽ thấy được sức sáng tạo của chúng ta tới đâu. Trong cuộc sống hằng ngày, hầu hết người ta chọn trang phục có gu chưa, nếu có thì gu đó đến từ đâu, ảnh hưởng từ ai? Có phải đa số chúng ta chịu ảnh hưởng từ Hàn Quốc? 
Với phim ảnh, từ phim truyền hình, phim điện ảnh đến phim độc lập đa số đều có trang phục, lối hóa trang, cảnh quay ảnh hưởng từ Hàn Quốc. Tôi đi dự một số triển lãm truyện tranh của Việt Nam thì thấy không khác gì Nhật Bản, Hàn Quốc. Ở một nơi nền tảng về nghệ thuật ít ỏi như Việt Nam, rất khó để tạo ra cái riêng nên nếu muốn thay đổi, ta phải nỗ lực rất nhiều. 
Nghệ sĩ Vũ Ngọc Khải

Nội dung tiếp theo

- Chính vì sự đánh giá khác nhau nên nước nào cũng có vấn đề của mình, khu vực này sang khu vực kia sẽ gặp khó khăn nhất định. Ví dụ, khi làm việc với các bạn người Nhật, tôi thấy họ vẫn khó khăn khi làm việc cho các công ty múa trên thế giới vì tư duy của người Nhật là khi biên đạo ra đề bài thì diễn viên làm luôn, thật nhanh gọn, nhưng châu Âu thì khác: đề bài của biên đạo luôn bị diễn viên vặn lại như chong chóng. Tuy nhiên, chỉ có sáng tạo, nghệ sĩ mới đi được lâu dài vì nếu không, chúng ta sẽ chỉ làm lại những gì ông bà mình đã làm. 

Khi khán giả được tiếp cận nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau sẽ càng đòi hỏi nghệ sĩ làm khác hơn, hay hơn. Chính khán giả tạo áp lực cho nghệ sĩ phải sáng tạo và nghệ sĩ phải đứng trước áp lực như vậy mới kích thích sự sáng tạo.

Với Vũ Ngọc Khải, nghệ sĩ phải mở lòng với khán giả thay vì đòi hỏi, chờ đợi
Với Vũ Ngọc Khải, nghệ sĩ phải mở lòng với khán giả thay vì đòi hỏi, chờ đợi

 

* Với nghệ thuật đương đại, dường như ranh giới giữa các loại hình nghệ thuật đang được xóa mờ. Theo anh, vì sao có điều này?

- Có nghệ sĩ cố tình làm nhòa ranh giới ấy, có nghệ sĩ trong quá trình sáng tạo tình cờ xóa mờ. Cái hay trong sân khấu đương đại là tổng hợp rất nhiều loại hình nghệ thuật khác. Lịch sử đã trải qua giai đoạn nhạc cổ điển, múa cổ điển, tranh cổ điển thành công mỹ mãn và mong muốn của con người đương đại là tìm kiếm những điều hay khác, đem đến những cảm giác khác.

Âm nhạc cổ điển có điểm mạnh nhưng vẫn có điểm yếu trong mắt người làm nghệ thuật đương đại. Ví dụ nhạc Beethoven là điều thú vị với nhân loại, nhưng những nghệ sĩ có tư duy bay bổng, cởi mở khi sử dụng nó cho một vở múa sẽ phá nó ra, kết hợp với nhiều hình thức khác. Có lẽ nhờ vậy mà không gian nghệ thuật đương đại được xây dựng một cách tổng hợp như bây giờ và sẽ còn tiếp tục mở rộng nữa.

Nhiều cảm hứng khi sáng tạo trên các biểu tượng văn hóa Việt

* Nhiều nghệ sĩ ở nhiều lĩnh vực đang có xu hướng chọn chất liệu Việt Nam cho tác phẩm của mình. Chất liệu Việt Nam là hứng thú hay chỉ với sự lựa chọn đó anh mới có bản sắc riêng so với đồng nghiệp trên thế giới?

- Chất liệu làm sân khấu đương đại thì mênh mông, nhưng chọn gì để thể hiện được chính con người mình thì tôi phải mất nhiều thời gian. Chất liệu của Việt Nam làm tôi dễ chịu nhất vì tôi hiểu nó, cái nào tôi không hiểu thì phải tìm hiểu và khi đi tìm sẽ rất hứng thú. Vả lại, khán giả Việt Nam tiếp cận nghệ thuật đương đại dễ hơn thông qua chất liệu dân tộc, còn với khán giả nước ngoài, chất liệu Việt Nam là sự độc nhất, vì thế trở nên độc đáo.

* Nhiều nghệ sĩ trên thế giới vẫn làm như vậy chứ, theo quan sát của anh?

- Vài nơi làm vậy và vài nơi không, chẳng hạn múa Hàn Quốc chia hai mảng rõ ràng: truyền thống và đương đại. Múa đương đại Hàn Quốc rất giống châu Âu, đôi lúc tôi tự hỏi nếu họ diễn ở châu Âu thì có dễ được mời tiếp nữa không, tính độc nhất ở đâu… Tuy nhiên, lựa chọn tính độc nhất cũng có cái dở. Ai muốn tìm hiểu về sự đa dạng, muốn trao đổi văn hóa sẽ rất thích nhưng ai muốn thấy tính toàn cầu sẽ không thích. Vì vậy, ngoài tính bản thể Việt Nam, tôi làm hai thứ song song như DNA là vở múa đương đại có tính toàn cầu. Việc dàn dựng hai phong cách cùng lúc rất thách thức vì quá khác nhau nhưng thực chất trong lõi của cả hai phong cách ấy vẫn là tôi.

 

* Trước một vở múa đương đại, nhiều khán giả sẽ ngại ngần rằng cuối cùng vở diễn muốn nói gì, liệu mình có hiểu đúng điều nghệ sĩ muốn nói không… Là nghệ sĩ, anh nói gì về điều này và muốn khán giả tiếp cận thế nào?

- Đầu tiên, khán giả xem một vở múa đương đại phải cảm thấy thích, cụ thể thích gì sau đó sẽ bàn tiếp. Nếu khán giả không thích thì đó là cái dở của nghệ sĩ. Vì vậy, nghệ sĩ cần chia sẻ trước với khán giả để họ biết “code” của tác phẩm sẽ xem. Khi đọc được cái “code” ấy, khán giả mới thấy có hấp dẫn không, mới biết mình thích hay không thích gu đó. Điểm yếu của nghệ sĩ Việt Nam là kiệm lời và ít chia sẻ tác phẩm với khán giả, để họ hiểu thế nào thì hiểu trong khi sân khấu lại khá trừu tượng. Tóm lại, nghệ sĩ phải mở lòng đầu tiên, đừng đòi hỏi khán giả phải thế này thế kia. 

* Diễn viên Việt Nam có nhiều cơ hội để đầu quân về các công ty múa ở Âu Mỹ không, thưa anh?

- Diễn viên Việt Nam học kỹ thuật múa ballet và các kỹ thuật khác trong múa cao hơn rất nhiều nước Đông Nam Á, nhưng so với Nhật Bản, Hàn Quốc… khoảng cách vẫn còn một trời một vực. Chính phủ các nước ấy đầu tư rất lớn, từ giáo trình đến việc mời chuyên gia từ châu Âu về dạy mười mấy năm liền. Điểm yếu của diễn viên Việt Nam là cách chuyển động. Diễn viên Việt Nam cũng thiếu kỹ năng sáng tạo.

Trường múa có dạy nhưng chưa đủ nên khi sang châu Âu, họ thường bị ngợp. Riêng về ballet, các nghệ sĩ Việt Nam rất giỏi nhưng lại theo phong cách của Nga, khá khuôn khổ và đẹp chuẩn mực. Về đương đại, các trường múa ở ta đang rất thiếu giáo viên nên diễn viên chưa được đào tạo tốt. Vì vậy, cơ hội cho diễn viên Việt có nhưng không nhiều.

Chúng ta đang lưu giữ văn hóa bằng miệng

* Về sự nhận diện văn hóa Việt Nam trong phim ảnh, nhạc, truyện tranh… như anh vừa nói, có phải “sức đề kháng” về văn hóa của chúng ta quá yếu nên mới dễ bị ảnh hưởng bởi văn hóa của các nước?

- Tôi nghĩ thi thoảng người Việt tự hào thái quá. Thực tế từ ghi chép trong nhiều nguồn tài liệu cho thấy, chúng ta chỉ mạnh về lịch sử kháng cự chứ không mạnh về bề dày văn hóa. Vì chúng ta không nghiên cứu sâu về văn hóa nên tư liệu rất ít ỏi. Đơn giản, với dự án “1648km Từ tôi đến bạn” (dự án mời các nghệ sĩ chuyên nghiệp trên thế giới chơi và biểu diễn nghệ thuật cho trẻ em ở các mái ấm), chỉ riêng việc tìm kiếm thông tin chính thống xem chiều dài theo đường chim bay của Việt Nam là bao nhiêu đã rất khó khăn.

Khi làm Đáy giếng, tôi có cảm hứng từ các biểu tượng trên chiếc chiếu cói miền Bắc nhưng tìm mãi không có sách nào nói về nguồn gốc của chiếu cói, về làng nghề. Khi chúng tôi hỏi những người thợ làm chiếu, họ cũng không biết ngoài chữ “Phúc” thì các biểu tượng còn lại có ý nghĩa gì… Trung Quốc đang cố nghiên cứu về đàn bầu Việt Nam và giành “chủ quyền” đối với loại nhạc cụ này. Họ đang chơi đàn bầu ở nhiều nơi tại Trung Quốc. Đó là một câu chuyện rất đau lòng. Nếu cứ vậy có phải văn hóa của ta đang có nguy cơ bị mất dần không?

Nếu bây giờ Việt Nam không có những công trình nghiên cứu bài bản, khoa học, thuyết phục để làm tài liệu chính thống và đăng ký bản quyền biểu tượng văn hóa với thế giới thì muộn mất. Chúng ta đang lưu giữ văn hóa bằng miệng, như vậy không phải là lưu giữ. Chọn các biểu tượng văn hóa Việt Nam để làm tác phẩm, phần nào tôi cũng muốn đánh động rằng chúng ta thật sự đang đánh mất dần văn hóa Việt.

* Anh nghĩ chúng ta sẽ lưu giữ bằng cách nào?

- Làm sao chỉ một cá nhân như tôi có thể trả lời được câu hỏi này. Tôi chỉ làm tác phẩm như một gợi ý còn những người có trách nhiệm sẽ làm chuyện này. Thật lòng, tôi nghĩ đến hết đời mình vẫn chưa thể làm tốt việc lưu giữ văn hóa vì công việc này mất nhiều thời gian và cần rất nhiều tiền. Tôi chỉ lưu giữ được trên sân khấu. Chỉ cần khán giả nhớ rằng năm 2015, Vũ Ngọc Khải múa với nón và năm 2019 múa với chiếu cói miền Bắc là tôi vui rồi.

Văn hóa Việt vẫn thường bị tranh cãi. Trong buổi diễn, tôi nói khái niệm trời tròn đất vuông của người Việt, một nhà nghiên cứu văn hóa nói rằng, tư duy ấy không phải của người Việt. Nghĩa là, các chuyên gia vẫn đang cãi nhau rất nhiều thì nghệ sĩ chúng tôi đương nhiên hoang mang.

* Cảm ơn anh đã chia sẻ. 

Lam Hạnh (thực hiện)

Ảnh: Sơn Trần, nhân vật cung cấp

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI