Chị hỏi vì muốn tìm sự đồng cảm hoặc để minh chứng rằng có quá nhiều điều dường như chẳng cần phải nói thêm nữa giữa phụ nữ với nhau. Có vẻ đời sống này quá chật hẹp cho những người hay mộng mơ, ngẫu hứng như chị; nhưng đặc ân của họ cũng là thái độ sống hồn nhiên, yêu đời.
Đầu tháng Chín, nghệ sĩ violin Trịnh Minh Hiền phát hành MV Quốc ca phiên bản violin độc tấu. Ở phần mở đầu, nữ nghệ sĩ sử dụng thang âm ngũ cung mang âm hưởng dân gian miền núi phía Bắc, ngụ ý thông qua âm nhạc để nhớ về cội nguồn dân tộc. Đây là hướng đi mà một vài năm trở lại và sắp tới, nghệ sĩ violin Trịnh Minh Hiền sẽ chọn bởi theo chị, suy cho cùng, lòng tự tôn dân tộc và vẻ đẹp của âm nhạc Việt cần được lan tỏa hơn nữa.
Dòng máu đang chảy, ngôn ngữ đang nói và tận sâu những thứ tạo nên hình hài, tâm tưởng của mỗi người đều gắn với nơi chốn sinh ra. Do đó, lần “trở về” với sự nguyên bản trong âm nhạc cũng là hướng đi để người nghệ sĩ tìm hiểu
chính mình.
20 năm - một bức họa đa sắc
Phóng viên: Thực hiện Quốc ca phiên bản violin độc tấu và phát hành đúng dịp Quốc khánh 2/9 được cho là nước đi khôn ngoan của chị vì chọn đúng điểm rơi để tác phẩm được nhắc tới. Chị có thường tính toán nhiều mỗi khi ra mắt tác phẩm mới?
Nghệ sĩ violin Trịnh Minh Hiền: Tôi không nghĩ ngợi được nhiều như thế. Tôi có ý tưởng thực hiện MV từ năm 2021, khi được Đại sứ quán Ý tại Việt Nam mời chuyển soạn Quốc ca của đất nước họ và ghi hình tại một số cảnh đẹp của Hà Nội. Tôi thấy dự án trên thú vị nên muốn thực hiện một phiên bản dành cho Quốc ca Việt Nam. Với tác phẩm này, không có thời điểm ra mắt nào phù hợp hơn dịp Quốc khánh. Năm 2021, tôi không thực hiện được vì dịch bệnh nên phải dời sang năm nay. Mục đích của tôi khi thực hiện dự án cũng giống điểm đến mà nhiều nghệ sĩ đã chọn - làm nghệ thuật vì cộng đồng.
|
Thăng hoa trong từng đêm diễn |
* Tôi đọc được một nhận xét của khán giả sau khi nghe Quốc ca phiên bản độc tấu violin, đại ý người này nói họ thấy có yếu tố mới nhưng không hiểu sao lúc cần đẩy lên cao trào, chị lại cho giai điệu “rơi tõm xuống”. Chị thấy nhận xét này thế nào và trước những lời chê khen, tâm thế chị ra sao?
- Kể từ khi lập kênh YouTube để đưa âm nhạc của tôi đến gần hơn với công chúng, có rất nhiều bình luận khen chê, thậm chí chê thậm tệ. Nhưng nếu chỉ chê bai mà không đưa ra lời góp ý, tôi thường không để tâm.
Còn với bình luận này, tôi thấy tích cực vì khán giả đã dành thời gian nghe và nhận xét. Giải thích về việc tại sao đoạn cao trào lại không hùng hồn thì khi chuyển soạn, tôi xác định sẽ nhìn ca khúc dưới góc độ một nhạc phẩm hay, không phải khía cạnh một ca khúc chính trị. Nếu đặt yếu tố chính trị cao hơn, ca khúc phải hùng hồn hơn, trang trọng hơn, còn ở đây, tôi muốn phần cao trào tập trung ở đầu, về sau êm dịu hơn, cho thấy tính chất đối lập. Sự lựa chọn này của tôi khác với giai điệu Quốc ca mọi người thường nghe nên dễ có ý kiến trái chiều.
Nghệ sĩ nào cũng sẵn sàng tâm lý rằng mọi sản phẩm họ làm ra, dù tốt nhất cũng sẽ có người chưa vừa ý. Thị hiếu và sự nhìn nhận trái chiều từ khán giả là bình thường, tôi thấy không cần quá lo vì lo lắng rồi sẽ chẳng làm được gì nữa. Chưa kể với những người không mở lòng, dù bạn nỗ lực, họ cũng không nhìn nhận.
* 20 năm, chị vẫn đi con đường độc đạo, mải miết “lội ngược dòng” để đưa nhạc cổ điển đến gần hơn với khán giả qua những thử nghiệm. Vì sao phải giao thoa cổ điển với pop, rock, jazz, thậm chí âm nhạc dân tộc...?
- Năm 20 tuổi, thời còn sống ngẫu hứng, đầy chất nghệ sĩ, tôi may mắn gặp được những nhạc sĩ gạo cội, trong đó có “bộ tứ” gồm nhạc sĩ Nguyễn Cường, Dương Thụ, Trần Tiến, Phó Đức Phương. Họ khích lệ, động viên, nói rằng ngoài chơi nhạc, tôi có khả năng sáng tác - khác với số đông - nên hãy cố tìm con đường khác, một con đường cho chính mình.
Cho đến bây giờ, hơn 20 năm từ lời dặn ngày cũ, tôi thấy với nghệ sĩ, con đường riêng là yếu tố cực kỳ quan trọng, giúp khẳng định họ là ai, có tiếng nói riêng biệt thế nào. Với âm nhạc không lời, chỉ chơi cổ điển là không đủ mà phải nghiên cứu thêm. Đó là lý do vì sao tôi thử nhiều dòng nhạc. Con đường tôi đi trải đầy hoa hồng gai, đẹp nhưng cũng nhiều đau đớn.
* Đi một con đường trong suốt 20 năm, hẳn càng về sau, chị thấy mọi thứ càng dễ dàng hơn?
- Lạ lùng là càng đi, tôi càng thấy khó khăn. Nếu ai đó nghĩ rằng đoạn đường đầu tiên khó khăn nhất thì không phải. Ngày tháng đó tôi có sự hào hứng và tuổi trẻ. Tôi được phép vấp ngã, sai lầm, vì còn thời gian để làm lại. Rồi thời gian qua đi, những nghệ sĩ muốn cống hiến gặp nhiều thử thách hơn. Đôi khi, thử thách không đến từ khán giả hay các yếu tố xung quanh mà chính từ nghệ sĩ. Họ ngày càng đòi hỏi, họ hồ nghi không biết mình đã giỏi chưa, rằng nghệ thuật này có phải của riêng mình hay mình đang sao chép của ai khác. Họ tự vấn liên tục, không ngơi nghỉ.
Tưởng tượng xem, như một cỗ máy đã khởi động, qua thời gian lấy đà chạy hết tốc lực thì nó phải hoạt động hối hả hơn, nhanh hơn nữa. Những gì tôi đạt được trong giai đoạn đầu là tiền đề để tôi nỗ lực hơn, tìm kiếm những thứ của riêng mình, làm gì đó mang bản sắc riêng... Điều đó hoàn toàn không dễ dàng với một nghệ sĩ đã hoạt động 20 năm.
|
Với nghệ sĩ Trịnh Minh Hiền, giây phút được đứng trên sân khấu là khoảnh khắc hạnh phúc nhất |
* Với những gì chị vừa chia sẻ, hẳn hành trình thực hiện album solo Phoenix (Phượng hoàng) kỷ niệm 20 năm biểu diễn và sáng tác chuyên nghiệp cũng không hề dễ dàng?
- Đôi lúc, tôi nghĩ làm album kỷ niệm 20 năm lần này hơi giống một sự tổng kết cuộc đời vì dễ có mấy lần được thực hiện. Áp lực khủng khiếp lắm! Phoenix là album đầu tay của một người đã 20 năm biểu diễn và sáng tác chuyên nghiệp nên phải đảm bảo giá trị chuyên môn, nghệ thuật cao.
Trong album này, tôi chuyển soạn lại một số ca khúc nổi tiếng của “tứ đại” nhạc sĩ Dương Thụ, Trần Tiến, Phó Đức Phương, Nguyễn Cường và hai liên khúc, trong đó có một liên khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ngoài ra, tôi sẽ chơi một số nhạc phẩm viết riêng cho violin của nhạc sĩ Lê Minh Sơn, nhạc sĩ trẻ Duy Phong. Ca khúc chủ đề của album là tác phẩm Phượng hoàng do chính tôi sáng tác. Tôi muốn hướng tới sự đa dạng trong album lần này. Phoenix sẽ tựa như cuốn sách, mọi người lật giở đến cuối sẽ thấy sợi dây kết nối toàn bộ nhưng nếu thưởng thức từng bài cũng cảm nhận được sự khác nhau rõ rệt. Album sẽ cho khán giả thấy cái hay, cái đẹp của nhạc cụ, cách chơi đàn của một nghệ sĩ 20 năm làm nghề và hơn hết, đó cũng là bản lề để mọi người soi chiếu và biết tại Việt Nam, nghệ sĩ đang chơi violin như thế nào.
|
Nghệ sĩ Trịnh Minh Hiền và hình ảnh trong MV Quốc ca được cô quay tại Hà Nội |
* Chị đặt nhiều kỳ vọng cho album lần này nhưng hỏi thật, 20 năm qua, sự đón nhận từ công chúng với dòng nhạc chị đang theo đuổi có thay đổi đúng như kỳ vọng?
- Thật lòng, tôi thấy việc đưa âm nhạc cổ điển đến với công chúng vẫn luôn khó. Sau nhiều năm nghiên cứu, tìm tòi, tôi nhận ra nếu có thể kết hợp giữa những uyên thâm bác học và các giai điệu thân quen, mang tính đại chúng, âm nhạc cổ điển dễ lan tỏa hơn. Nếu đi con đường đó, tôi vừa chơi được thứ nhạc mình yêu thích, vừa thuyết phục khán giả thưởng thức những gì tôi làm ra.
Có thể đồng nghiệp đều công nhận bạn nhưng nhìn rộng ra thị trường, quá khó để khán giả biết mặt, gọi tên. Đến giờ, với câu hỏi rằng âm nhạc biểu diễn hàn lâm có phát triển hay không, câu trả lời vẫn chưa thể lạc quan. Đặc thù của âm nhạc hàn lâm là kén khán giả. Tại Việt Nam, âm nhạc hàn lâm có tệp người nghe riêng nhưng còn ít, trình độ khác nhau.
Nhiều năm trong nghề, tôi hiểu nghệ thuật không phải là o ép nhau, không phải cứ hay thì sẽ được đón nhận. Âm nhạc đó phải phù hợp với thị hiếu. Nghệ sĩ phải tìm hiểu người nghe thích gì để có sự dung hòa. Bây giờ chúng ta ngừng kêu ca, than thở mà hãy làm đi. Cứ tưởng tượng rằng nghệ sĩ đang trong vai các thương lái mang hàng ra chợ bán, khách hàng là khán giả. Vậy thì, hãy bán món hàng khán giả cần.
“Tuổi 20 tôi sống ngẫu hứng, giờ đã vơi chút ít”
* Chị có còn nhớ ước mơ ngày thơ ấu của mình?
- Tôi không nhớ ngày xưa mình có mơ mộng gì không, chỉ nhớ rõ những ngày bị ăn đòn vì lười tập luyện. Những nghệ sĩ cổ điển nói riêng và những nghệ sĩ chơi nhạc cụ nói chung phải khổ luyện từ bé. Cho đến lúc giỏi mới biết mình giỏi còn trong quá trình luyện tập thì chán lắm vì không được chơi như các bạn. Mỗi ngày, chúng tôi phải ở trong nhà kéo đàn ít thì bốn tiếng, nhiều thì sáu tiếng, thậm chí hơn thế, trong khi bên ngoài bạn bè chơi đùa.
Ngày đó, bố mẹ gửi tôi đi học nhạc cụ vì mong con gái có được nghề nghiệp nhẹ nhàng hơn những nghề khác. Thế nhưng bố mẹ không biết rằng công việc này khó khăn, chông gai ngay từ khi bắt đầu cho đến lúc ra trường. Đứa trẻ đó đi đâu về đâu, làm sao để kiếm tiền… thì không ai đảm bảo được.
Tôi không có ước mơ nào khác vì chương trình học quá nặng. Tôi không có thời gian học thêm những môn khác vì nếu học sẽ bị phân tán sự tập trung. Nhiều lúc, tôi muốn rút lui nhưng bố mẹ không cho. Thời đại học, tôi dự định học thêm ngành thiết kế thời trang, cũng đi luyện vẽ nhưng bố mẹ không muốn, sợ tôi giảm tập trung. Cuối cùng là nghề chọn mình.
* Những năm tháng sống một cuộc đời được vạch sẵn như thế, chị có cho mình “quyền” được giận bố mẹ?
- Tôi chưa từng giận. Bố mẹ tôi rất yêu nghệ thuật. Tình yêu ấy trong sáng vô cùng. Sau này, bố mẹ thấy tôi vất vả với nghề nên thương tôi nhiều, cũng từng nói rằng nếu biết trước tương lai, ngày xưa đã cho tôi theo học ngành nghề khác.
Thật sự tôi thấy mình phù hợp với công việc hiện tại. Có một kiểu người chỉ làm được việc này mà không làm được việc khác - chính là tôi. Tôi chỉ đi trên một con đường, không phải loay hoay lựa chọn nên có thời gian nghiên cứu, tìm kiếm những điều mới mẻ để tự mình làm mình vui. Tôi thấy với nghệ sĩ làm nhạc, điều quan trọng là họ phải tin điều họ đang làm. Tôi biết, với một số đồng nghiệp, đối tượng họ hướng đến đầu tiên khi sáng tạo không phải là khán giả mà chính là tình yêu, niềm đam mê nghệ thuật. Họ cống hiến vì từ sâu bên trong có sự thôi thúc.
""Tôi biết nếu hạnh phúc dễ đến thì nỗi buồn cũng tương tự, thành ra, tôi dặn mình cần phải có một trái tim nóng, một cái đầu lạnh. Đời thường, đi ngoài đường gặp ai có hoàn cảnh khó khăn, xem truyền hình thấy nhân vật cơ cực quá hay lúc kể với bạn bè chuyện buồn vui trong cuộc sống, tôi khóc ngay. Nhưng rồi tôi nhận ra, nếu mình cứ dễ buồn vui thì chẳng thể làm gì được. Bây giờ, tôi có công ty nhỏ đang trong quá trình gầy dựng, cần phải lo lắng nhiều thứ nên tôi chỉ dành cảm xúc cho những khi trên sân khấu, cho con và lúc một mình. Còn lại, tôi dặn mình phải tiết chế, mạnh mẽ hơn”. Nghệ sĩ violin Trịnh Minh Hiền |
* Sự lựa chọn tìm về chất liệu dân gian trong âm nhạc, thính phòng hóa những ca khúc quen thuộc của chị cũng dựa trên tình yêu nghệ thuật tự thân, không phụ thuộc thị trường hiện tại?
- Tôi từng chơi đàn ở cả ngàn chương trình, kinh nghiệm học được không hề nhỏ nhưng lâu nay vẫn thấy thiếu điều gì đó, chưa thể thỏa mãn. Cho đến vài năm trở lại đây, tôi nhận ra mỗi người đều có gốc gác, nguồn cội. Âm nhạc tôi có thể ngao du khắp nơi, kết hợp nhiều thể loại nhưng sao trên chính quê hương mình, tôi chưa làm gì để mọi người biết tôi tự hào về căn tính người Việt của mình ra sao. Tôi đang hướng tới âm nhạc mang tinh thần dân tộc, mang những đặc trưng, thang âm Việt Nam. Như bản độc tấu Quốc ca mà mọi người đã thấy, ở phần mở đầu tôi sử dụng hoàn toàn thang âm của âm nhạc dân tộc miền núi phía Bắc. Trong album Phoenix, tôi cũng sử dụng thang âm đặc trưng của Việt Nam như một sự tự hào dân tộc.
Giờ đây, âm nhạc tôi chơi vẫn mang tinh thần của sự thể nghiệm, luôn mới mẻ nhưng khác ở chỗ, tôi đã tìm ra hướng đi riêng. Tôi thấy chỉ khi nào được chơi theo phong cách âm nhạc riêng, được là chính mình, tôi mới tự tin, tự hào và thăng hoa nhất.
|
“Thiên thần nhí” đồng hành cùng mẹ |
* Tôi quý sự độc lập ở chị, cách chị tự do sống cuộc đời của mình dù sự nghiệp ban đầu được cha mẹ định hướng. Song, đàn bà độc lập liệu có tự “ôm” những vất vả, khổ cực cho mình, kể cả trong đời sống riêng?
- Trong hôn nhân hay cuộc sống nói chung, tính cách tôi khá mạnh nên không dễ để hòa nhập, “trụ” được lâu dài. Tôi đã có hai con và tôi vẫn chọn con đường một mình. Nghệ sĩ theo cổ điển đã khó, nghệ sĩ cổ điển tự lập trong hôn nhân thì không cần hỏi, ai cũng biết câu trả lời rằng khó khăn ra sao. Nghĩ lại, tôi thấy mình đã vượt qua giai đoạn khó khăn một cách khá ngoạn mục.
Tôi không giỏi chăm sóc người khác nhưng khi sinh con, bản năng làm mẹ trong tôi trỗi dậy. Từ đâu không rõ, tôi có động lực làm việc từ mờ sáng đến khuya. Tôi nghĩ bản thân may mắn, nhưng phần lớn chính là tôi tin mình có thể làm được, tin rằng chỉ bằng cách lao động, người ta mới biết giá trị và năng lực của mình.
Một hôm, sau khi đưa con đến lớp, ngồi từ nhà nhìn ra, tôi chợt phì cười vì nghĩ mình dở dở ương ương mà vẫn có được hai con thì tài tình thật. Thời còn đôi mươi, tôi sống “nghệ” lắm. Đến khi có con, áp lực cơm áo gạo tiền, lo toan đủ thứ khiến sự ngẫu hứng trong tôi vơi đi. Điều đó có nghĩa các con cũng dạy tôi nhiều điều, giúp tôi thay đổi để tốt hơn. Có thể, tôi không phải là người mẹ tốt hay hoàn hảo nhưng là người mẹ truyền cảm hứng.
Diễm Mi (thực hiện)
Ảnh: Nhân vật cung cấp