Nghệ sĩ violin Hoàng Rob: Vẫn đi tìm giấc mơ

07/08/2019 - 19:00

PNO - Nay Hoàng Rob đã 28 tuổi, nói cho cùng, cũng chỉ vì 120 phút trên sân khấu như giấc mơ năm nào. Anh vẫn đang mò mẫm, đào sâu bản thể, để tìm ra những vùng năng lượng mới mang tên mình trong âm nhạc.

Sau album Hừng đông đoạt giải Nghệ sĩ mới của năm trong khuôn khổ giải thưởng âm nhạc Cống hiến 2017, ngỡ đâu Hoàng Rob sẽ bùng nổ với các sản phẩm âm nhạc mới, nhưng không, Hoàng gần như mất tích, thậm chí cũng ít xuất hiện trên báo chí. Rồi cũng đầy bất ngờ, anh trở lại với các dự án âm nhạc liên tiếp nhau cho tới hết năm 2020.

Nhiều nghệ sĩ có chung căn bệnh sợ công chúng quên mình nên chọn chiêu trò, scandal để được xuất hiện. Hoàng nói, anh chỉ sợ quên mất chính mình. Sau Hừng đông, một cơn mông lung ngập lòng mà Hoàng chưa biết làm gì để vượt qua, cũng không biết phải bắt đầu lại từ đâu. Thế là Hoàng quyết định nghỉ ngơi để tái tạo năng lượng, để làm những điều trước đây chưa bao giờ làm… Album Trò chuyện là dự án mở đầu, tái khởi động cái tên Hoàng Rob sau ba năm lặng tiếng đó.

Nghe si violin Hoang Rob: Van di tim giac mo
Hoàng Rob

Những người thích Hừng đông, có lẽ sẽ không thích Trò chuyện, cho rằng đây là một bước lùi của Hoàng Rob. Về nội dung ý tưởng lẫn tính thể nghiệm, thông điệp, so với album cũ, album mới có vẻ “nhẹ đô” hơn và được pop ballad hóa đi nhiều với Thế là thôi, Tặng, Đừng rời xa tôi, Độc ẩm, Mây bay cuối trời, Ngày đó ta gặp lại. Màu sắc âm nhạc cũng không đa dạng bằng. Nhưng tại sao Hoàng lại chọn sự nhẹ nhàng đó để trở lại mà không phải là một sản phẩm nào đó phá cách hơn, tôi hỏi. Hoàng nói, anh cố tình làm vậy - chọn nhẹ nhàng để mở đầu cho sự bùng nổ trong thời gian tới.

Điều thú vị nhất của cuộc đời là khi người ta còn trẻ, hoàn toàn có thể “giãn nở” tùy vào năng lượng bên trong của mình. Đã có một thời gian, sự cực đoan trói chặt mắt nhìn, trí óc, tay chân, hạn chế khi tiếp nhận những vùng giáp ranh mới. Đã có một thời gian, Hoàng chỉ nghe nhạc cổ điển và tôn thờ một thứ “cổ điển thuần khiết”. Giờ đây, Hoàng lại muốn mang thứ âm nhạc mà người đời gọi là hàn lâm đó, hòa nhập, bình đẳng và không phân cao thấp với các dòng nhạc khác, chạm đến càng nhiều người nghe càng tốt.

Hoàng không muốn âm thanh của violin chỉ vang lên và đóng kín ở tháp ngà. Vì thế ta mới thấy, ở Hừng đông là cuộc trò chuyện của violin với world music, với đàn nhị, với âm nhạc điện tử, thậm chí violin giữa phố. Còn giờ đây là violin trò chuyện cùng các nghệ sĩ: Thu Phương, Quang Dũng, Hà Trần, ca nương Kiều Anh, Đức Phúc.

Nghe hòa tấu Hừng Đông:

Thường thì, nghệ sĩ bỏ tiền ra làm sản phẩm để tôn cái tôi cá nhân. Những nhân vật khách mời chủ yếu đóng vai trò làm nền, làm tròn đầy cho bản ngã ấy. Đặc biệt, với những nghệ sĩ độc lập về nhạc cụ, họ rất ngại mời ca sĩ tham gia, vì khán giả thường để ý đến ca sĩ hơn. Tuy nhiên, ở Trò chuyện, Hoàng mời tới 6 người góp mặt, trong đó có cả những cá tính âm nhạc có khả năng “nuốt chửng” cả anh. Hoàng đã bạo gan từ bỏ cái tôi cá nhân mà nghệ sĩ nào cũng muốn trưng trổ ra cho thiên hạ thấy, để chọn một sự nhạt nhòa, anh quá tự tin vào bản thân hay chỉ mượn các nghệ sĩ nổi tiếng để làm sang?

Sự thực, “Trò chuyện không phải là album tôn vinh một ai đó, mà mọi người cùng tôn nhau lên. Ở đó, violin vang lên như một giọng ca, song hành cùng các giọng ca còn lại. Đích đến vẫn là tai nghe của khán giả. Khán giả hài lòng, đó là một album hay” - câu nói của chàng “nghệ sĩ mới” năm nào cho thấy, giờ anh đã không còn là “nghệ sĩ mới” trong tư duy âm nhạc.

Hoàng chia sẻ: “Đúng là so với album cũ, thông điệp của Trò chuyện đơn giản hơn. Tuy nhiên, càng đơn giản càng khó, vì toàn bộ album đều được thu trực tiếp, là những âm thanh thật, không được mài mượt như nhiều sản phẩm phòng thu hiện nay”. Để làm được, nghệ sĩ phải tin ở mình, đồng thời phải tin những người đồng hành. Ở đây, ngoài bản thân, Hoàng tin tới 6 lần. Song dù phức tạp hay đơn giản, anh đều cố tìm đến cái tận cùng, cái sâu thẳm.

Ở ta, vì độ khó, độ chính xác, thường chỉ có nghệ sĩ opera hay những nghệ sĩ lớn mới dám thu trực tiếp với dàn nhạc, hiếm nghệ sĩ hay ca sĩ trẻ nào dám làm. Thế mà Hoàng Rob đã mời dàn nhạc tới 30 người. Nghe thì có vẻ du dương, dễ chịu, nhưng đằng sau đó là bao kỳ công, tỉ mẩn. Không chỉ là câu chuyện đầu tư tiền bạc, công sức, mà còn là một cuộc chơi về âm nhạc, về thẩm mỹ.

Ba năm trước, hỏi anh: “Người ta nói Hoàng Rob nhiều tiền nên mới dám chơi sang trong âm nhạc như vậy?”. Hoàng đã cười rất lớn, nói đại ý, đã có nhiều người nghĩ như thế, mà đúng là thế thật. Nhưng rồi anh “bật” lại: “Có những người có tiền, nhưng cũng đâu biết chơi”.

Nghe si violin Hoang Rob: Van di tim giac mo
Hoàng Rob biểu diễn trong live concert Hừng Đông
 

Năm 25 tuổi, Hoàng viết: “Chỉ cách một tiếng trước giờ bước lên sân khấu, trong phòng chờ, chỉ có một mình, tôi mặc chiếc áo đen bó sát người để tiện thay áo ngoài cho buổi diễn. Trong khoảnh khắc, tôi không còn nhận ra chính mình. Lần đầu tiên trong đời, thấy mình gầy rõ cả xương sườn. Quầng thâm dưới mắt giờ ngày càng rõ, khuôn mặt cũng lộ ra hai phần xương hàm. Tôi nhớ những giấc ngủ vội vàng, những chuyến đi gấp gáp, những lúc cơ thể không còn nghe lời... Bao nhiêu vất vả đánh đổi trong suốt hai năm qua, cũng chỉ vì 120 phút trên sân khấu đó”.

Nay Hoàng Rob đã 28 tuổi, nói cho cùng, cũng chỉ vì 120 phút trên sân khấu như giấc mơ năm nào. Anh vẫn đang mò mẫm, đào sâu bản thể, để tìm ra những vùng năng lượng mới mang tên mình trong âm nhạc. 

Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI