Nghệ sĩ Việt và chiêu trò né thuế

05/10/2018 - 11:36

PNO - Với đặc thù công việc không cố định, khó kiểm soát nhưng thu nhập cao, việc đóng thuế của nghệ sĩ Việt vẫn là câu chuyện dài chưa có hồi kết.

Sau những ồn ào, đồn đoán suốt hơn ba tháng qua, Phạm Băng Băng vừa bị Cục thuế Trung Quốc kết luận trốn thuế, phạt 833 triệu NDT (khoảng 2.800 tỷ đồng). Hành vi gian lận thuế của Phạm Băng Băng được thực hiện thông qua các “hợp đồng âm - dương” (hai bản hợp đồng - hợp đồng thật với giá trị lớn và hợp đồng giả giá trị thấp để đối phó với cơ quan thuế).

Nghe si Viet va chieu tro ne thue
Sau hơn 3 tháng điều tra, Phạm Băng Băng vừa bị phạt 833 triệu NDT vì trốn thuế

Với mức cát-sê lên đến hàng triệu USD, việc trốn thuế giúp Phạm Băng Băng “tiết kiệm” được một khoản tiền khổng lồ. Sáng 3/10, Phạm Băng Băng đã chính thức gửi “tâm thư” xin lỗi công chúng trên trang cá nhân. Ngoài Phạm Băng Băng, theo một số nguồn tin, cơ quan điều tra Trung Quốc cũng đang xem xét hồ sơ của khoảng 100 nghệ sĩ bị nghi ngờ gian lận thuế.

Tại Việt Nam, nghệ sĩ thường nhận show trực tiếp từ các nhà tổ chức (bầu show, doanh nghiệp) hay agency (nhà thầu làm chương trình). Có hai hình thức thanh toán: cát-sê không kèm thuế (nhà tổ chức tự tính phần thuế của nghệ sĩ và thực hiện nghĩa vụ thuế) hoặc cát-sê được tính đủ phần thuế và nghệ sĩ sẽ tự quyết toán thuế. Chọn hình thức thanh toán nào là do thỏa thuận giữa hai bên.

Những hợp đồng âm - dương trong showbiz Việt xuất hiện ở hàng nghệ sĩ ngôi sao, trong các bản hợp đồng lớn, có giá trị cao, nhưng không cần đến hai bản hợp đồng. Hầu hết chỉ là một bản hợp đồng để báo cáo thuế. Khoản tiền thực nhận cao hơn số đó, chỉ có nghệ sĩ và người thuê biết. Khoản tiền chênh lệch sẽ được các nhân viên kế toán của các đơn vị phù phép vào những khoản chi khác để hợp lý hóa số tiền.

Thực tế, không phải bất kỳ công việc nào của nghệ sĩ cũng có hợp đồng cụ thể. Trong nhiều trường hợp, nghệ sĩ và bầu show chỉ hợp đồng miệng, dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau. Các khoản thuế sẽ được hạch toán vào những chi phí khác. Đây được xem là hình thức “lách” thuế cơ bản nhất.

Theo quy định hiện hành, những lao động không ký hợp đồng hoặc ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng, có tổng thu nhập từ 2 triệu đồng/lần trở lên sẽ phải khấu trừ 10% thu nhập. Trong khi đó, các người đẹp đi sự kiện thường có giá dao động từ 10 triệu đồng cho đến vài ngàn USD, thù lao nhận trực tiếp tiền mặt hoặc chuyển khoản.

Nhưng kể cả khi có hợp đồng, chưa chắc thuế đã được nộp. Một quản lý nghệ sĩ tiết lộ: chưa bao giờ phải đi đóng thuế, dù phía đối tác có ký hợp đồng theo giá trị để nghệ sĩ tự đi nộp thuế.

Với các người mẫu tương đối có tiếng, cát-sê ở mức 2 triệu đồng trở lên cho một show diễn/nhà thiết kế. Đây cũng là giá để những chân dài này diễn đồ án tốt nghiệp cho sinh viên. Khi tham gia sự kiện của các nhãn hàng, cát-sê sẽ cao hơn. Những người mẫu đình đám, mức thu nhập cho một lần trình diễn có thể lên đến vài chục triệu đồng, nhưng cũng chỉ thỏa thuận miệng chứ không thông qua hợp đồng và cũng không ai nghĩ đến chuyện phải nộp thuế.

Ở các show hội chợ tỉnh, “hợp đồng” chỉ là một cuộc gọi, thù lao trao tay. Mọi thứ còn lại, bầu show sẽ phù phép, cân đối. Không hiếm trường hợp show diễn xong, bầu show biến mất, cơ quan thuế hay cơ quan chức năng cũng chẳng biết đâu mà tìm. Thời gạo châu củi quế, nhiều ca sĩ sẵn sàng đi hát đám cưới, đám tiệc với thù lao cao ngất ngưởng, nhưng không hề khai thuế, cũng chẳng ai biết để truy thu.

Những show diễn ở vũ trường, quán bar, nghệ sĩ thường sẽ nhận 30 - 50% tiền thù lao, gọi là đặt cọc, phần còn lại sẽ được thanh toán sau khi show diễn kết thúc. Một người từng làm việc cho một nhà sản xuất chương trình truyền hình cho biết, các nghệ sĩ thân quen, khi tham gia game show, chỉ cần ký xác nhận để nhận thù lao chứ không có bất kỳ giấy tờ nào. Tuy nhiên, khoản tiền này thường nhỏ hoặc khi nghệ sĩ tham gia với vai trò khách mời cho một hay vài số ghi hình. Những nghệ sĩ ngồi xuyên suốt mùa giải buộc phải có hợp đồng để ràng buộc quyền lợi, trách nhiệm của đôi bên.

Trường hợp trốn thuế nhiều nhất là việc livestream, chia sẻ quảng cáo của nghệ sĩ. “Thỏa thuận công việc này rất đơn giản, nghệ sĩ đồng ý, đối tác chuyển tiền. Nếu nhãn hàng có quỵt tiền, nghệ sĩ cũng chỉ việc xóa là xong, lần sau không làm việc chung nữa” - một quản lý chia sẻ. Mức giá cho một status quảng cáo trên Facebook của nghệ sĩ, người nổi tiếng thường dao động từ 10 triệu đồng đến vài chục triệu đồng. Những nghệ sĩ “thông minh” sẽ nhận tiền vào một tài khoản khác không do mình đứng tên để tránh việc bị cơ quan thuế lần ra dấu vết.

Mức thu nhập của nghệ sĩ trong làng giải trí Việt chắc chắn khó sánh với hàng triệu USD cho mỗi hợp đồng như Phạm Băng Băng. Tuy nhiên, khi cộng dồn nhiều nghệ sĩ, nhiều công việc của một nghệ sĩ thì số tiền thuế thất thoát hằng năm không hề nhỏ. 

Thành Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI