Nghệ sĩ Việt mua bán tác phẩm bằng công nghệ gây sốt toàn cầu

03/04/2021 - 15:57

PNO - Dự án Cổng Trời sẽ giúp họa sĩ Việt số hóa các tác phẩm nghệ thuật từ đời thực thành tác phẩm kỹ thuật số, mua bán theo hình thức mới.

Dự án Cổng Trời ứng dụng công nghệ Non Fungible Token (NFT) - một công nghệ đang gây sốt toàn cầu khi tạo ra những phi vụ mua bán hàng chục thậm chí hàng trăm triệu USD trong thời gian qua. Với công nghệ NFT, một tác phẩm nghệ thuật ngoài đời thực sẽ được số hóa, bước vào thế giới “ảo”, và cả hai cùng tồn tại song song.

Theo anh Phạm Toàn Thắng - nhà sáng lập Cổng Trời - sau khi được số hóa, ngoài chức năng lưu trữ tác phẩm trên nền tảng mạng, ứng dụng sẽ giúp các nhà sưu tầm và khán giả khắp nơi trên thế giới có thể thưởng thức, tìm kiếm thông tin liên quan đến tranh. Bên cạnh đó, mọi người còn có thể thực hiện các giao dịch thương mại “ảo”.

Giao diện của ứng dụng Cổng trời.
Trên giao diện của ứng dụng Cổng Trời, mọi người có thể truy cập vào tác phẩm, xem giá cũng như lịch sử giao dịch

Có thể hiểu, khi họa sĩ vẽ xong một tác phẩm, tranh sẽ tồn tại ở 2 hình thức là trực tiếp (vật thể) và trực tuyến (phi vật thể). Ngoài đời thực, họa sĩ có thể bán bức tranh (vật thể) cho bất kỳ khách hàng nào như giao dịch truyền thống lâu nay. Còn lại, họ có thể chụp bức tranh đó và gửi ảnh chụp cho Cổng Trời (hay một đơn vị ứng dụng NFT bất kỳ).

Đội ngũ của Cổng Trời sẽ số hóa tác phẩm với công nghệ NFT và đẩy lên “sàn”. Những người thích có thể mua tác phẩm “ảo” này để sưu tầm hoặc bán lại cho người khác. Mỗi tác phẩm chỉ được số hóa một lần và xác thực độ tin cậy bằng chữ ký điện tử của tác giả nhằm tránh sao chép.

Anh Phạm Toàn Thắng cho biết trên thế giới hiện có khoảng 56 “sàn” ứng dụng công nghệ NFT. Các ứng dụng hoạt động từ tháng 10/2020 và đang “làm mưa làm gió” trong giới nghệ thuật với tổng giá trị các giao dịch đã lên đến gần 400 triệu USD (số liệu ghi nhận qua “sàn” nonfungible.com). Tại Việt Nam chưa có “sàn” giao dịch NFT, Cổng Trời là ứng dụng đầu tiên.

“Thông qua Cổng Trời, chúng tôi muốn giới thiệu các tác phẩm của nghệ sĩ Việt Nam ra thế giới cũng như tạo môi trường để các nghệ sĩ có thể lưu trữ tác phẩm trên nền tảng mạng, buôn bán tác phẩm đã được số hóa đó. Chúng tôi không phải “chợ ảo” mà là ứng dụng kết nối, tại đây, mọi người có thể trích xuất thông tin tác phẩm một cách cụ thể, minh bạch, giao lưu và đấu giá cho những tác phẩm mình yêu thích”, anh Phạm Toàn Thắng cho biết.  

Anh Phạm Toàn Thắng, người sáng lập ứng dụng Cổng trời.
Anh Phạm Toàn Thắng, người sáng lập ứng dụng Cổng Trời

Vì quá mới nên việc buôn bán tác phẩm nghệ thuật qua công nghệ NFT tồn tại những nỗi lo nhất định. Về phía họa sĩ, họ ngại gửi tác phẩm vì nhiều lý do, đặc biệt là việc xem tranh qua màn hình bao giờ cũng không bằng cảm nhận trực tiếp, dễ hạ thấp giá trị tác phẩm.

“Đây là vấn đề khiến nhiều họa sĩ ngại gửi tác phẩm đến với chúng tôi nhất. Đương nhiên, trải nghiệm một bức tranh qua màn hình dù đạt chất lượng HD, cũng không bằng với việc quan sát một bức tranh thực. Giá bán tác phẩm thông qua trực tuyến cũng sẽ thấp hơn. Tuy nhiên, sự việc nào cũng có hai mặt. Tôi nghĩ, với những trải nghiệm hạn chế về mặt địa lý, kinh phí... việc lưu trữ sản phẩm số sẽ phát huy được một số ưu điểm”, anh Phạm Toàn Thắng nói.

Nhà sáng lập Cổng Trời cho biết sẽ làm việc, ngỏ lời hợp tác với Hội Mỹ thuật TPHCM, Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam (tên giao dịch tiếng Anh: Recording Industry Association of Vietnam, viết tắt RIAV), Viện IDECAF - Viện Trao đổi Văn hóa với Pháp... và nhiều đơn vị, cá nhân để chuyển các tác phẩm sang nền tảng số, làm đa dạng ứng dụng.

Nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM cho biết: "Đại dịch COVID-19 đã hạn chế rất nhiều việc tổ chức những cuộc triển lãm trực tiếp, tôi cho rằng Cổng Trời là kênh truyền thông phù hợp cho các văn nghệ sĩ khi vừa giúp tiết kiệm thời gian, vừa đem lại hiệu quả cao hơn trong việc quảng bá. Thời gian tới, Hội sẽ kết hợp với Cổng Trời để tạo "nhà riêng" cho các họa sĩ là hội viên của Hội để thuận tiện trong việc buôn bán, trao đổi, tra cứu thông tin tác phẩm ảo".

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI