ĐI ĐỂ TRỞ VỀ
Họ là những trí thức, nghệ sĩ ít nhiều đạt được thành tựu trong lĩnh vực mình theo đuổi nơi xứ người. Nhưng, một sợi dây, một cảm giác vô hình nào đó kéo họ trở về với quê hương, bản xứ. Họ không gọi điều đó bằng những từ ngữ to tát, không hô hào truyền thống... Đó có thể là những ký ức không thể nào phai nhạt, là những lời kể trìu mến của bà của mẹ, là tình yêu không dứt dành cho nghệ thuật.
Họ làm việc và cống hiến bằng sức lao động, thầm lặng và nhiệt tâm. Họ nhìn mọi thứ bằng đôi mắt logic, khoa học của người phương Tây nhưng giang tay đón nhận tất cả vọng động của đời sống đang diễn ra trước mắt bằng trái tim Việt Nam. Cũng chính lúc đó, họ cảm nhận rõ dòng máu Việt đang chảy mãnh liệt trong người.
Bài 1: Đạo diễn Leon Lê: 'Không ai có thể phủ nhận tình yêu của tôi với Việt Nam'
|
Mới đây, vào những ngày giáp Tết, Vân Ánh Võ (Vanessa Võ) về nước biểu diễn và bắt đầu hành trình tìm kiếm chất liệu âm nhạc, phục vụ cho những dự án tiếp theo trong sự nghiệp. Không phải là lần trở về hiếm hoi nhưng với khán giả Sài Gòn, không có nhiều dịp để nghe/nhìn Vân Ánh Võ trên sân khấu bởi công việc của chị ở Mỹ quá nhiều.
Định danh Vân Ánh Võ - Vanessa Võ
Năm 2001, Vân Ánh Võ rời Việt Nam và khởi đầu chuỗi ngày định danh Vanessa Võ trên đất Mỹ. Như một sự sắp đặt, chỉ mấy tháng sau, có một đạo diễn liên lạc, mời chị thu nhạc phim cho bộ phim tài liệu Daughter from Danang (tạm dịch: Người con gái Đà Nẵng).
Hồi hộp, vui mừng nhưng chưa bao lâu, Vân Ánh Võ nhận ra đạo diễn và nhà sản xuất chưa hiểu hết văn hóa Việt. Họ đam mê nhưng tìm hiểu chưa tới và để “trám” lỗ hổng, họ mời nữ nghệ sĩ Việt tham gia đồng sáng tác âm nhạc cho phim. May mắn, bộ phim nhận giải thưởng của ban giám khảo cho phim tài liệu tại LHP Sudance 2002 và đề cử Oscar cho Phim tài liệu hay nhất 2003.
|
Nghệ sĩ Vân Ánh Võ |
Năm 2006, câu chuyện xảy ra tương tự với đạo diễn phim Bolinao 52 khi mời Vân Ánh Võ thu âm nhạc phim. Bolinao 52 sau đó nhận giải Emmy 2009 cho cả Nhạc phim và Phim tài liệu xuất sắc. Sau này, khi tên tuổi Vân Ánh Võ đã nằm trong “kho nhạc phim”, chị có cơ hội hợp tác nhiều hơn với những nghệ sĩ quốc tế nổi tiếng như: Yo-Yo Ma, Quartet Kronos, Oakland Symphony…
“Năm 2016, tôi vinh dự được đem nhạc dân tộc Việt Nam trình diễn tại Nhà Trắng (Mỹ) trước Tổng thống Obama. Trong những lần làm việc, tôi đều tâm niệm mình phải đưa được những gì tinh tuý nhất, những cái hay, cái đẹp nhất của 4000 năm lịch sử văn hóa Việt ra thế giới”, Vân Ánh Võ nói.
Nữ nghệ sĩ khiêm tốn kể về những thành tích mình đạt được, không màu mè, không khoa trương mà luôn dùng cụm từ “may mắn”. Có thể ngày đầu sang Mỹ, Vân Ánh Võ may mắn khi bắt tay vào dự án đầu tiên nhưng đến dự án thứ 2, 3 thì không có sự may rủi mà đó là năng lực.
Nói Vân Ánh Võ là tổng hòa của sự đan xen giữa Đông và Tây, giữa cổ điển và hiện đại, lúng liếng đầy nữ tính nhưng mạnh mẽ bên trong, chị chỉ cười. Ừ thì cái nôi nghệ thuật của gia đình bồi đắp tình yêu âm nhạc, cộng thêm việc được học hành nhạc cụ bài bản từ năm 6 tuổi và lòng tự trọng nghề nghiệp buộc nghệ sĩ phải liên tục sáng tạo, cố gắng làm nên Vân Ánh Võ hiện tại. Theo chị, nghệ thuật không sáng tạo là nghệ thuật chết.
Đưa âm nhạc dân tộc đi xa hơn
Trong lần trở về Việt Nam mới đây, Vân Ánh Võ kết hợp cùng Blood Moon Orchestra trình diễn những ca khúc quen thuộc như Đất nước lời ru, Huyền thoại mẹ, Luyện năm cung… Không chỉ với sân khấu trong nước, ở những chương trình đẳng cấp thế giới, Vân Ánh Võ thường xuyên chọn trình diễn tác phẩm đã nằm lòng với mỗi người dân Việt để lan tỏa hơn nữa văn hóa dân tộc nhưng bằng cách mới lạ hơn.
“Thử thách với tôi là làm sao đưa được tiếng đàn bầu, đàn tranh vẫn mạnh nhưng phải có sự duyên dáng vốn có. Tức, phải tìm được hơi thở mới dựa trên bản sắc của loại nhạc cụ. Điều đó khó nhưng tôi đã tìm được cộng sự. Trước khi làm việc với Blood Moon, tôi đã làm việc với rất nhiều nhóm nhạc khác nhau để tìm kiếm những bạn có cùng tư tưởng, dám thử thách bản thân, cởi mở. “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”, cho nên, sự kết hợp của chúng tôi là để âm nhạc lan toả xa hơn nữa”, nghệ sĩ Vân Ánh Võ chia sẻ.
Không chỉ trình diễn, sáng tác, Vân Ánh Võ còn dạy học – một cách theo chị là trực tiếp, hiệu quả trong việc truyền đi tình yêu với nhạc cụ dân tộc.
“Lợi thế của tôi là đang sống tại vùng vịnh San Francisco – nơi đa chủng tộc nhất của nước Mỹ. Ở đây, tôi được học hỏi văn hoá của rất nhiều nghệ sĩ đến từ những quốc gia khác nên tôi nghĩ, sao mình không giới thiệu văn hoá Việt Nam? Chính vì thế, tôi tìm tòi và chia sẻ bằng nhiều cách. Từ cách nhỏ nhất là dạy các em người Việt sinh ra trên đất Mỹ, tiếp đến là tất cả những sắc tộc khác nếu yêu mến văn hoá Việt”, nữ nghệ sĩ cho biết.
Lưu diễn qua nhiều quốc gia, tham dự những sự kiện âm nhạc lớn trên thế giới và liên tục như một “cỗ máy” truyền đi âm nhạc – văn hoá dân tộc, Vân Ánh Võ nói rằng không ai ép chị làm điều này, càng không ai có thể buộc nghệ sĩ phải gánh trên vai trách nhiệm với quê hương. Nhưng, vì yêu những giá trị tinh thần bất biến và dòng máu Việt đang chảy trong người nên “không làm, không chịu được”.
Trở về trong tâm tưởng
Thật khó để nói về sự trở về của Vân Ánh Võ vì trên thực tế, chị đang sống tại Mỹ và hầu như, những lịch diễn trong nước cũng chỉ ở con số hạn chế. Nhưng, sự trở về trong tâm tưởng của chị rất mạnh. Một Vân Ánh Võ luôn hướng về quê hương, nguồn cội dẫu cách xa về mặt địa lý là điều đáng quý. Nữ nghệ sĩ nói mình nhớ về tiếng mưa Việt Nam, ở Mỹ đâu có những thanh âm dù bình thường nhưng khắc khoải, da diết như thế. Tiếng mưa trên mái tôn, mưa ngoài hiên nhà, mưa rơi trên lá... mỗi nơi mưa rớt xuống mang một thanh âm khác nhau nhưng tựu trung: “Nhớ lắm!”.
Hơn 18 năm trên đất Mỹ, không chỉ lo cho sự nghiệp, theo đuổi tâm nguyện truyền đi văn hoá Việt, Vân Ánh Võ còn phải làm vợ, làm mẹ: “Mỗi vai trò tôi đều ráng làm tốt nhất có thể. Tôi không biết mình làm tốt mọi chuyện không, kể cả làm mẹ nhưng có vẻ với những gì đang xảy ra, tôi cũng có thể làm mẹ, làm vợ tốt đấy vì chồng con không phàn nàn (cười)”.
Vân Ánh Võ không chia sẻ nhiều về gia đình hiện tại vì chị muốn giữ riêng gia đình ở một góc nhỏ trong cuộc sống bộn bề. Chị không nhận mình là người nổi tiếng, cũng chỉ cười rồi “ừ, à” trước mỗi lời ngợi khen. Chị muốn con cái có khoảng không gian riêng để phát triển, như một người bình thường chứ không phải là con của người nổi tiếng, còn chị, hãy cứ là cánh chim không mỏi để mang văn hoá Việt đi xa hơn.
“Là phụ nữ hoạt động trong dòng nhạc tương đối kén khán giả có rất nhiều thử thách, nhất là phụ nữ đến từ Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung. Có ở nước ngoài rồi mới biết, khán giả quốc tế không biết nhiều về Việt Nam ngoài cuộc chiến tranh. Và tôi tự giao cho mình sứ mệnh chia sẻ văn hoá Việt”, nữ nghệ sĩ chia sẻ.
|
Trước câu hỏi Vân Ánh Võ cứ bôn ba trời Tây, truyền đi tình yêu nhạc dân tộc – văn hoá Việt nhưng trong nước, nhiều người không biết chị là ai, cũng chưa dành đủ tình yêu cho âm nhạc truyền thống, nữ nghệ sĩ nói: “Tôi nghĩ có một số bạn trẻ không quan tâm âm nhạc dân tộc, nhưng chỉ một phần thôi. Âm nhạc dân tộc Việt Nam là “ngôn ngữ” cần phải giới thiệu đúng cách, khi hiểu ra, họ sẽ cảm thấy rất tự hào. Tôi đã từng diễn ở nhiều sân khấu dành cho sinh viên các trường đại học quốc tế, trong đó chắc chắn có sinh viên Việt Nam. Lần gần nhất chúng tôi diễn cho 10 ngàn sinh viên và các bạn hò hét rất lớn khi nhìn thấy trên sân khấu có nhạc cụ dân tộc kết hợp với rap, dance. Không ai có thể bỏ qua niềm tự hào về nguồn gốc của mình, rằng mình là ai và đến từ đâu”.
Bằng cách này hay cách khác, Vân Ánh Võ đã và đang lan toả tình yêu văn hoá Việt với chính người Việt lẫn mọi sắc tộc trên thế giới. Hành trình của chị không đơn giản, đó là điều chắc chắn, nhưng Vân Ánh Võ vẫn làm vì chị tin cứ gieo hạt mỗi ngày, đến một lúc nào đó cánh đồng sẽ xanh.
“Tôi không nghĩ đến sự cống hiến mà muốn chia sẻ về những điều mình đã được học, được trải nghiệm. Văn hoá Việt Nam giàu có, ý nghĩa và đẹp hơn bội phần những gì bạn có thể biết/nghĩ đến. Tôi rất tự hào khi đứng trên cùng sân khấu với những nghệ sĩ nổi tiếng tầm cỡ thế giới, chơi những bản nhạc đậm chất Việt Nam và nói rằng: “Tôi là người Việt Nam”.
Diễm Mi