Ái tình ngoài hôn nhân (tác giả: Lê Thu Hạnh) công diễn đêm diễn đầu tiên vào tháng 7/2023, được chính Mỹ Uyên dựng theo lối ước lệ và duy trì suốt 2 tháng qua. Mỹ Uyên nói, chị muốn mang lại vào kịch những gì từng một thời là đặc trưng của sân khấu.
Những trăn trở, băn khoăn về đời sống của sân khấu kịch TPHCM được chị chia sẻ chân tình với Báo Phụ nữ TPHCM.
Phóng viên: Đảm nhận vai trò dàn dựng Ái tình ngoài hôn nhân nhưng hình như trong “hồ sơ” của chị còn thiếu chức danh “đạo diễn”?
Nghệ sĩ ưu tú Mỹ Uyên: Tôi nghĩ, làm đạo diễn theo kiểu để “dành vốn”, tìm sản phẩm gắn tên mình trong nghề không phải là điều khó khăn gì. Nhưng làm để người trong nghề chấp nhận mình, khán giả ghi nhận mình thì khác. Nghĩ cho cùng, danh xưng của mình là đạo diễn hay nghệ sĩ cũng đâu quan trọng. Cuộc đời tôi làm nghệ thuật, tổ chức, sản xuất hàng chục vở kịch tại sân khấu 5B cũng đủ để mọi người để tâm. Vậy nên, chức danh “đạo diễn”, nói thật, tôi không quá cần để làm “đẹp hồ sơ” đâu.
* Chị dựng lại 1 vở cũ để níu kéo hoặc tìm về những vinh quang đã từng có của sân khấu chính kịch hay chỉ đơn thuần là nhắc nhở khán giả “nơi đây từng là thánh địa của sân khấu kịch thành phố”?
- Bạn nghĩ 1 vở kịch có đủ “sức nặng” để làm được điều đó không? Tôi không tự tin nói “có” đâu. Có những đồng nghiệp, mỗi lần gặp tôi đều nói: “Bộ khùng hả, mấy chục ghế cũng diễn, bù lỗ hoài sao chịu thấu”. Một số sân khấu có quy định dưới 150 ghế là trả lại tiền vé cho khán giả, không diễn. Còn tôi, đi đóng phim, làm khách mời đôi ba tập kiếm mươi, mười lăm triệu đồng về bù sân khấu. Nếu cứ trả vé hoài, diễn viên cũng nản. Họ đã giữ lịch cho mình, giờ mình không diễn, uy tín cũng giảm.
Xin cho tôi được tự hào một chút. Tôi chưa bao giờ trả vé một đêm diễn nào đã lên lịch. Nếu phải hủy thì là do sự cố ngoài ý muốn sát giờ diễn. Tôi chấp nhận “thương đau” để sân khấu 5B được sáng đèn. Nhưng, như tôi vẫn nói: nghệ sĩ có sự truyền thừa thì khán giả cũng có. Thế hệ này lớn lên thì phải để thế hệ tiếp theo thưởng thức. Chúng tôi vẫn hoạt động, vẫn ra vở mới. Tôi tin khán giả trẻ, đâu đó vẫn sẽ có những người yêu thích bộ môn nghệ thuật và thể loại kịch mà sân khấu tôi đang theo đuổi.
|
Nghệ sĩ ưu tú Mỹ Uyên trong vở Ái tình ngoài hôn nhân |
* Có bao giờ chị nghĩ về chuyện sáp nhập các sân khấu chính kịch để có một “đời sống” không èo uột?
- Ngày trước tôi cũng ngồi suy nghĩ câu đó, đau đáu. Sân khấu 5B giống như nhà từ đường, con cái ra riêng, ai cũng muốn thể hiện bản thân, ông anh làm được thì bà chị họ cũng làm được, tách ra để khẳng định tôi làm tốt hơn. 10 năm sau thời hoàng kim ở thập niên 2000, rất nhiều tụ điểm sân khấu đóng cửa. 5B không khá hơn, nhưng vẫn phải gồng mình.
Tôi luôn giữ quan điểm nhà “từ đường” thì phải giữ luôn sáng đèn. Biết sao giờ, trót yêu quá rồi thì đành chịu chứ sao.
* Hơn 20 năm trước, cô gái trẻ Mỹ Uyên phải bán máu, ủ mộng cô đào thuở mới dấn thân vào nghề. Còn giờ, hơn 2 thập niên gắn bỏ, Mỹ Uyên đã bán những thứ gì ngoài tuổi trẻ và nhan sắc vì sân khấu kịch?
- Xe hơi đã bán và nhà cũng kêu bán từ lâu rồi (cười). Hồi năm 2016, tôi có một căn nhà mang cho thuê và gom góp tiền đi mua 1 căn chung cư. 5B đóng cửa 3 năm từ 2015-2018, để chờ quy hoạch lại sân khấu thành cao ốc, trong đó có sân khấu kịch - cải lương. Trong thời gian đó, mỗi ngày tôi đều ghé sân khấu chơi, có ngày vô tình đọc được một bài báo tựa đề Nơi đây từng có kịch. Hồi đó, thấy vậy, tự dưng “máu điên” nổi lên, vậy là quyết tâm mở lại sân khấu. Tôi cũng đòi lại tiền mua nhà để đầu tư sân khấu (cười).
Nói thật là chẳng ai bắt tôi làm gì được cả. Chẳng ai lấy được tiền của tôi để đầu tư sân khấu kịch, ngoại trừ chính tôi muốn. Tháng 4/2018, sân khấu sáng đèn trở lại và chưa đầy 2 năm sau thì COVID-19 ập đến. Lúc tôi đầu tư mở lại sân khấu 5B, cũng có xì xầm này kia. Ai cũng nghĩ tôi có đại gia cho tiền. Nhiều lúc tôi cũng chua xót, ái ngại nghĩ “giá mà có cũng mừng” (cười lớn). Làm gì có ai đầu tư cho tôi đâu, toàn tiền túi tôi bỏ ra.
* Nghe nói, bà bầu Mỹ Uyên cũng rất “đam mê” các liên hoan kịch toàn quốc?
- Đó cũng là một trong những lý do tôi đầu tư mở lại sân khấu 5B. Liên hoan Sân khấu kịch toàn quốc 2018, TPHCM là “chủ nhà” thì phải cho đáng, tôi nghĩ vậy. Nên, đầu tư sân khấu xong, tôi “lĩnh” đoàn đi thi với vở Gương mặt kẻ khác. Cũng may, vở cũng có những thành tích đáng kể. Có những lúc đang đi phim ngoài Hà Nội, tôi cũng tất tả bay về TPHCM để dắt đoàn kịch đi thi, đi lưu diễn. Mình có hoạt động phim ảnh kiếm ra tiền của mình thì thành viên đoàn kịch cũng phải có thu nhập chứ.
Đi lưu diễn vở kịch mới theo chủ đề Học tập theo gương Hồ Chủ tịch và diễn ròng rã cả mấy chục trường đại học. Kinh phí được thành phố ủng hộ. Giờ cũng mong có các hoạt động như vậy để sân khấu lại có thêm các đêm diễn ngoài sân khấu. Lứa học sinh, sinh viên năm đó giờ đã lớn rồi thì diễn cho lớp mới lên; diễn kịch về Bác Hồ để thế hệ trẻ hiểu và yêu lịch sử dân tộc hơn cũng là một cách tiếp cận, tuyên truyền tốt.
* Xin cảm ơn chị.
Yên Khê (thực hiện)