Nghệ sĩ ưu tú Hữu Châu vừa trở về từ phim trường bộ phim chuẩn bị ra mắt dịp tết Nguyên đán năm nay. Ở sân khấu, khán giả được cùng cười, cùng khóc với anh trong những phút người nghệ sĩ thăng hoa. Sau tấm màn nhung, đó là một Hữu Châu rất khác - từ tốn, mộc mạc, chuẩn mực trong từng câu chữ. Có lẽ đó cũng là một trong những bài học anh trao gửi đến học trò mà không cần giáo trình nào cả.
Lặng người khi nhìn cảnh gánh hát xưa
Phóng viên: Anh vừa trở về từ phim trường. Anh nổi tiếng khó tính và kỹ lưỡng, để anh nhận lời tham gia, hẳn dự án đó phải thú vị hay có gì đặc biệt?
Nghệ sĩ ưu tú Hữu Châu: Dịp này, tôi khá bận vì vừa tập kịch, vừa tham gia phim. Tôi vừa đóng xong phim điện ảnh: Sáng đèn, sẽ ra mắt dịp tết Nguyên đán này. Sáng đèn là câu chuyện của một gánh hát nhỏ, đi lưu diễn ở các tỉnh. Nhiều câu chuyện đã xảy ra với những con người trong gánh hát đó, vừa cảm động, vừa vui. Tôi nhận dự án này vì thấy hợp với vai một ông bầu gánh hát và cũng vì kịch bản đặc biệt liên quan đến sân khấu cải lương. Gánh hát đó như một gia đình, mọi người đều thương nhau, sẵn sàng san sẻ cho nhau. Cũng có người chối bỏ sự nghèo túng nhưng đẹp nhất là cuối cùng, sau nhiều biến cố, họ lại về bên nhau.
Quá trình quay phim khá cực, vì đi qua nhiều tỉnh, thành. Có ngày, tôi phải đi quay từ hơn 4 giờ sáng, đến 4-5 giờ sáng hôm sau mới về. Trong đoàn phim có nhiều người tôi quý, đa số là học trò. Vì thế, có cực, có mệt nhưng tôi vui. Khi mệt, chúng tôi đùa giỡn và thấy đỡ hơn rất nhiều. Tranh thủ khoảng thời gian ê kíp lắp đặt đèn, tôi ngủ nghỉ một chút, cũng lấy lại sức rất nhiều.
* Những gánh hát lưu diễn là ký ức chung của nhiều thế hệ khán giả, nghệ sĩ mà nhiều người khi nhớ về luôn đi kèm nỗi ngậm ngùi. Hẳn cảm giác của anh cũng không ngoại lệ, nhất là khi anh trưởng thành trong cái nôi như thế?
- Gia đình tôi đến nay đã theo nghề hát gần trăm năm. Cuộc sống ở gánh hát đã nằm trong máu. Khi đến hiện trường, thấy ê kíp dựng lại sân khấu bãi, bao bạt xung quanh, khán giả vào mua vé, tôi nhớ vô cùng khoảng thời gian theo đoàn hát của ba, của nội.
Sau khi gánh Thanh Minh - Thanh Nga không còn hoạt động vì nhiều lý do, bà nội tôi cho mướn “xác gánh”, bao gồm cảnh trí, phông màn, phục trang, âm thanh, ánh sáng. Ba má tôi đi theo. Người mướn đặt tên đoàn là Lan Dạ Ngọc, đoàn nhỏ thôi nhưng đi rất nhiều. Thấy những cảnh trong phim được dựng lại, có lúc tôi lặng người, nghẹn ngào. Nghề hát nuôi sống gia đình tôi. Chúng tôi mang ơn khán giả rất nhiều. Khán giả nuôi sống nghề hát, còn nhiều người thương nghề này lắm.
Trong phim, có đoạn gánh hát nghèo quá, không có tiền cho anh em về quê. Gánh neo đậu ở bến đó, tối 29-30 tết không diễn được nên anh em trong đoàn hủ hỉ với nhau. Khán giả biết; họ mang gạo, vịt, trứng, đường, muối, bột ngọt… đốt đuốc tới tặng. Đây là chi tiết rất dễ thương và rất thật. Tết thường là dịp gia đình sum vầy. Nhưng, anh em chúng tôi thường không có cảm giác này vì ba má đi diễn suốt.
|
Nghệ sĩ ưu tú Hữu Châu trong vở Ngũ quý tương phùng của sân khấu Thiên Đăng - Ảnh: Ngọc Tuyết |
Không tin vào số phận nữa
* Anh cùng nhiều đồng nghiệp đã gắn bó với IDECAF trong một khoảng thời gian dài. Rồi bỗng một ngày, người xưa rời chốn cũ, để Thiên Đăng ra đời. Hành trình mới ấy khiến nhiều khán giả bất ngờ. Riêng anh, hẳn cũng có nhiều tâm tư?
- Tôi đã sống, làm việc ở sân khấu cũ - IDECAF - gần 30 năm, đâu phải chuyện chơi. Tôi từng nghĩ sẽ không còn bay nhảy nữa khi đã 57 tuổi. Tôi muốn sự ổn định, trung thành tuyệt đối với một sân khấu.
Nhưng khi về sân khấu mới, tôi thấy những điều mới mẻ, đầu tiên có lẽ là cái nhìn về những hàng ghế, phông màn, chỗ ngồi hóa trang… Có lúc tôi từng nghĩ: “Không ngờ đến bây giờ vẫn có thêm một điểm diễn mới có thể gây hứng thú cho mình”. Tại đây, có một điều hơn chục năm qua tôi mới gặp lại. Đó là dưới những hàng ghế bắt đầu xuất hiện lại những mái đầu bạc, bên cạnh khán giả trẻ chiếm ưu thế. Có lẽ những vở diễn tại sân khấu như Giáng Hương, Duyên thệ… có những ngóc ngách mà người lớn tuổi cảm nhận được nên đến xem. Điều này khiến tôi bất ngờ. Tôi không biết chữ duyên tại đây sẽ ra sao, có phải là điểm diễn cuối cùng không vì cuộc đời lắm sự bất ngờ (cười).
* Có những điều không nghĩ đến nhưng đã xảy ra. Việc này có khiến anh tin vào số phận của mỗi người?
- Thuở nhỏ, tôi tin điều này nhưng bây giờ thì không. Từ lâu lắm rồi, tôi tin vào nhân quả. Ví dụ, đối với học trò, tôi thương chúng thật lòng, thì chúng cũng như vậy với tôi. Và sự thật như thế, học trò sợ tôi nhưng thương tôi. Nhân gieo tốt thì quả nhận sẽ đẹp.
|
Nghệ sĩ ưu tú Hữu Châu trong chương trình Ngày xửa ngày xưa số 33 của sân khấu IDECAF - Ảnh: Ngọc Tuyết |
* Trong vở Giáng Hương, anh đóng vai Ba Hoài, người giúp việc cho gia đình Lĩnh Nam và Giáng Hương. Từ một nhân vật ít đất diễn lại vụt sáng, được chú ý, có lẽ đây không phải là sự tình cờ. Vai dù nhỏ nhưng người ta thấy được sự làm nghề cũng lắm công phu của Hữu Châu…
- Ngày còn học trong trường, chúng tôi được dạy không chê vai. Trước đây, trong vở Ả ca ve nhà hàng Maxim’s, tôi đóng chính. Nhưng đến khi Minh Nhí về cộng tác với IDECAF, mọi người tính chuyện phải giao cho Minh Nhí vai lớn. Tất cả có vẻ lo lắng vì không biết nên nói sao với tôi. Tôi bảo cứ giao vai chính cho Minh Nhí, đưa tôi vai khác. Tôi đóng vai người con, chỉ có 1-2 câu thoại, gần như vai quần chúng.
Tuy nhiên, khi giao vai, tôi đề nghị phải khai thác thêm nhân vật, thế là lại thành vai lớn, có duyên, phải là Hữu Châu đóng, không thể thay thế. Vấn đề không ở chỗ vai lớn hay nhỏ mà diễn viên khi đảm trách sẽ cảm nhận và làm gì để vai diễn tồn tại với tên tuổi của mình.
Tương tự, khi nhận vai Ba Hoài, tôi cũng không lăn tăn, suy nghĩ gì. Với một sân khấu mới mở, có mặt tôi trong vở là vui, đánh dấu sự hiện diện của mình. Trong quá trình tập luyện, anh Thành Lộc có đề nghị tôi khai thác thêm quá khứ của nhân vật Ba Hoài. Tôi viết thêm đoạn cuối về cuộc đời Ba Hoài. Dĩ nhiên, đạo diễn phải khơi gợi, đồng ý, chứ tôi không được tự ý làm. Nhờ đó, vai Ba Hoài đậm hơn, nổi bật hơn. Trong đó, có một câu thoại mà tôi vô cùng thấm thía sau mấy chục năm làm nghề: “Tổ cho thì khó, Tổ lấy lại chỉ trong vòng một đêm”.
* Năm 2023 vừa qua, người trong nghề truyền tai nhau rằng có lẽ ông tổ nghề đã soi thấu những khó khăn của sân khấu. Là người trong cuộc, anh nhìn nhận ra sao?
- Đúng, sân khấu kịch đang rần rần trở lại. Sân khấu mãi mãi không bao giờ mất đi nhưng sự thăng - trầm này sẽ luôn tiếp diễn. Trước năm 1975, cải lương phát triển rất mạnh, sau đó đi xuống, rồi lại đi lên tiếp tục. Kịch nói cũng tương tự. Thời đoàn Kim Cương, Bông Hồng, kịch nói phát triển mạnh. Đến khi phim mì ăn liền xuất hiện, kịch đi xuống; sau đó phát triển, đi xuống sau vài năm rồi lại đi lên… Những con sóng đó cứ xô nhau liên tục.
Khi sân khấu vắng khách, tôi cũng bình thường lắm. Tôi không suy nghĩ gì nhiều vì đã quen với sự thay đổi liên tục này. Tôi luôn tự nhủ: “Rồi sẽ sống lại”. Đây là một nghề đẹp nên chắc chắn sẽ không thể đói khổ. Quan trọng nhất vẫn là việc chúng ta giữ gìn nghề ra sao.
|
Nghệ sĩ ưu tú Hữu Châu hướng dẫn học trò trên phim trường - Nguồn ảnh: Facebook nhân vật |
* Anh sinh ra trong một gia đình dòng dõi nghệ thuật. Gia đình anh có 3 cái nhất của cải lương miền Nam do khán giả, ký giả và người trong nghề phong tặng. Anh từng nói mình may mắn vì những người trong gia đình là tấm gương để anh soi vào. Tới giờ, anh còn tâm nguyện gì chưa làm được với truyền thống gia đình, với nghề?
- Tôi không có đòi hỏi gì cao. Bao nhiêu năm nay tôi cứ cặm cụi làm nghề. Có nhiều vở diễn tôi tham gia rất nổi tiếng, thậm chí khán giả khó mua vé, tôi cũng không lên mạng để khoe. Dĩ nhiên, có những điều khiến tôi vui, hạnh phúc nhưng tôi tự vui với bản thân thôi.
Từ sau sự ra đi của cô Thanh Nga và nhiều người nữa trong gia đình, tôi không vui quá mức, cũng không buồn quá mức. Với nghề, tôi thấy như vậy đủ rồi. Nếu tổ nghề muốn giao thêm việc gì đó, tôi vẫn sẵn lòng làm. Cách đây 13-14 năm, tôi nhận thêm nhiệm vụ đào tạo. Tôi nghiên cứu, mày mò cách để truyền dạy. Tôi có nhiều thế hệ học trò thương mình, thế là lại vui, lại thấy đủ.
* Tôi nhớ có nhà báo từng viết, Hữu Châu bây giờ chai lì với nỗi đau, chẳng ai có đủ khả năng để làm anh tức giận, những giọt nước mắt cũng chỉ để dành cho sân khấu…
- Người quý vị thấy trên sân khấu không phải Hữu Châu. Tôi làm nghề diễn nên cơ thể này để nhân vật vay mượn xuất hiện trước khán giả. Tôi làm cho đúng việc đó. Ngoài đời, với ai thân lắm, tôi mới quậy tưng như trên sân khấu (cười). Còn không, tôi chưa thể rần rần được. Tôi không chắc mọi người có thể hiểu hết mình hay không. Tôi cũng lớn tuổi rồi, không muốn nghe, nhận những điều không hay nữa. Tôi thích vui nên chơi với học trò là khỏe khoắn nhất.
Tôi cũng thuộc kiểu người nóng tính. Nhưng sau này, tôi bỏ bớt vì tuổi tác. Khi có việc gì không ưng, tôi chậm lại một nhịp so với trước đây; tự răn mình trước khi muốn nói, làm điều gì đó.
|
Hình ảnh tư liệu về đoàn Thanh Minh - Thanh Nga - Nguồn ảnh: Internet |
Tâm tính phải thẳng ngay từ ban đầu
* Khi nhắc đến học trò, thế hệ nghệ sĩ trẻ, anh nhìn nhận như thế nào về khả năng, sự nỗ lực cũng như cơ hội dành cho họ?
- Nghề này hào quang, cám dỗ cũng nhiều và nói thẳng là cay nghiệt lắm. Khi làm thầy, cô, chú, anh, chị đi trước hãy gieo vào thế hệ sau những điều để chúng không ảo tưởng. Nếu là người đi trước mà không nhắc nhở thì ác với các em và không có trách nhiệm với nghề của mình.
Các em trẻ sau này thông minh, nhiệt huyết với nghề. Điều tôi thích nhất, mong các em giữ gìn, nhân rộng là sự lễ phép. Đi đến đâu, lễ phép thì được việc vì ai cũng giúp mình. Học nghề thì qua thời gian chắc chắn sẽ được, còn tâm tính phải đàng hoàng ngay từ khi bắt đầu; phải biết nói lời cảm ơn, xin lỗi.
Bây giờ, Facebook, TikTok dễ giúp các em được chú ý. Nhưng, tôi mong các em bình tĩnh, nhìn lại mình một chút. Nếu xảy ra vấn đề gì, các cô, chú, anh, chị kêu lại nói nhỏ, đừng rầy la tụi nhỏ trên mạng xã hội, không hay.
“Tôi được sinh ra để đi diễn. Tôi lên sân khấu khi còn trong bụng mẹ. Nếu không làm công việc này, tôi không biết phải làm gì nữa. Có người khi đưa tiền họ tính toán 5 phút là xong, còn tôi có khi tốn 1,5 tiếng nhưng chẳng nên việc. Vì thế, việc diễn xuất vẫn là ưu tiên hàng đầu trong cuộc đời tôi. Công tác đạo diễn chỉ để cuộc đời hưng phấn, nhiều màu sắc, đẹp hơn. Việc đi dạy là trách nhiệm của nghệ sĩ để lại cho thế hệ đi sau. Tôi không cầu có nhiều tiền, chỉ mong có nhiều sức khỏe để được hát, vậy thôi”. Nghệ sĩ ưu tú Hữu Châu |
* Làm học trò của một người thầy nổi tiếng, hẳn các bạn trẻ cũng gặp nhiều áp lực?
- Tôi nghĩ điều này không mang đến áp lực, mà tạo ra ý thức cho các em. Thầy đi đâu, làm gì đều đúng giờ thì học trò cũng phải giữ uy tín cho thầy, cho mình. Theo tôi quan sát, khi đi diễn kịch, đóng phim, nhiều học trò đều cố gắng giữ nền nếp, để tiếp tục trao truyền cho đàn em. Cứ như thế, ý thức từ thế hệ này nối tiếp sang thế hệ sau.
Tôi thật sự hạnh phúc khi đoàn phim, ê kíp biết đó là học trò của Hữu Châu thì rất thương. Có những đạo diễn chia sẻ rằng học trò tôi lễ phép. Trước khi dạy nghề, tôi dạy các em làm người tử tế.
* Thế hệ diễn viên tiếp nối cho sân khấu là điều rất cần ở hiện tại. Liệu trong tương lai, chúng ta sẽ có thêm một thế hệ Thành Lộc, Hữu Châu nữa hay không, thưa anh?
- Tôi luôn hy vọng các em tỏa sáng nhưng chắc chắn sẽ không có chuyện có Thành Lộc, Hữu Châu trong tương lai. Mỗi thời đều có những nghệ sĩ tiêu biểu. Cuộc sống thay đổi thì nghệ thuật, sân khấu sẽ biến chuyển theo. So sánh, đặt kỳ vọng để học trò như tôi hay anh Thành Lộc thì tội các em lắm.
Được khán giả biết, nhớ, thậm chí nổi tiếng còn phụ thuộc vào sự may mắn. Khi dạy học trò, tôi thường bảo có thể cho kinh nghiệm, kiến thức nghề chứ không thể cho sự may mắn. May mắn ở đây không chỉ từ duyên trời như mọi người thường nói mà còn phụ thuộc vào cách sống, cách làm nghề. Siêng năng, chịu khó chắc chắn sẽ có cơ hội. Tổ nghiệp cho tôi sự “mát tay” để đào tạo học trò. Song, có lớp 10 em mà không ai nổi tiếng, chỉ bám trụ được với nghề hoặc làm tác giả… Có lớp có đến 4-5 em nổi tiếng. Điều này không thể nói trước.
Các bạn trẻ sau này có ưu thế về thông tin, phương tiện để nổi tiếng. Vậy nhưng bây giờ, công chúng cũng dễ hiểu lầm về nghề diễn. Bản thân các em phải cố gắng làm việc chăm chỉ, nghiêm túc để mọi người hiểu đúng, mở rộng lòng hơn và đón nhận, quý trọng nghề này như ngày xưa đã từng.
|
Nghệ sĩ ưu tú Hữu Châu ở hậu trường phim Sáng đèn, ra mắt dịp tết Nguyên đán 2024 - Nguồn ảnh: Đoàn phim cung cấp |
* Trên mạng xã hội, khán giả cũng có dịp được nhìn thấy một thầy Hữu Châu khác - vui tươi, dễ chịu, khác hẳn với sự nghiêm túc đến khó tính trên sân khấu. Có lẽ chơi với học trò cũng là cách anh giữ gìn tuổi xuân cho nghề…
- Ai cũng nghĩ học trò tìm đến học kiến thức, kinh nghiệm của thầy. Dù vậy, học trò cũng cho thầy nhiều thứ: sự bình an, niềm vui, sự hưng phấn, thanh xuân, sự ngây ngô, chân chất… Khi làm điều gì, người thầy cũng phải cẩn trọng. Mình không được làm điều này vì sẽ ảnh hưởng tụi nhỏ. Nếu mình bị điều này chúng sẽ mắc cỡ lắm... Nên thôi.
Tôi ít bạn, dù tính tình xởi lởi, thoải mái. Bạn bè thân của tôi có Phương Dung, Hữu Nghĩa, Minh Nhí, Hồng Vân. Chơi với học trò, tôi thấy thoải mái, không nặng đầu. 13 năm đi dạy, tôi hầu như không dư đồng nào từ công việc này. Học trò của tôi hay lắm. Vừa biết tôi lãnh lương, tụi nhỏ đã xúm xít lại, xếp hàng, rồi… tôi dẫn đi ăn. Tôi quy định mỗi đứa ăn 1 dĩa nhưng ngon miệng quá nên mấy đứa nhỏ cứ ăn rồi chất đống dĩa lên.
Nhưng tôi xác định đi dạy là niềm vui, chứ không phải công việc kiếm sống. Có em vì nghèo quá quyết định nghỉ học nhưng tôi không cho. Tháng đó, tôi lãnh lương 2,8 triệu đồng, vận động những em còn lại góp vào mỗi đứa 20.000 đồng, cho đủ 3 triệu đồng. Số tiền này giúp em đó tiếp tục học và theo nghề đến hiện tại.
Có em ngoại hình không bắt mắt phải bán chiếc xe cà tàng, rồi đi làm nhân tượng ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, bán cá viên chiên mưu sinh. Tôi nhìn cảnh này, chịu không nổi. Lần đó, tôi trích một nửa cát xê đóng sitcom, góp thêm của các em khác mỗi em 50.000 đồng, đủ tiền mua chiếc xe máy cho em học trò đó.
Có lúc, học trò tôi lại quay về Bảo Lộc, đi làm ở rẫy cà phê. Tôi để cho đi, cho đời, cho thiên nhiên dạy. Khi em về lại Sài Gòn, tôi mắng một trận. Sau đó, tôi giới thiệu cho đi lồng tiếng, kết hợp với đi diễn tại sân khấu Trương Hùng Minh nên giờ đây học trò tôi có thể thuê nhà rộng rãi hơn, biết ăn mặc… Nhìn thấy cảnh đó, tôi thấy lòng mình rộn ràng lắm.
* Cảm ơn anh đã chia sẻ.
Tuyết Lâm (thực hiện)