Bởi chỉ vừa mới đây thôi, ông vẫn cùng các con triển khai vở nhạc kịch quy mô Ben-Hur trái tim rực lửa.
Người ta đang háo hức chờ đợi sự trở lại “hoành tráng” của tổng đạo diễn (ĐD) Đoàn Bá, người vốn thuộc về những vở diễn to rộng cả hình thức lẫn nội dung.
Những người làm SK ở TP.HCM trên dưới 40 năm qua, không mấy ai không dính dáng đến Đoàn Bá. Ngoài việc giữ trọng trách giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang trong thời gian dài, ông còn giảng dạy nhiều chục năm ở Trường SK Điện ảnh, và dàn dựng trên 300 vở cho rất nhiều đoàn nghệ thuật trong cả nước.
|
Nghệ sĩ ưu tú - Đạo diễn Đoàn Bá |
Theo lời ĐD Thế Ngữ thì Đoàn Bá ngày còn ở Đoàn Kịch nói Nam bộ (ở Hà Nội) đã nổi tiếng là diễn viên kịch tài năng. Ông đóng vai thằng Ngọ trong chùm kịch Đâu có giặc là ta cứ đi (Ngô Y Linh) xuất sắc đến độ sau đó người ta liền cử ông đi học ĐD ở Liên Xô. Sau khi về nước, vở dựng đầu tay của ông là Xóm vắng (đoàn kịch Ninh Bình) về đề tài nông thôn rất hấp dẫn. Đó là một trong những vở hiếm hoi được ĐD Thế Ngữ, lúc ấy là biên tập viên, chọn đem về thu và phát trên Đài Truyền hình Việt Nam. ĐD - “ông vua” của chương trình Trong nhà ngoài phố một thời, ngậm ngùi: “Tôi và Đoàn Bá bằng tuổi nhau (cùng sinh năm 1938), cùng nghề ĐD, nhưng Đoàn Bá là ĐD SK số một, xuất sắc nhất miền Nam”.
Tôi biết Đoàn Bá khi ông bắt đầu bước vào thời kỳ rực rỡ nhất của sự nghiệp với những vở cải lương như dát vàng nạm ngọc cho Nhà hát Trần Hữu Trang thời ấy như Rạng ngọc Côn Sơn, Nàng Xê-đa, Hòn đảo thần Vệ nữ, Tình yêu và lời đáp… Với quan điểm hình thức (trang trí, ánh sáng, âm nhạc, trang phục…) là yếu tố quan trọng bậc nhất đem lại sự hấp dẫn cho SK, Đoàn Bá luôn kiến tạo các vở diễn của mình thành những lâu đài sang trọng trước mắt người xem.
Ông luôn mở không gian SK rộng hết mức có thể, nếu như ở Rạng ngọc Côn Sơn là bãi đá buồn thương ì ầm tiếng sóng vỗ, ở Hòn đảo thần vệ nữ là biển trời châu Phi tím ngát vô tận, thì ở Nàng Xê-đa là nguy nga những thành quách bí ẩn… Ông còn như một phù thủy với cây đũa thần, hóa phép cho các nhân vật trong vở thành những “ông hoàng bà chúa”, để vai diễn của họ tất thảy là vai diễn để đời. Giờ đây, sau nhiều chục năm, nói đến Minh Vương là người ta nhớ đến Nguyễn Trãi, Ngọc Giàu là Thị Lộ, Lê Thiện là Lý Thần Phi trong Rạng ngọc Côn Sơn; nói đến Thanh Vi là nhớ đến hoàng hậu Xê-đa, Phương Quang là vua Rim, Phú Quý là con quỷ trong Nàng Xê-đa; là cậu George của Phú Quý, là bà Lambrini của Ngọc Giàu, là bà Anderson của Thanh Vi trong Hòn đảo thần Vệ nữ…
NSND Kim Cương xem Đoàn Bá là ân nhân của bà và của đoàn kịch nói Kim Cương. Chính ông, đã khai phá thêm một Kim Cương khác ngoài Kim Cương của thoại kịch Nam bộ. Đó là một Kim Cương vẫn tỏa sáng được ở những vở kịch nước ngoài, như nàng Tania trong vở Tania, bà Olga trong vở Trở về mái nhà xưa. Ông đã đưa đoàn kịch nói Kim Cương, từ một sàn diễn chỉ thuận tay về khai thác tâm lý quanh chuyện gia đình người bản địa, đến một SK không kém phần sắc sảo với những trăn trở mang tầm thế giới nhưng vẫn không buông bỏ hồn dân tộc, cuốn hút khán giả vốn là dân mộ điệu của hồn quê Lá sầu riêng.
Đúng như có lần ông tâm sự, “làm nghệ sĩ mà trong đầu không đựng được nhiều tri thức hay, trái tim không biết rung động trước cái đẹp và không nghe nhịp sống tình yêu thì sao có thể làm được”, nên cầm đến kịch bản nào, Đoàn Bá cũng nhanh chóng đọc được cái “thần” trong đó và có những chỉnh sửa thích hợp. NSƯT Lê Thiện, người có nhiều năm sát cánh bên Đoàn Bá, rất ngưỡng mộ ông ở biệt tài chỉnh sửa kịch bản, qua tay ông, chỉ có từ hay trở lên mà thôi. Vì vậy, ông không chỉ là người thầy mà còn là người ơn của nhiều thế hệ diễn viên, tác giả kịch bản…
Là tên tuổi lớn ở SK nhưng trong cuộc sống đời thường, Đoàn Bá lại khá giản dị. Ông sống thanh liêm, đúng với tư chất của một nghệ sĩ cách mạng. Thời đương chức giám đốc nhà hát, ông không ngại cùng anh em đoàn nghệ sĩ xung kích vượt rừng, lội suối đến biểu diễn cho bà con vùng sâu, vùng xa. Khi dựng vở, ông kiên nhẫn phân tích tới nơi tới chốn bằng thái độ điềm đạm, không mấy khi thấy ông giận dữ, quát tháo. Trong gia đình, ông là người cha rất mực thương con và là người chồng rất “nể” vợ. Ngày chưa về hưu, buổi sáng sớm, người ta luôn thấy ông xăn quần “móng lợn” phụ vợ dọn bàn ghế, bán bánh mì ở quán cà phê điểm tâm.
Cách thương con của ông cũng rất… Đoàn Bá. Người ta ai cũng nghĩ, là con của Đoàn Bá, chắc sẽ được nhiều ưu ái khi theo nghề, nhưng ngược lại. Các con ông đều lần lượt vào học trường SK và kẻ ít, người nhiều đều có thời gian làm nghề. Nhưng, diễn viên Đoàn Mai Phương ngày trước có lần “bức bối” kể, trong lớp, giảng viên “ba” không những không ưu ái gì, ngược lại còn tỏ ra khắc nghiệt, “đì” sinh viên “con” sát ván, khiến Mai Phương nhiều lúc cảm thấy tủi thân. Khi Mai Phương về đoàn Bông Hồng, tuy đang là một trong vài cô đào sáng nước nhất nhưng khi đạo diễn “ba” đến dựng vở, tỉ như Mimosa đêm về sáng, không bao giờ cho con gái vào vai chính. Thế nhưng, khi chứng kiến cô con gái cưng của mình diễn thành công vai kỹ sư Hà trong vở Tiếng nổ lúc 0 giờ của ĐD Thế Ngữ, cũng trên SK đoàn Bông Hồng, người cha ĐD đã đứng lặng lẽ ở cuối rạp, miệng nở nụ cười hạnh phúc mà bàn tay đưa lên quẹt nước mắt.
Đoàn Bá là vậy, dường như điề u gì cần bộc lộ, ông đã đưa hết vào tác phẩm, còn những việc trong đời thường, ông ít khi bày tỏ, mà giấu kín cho riêng mình. Chỉ mới đây, lâu lắm rồi người ta mới thấy trên môi ông có nụ cười thật tươi trước dự án nhạc kịch Ben-Hur trái tim rực lửa mà các con ông đang thực hiện để cả nhà được tái hợp. Hơn ai hết, ông hiểu đó không chỉ là cái tình của các con đối với SK, mà còn là cách trả hiếu dành cho ông, một người cha, một thiên sứ của thánh đường SK, nơi ông đã đến và dẫn theo các con mình.
Thế nhưng, với ông, vậy là không còn kịp nữa…
Cát Vũ