Nghệ sĩ Trung Dân: ‘Văn hoá lì xì vẫn đẹp, chỉ có con người làm nó xấu đi’

31/01/2019 - 10:29

PNO - Dịp cuối năm, nghệ sĩ Trung Dân dành thời gian bàn về văn hoá lì xì. Theo ông, trong văn hoá xưa nay, lì xì mang ý nghĩa tinh thần, chưa bao giờ nặng vật chất.

Nói về nguồn gốc của văn hóa lì xì, nghệ sĩ Trung Dân cho rằng: “Lì xì những ngày Tết đầu năm của Việt Nam xuất phát từ vùng Đông Nam Á. Lì xì mang ý nghĩa lời nói lúc nào cũng đi đôi với việc làm. Nó tượng trưng cho sự may mắn, với ý nghĩa cầu chúc năm mới tốt đẹp, trọn vẹn.

Từ khi phong bao lì xì xuất hiện, không ai quy định phải mừng bao nhiêu tiền vì theo quan niệm dân gian, tiền mừng tuổi là tiền lộc, tượng trưng. “Văn hóa lì xì rất đẹp, lúc nào cũng có ý nghĩa và con người nhận thức được điều đó nên nó mới tồn tại tới ngày hôm nay. Nhưng chính con người làm biến tướng, mất đi cái đẹp vốn có của văn hóa lì xì, đây là chuyện tiêu cực trong xã hội. Nó có sự tính toán và làm lệch đi ý nghĩa của nét đẹp lì xì”.

Ông cũng nói thêm: “Lì xì mà không có lời chúc thì đó không phải là lì xì mà là cho tiền”.

Nghe si Trung Dan: ‘Van hoa li xi van dep, chi co con nguoi lam no xau di’
Nghệ sĩ Trung Dân từng lì xì cho con của một nữ diễn viên. Vì lì xì ít nên đứa trẻ không vui.

Khi bàn về màu sắc của phong bao lì xì có phải luôn là màu đỏ hay màu sắc nào khác, nghệ sĩ Trung Dân cho rằng không nhất thiết phải là màu đỏ, có thể màu vàng, xanh, tím: “Màu đỏ là màu sáng, chúng ta dễ nhìn thấy, qua đó mọi người mong muốn mình làm cái gì cũng dễ, cũng nhẹ nhàng. Phong bao lì xì không nhất thiết là màu đỏ. Có thể là màu vàng tượng trưng cho kim tiền, màu xanh tượng trưng cho hy vọng, màu tím tượng trưng cho tình yêu…”.

Phong bao lì xì kèm theo tiền và câu chúc được sử dụng trong những ngày đầu năm mới được coi là món quà tinh thần trong dịp tết, có ý nghĩa biểu trưng cho một năm mới tốt đẹp và sung túc. Năm nào cũng vậy, con cháu mừng tuổi ông bà, bố mẹ và ngược lại với hy vọng tặng cho nhau những may mắn đầu tiên của năm mới. 

Clip nghệ sĩ Trung Dân chia sẻ về văn hoá lì xì:

 

Nhắc đến "chất lượng" của phong bao lì xì, nghệ sĩ Trung Dân kể rằng ông từng lì xì cho con của một diễn viên và khi xem số tiền bên trong, cả 2 bé tỏ ra thất vọng. Ông nói mình không trách đứa trẻ mà trách bố mẹ không dạy cho các cháu cách được nhận món quà từ người khác. 

“Một bao thơ được bỏ tiền trong đó thì nó sẽ ý nghĩa hơn, thể hiện tình cảm nhiều hơn. Khi ta lì xì bằng hình thức chuyển khoản thì ý nghĩa của nó không hề mất đi mà chỉ chuyển từ hình thức này sang hình thức khác mà thôi. Và nó càng đột biến theo chiều hướng xấu, đôi khi mất đi những giá trị đẹp trong văn hóa lì xì”, nghệ sĩ Trung Dân chia sẻ.

Nghe si Trung Dan: ‘Van hoa li xi van dep, chi co con nguoi lam no xau di’
Nghệ sĩ Trung Dân hiểu được sự thay đổi của văn hoá lì xì xưa và nay nhưng ông cho rằng nên đầu tư lời chúc để người nhận thấy được tình cảm của người trao.

Bên cạnh đó, vì tính tiện lợi nên ngày nay người ta thường chúc nhau qua mạng. Những câu chúc được sao chép và gửi cho hàng ngàn người trong danh sách bạn bè. Nghệ sĩ Trung Dân không chỉ trích hiện tượng này cũng không cổ súy, ông cho rằng đó là điều tất yếu trong xã hội hiện đại, tuy nhiên cần phải đầu tư cho câu chúc, không thể chúc đại trà, vì những lời chúc thể hiện tình cảm người cho dành cho người nhận.

“Cuộc sống hiện đại nên chúng ta phải bắt nhịp dần. Nhưng giá như nó vẫn giữ được giá trị ban đầu, ý nghĩa tốt đẹp của nó thì văn hóa lì xì sẽ luôn đẹp và trở thành vết son của ngày xuân. Chúng ta không lạm dụng, không biến tướng văn hóa lì xì để trục lợi mà phải biết trân trọng, gìn giữ cái đẹp mà ông cha ta để lại”- ông nói.

Minh Tú (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI