Thế nhưng thay vì đến dự lễ trao giải, anh lại chọn về nước để giới thiệu album Beyond borders, đồng thời biểu diễn các tác phẩm trong album Consonnances - album từng giành giải Vàng, giải thưởng danh giá World Music Awards 2015. Đêm nhạc của anh sẽ diễn ra lúc 20 giờ, ngày 13/2 tại Idecaf.
Hỏi vì sao đã định cư ở Pháp hơn 30 năm lại đại diện Việt Nam trong hội đồng bình chọn Grammy, Trí Nguyễn mỉm cười: “Bởi vì tôi vẫn là người Việt. Bao nhiêu năm qua, tôi vẫn giữ quốc tịch Việt Nam”. Trò chuyện với Trí Nguyễn, cảm nhận được tinh thần Việt vẫn chảy tràn trong anh, trong giọng nói rặt Nam bộ, trong sự am hiểu của anh về cội nguồn văn hóa dân tộc và trong cả khát khao mong âm nhạc Việt Nam có chỗ đứng trên bản đồ âm nhạc thế giới.
Hành trình giữa các thế giới
- Tên album thứ hai của anh - A Journey between Worlds, mô tả chính xác nhất cho cả sự nghiệp âm nhạc của Trí Nguyễn?
- Thuở bé, tôi học nhạc song song - vừa học đàn tranh, vừa học piano. Tôi gặp may khi được học với những người được xem là tài ba nhất thời bấy giờ, được trao truyền một nền tảng kiến thức vững chắc về cả nhạc tây lẫn nhạc ta. Thế nên sau này khi ra nước ngoài, tôi hoàn toàn có thể nói chuyện với các nghệ sĩ quốc tế về âm nhạc của họ, từ đó cũng dễ thuyết phục họ tiếp nhận âm nhạc dân tộc Việt Nam.
Ví dụ trong album Beyond borders, tôi đã mời các nghệ sĩ âm nhạc dân tộc Corsica, sử dụng kỹ thuật hát của họ, hát bằng tiếng của họ bài Lý con sáo Việt Nam. Đây có thể xem là điều không tưởng, bởi người dân đảo Corse gắn bó rất chặt với truyền thống của họ, cách hát của họ, chẳng dễ gì yêu cầu họ thay đổi, dù chỉ một chút. Tương tự như vậy, khi làm bài Long Hổ hội - một trong bát phẩm của môn Ngự - tấu khi vua xuất hiện, tôi đã thay tiếng sáo quen thuộc bằng tiếng kèn túi Scotland.
Mọi người chắc đã biết - cấu tạo của kèn túi không cho phép tạo ra các âm nghỉ để chơi theo kỹ thuật staccato. Tôi đã cố gắng thuyết phục các nghệ sĩ lừng danh của ban kèn túi Mackeller phải tháo rời phần thân kèn và túi để chơi. Tương tự, tôi đã cho tiếng trống chầu của nghệ sĩ Huỳnh Kim Sinh “đối đầu” với tiếng trống diễu hành của David Cheramy…
Tất cả những điều đó sẽ giúp âm nhạc Việt Nam, các nhạc cụ Việt Nam có chỗ đứng ngang hàng với âm nhạc các nước. Thú thật, ước mơ lớn nhất của tôi, mà có thể cả cuộc đời tôi cũng chưa kịp thấy nó thành hiện thực, là một lúc nào đó, các nghệ sĩ quốc tế có thể lấy cây đàn tranh ra chơi và mang theo bên mình như cách người ta mang guitar đi khắp nơi. Tôi biết, điều đó nghe rất xa xôi, nhưng tôi vẫn làm.
Làm, có thể không thành công; nhưng không làm thì chắc chắn không bao giờ thành công. Bạn có chú ý âm nhạc của Claude Debussy không? Đó là âm giai ngũ cung đó.
- Học nhạc theo lối tinh tuyền, chơi nhạc bằng hai ngón - một kỹ thuật đã thuộc hàng “cổ xưa” của cổ nhạc Việt Nam, nhưng lại phối trộn với âm nhạc thế giới hiện đại. Anh có thấy mình hơi… lạc quẻ?
- Trước khi trả lời câu hỏi này, tôi xin phép được bày tỏ sự trân trọng đối với những nghệ sĩ đã làm công việc bảo tồn, lưu giữ những giá trị tinh hoa của âm nhạc Việt Nam bằng cách giữ đúng những bài bản truyền thống, cách diễn tấu truyền thống. Tôi biết trong số họ có rất nhiều người giỏi và tôi nghĩ, chúng ta đã có những người giữ chắc truyền thống thì nhiệm vụ của tôi là đưa âm nhạc của chúng ta vượt khỏi biên giới - “beyond borders” để đến cùng bè bạn khắp nơi bằng cách kết hợp, giao thoa với âm nhạc của họ.
Nếu không thế, chúng ta sẽ không là gì trong mắt thế giới cả. Bạn thấy không, người Nhật, người Hàn, họ khéo léo chèn nhạc truyền thống vào phim ảnh, vào mọi nơi có thể để thế giới biết và thừa nhận. Chính phủ Trung Quốc chi rất nhiều tiền để các tài năng của họ học tập, biểu diễn ở nước ngoài. Còn chúng ta? Nếu chỉ gói gọn trong các festival, trong những dịp giao lưu thì chúng ta chưa thể chinh phục được thế giới.
- Thế nên người ta mới gọi anh là người Việt cô đơn trong làng nhạc quốc tế?
- Quả thật, có những lúc tôi cũng thấy buồn khi trên kệ đĩa chỉ có mình lẻ loi bên cạnh các tên tuổi phổ biến nước ngoài, trong khi album của các nghệ sĩ Việt Nam chúng ta thì lại nằm ở quầy dành riêng cho âm nhạc ethnic (quầy nhạc của từng dân tộc, thường rất hiếm người mua, chủ yếu là những người muốn tìm hiểu hoặc nghiên cứu). Thế nên khi có dịp - như trong đợt Hội nghị COP21 về biến đổi khí hậu, tôi đã mời gọi nghệ sĩ Hải Phượng cùng tham gia soạn nhạc, giới thiệu tiếng đàn bầu Việt Nam trong tổng thể âm nhạc các nước.
Không thể hạ thấp các chuẩn mực
- Có bao giờ anh nghĩ đến việc làm loại nhạc dễ nghe, dễ tiếp cận hơn với đại chúng không? Muốn người ta thưởng thức mình, chi bằng đưa tay nâng đỡ họ?
- Tôi từng được đề nghị như vậy và cũng từng cân nhắc về đề nghị đó. Nhưng cho tôi nói thẳng: tôi không thể hạ thấp chuẩn mực của mình. Tôi nói điều này có thể mọi người sẽ khó chịu, hoặc có thể ghét tôi, nhưng tôi vẫn phải nói: âm nhạc của chúng ta - kiểu êm êm, du dương đó là kiểu thưởng thức âm nhạc thời thập niên 80 của thế kỷ trước rồi.
Thế giới ngày nay đã sáng tác và nghe theo một cách rất khác. Tôi không nói tôi giỏi. Kể cả khi giành giải Vàng tại Global Music Awards cho album Consonnances thì tôi vẫn ý thức được rằng mình chỉ là một trong số rất nhiều nghệ sĩ. Thế nên khi mời một diva Brazil hát cùng mình, tôi chọn cách nương theo bà chứ không bắt bà phải theo tôi. Điều tôi muốn nói ở đây là thế giới đã tiến rất xa và chúng ta phải đuổi theo để mong bắt kịp họ, vượt qua họ nếu có thể.
Chúng ta cần vượt khỏi những biên giới định kiến, bước qua các giới hạn hoặc sẽ bị bỏ rơi. Lần trước về Việt Nam, tôi thực sự rất buồn khi nghe một tên tuổi lớn trong làng nhạc Việt bảo rằng “làm nhạc cho 90 triệu người nghe là được rồi”. Nếu giữ tư duy ấy, chúng ta sẽ không là ai cả và sẽ mãi nằm lại dưới miệng giếng khô.
- Chẳng trách những người từng làm việc với anh đều bảo anh rất khó tính...
- Chuyện này thì tôi công nhận. Tính tôi cầu toàn, nên việc gì tôi cũng muốn coi ngó, để đảm bảo mọi thứ đúng như mình mong muốn, đợi chờ. Ví dụ bìa album Beyond borders chẳng hạn, người thiết kế đã phải mất 150 giờ làm việc, chăm chút từng chi tiết mới ra được tác phẩm vừa ý tôi. Bìa album đó gợi cảm giác về một thế giới cổ tích, nơi những ước mơ có thể thành hiện thực - nơi cây đàn tranh Việt Nam có thể được đón nhận, được phổ biến.
Tôi sẵn sàng đợi 30, 50 năm nữa cũng được. Thậm chí, kể cả khi tôi đã qua đời mà mơ ước ấy đạt thành thì tôi cũng mãn nguyện.
- Khó tính vậy mà khi dạy học, anh lại dễ chịu đến bất ngờ?
- Thời tôi học thì “trò hư là tại thầy” nên thầy cô luôn rất nghiêm khắc, mắng chửi, đánh đòn… - bất cứ cách nào để học trò “nên người”. Ngày nay, bản chất mối quan hệ đó đã thay đổi. Học trò tôi không phải ai cũng học để theo con đường chuyên nghiệp mà có khi chỉ học để biết, để chơi; xem âm nhạc như một niềm vui.
Với các em ấy, việc của tôi là giúp các em có niềm vui với âm nhạc. Các em học theo hướng chuyên nghiệp thì tôi sẽ nghiêm khắc hơn một chút, nhưng chắc chắn là sẽ không mắng, không đánh như thuở xưa mình từng chịu. Ở bên tây, đánh học trò là ở tù như chơi (cười).
- Là thành viên hội đồng bình chọn giải Grammy nhưng anh lại không tham dự lễ trao giải, mà về Việt Nam giới thiệu album, biểu diễn?
- Bài nhạc cuối trong album Beyond borders là Black riding horse - Lý ngựa ô. Tôi gọi đó là hành trình trở về sau khi đã đi qua bao nhiêu nước trên thế giới, vượt bao đường biên giới. Sẽ cực kỳ thiếu sót nếu tôi chơi nhạc cho người nước ngoài nghe, bán đĩa trên iTunes mà không chơi nhạc cho đồng bào mình. Đêm nhạc ngày 13/2 tại Idecaf là cách để tôi tri ân quê hương, chuyện trò với khán giả. Như đã nói, tôi rất mong khán giả mở lòng đón nhận những điều mới mẻ, để thấy âm nhạc Việt Nam khi được đặt để bên cạnh nhạc các nước vẫn uy lực và quyến rũ như thế nào.
- Xin cảm ơn anh.
Phạm Thành Nhân