Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn - Với tôi cách ly nhưng không khoảng cách

12/04/2020 - 07:06

PNO - Nghệ sĩ jazz saxophone Trần Mạnh Tuấn đã trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống và tới giờ, dường như càng gặp nhiều biến cố, anh càng tìm tới sự bình lặng như một phương cách sống.

Cởi mở, cống hiến nhưng rất nhẹ nhàng, có lẽ con đường và sự thành công đến với anh không phải ngẫu nhiên mà là sự chắt chiu cả từ thất bại. Vận mệnh tưởng như lấy hết của anh nhưng hóa ra chẳng phải vậy. Trò chuyện với anh để thấy nghệ sĩ đã luôn hòa nhịp cùng thời đại như thế nào và âm nhạc quả thật đã giúp con người xích lại gần nhau ra sao.

Những lớp học không khoảng cách

Phóng viên: Chào Trần Mạnh Tuấn, anh có thấy chúng ta đang sống trong những ngày lạ của cuộc đời không?

Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn: Cũng có thể nói như vậy, mọi việc đều như khó định trước được và qua nạn dịch Covid-19, ta có thể thấy mọi sự vật sự việc tưởng như độc lập, hóa ra lại liên quan chặt chẽ tới nhau. Tuy nhiên, tôi vẫn cố gắng duy trì công việc, chỉ là thay đổi hình thức cho phù hợp và cũng thực sự đau lòng khi phải ngưng một số hoạt động, công việc.

Biểu diễn cùng các nghệ sĩ trên hạm đội USS Carl Vinson (Mỹ) tháng 3/2018
Biểu diễn cùng các nghệ sĩ trên hạm đội USS Carl Vinson (Mỹ) tháng 3/2018

* Anh đã giải quyết thế nào với những người cùng làm với mình?

- Với một số nhân viên thì tôi có hỗ trợ, một số được giữ lại bởi tôi hiểu rằng mình may mắn còn có tích lũy dự trữ, còn các em thì sao? Họ đa phần ở quê và sống theo cách ăn đong từng ngày. Tôi thực sự chia sẻ và đã có thời điểm khá buồn khi có một số bạn trẻ là tài năng âm nhạc, học trong các trường âm nhạc lại tới xin những công việc như lễ tân hoặc không liên quan đến âm nhạc lắm trong quán của tôi. Nên vì lý do đó mà tôi nghĩ và coi họ cũng là những đồng nghiệp của mình. Tôi cố gắng giúp họ duy trì đồng lương được chút nào hay chút đó cho tới khi không cố được nữa.

* Còn trước đó, ngày 6/3, theo kế hoạch, anh là nghệ sĩ duy nhất của Việt Nam được mời tham quan và biểu diễn với các nghệ sĩ trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt nhưng sau đó vì lý do gì mà lịch bị hoãn?

- Vâng, tôi thực sự rất vinh dự bởi mình là nghệ sĩ duy nhất của Việt Nam được mời tham quan và biểu diễn với các nghệ sĩ khác trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt. Theo kế hoạch, tôi sẽ cùng các nghệ sĩ thuộc ban nhạc Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ biểu diễn bài Nối vòng tay lớn của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và những bản nhạc Jazz kinh điển sẽ được vang lên trên con tàu lớn nhất của Mỹ khi tàu đỗ tại cảng Tiên Sa, Đà Nẵng ngày 6/3/2020.

Tuy nhiên, do sóng lớn, dù đã tìm hết cách nhưng tàu nhỏ không thể ra khơi để tiếp cận tàu lớn, vì vậy mà chương trình biểu diễn bị hoãn. Tôi đã rất buồn khi chương trình bị hoãn, nhưng điều đó không buồn bằng tin tức về con tàu đó. Hiện nay, theo thông tin từ báo chí, đã có 100 thủy thủ dương tính với SARS-CoV-2 trong số 4.000 thủy thủ có mặt trên tàu.

* Được biết vợ chồng anh cũng đã cố gắng “giải cứu” con gái mình trở về từ Mỹ khi gần tới ngày tạm ngưng các chuyến bay?

- Lúc đầu, tôi cũng định để cháu ở lại Mỹ, không nên di chuyển nhưng cuối cùng vì trường cháu cho học sinh nghỉ khá lâu và trước tình hình bệnh dịch như vậy, vợ chồng tôi quyết định tìm cách để con bay về. Chỉ 20 giờ đồng hồ mà chúng tôi thấy quá dài, cả đêm chập chờn và thấp thỏm chờ điện thoại của con khi con về đến sân bay Singapore. Việc chọn cho con quá cảnh ở đâu cũng làm chúng tôi phải suy nghĩ cân nhắc kỹ, để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho con.

Chuyến đi khá vất vả, con bay một mình, ai cũng sốt ruột và lo lắng. Tuy nhiên sự trải nghiệm trong lúc dịch bệnh khó khăn thế này, có lẽ cũng khó quên trong cuộc đời con gái tôi. Tôi cũng nhắn nhủ với cháu rằng: “Đây cũng chỉ là mới bắt đầu thôi, vì trong cuộc sống này sẽ còn rất nhiều điều xảy ra mà mình không thể lường trước được. Những lúc như thế này rất cần sự mạnh mẽ và tự tin. Bố sung sướng và hạnh phúc vì con cũng mạnh mẽ giống bố. Từ nhỏ bố cũng lang thang chinh chiến như vậy đó!”. Đón con trở về, gia đình tôi thực sự cảm thấy may mắn và biết ơn những người đã giúp đỡ. 

Biểu diễn cùng dàn nhạc giao hưởng Sun Symphony Orchestra
Biểu diễn cùng dàn nhạc giao hưởng Sun Symphony Orchestra

 

* Anh luôn khẳng định: Separate but together - Cách ly nhưng cùng nhau, điều này có ý nghĩa gì?

- Tôi hình như không ngưng nghỉ ngày nào, lúc nào. Tôi vẫn luôn làm việc, vẫn dạy học online. Các trò của tôi không phải chỉ ở Việt Nam mà ở khắp nơi trên thế giới. Thậm chí họ là những du học sinh đang trong thời gian cách ly, vẫn hằng ngày học online qua mạng. Thầy trò cũng lên lớp, tôi vẫn chỉ bảo các em như bình thường, thậm chí, còn khá hứng thú.

Ngoài ra, mỗi ngày tôi đều đăng chia sẻ một bài nhạc, bởi trong kho nhạc của tôi mấy chục năm qua, còn rất nhiều điều chưa chia sẻ. Âm nhạc không khoảng cách, giúp cho việc kết nối giữa người với người được gần nhau hơn. Bản thân tôi cũng thấy lạc quan, yêu đời hơn khi mình có niềm say mê trong công việc và giúp ích, chia sẻ được với nhiều bạn trẻ, nhất là trong những lúc như thế này.

Tôi chia sẻ vốn sống thực tế cho các em

* Ngoài kỹ thuật kèn, anh còn hay chia sẻ điều gì với các bạn trẻ?

- Có nhiều em tốt nghiệp nhạc cổ điển, các em thực sự tài năng nhưng thử nghĩ xem, ở nước mình có bao nhiêu nhà hát, bao nhiêu dàn nhạc? Việc xin vào đó rất khó, đòi hỏi nhiều yếu tố. Biên chế lại càng khó hơn. Chính vì vậy, nếu muốn học cách tồn tại, các em sẽ phải học nhiều thứ để hòa mình vào cuộc sống. Tôi dạy các em cả những thứ ấy. Đó là sự định hướng thực tế để áp dụng vào cuộc sống, những thứ mà trường học không dạy các em.

* Riêng với An Trần - cô con gái yêu của mình - liệu anh có dạy được con nhiều hay dao sắc không gọt được chuôi?

- Thực ra, cha mẹ có lẽ cũng chỉ dạy được con mình phần nào thôi, chưa kể có khi vì các con mà cha mẹ lại chính là những người cần phải học. Tôi chỉ dạy những điều cơ bản, An tư duy khá già dặn bởi môi trường học của An từ nhỏ đã dạy khá tốt về sự tư duy độc lập. Tôi thật may mắn khi con theo nghề của mình vì như thế, chúng tôi có thể chia sẻ được nhiều điều như hai nghệ sĩ với nhau.

Biểu diễn cùng con gái - An Trần
Biểu diễn cùng con gái - An Trần

Suốt 6 năm qua, An Trần song hành cùng bố trên nhiều sân khấu lớn nhỏ trong nước và quốc tế, biểu diễn cùng ban nhạc Saigon Big Band; tham gia ghi âm cùng bố trong album Thằng Cuội. 14 tuổi cháu đã chính thức vượt mặt bố khi được hãng kèn saxophone danh tiếng P.Mauriat chọn làm gương mặt nghệ sĩ đại sứ cho hãng. An Trần là nữ nghệ sĩ trẻ nhất thế giới vinh dự được mời vào vị trí này. Hiện hình ảnh và thông tin của An Trần có trên website của hãng với rất nhiều lời ưu ái.

15 tuổi, An nhận được học bổng từ Trường Idyllwild Arts Academy tại California, Mỹ. Để con du học khi còn nhỏ, vợ chồng tôi khá lo nhưng cũng phải động viên mình hãy tin tưởng vào con. Môi trường đó khá nghiêm túc như đúng 10g tối là internet bị cắt cho tới 7g sáng mới mở lại. Không 3G, 4G gì cả. Kỳ dịch vừa rồi, con gái trở về Việt Nam và chúng tôi đã cùng nhau biểu diễn, chia sẻ online với các bạn yêu nghệ thuật.  

* Được biết anh đang thực hiện một dự án về Trịnh Công Sơn?

- 19 năm qua, tôi là giám đốc chuỗi chương trình âm nhạc tưởng nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn do gia đình của cố nhạc sĩ tổ chức. Năm nay, do dịch COVID-19 các show diễn đã bị hủy. Buồn, tiếc nhưng không vì thế mà nản. Chương trình phát sóng online, trong đó tôi và các con thể hiện bài Ca dao mẹ, Hạ trắng, Còn tuổi nào cho em… để tưởng nhớ anh Sơn.

Ngoài ra, trong thời gian qua, tôi đã thực hiện những cuộc phỏng vấn rất chi tiết với sư cô Chân Không của Làng Mai, tiến sĩ triết học Thái Kim Lan, dịch giả Bửu Ý, thầy Trí Hải. Họ đã dành thời gian trò chuyện chia sẻ với chúng tôi về âm nhạc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Những chia sẻ của họ thể hiện sự hiểu biết sâu sắc và truyền cảm hứng cho nhóm Du ca Trịnh Công Sơn chúng tôi.  

Chương trình riêng với dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam
Chương trình riêng với dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam

Tôi biết ơn đời

* Vợ anh là người đàn bà đẹp. 30 năm sống cùng người mà “ngày nào cũng phải tán tỉnh”, anh có thấy mình may mắn?

- Quá may mắn. Tôi thấy mình nhận được khá nhiều. Tôi vẫn nói có hai người tôi yêu quý là chị gái và vợ tôi. Vợ tôi đã hy sinh vì tôi quá nhiều, nếu không có cô ấy, không có tôi ngày nay. Tôi còn nhớ từ thuở ở cái nhà 20m2 cho đến bây giờ, đó là cả quá trình chung sức chung lòng và tôi thực sự biết ơn người mẹ của các con tôi. 

* Ngắm biệt thự triệu đô của anh sẽ thấy anh chị quả là những người rất giỏi!

- Đã từ rất lâu, tôi làm quần quật, rất nhiều việc cùng một lúc. Từ lâu, tôi đã là nhà sản xuất, nhà đầu tư, chủ phòng thu, chủ quán bar nhạc Jazz, đi dạy học, do có kinh nghiệm tự ra sản phẩm âm nhạc mà tôi khá am hiểu ngóc ngách âm nhạc và thị trường. Đừng hỏi tôi việc kiếm tiền có khó hơn làm âm nhạc không vì hai thứ đó không nên so sánh. Nếu bạn đam mê cái gì mà nó lại ra cả tiền nữa thì niềm vui đó sẽ nhân đôi và bạn đã đi đúng hướng. 20 năm trước, đĩa nhạc Về quê thể hiện các ca khúc theo phong cách jazz dân ca đã thu hút rất nhiều khán thính giả. Chưa bao giờ tôi nhận được tiền cả bao tải như hồi đó và tới giờ, tôi vẫn thu được tiền từ những album như vậy. 

* Không lẽ, 20 năm trước con đường âm nhạc của anh đã dễ dàng như vậy sao?

- Không hẳn. Tôi phải xin thú thực, khi thực hiện album đầu tiên với nhạc sĩ Vũ Quang Trung, đĩa CD Lời ru mắt em, chúng tôi mời hẳn ca sĩ Bằng Kiều, Trần Thu Hà, lúc ấy nhiệt huyết tràn đầy, lại sẵn tư tưởng… “học Tây” về, nên chắc mẩm đĩa ra sẽ thu hút được khán giả. Ngờ đâu thất bại. Bài học rút ra ở đó là kỹ thuật âm nhạc chưa đủ, mà còn cần cả tâm hồn. Chúng tôi mất 5.000 đô la chi phí cho những bài học đầu đời. Chính vì vậy, tôi rất muốn chia sẻ những kinh nghiệm này cho những ai đang chập chững vào nghề. Có lẽ điều đó sẽ giúp rút bớt thất bại chăng?

Gia đình nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn
Gia đình nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn

* Tôi cảm nhận được sự ấm áp và rất… nhẹ nhàng, khéo léo của anh. Phải chăng đó là bản tính ban đầu hay phải trải qua nhiều thứ con người ta bỗng nhiên trở nên… trầm tính như vậy?

- Hồi trẻ, tôi là người khá nóng tính. Nhưng dần dà, khi cuộc sống gặp khá nhiều biến cố, tôi có lúc tuyệt vọng, có lúc chơi vơi nhưng không bao giờ buông xuôi. Tôi có lúc mất mát nhiều nhưng rồi nhận lại được nhiều. Cuộc đời luôn có nhiều bất ngờ, ta có định trước cũng không được. Nương theo đời mà sống. Tôi biết ơn đời, biết ơn người thân, anh em bạn bè, âm nhạc. Chính vì thế, tôi luôn tâm niệm sống và chia sẻ, bạn sẽ nhận được nhiều hơn thứ mà bạn có. 

Cho tới bây giờ, tôi vẫn vậy, không phải quá lo âu, lo lắng chuyện gì nữa. Cứ bình tĩnh rồi chuyện đâu cũng vào đó. Cái gì tới nó tới, rồi nó sẽ đi. Chỉ có con người phải luôn hiểu và có thái độ đúng. 

* Cảm ơn anh đã chia sẻ. 

Hình như, tôi chẳng bao giờ… yếu đuối. Có lẽ do tôi vào đời sớm quá, trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống quá chăng? Nhiều khi tôi nghiệm lại, thấy ôi chao sao mình “bị” đủ thứ trên đời. Tất cả các cú sốc, hoạn nạn trong cuộc đời, thậm chí từng nghĩ quẩn, chúng như sóng gió ập tới, và tôi đã từ từ đi qua một cách khá… kinh ngạc. Tinh thần lạc quan là đầu tiên, thứ hai là cách suy nghĩ rất quan trọng và âm nhạc thực sự đã cứu rỗi đời mình. Theo tôi, quan trọng là thái độ của mình với chúng như thế nào thôi. 

Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn


Codet Hà Nội (thực hiện)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI