PNO - Sinh ra trong một gia đình làm nghệ thuật, lớn lên trong không gian của ballet, với Trần Ly Ly, nghệ thuật như hơi thở, như đồ ăn thức uống hằng ngày.
Thoạt nhìn, người ta cảm thấy ở Trần Ly Ly một luồng năng lượng dữ dội và mạnh mẽ. Chị sáng tạo và dấn thân, dám nghĩ những điều điên rồ nhất, dám thể nghiệm những điều chưa ai làm trong cuộc chơi với nghệ thuật tại Việt Nam. Thế nhưng đằng sau đó, sau những rực cháy trên các sân khấu lớn nhất, lộng lẫy nhất là một Trần Ly Ly vô cùng tĩnh tại và bình thản. có sự thả lỏng và sáng suốt của một nghệ sĩ với bề dày hiểu biết, rèn luyện và tu tập nơi một người đàn bà làm nghệ thuật với những thăng hoa và đam mê đến kiệt cùng.
Chị thường nhắc đến một câu nói trong Phật giáo Ấn Độ: “Trong mười ngàn người mới có một “người đàn bà hoa sen”, đó là người đàn bà làm nghệ thuật. Mười ngàn người khác có thể làm tất cả các việc khác rất tốt, có người làm bác sĩ, có người làm kỹ sư, có người làm phục vụ, có người làm đầu bếp… nhưng một người đàn bà làm nghệ thuật thì khác. Người đàn bà làm nghệ thuật ấy có thể chẳng biết nấu ăn, không biết gì về khoa học nhưng họ khác, vì nghệ thuật thì phải hội tụ đầy đủ những yếu tố: tài năng cá nhân, sự khổ luyện, sự tinh tế và cả hiểu biết.
Sinh ra trong một gia đình làm nghệ thuật, lớn lên trong không gian của ballet, với Trần Ly Ly, nghệ thuật như hơi thở, như đồ ăn thức uống hằng ngày. Giờ đây, ở tuổi 43, là một trong 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam, Giám đốc nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, một nghệ sĩ múa, đạo diễn nghệ thuật, Trần Ly Ly vẫn không ngừng trăn trở và khát khao đưa nghệ thuật sân khấu hàn lâm Việt bay cao, bay xa hơn nữa. “Ước mơ của tôi là được làm những vở vũ kịch và nhạc kịch kinh điển lớn mang tầm quốc tế” - Trần Ly Ly chia sẻ.
Và cứ thế, mỗi năm, chị cùng hàng trăm nghệ sĩ của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam và các nghệ sĩ khách mời từ khắp nơi trên thế giới nỗ lực từng ngày cho những vở diễn với quy mô và chất lượng ngày một lớn, chuyên nghiệp hơn, từ Romeo và Juliet đến Hồ Thiên Nga và mới đây là Những người khốn khổ. Cảm giác như chưa bao giờ Trần Ly Ly muốn dừng lại. Năng lượng sáng tạo và thể nghiệm trong “người đàn bà hoa sen” ấy luôn bùng cháy và ngày một thăng hoa hơn, mãnh liệt hơn, sâu sắc hơn.
Sau những cuồng nhiệt của Trần Ly Ly trên sân khấu, cùng ngồi lại để trò chuyện với chị về quan điểm nghệ thuật, về con đường chị đang đi và những nhân sinh quan, thẩm mỹ quan của một nữ nghệ sĩ đương đại hàng đầu Việt Nam.
Xuân, Hạ, Thu, Đông rồi lại Xuân…
Phóng viên: Một năm vừa qua của chị thế nào? Covid-19 có ảnh hưởng thế nào tới chị và nhà hát? Mọi việc có khó khăn lắm không, thưa chị?
Nghệ sĩ Trần Ly Ly: Rất vui vì đến giờ phút này, chúng tôi vẫn bình an, mạnh khỏe. Như những gì bạn và mọi người nhìn thấy, chúng tôi đã có Những người khốn khổ rất thành công, cháy vé liên tục trong hàng loạt đêm diễn từ Hà Nội vào TP.HCM. Đó là công lao và sự đóng góp của tất cả mọi người, hàng trăm nghệ sĩ trong và ngoài nước. Tôi tự hào và vô cùng xúc động về điều đó.
Chúng tôi đã luyện tập hàng năm trời, bất chấp trong thời gian cách ly hay khi được mở cửa trở lại, lúc thì chúng tôi tập cùng nhau, lúc thì tập đơn lẻ tại nhà khi giãn cách, nhà hát phải đóng cửa. Tuy vậy, không có gì làm khó được chúng tôi cả.
Mọi ngành nghề đều có những mức hạng khác nhau, mình phải chấp nhận. Một là mình tiến lên ở mức A, hai là mình ở mức B và chấp nhận B, C chấp nhận C, mức D thì nên suy nghĩ về việc chuyển đổi. Làm mãi một việc mà không thấy hay, không được người khác đón nhận, tôi nghĩ bản thân bạn cũng không thấy hài lòng. Khi đã có cảm giác mình không tạo ra giá trị gì cho xã hội, bạn có nên tiếp tục? Biết đâu khi chuyển sang nấu bếp, bạn lại rất nổi tiếng, lại làm ra những món không ai làm được? Nên tỉnh táo lựa chọn để theo đuổi điều khiến mình hạnh phúc, hạnh phúc đó là mang giá trị cho bản thân và cho xã hội."
Nghệ sĩ Trần Ly Ly
* Dường như tôi thấy một luồng năng lượng tích cực rất lớn từ chị. Trong một giai đoạn khó khăn chung, điều gì làm nên những suy nghĩ tuyệt vời này?
- Quan điểm của Phật giáo, bạn ạ. Hãy nhìn mọi thứ một cách tích cực, nghĩ rằng mình may mắn vẫn còn đang tồn tại và nhìn về nó bằng con mắt hân hoan đón nhận. Quãng thời gian chúng ta tạm ngưng mọi thứ vì dịch bệnh cũng là một điều hay, riêng với tôi nó là cần thiết. Để sau đó mình cảm thấy hạnh phúc hơn, trọn vẹn hơn khi đã đi qua đại dịch và được gặp lại nhau. Chúng ta đã có thời gian để tĩnh tâm, gột rửa, đôi khi là để mở ra những cánh cửa khác, như tôi đã mở ra cánh cửa hội họa. Tôi chẳng chờ đợi một ngày nào, không chán nản một giây phút nào, đó là sự chấp nhận và thả lỏng. Với nhà hát cũng thế. Mọi người trong nhà hát vẫn sống bình thản, yên vui đợi đến khi đại dịch đi qua. Chúng tôi vẫn đang tồn tại, vẫn đang sống và chia sẻ nỗi đau với nhân loại.
Có nhiều cách lắm bạn ạ, tất cả nghệ sĩ múa của chúng tôi đã làm một video múa tại nhà và mỗi người chia sẻ với cộng đồng như một cách mang đến năng lượng tích cực: chúng tôi vẫn không ngừng luyện tập, không nghỉ một ngày nào. Đôi khi chậm lại một chút để cảm nhận được nhiều cái hay hơn.
Vở Những người khốn khổ
* Phật giáo dường như rất có ý nghĩa với chị?
- Đúng vậy, tôi là người theo Phật giáo và tin vào quan điểm của nhà Phật. Mọi thứ đến đều có nguyên do. Tôi luôn luôn nhìn vào điểm tích cực mà nó đem lại. Tất cả các quan điểm về tư duy nghệ thuật, tư duy về thời gian và sự đam mê mà tôi đang theo đuổi luôn thuận theo tự nhiên, thuận theo quan điểm của Phật. Khi duyên đến, ta đón nhận một cách yêu thương. Khi duyên hết, ta chào một cách kính cẩn. Yêu thương, kính cẩn và trân trọng khoảng thời gian đó. Khi duyên mới đến lại hân hoan đón tiếp. Tức là bình thường, vật đổi sao dời, như vật lý nói đấy, chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác.
Xuân, hạ, thu, đông rồi lại xuân. Nó là tất yếu. Giống như mình cũng sẽ chết đi và mình chấp nhận chuyện đó. Tôi nghĩ nghệ thuật giống như một dạng tu hành.
Không có ngày "đèn đỏ đèn xanh" gì đâu, tập hết!
* Luôn thấy chị cháy hết mình và kiệt cùng với nghệ thuật, với múa, con đường ấy có khó khăn không?
- Để đạt đến một tầm cao nhất định, mọi thứ đều vô cùng khó khăn. Nhưng, với nghệ thuật nói chung và múa nói riêng, nó phải hơn nữa, nghĩa là cố gắng ở mức độ 100% chưa đủ, phải “over” hơn một chút để thăng hoa hơn, thì sẽ đạt được thành công nhiều hơn. Vì tuổi nghề của múa quá ngắn nên thời gian tỏa sáng của các bạn rất ngắn, như pháo hoa, 25 phút là 25 phút. Cho dù thêm những đốm tàn cuối cùng rơi xuống thì cũng chỉ là 25 phút 1 giây mà thôi.
Cho nên chọn một cuộc đời làm nghệ thuật, nghĩa là bạn phải dấn thân và hy sinh tột cùng. Để có tài năng phải lao động, năng khiếu trời cho chỉ là một tỷ lệ rất nhỏ, nghệ thuật thực chất là lao động, lao động và lao động, một cách khắc nghiệt và kỷ luật. Riêng ngành múa, nếu không có kỷ luật không có khắc nghiệt, bạn sẽ không làm được gì cả.
Ví dụ như chúng tôi, bảy giờ sáng là lên sàn tập luyện, không có lý do để nghỉ. Thầy cô không bao giờ chấp nhận lý do, một năm chắc chỉ dám nghỉ một buổi vì sốt, thậm chí sốt còn chẳng dám nghỉ, không có ngày “đèn đỏ đèn xanh” gì đâu, tập hết. Đúng bảy giờ, dù mùa đông lạnh giá hay mùa hè nóng bức, đấy là kỷ luật, là sự tối cao trong nghề nghiệp. Luyện tập từ ngày này sang tháng nọ trong một thời gian rất dài, luyện tập về cơ thể, trí tuệ, trí não, cảm xúc để có thể trở thành một nghệ sĩ.
Trần Ly Ly vẫn không ngừng trăn trở và khát khao đưa nghệ thuật sân khấu hàn lâm Việt bay cao, bay xa hơn nữa
* Với một nữ nghệ sĩ, sẽ thế nào nếu phải lựa chọn giữa đam mê nghệ thuật và gia đình? Nghệ thuật múa, như chị nói, khá khốc liệt, tôi cũng biết rất nhiều nghệ sĩ ballet nữ trên thế giới đã hy sinh cả gia đình và con cái để theo đuổi đam mê.
- Tôi nghĩ đó là sự lựa chọn, là quan điểm cá nhân của mỗi người, khi ở mỗi thời điểm, họ nhận thấy điều gì là quan trọng với mình. Có nhiều nghệ sĩ ballet ở nước ngoài không lựa chọn có con hoặc gia đình vì họ không thấy điều gì quan trọng bằng lý tưởng nghệ thuật họ muốn hướng tới, trong thời điểm đó. Chỉ có họ biết mình cần gì để có quyết định.
Riêng tôi, tôi có nhiều đỉnh cao muốn vươn tới, nên trong mỗi thời điểm, tôi lại có những sự lựa chọn khác nhau. Đam mê về nghề nghiệp sẽ không thay đổi trong nhiều năm chứ không phải mãi mãi không thay đổi. Nó có thể chuyển từ cánh cửa này sang cánh cửa khác và nó có cấp độ, như khi bạn 20 tuổi, bạn đam mê kiểu khác; 30 bạn lại đam mê kiểu khác; đến 40, 50 tuổi bỗng ngỡ ngàng nhìn lại, có thể bạn chẳng đam mê một chút nào. Cho nên hãy chấp nhận và trân trọng mọi thứ đến với mình, ở mỗi thời điểm. Mọi cái đều đẹp và có giá trị riêng ở mỗi thời điểm.
“Đừng chán nữa!”
* Trong thời đại công nghệ số, cuộc đổ bộ của mạng xã hội và hàng loạt cách tiếp cận nội dung khác nhau, như tiktok, như youtube… nghệ thuật sân khấu làm thế nào trong cuộc chiến này, thưa chị?
- Tôi không nghĩ đó là cuộc chiến hay gì cả, xu hướng xã hội phải thế, nhu cầu con người thời đại này phải thế, đừng lo, nó là dòng chảy tất yếu, không thể nào khác được.
Tiktok, youtube hay bất cứ nền tảng nội dung số nào đều rất hay bởi nó thách thức các hình thức còn lại: thay đổi đi, ai giỏi thì tồn tại, ai chưa đủ giỏi thì gặp khó khăn. nó kích thích, nó cạnh tranh và càng cạnh tranh thì mới phát triển.
Và rõ ràng, trước xu thế tất yếu đó, nghệ sĩ cũng buộc phải thay đổi, phải hay, phải hấp dẫn hơn, đừng để chán nữa. Cái gì hay vẫn có chỗ đứng, đừng sợ nhưng phải không ngừng tư duy và thay đổi, học hỏi, sáng tạo. Cuộc chơi phải thú vị hơn vì khán giả bây giờ có kiến thức rộng, cách tiếp cận đa dạng, nên khi mình đưa ra một tác phẩm mới, đòi họ rời khỏi cái sự ấm áp của nhà họ để đến sân khấu thì phải thế nào chứ. Thử hỏi, nếu vẫn là những thứ cũ kỹ xem đi xem lại thì tất nhiên khán giả sẽ bỏ về. Nghệ sĩ phải thay đổi, phải thức thời, phải tìm cách, dám nghĩ dám làm.
* Còn vấn đề thương mại thì sao khi sân khấu hàn lâm của chúng ta thực sự chưa phổ biến rộng rãi với công chúng?
- Bạn thấy đấy, tất cả các đêm diễn Những người khốn khổ của chúng tôi luôn cháy vé. Rõ ràng khán giả có quan tâm và hào hứng với nghệ thuật kinh điển đấy chứ.
Tất nhiên, chúng ta đang trên đường cải tổ, còn nhiều chật vật. Về kinh tế, tài chính, tôi phải đi gõ cửa rất nhiều nơi, cũng cảm ơn rất nhiều người đã tin tưởng và hỗ trợ. Thế nhưng tôi vẫn tin rằng, với một tác phẩm đủ hay và đủ tâm huyết thì khán giả sẽ không quay lưng, chúng ta vẫn sẽ bán được vé.
* Nhưng so với thị trường nghệ thuật, ngay cả trong nước thôi, có vẻ như nghệ sĩ hàn lâm nói chung đang có thu nhập chưa được tương xứng?
- Đừng bao giờ so sánh, vì mỗi thị trường khác nhau. Như ở thị trường này, thì “level” (tạm dịch: mức hạng - PV) này mình kiếm được tiền rồi, còn ở trị trường khác ắt sẽ khác. Tất nhiên để nói rộng ra, nghệ sĩ làm classic vẫn chưa thực sự nhận được sự công nhận đúng mức, ít nhất về tiền bạc.
Nhưng tôi cũng phải nói thêm rằng, nghệ sĩ đủ giỏi sẽ không bao giờ thiếu tiền. Đừng so sánh với người khác, mình sống được một cách đầy đủ là ổn.
* Kế hoạch sắp tới của chị là gì?
- Tôi sẽ làm một tour diễn Hồ Thiên Nga, đây là tác phẩm mà cá nhân tôi vô cùng tự hào. Và hiện tại đang là Những người khốn khổ, với 180 diễn viên Việt Nam và quốc tế. Tôi muốn lan tỏa những tác phẩm này, sau đó có thể làm những buổi hòa nhạc lớn về hòa bình. Năm nay, tôi muốn làm về hòa bình, vì nó có nhiều ý nghĩa. Sản phẩm mới thì có Romeo và Juliet cùng một vở nhạc kịch nữa nhưng chưa “bật mí” được.