Nghệ sĩ Thủy Nguyễn: Năng lượng của tình yêu

20/12/2020 - 06:56

PNO - Cô say mê những gì thuộc về văn hóa dân gian và có một mãnh lực để đưa chúng trở vào đời sống đương đại, tiếp cận nhiều người và lan tỏa tình yêu đó.

Rất khó để định danh Thủy Nguyễn trong một danh từ chỉ nghề nghiệp: nhà thiết kế, nghệ sĩ đương đại hay nhà tổ chức thường niên các triển lãm nghệ thuật. Bởi hầu như, trong các lĩnh vực vừa kể, Thủy Nguyễn đều dự phần; mà phần nào cũng làm ra tấm ra món, cũng gặt hái thành tựu cả trong và ngoài nước.

Thế nhưng, Thủy Nguyễn vẫn chưa dừng ở đấy. Cô còn đảm đương thiết kế phục trang cho phim và đã làm cho kha khá phim, từ Cô Ba Sài Gòn đến Mẹ chồng và sắp tới là Quỳnh hoa nhất dạ. Thủy còn làm phục trang cho các ca sĩ đình đám mà điển hình là Hoàng Thùy Linh với bộ trang phục trong MV Để Mị nói cho mà nghe. Thủy lấn sân đầu tư sản xuất phim với cái tên… đậm đặc Thủy Nguyễn, không nhầm lẫn đi đâu được: Xưởng phim màu hồng.

Hành trình của một kẻ “ham chơi” 

Chung quy tất cả, như Thủy Nguyễn vẫn tự nhận và như nhiều bạn bè của cô nhận xét: “Một đứa ham chơi như quỷ”. Chỗ nào vui, chỗ nào thú vị là có mặt Thủy. Và có lẽ vì xem mọi thứ là một cuộc chơi như những ngày bé vẫn xé giấy cắt dán chơi đồ hàng trong căn nhà có một mình, Thủy đón nhận mọi thứ đến với mình vô cùng nhẹ nhàng. Gọi là cuộc chơi, không phải để làm cho có, mà vì là chơi nên hết lòng hết sức, lùng sục khắp ngõ ngách để thỏa mãn bản ngã sáng tạo, luôn hứng thú với những thứ mới mẻ, chưa ai từng làm và cũng là để thỏa mãn tình yêu lớn, xuyên suốt dành cho nghệ thuật.

“Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ theo thời trang. Hướng rẽ bất ngờ này đến từ việc tôi muốn mặc đẹp và mặc sao cho đúng là chính mình. Quần áo mua ở nước ngoài ư? Ừ thì đẹp đấy nhưng nó không phải là mình. Hôm nay tôi muốn “điên” có được không? Nhưng “điên” như thế nào để là mình, có cái gì đâu mà “điên”. Đi may ở tiệm thì họ cũng không làm được cái mình muốn, thế thôi mình tự làm. Ý thức cá nhân đó xui tôi tự đi chợ, mua vải vóc rồi cắt may.

Mọi người thấy mình mặc thì thích, cổ vũ rồi đặt may. Sự tin tưởng cho tôi rất nhiều tự tin. Sau này cũng vậy, khách đặt hàng mà thợ làm thấy không ưng thì tôi sẽ tự đi chọn vải, đứng cạnh thợ cắt để cắt cùng họ. Tôi nghĩ một khi đã mê, đã yêu thì phải mày mò tìm hiểu. Mình hời hợt thì tác phẩm mình làm ra cũng thế. Cùng lắm làm được một cái xuất sắc chứ không thể mười cái như nhau, không thể làm hết bộ sưu tập (BST) này đến BST khác. Năng lượng đó phải được trau dồi từng ngày, từ sách vở, cuộc sống cho đến những cuộc gặp gỡ, những chuyến đi. Đến một lúc, nó trở thành dòng chảy bên trong mình và toát ra mà không cần nói quá nhiều, lý giải quá nhiều” - Thủy hồi tưởng.

Sẽ thật phiến diện nếu mặc định nghĩ đến Thuy Design House là nghĩ đến áo dài vì biên độ sáng tạo của Thủy Nguyễn vô cùng rộng. Cô say mê những gì thuộc về văn hóa dân gian và có một mãnh lực để đưa chúng trở vào đời sống đương đại, tiếp cận nhiều người và lan tỏa tình yêu đó.

Khát khao lớn nhất của Thủy Nguyễn là kể những câu chuyện đậm hồn cốt Việt Nam thông qua văn hóa dân gian
Khát khao lớn nhất của Thủy Nguyễn là kể những câu chuyện đậm hồn cốt Việt Nam thông qua văn hóa dân gian

Cuộc đời không hẳn lúc nào cũng bằng phẳng, ấy vậy nhưng hiếm khi thấy Thủy buồn. Cô luôn xuất hiện trước bạn bè, trong cuộc chơi của riêng cô, với gia đình hay với công chúng ở trạng thái tràn đầy năng lượng, tinh nghịch nhất và hồn nhiên nhất. Thủy luôn giữ đôi mắt háo hức, tò mò trước mọi thứ. Thủy luôn định danh bản thân, tính cách của cô bằng những gam màu rực rỡ nhất, bằng lụa là, gấm vóc, bằng những gì mang đậm hồn cốt Việt Nam một cách tự nhiên, cả trong cuộc sống và trong sáng tạo nghệ thuật. Hãy nghe một vài cái tên từ những BST thời trang của cô: Lúng liếng, Tình tang, Mộng mị… Đều rặt Nôm, yêu kiều, e ấp mà không hề gò ép.

Sự “bình thường” của Thủy là được sống, được theo đuổi những gì mình muốn đến tận cùng và được sáng tạo, được giới thiệu tác phẩm đến công chúng. Hãy nhìn cách Thủy làm việc, chăm chỉ, mê say lẫn vật vã. Hãy nhìn Thủy nhặt nhạnh tìm tòi, đi khắp các chợ vải, lùng sục những thứ hay ho nhất của văn hóa dân gian để tiếp thu và học hỏi rồi miệt mài lao động và kết nối mọi người đủ mọi nghề nghiệp, tầng lớp từ cô bán vải, chị bán cườm, anh bán dép ở chợ Bến Thành cho đến các nghệ nhân đang mai một dần trước thời gian để cho ra tác phẩm.

Chín năm, 14 BST được chia thành bảy không gian triển lãm, từ dân gian, đồng quê cho đến thị thành và cả những âm bản trắng đen - sắc màu gần như hiếm hoi của Thủy Nguyễn trong hành trình rong ruổi chứ không đợi tròn mười năm, Thủy bảo: “Vì đây là khoảng thời gian tôi thấy đủ đầy. Nói rộng ra thì, tôi đang thấy và sợ mình lặp lại chính mình. Thành ra, tôi muốn có một cột mốc để nhìn lại, để đưa mình trở về trạng thái 0, rồi sau đó bước vào hành trình khác. Có thể năm, bảy năm nữa tôi mới có một tác phẩm. Biết đâu, chín năm nữa, tác phẩm không thể đầy đặn như lần này nhưng ít nhất tôi đã trải lòng với mọi người và cũng đã cho đi. Đời sáng tạo chỉ cần một tác phẩm khiến người thưởng lãm “wow” được rồi, đừng đòi hỏi tác phẩm tiếp theo cũng thế. Tôi không muốn áp đặt, cứ để dòng đời chảy trôi. Cái gì đến sẽ đến thôi. Nếu để khán giả biết trước con đường mình đi, đoán được mình thì sẽ rất nhàm chán”.

Và nếu chưa đủ để hình dung, hãy ghé qua ngắm nghía một chút căn phòng làm việc của Thủy Nguyễn mà lần đầu cô chịu “phơi” ra trước công chúng. Ở đó có đủ thứ, từ chỉ thêu, hột bẹt lóng lánh cho đến bức chân dung được tặng trong trạng thái đẹp nhất. Ở đó có vô số thứ được Thủy nhặt nhạnh khắp nơi, từ Việt Nam đến những quốc gia Thủy từng đi qua.

Biên độ sáng tạo của Thủy Nguyễn là không giới hạn
Biên độ sáng tạo của Thủy Nguyễn là không giới hạn

Ở đó còn có những thứ cũ kỹ như vô số bức ảnh đen trắng của nhiều thập niên trước, có những ô gạch bông cũ, có tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, con búp bê Nga… Ở đó còn có vô số tình cảm của bạn bè và cả tình cảm Thủy dành cho bạn bè qua loạt tranh đặc tả những đôi mắt, qua những bộ trang phục đặc biệt từng được Linh Nga, Hoàng Thùy Linh mặc. Ở đó còn có chiếc áo mang họa tiết chữ viết ngô nghê của con… Ở đó còn có phần âm là những bản nhạc dân gian từ những địa phương Thủy đã đi qua. Thủy lưu giữ tất cả, nhớ nhung tất cả rồi biến chúng thành chất liệu sáng tác hoặc cũng có thể là những dư âm đó thấm vào Thủy ngấm ngầm và trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi, thôi thúc, tiếp cho Thủy ngọn nguồn sáng tạo chưa bao giờ dứt, chưa bao giờ cũ và cũng chưa bao giờ thôi tiến về phía trước.

“Trong quá trình sáng tạo, điều quan trọng nhất và tiên quyết với tôi chính là cảm xúc, sau đó mới đến màu sắc, dáng hình... Tôi luôn sợ những chất liệu, ngôn ngữ mình chọn không biểu đạt được những gì mình muốn nói với công chúng” - Thủy Nguyễn chia sẻ.

Không gian triển lãm Mộng bình thường của nghệ sĩ Thủy Nguyễn
Không gian triển lãm Mộng bình thường của nghệ sĩ Thủy Nguyễn

Tôi từng có dịp “gặp” Thủy Nguyễn kha khá lần, khi thì qua những bộ sưu tập, khi từ phục trang cho phim, đôi lúc lại qua các tác phẩm nghệ thuật đương đại và cả ở The Factory Contemporary Arts Centre - không gian Thủy thành lập để kết nối người làm sáng tạo và công chúng yêu nghệ thuật; tôi cũng từng có dịp ngồi với Thủy đôi lần, cho một vài bài phỏng vấn nhưng phải thừa nhận rằng, triển lãm Mộng bình thường lần này đã giới thiệu chân dung Thủy một cách trọn vẹn và rõ ràng nhất, thay vì chỉ có những lát cắt như trước đây.

Còn Thủy rất thật thà và tỉnh táo: “Bắt tay vào làm triển lãm lần này, tôi có rất nhiều nỗi sợ. Sợ tốn tiền quá, sợ không biết mình có làm nổi hay không, sợ dịch bệnh ập đến và sợ mọi người… chê. Tôi luôn tự hỏi mình có sẵn sàng hay chưa. Cho nên, triển lãm lần này ra đời tức là tôi đã vượt qua được chính mình. Vậy là vui lắm rồi”.

Cuối con đường cũng chỉ là... yêu

Phóng viên: 14 BST trong chín năm, giờ là một triển lãm như một cú “flashback”, chị thấy gì ở cú ngoái nhìn này? Riêng tôi thì đã “wow” khi xem đấy.

Nghệ sĩ Thủy Nguyễn: Cảm xúc đầu tiên là ngạc nhiên và bất ngờ, hóa ra mình rất mạnh mẽ. Những gì mình bắt đầu từ xưa đến giờ mình vẫn tiếp tục chứ không rẽ sang lối khác dù tôi là người “vui đâu chầu đấy”. Sắc màu, hình khối cho đến chất liệu gấm lụa… mọi thứ vẫn như lúc tôi bước chân vào thời trang. Đó là điều tôi vui nhất.

Thứ hai, như chị nói, làm gì mà nhiều thế. Tôi nghĩ bản năng của người làm công việc sáng tạo là luôn muốn thử nghiệm, bóc tách bản thân. Nhỡ đâu mình lại thích làm phim hơn thời trang thì sao? Nhỡ đâu làm sân khấu thích hơn thời trang may sẵn… Thành ra ai rủ rê gì tôi cũng làm. Phần vì tính tôi hay cả nể, mọi người nhờ mà mình không làm thì thấy áy náy lắm.

Với Thủy Nguyễn, triển lãm lần này là một lần chị vượt qua chính mình
Với Thủy Nguyễn, triển lãm lần này là một lần chị vượt qua chính mình

* Ngoài tình yêu dành cho văn hóa dân gian, còn yếu tố nào thôi thúc chị tiến về phía trước mà vẫn giữ được ngọn lửa lúc mới nhóm?

- Là mình đi thật với chính mình, không giả dối, cũng không gượng ép mình phải giống người này người kia hay phải theo xu hướng này nọ. Đi đúng tính cách thì không thể khác được. Nó là năng lượng toát ra từ thân, từ ruột gan mình. Nhiều khi mình thật lòng nhưng khán giả không chấp nhận, tôi cũng sợ mình nghĩ sai chứ không phải không. Và để vượt qua thì luôn phải mạnh mẽ. Cuối con đường cũng chỉ là yêu thôi. Có yêu mới đi đến tận cùng.

* Nhưng rõ ràng, không phải ai cũng tiếp nhận sự cách tân, bằng chứng là lần này khi chị đảm nhận phục trang cho Quỳnh hoa nhất dạ, phản ứng trái chiều khá dữ dội?

- Tôi là người làm thời trang lấy cảm hứng nhiều từ dân gian và sáng tạo cho nó đương đại. Đã là sáng tạo thì phải làm ra những thứ chưa ai nhìn thấy, chưa ai nghĩ đến và chắc chắn sẽ có tranh cãi. Có cái công chúng chấp nhận, có cái hô thấy đẹp, có cái không và tôi luôn cầu thị đón nhận. Tôi nghĩ mình được nhiều hơn, vì có quan tâm mới có góp ý, có chê và bài học này luôn miễn phí. Phản hồi với khán giả cũng là cơ hội để người làm sáng tạo suy nghĩ lại, tại sao mình làm như vậy, cái gì dẫn mình đến kết quả này mà không phải là kết quả khác.

Tôi cho rằng, khi nghệ sĩ được giới thiệu tác phẩm đến công chúng đã là một hạnh phúc. Chúng ta sinh ra, lớn lên trong nhiều môi trường khác nhau, tính cách khác nhau, văn hóa gia đình khác nhau thì không thể giống nhau và cùng chấp nhận như nhau được. Chinh phục được nhiều khán giả nhất là con đường rất dài đòi hỏi nghệ sĩ phải nỗ lực không ngừng nghỉ, mỗi ngày trăn trở một chút và phải dũng cảm vượt qua khó khăn. Nếu chùn bước thì không bao giờ có thể tạo ra được những thứ lớn lao.

Riêng với phim, tôi nghĩ sự tranh cãi đến từ việc thông tin chưa rõ ràng ở phía nhà sản xuất, bởi họ chưa xác định thể loại, đó có thể là phim giả tưởng thì sao.

* Thế giới nghệ thuật của chị có rất nhiều màu sắc, nhiều tìm tòi và sự dung hòa giữa nhiều mảng văn hóa dân gian. Có bao giờ bị choáng ngợp và đâu đó lạc mất chính mình?

- Tôi chưa bao giờ lạc cả nhưng luôn có rất nhiều câu hỏi. Thí dụ cùng thời kỳ, cùng khó khăn đó, tại sao nước này làm như thế, tại sao họ bảo lưu được văn hóa dân gian còn mình thì không? Người xưa làm như thế, bây giờ mình làm có đẹp không, có được không? Các câu hỏi đó cứ trở đi trở lại trong tôi, trở thành một nỗi ám ảnh. Tôi trả lời bằng cách tự cân bằng để đáp ứng, bắt mình phải hiểu, phải thử dù sức mình bé nhỏ chỉ làm được thế thôi.

* Chị không chỉ có thời trang mà còn có không gian trưng bày, còn có những tác phẩm nghệ thuật đương đại. Ba mảng này bổ sung cho nhau thế nào?

- Tôi là người tương đối không cởi mở lắm nhưng chạm vào nghệ thuật, tôi rất muốn chia sẻ. The Factory là nơi để các nghệ sĩ gạo cội, nghệ sĩ có tác phẩm đẹp chia sẻ và người xem dù biết hay không biết về nghệ thuật cũng có thể tìm đến để xem. Sự kết nối đó sẽ tạo thành mạng lưới cùng nhau phát triển. Tôi làm triển lãm lần này cũng vậy. Song hành cùng triển lãm là rất nhiều workshop.

Tôi muốn gặp gỡ, chia sẻ và giúp đỡ thế hệ sau, những đồng nghiệp tương lai của tôi đi nhanh và đi xa hơn, tránh vấp phải những sai lầm tôi từng gặp. Chẳng hạn khâu lụa thì thế nào cho đẹp, mua vải ở đâu, vì sao chọn nguyên liệu đó, nguyên liệu thay thế là gì… Phải chứng minh tình yêu của mình bằng sự chăm chỉ.

Khát khao lớn nhất và mạnh mẽ nhất của tôi là kể những câu chuyện đậm hồn cốt Việt Nam thông qua văn hóa dân gian, thông qua những gì quen thuộc như bờ tre, phên dậu, tranh ảnh hay một câu hát. Đấy là ký ức của một thế hệ mà mình không thể nào truyền tải cho người nước ngoài hiểu tường tận nhưng người Việt thì không cần nói cũng hiểu. Chỉ có gặp gỡ, kết nối cùng nhau mới có thể góp gió thành bão.

* Sự nhặt nhạnh và bận rộn của chị có làm gia đình nhỏ phiền không?

Tôi luôn có suy nghĩ tích cực rằng cái gì đến thì nó sẽ tự đi, đi bằng cách nào và bao giờ thì mình không biết. Nhưng kệ nó, quan trọng, mình biết đặt cái gì là ưu tiên. Và khi yêu hết lòng thì mình chăm chỉ. Năng lượng ấy rất cần cho cuộc sống. Mục đích của cuộc đời này chính là làm cho nhau hạnh phúc.

Nghệ sĩ Thủy Nguyễn

- Việc gia đình và đi làm, với tôi là hai việc độc lập, không nên trộn lẫn. Ngoài giờ làm việc, tôi vẫn có thời gian đi chơi với con, ngày nào cũng nhảy TikTok. Đoạn phải trộn là để con nhìn thấy mình làm việc, thấy sự chăm chỉ, sự bay bổng, nhởn nhơ và cả sự vật vã của mình. Sự dạy dỗ này không có nghĩa là con phải giống mẹ, phải thức đêm hay hát những bài hát như mẹ. Cuộc đời có nhiều ngã rẽ nhưng con thấy được rằng mình không đau khổ. Và ngược lại, luôn có một sự dạy dỗ từ phía trẻ con. Mình hãy cứ vui vẻ như lũ trẻ thay vì cố chạy theo người ta, theo chuẩn mực này nọ. Mình là trụ cột, những thứ khác sẽ quay quanh mình, mình phải vui thì những người bên cạnh mới vui. 

* Cảm ơn chị đã chia sẻ.

Hoàng Linh Lan (thực hiện)

Ảnh: Thuy Design house 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI