|
NSƯT Lê Thiện không có tên trong danh sách xem xét trao danh hiệu NSND |
Việc khán giả phản ứng là hoàn toàn có sơ sở, chứ không chỉ xuất phát từ tình cảm yêu mến cá nhân. 77 tuổi, NSƯT Lê Thiện đã có 66 năm gắn bó với sân khấu. Từ năm 11 tuổi, bà đã theo đoàn văn công quân đội, biểu diễn ở nhiều chiến trường từ Bắc chí Nam, phục vụ trong thời điểm chiến tranh ác liệt. Bà cùng NSND Thanh Vy từng được gặp, biểu diễn cho Bác Hồ xem tại Phủ Chủ tịch vào năm 1956.
Bà từng là cố vấn nghệ thuật, phó đạo diễn cho một loạt vở diễn, trong đó có những vở ra mắt trong thời điểm lịch sử khắc nghiệt. Không chỉ giỏi chuyên môn, bà còn có năng lực trong lãnh đạo, đào tạo, góp phần gắn kết nhiều thế hệ nghệ sĩ cải lương danh tiếng.
NSƯT Lê Thiện là một trong những người có đóng góp lớn cho sự phát triển của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, nơi được xem là trung tâm của cải lương miền nam. Bà từng là Phó giám đốc của nhà hát. Sau này, khi rời sân khấu, bà vẫn tiếp tục đóng phim. Mỗi lần hậu bối có dự án mới, bà đều sẵn sàng đến góp ý, chỉ dẫn. Gần đây nhất, nữ nghệ sĩ U80 còn dạy nghề cho lứa diễn viên trẻ. Cuộc đời bà, gần như không thể tách rời sân khấu.
Còn danh tiếng của NSƯT Quốc Cơ, NSƯT Quốc Nghiệp đã vươn ra khỏi biên giới Việt Nam từ rất lâu. Ở đó, họ khiến hàng chục triệu người Việt cảm thấy tự hào. Cuối năm ngoái, 2 nghệ sĩ vừa phá kỷ lục Guinness, tiếp tục làm rạng danh Việt Nam. 38 tuổi đời nhưng NS Quốc Cơ đã có đến 34 năm tuổi nghề, còn NS Quốc Nghiệp cũng đã làm nghề được 28 năm. 2 nghệ sĩ đã dày công khổ luyện, chịu đau đớn tổn thương sức lực, thể chất hàng chục năm ròng. Hành trình mà họ đi có cả máu và nước mắt.
|
Danh tiếng, tài năng của anh em NSƯT Quốc Cơ - NSƯT Quốc Nghiệp đã được thế giới công nhận |
Đào độc hay đào mùi, cải lương hay kịch nói cũng không thể làm khó NSƯT Thoại Mỹ. 42 năm đứng trên sân khấu, số vai diễn ấn tượng của chị gần như không thể kể hết. Không phải không có lý do để NSƯT Thoại Mỹ được hàng loạt NSX uy tín mời ngồi ghế giám khảo, huấn luyện cho các chương trình chuyên môn về nghệ thuật cải lương, trong đó có cả những cuộc thi mang tầm vóc quốc gia, khu vực như: Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang, Chuông vàng vọng cổ... Gần đây nhất, dù bị chấn thương nặng ở chân nhưng chị vẫn quyết không thay khớp gối, với mong ước được đứng trên sân khấu đến cuối đời. Không chỉ làm nghề giỏi, chị cũng có nhiều đóng góp cho công việc thiện nguyện, chăm lo cho các nghệ sĩ lão thành, neo đơn.
Tài năng, sự đóng góp của NSƯT Lê Thiện hay thành tích của anh em NSƯT Quốc Cơ - NSƯT Quốc Nghiệp đã vượt khỏi giá trị của những chiếc huy chương. Còn với NSƯT Thoại Mỹ, về sự đóng góp cũng phải được xếp ngang hàng rất nhiều tên tuổi đã "vượt ải" của hội đồng chuyên ngành như: NSƯT Mỹ Uyên, NSƯT Trịnh Kim Chi, NSƯT Xuân Bắc... Vì thế, việc một loạt nghệ sĩ có đóng góp lớn không có tên trong danh sách xem xét trao danh hiệu khiến khán giả không khỏi đặt dấu chấm hỏi về sự thấu đáo, nhạy cảm của hội đồng chuyên ngành cấp nhà nước. Ngoài huy chương, tuổi đời thì liệu còn lý do nào nữa để những cá nhân này không được trao tặng danh hiệu mà họ rất xứng đáng nhận được?
|
NSƯT Thoại Mỹ cũng không có tên trong danh sách xét tặng danh hiệu NSND lần này |
Chưa kể, trong danh sách được thông qua, có rất nhiều nghệ sĩ từ khi đạt danh hiệu NSƯT tính đến thời điểm hiện tại, chuẩn bị được phong tặng NSND lại chưa có thêm có một vai diễn, hoạt động có dấu ấn nào, ngoại trừ việc đã xếp đủ huy chương, theo quy định.
Đợt xét danh hiệu cách đây 4 năm, trường hợp tương tự đã xảy ra. NS Minh Vương, NS Thanh Tuấn, NS Giang Châu (thời điểm đó còn là NSƯT) cũng không có tên trong danh sách đề nghị xét tặng danh hiệu NSND khi đến hội đồng cấp nhà nước. Trong khi đó, một loạt hậu bối, thậm chí có người xét về tài năng, sự đóng góp đều phải xếp sau các nghệ sĩ này, lại xuất hiện trong danh sách. Sự việc đã tạo nên một làn sóng dư luận rất lớn vào thời điểm bấy giờ, buộc cơ quan quản lý văn hóa nhà nước phải vào cuộc, xem xét, bỏ phiếu lại cho các nghệ sĩ.
Sự việc tưởng ít nhiều phải có tác động, làm thay đổi tư duy xét để hợp lòng số đông công chúng, không ngờ nay "chuyện cũ" lại tái diễn. NSƯT Lê Thiện nói bà bị sốc khi biết mình vắng mặt trong danh sách xét tặng danh hiệu NSND lần này. Nhiều người khuyên bà làm đơn gửi hội đồng xét duyệt lại, nhưng bà từ chối. 2 anh em nghệ sĩ Quốc Cơ - Quốc Nghiệp cũng không tránh được cảm giác khó hiểu trước sự việc vừa qua. Việc xét tặng, vinh danh vốn dĩ là chuyện vui, nhưng lại bị phủ lên cảm xúc tiêu cực, là chuyện không nên và không đáng có.
Đến nay, giới nghệ sĩ vẫn nhắc nhớ về trường hợp của cố NSƯT Út Bạch Lan (đến khi qua đời vẫn chưa được xét tặng NSND, dẫu rất xứng đáng) như một điển hình của sự bất cập trong cơ chế xét tặng danh hiệu. May mắn thay, danh sách "đạt chuẩn" NSND lần này có tên cố nghệ sĩ Thanh Kim Huệ, sự có tên ấy là xứng đáng nhưng một lần nữa cũng làm gợn lên câu hỏi, về việc vì sao mãi đến khi tạ thế, các nghệ sĩ mới được ghi nhận. Khi nào sự cống hiến mới được hiểu đúng, sự tôn vinh mới được trao đúng người và đúng thời điểm?
Không phủ nhận rằng, tình cảm, sự công nhận của khán giả vẫn là phần thưởng, sự ghi nhận lớn nhất đối với nghệ sĩ. Nhưng điều đó không có nghĩa việc làm của cơ quan quản lý văn hóa nhà nước cứng nhắc, thiếu thận trọng, thiếu những am hiểu thấu đáo về những đóng góp và tài năng của nghệ sĩ trong mỗi đợt xét duyệt hồ sơ.
Trung Sơn