Nghệ sĩ Thu Phương: Ươm mầm hát xẩm cho lớp trẻ

27/08/2021 - 07:01

PNO - Từ nhỏ, những chương trình nghệ thuật truyền thống luôn hấp dẫn cô bé Thu Phương (quê ở Uông Bí, Quảng Ninh), để rồi những lần ê a đó lại dẫn đường cho cô trở thành nghệ sĩ.

Không được gia đình ủng hộ, 18 tuổi, Thu Phương phải xuôi ngược học nghề khắp nơi. Năm năm sau khi giọng ổn định, chị bắt đầu con đường chuyên nghiệp. Sau ba năm được đào tạo hệ cao đẳng tại Hà Nội, chị khăn gói vào Huế, theo học tại Học viện Âm nhạc Huế. Lời dặn dò của những người thầy về việc tiếp tục truyền nghề luôn đeo đẳng chị. Nay, ở tuổi 36, khi những bước đi đã vững vàng, nữ nghệ sĩ (NS) bắt đầu hiện thực hóa giấc mơ năm nào.

Nghệ sĩ Thu Phương và các học trò
Nghệ sĩ Thu Phương và các học trò

Phóng viên: Đi hát và truyền nghề là hai việc hoàn toàn khác biệt. Chị chuẩn bị hành trang như thế nào?

Nghệ sĩ Thu Phương: Trước đây, tôi từng truyền kinh nghiệm cho nhiều người, nhưng để đứng lớp cần kỹ năng sư phạm. Tôi mất vài năm để hệ thống lại kiến thức, đọc thêm nhiều sách để đưa ra nội dung giảng dạy giúp người học dễ tiếp thu.

Tôi học tập kỹ năng truyền đạt từ các thầy. Cố giáo sư Phạm Minh Khang truyền tải rất khúc chiết, gãy gọn. Nhạc sĩ Thao Giang giảng dạy bằng những câu chuyện hài hước. Cố giáo sư Phan Anh Nhật đọc nhiều sách, đưa ra nhiều câu chuyện thực tiễn để thuyết phục học trò.

Dự án khởi động cách đây một năm rưỡi. Khóa học đầu tiên với 12 học viên tuổi trung học. Mỗi tuần, các em học hai buổi tại quê tôi. Ở Nam Định (nơi NS Thu Phương đang hợp tác với làng nghề để gìn giữ, quảng bá nghề đúc đồng - PV) tôi có lớp dành cho học sinh cấp II, nhưng vì dịch chưa thể thực hiện. Tôi muốn nhân rộng mô hình giảng dạy này ở nhiều nơi, chứ không riêng quê nhà Quảng Ninh. Thời gian qua, tôi cũng thực hiện một số video giảng dạy trên YouTube.

* Giới trẻ đang chịu ảnh hưởng mạnh bởi các loại hình nghệ thuật hiện đại khác. Điều gì giúp chị tự tin bước tiếp?

- Giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống phải là người trẻ. Họ nhiều năng lượng, tiếp thu nhanh và hành động rất quyết liệt. Điều này rất cần để giữ gìn văn hóa truyền thống.

Thẳng thắn nhìn nhận, nghệ thuật truyền thống đã bị đứt gãy ở một hoặc nhiều thế hệ trẻ. Nhiều cha mẹ 9X đã xa lạ với việc hát ru con. Thay vì tiếp tục nuối tiếc trong tương lai, hãy làm gì đó ngay từ bây giờ.

* Chị thích ứng thế nào với người trẻ, trước tình trạng khoảng cách thế hệ?

- Tôi từng kết hợp với một trường để dạy xẩm cho học sinh tiểu học. Một số em cá biệt nhưng khi vào giờ hát xẩm lại ngoan, chịu hợp tác. Việc học trước tiên phải vui, thoải mái, mới tiếp thu được. Tôi tạo điều kiện để các em thỏa sức chơi, trải nghiệm với các nhạc cụ. Những bài xẩm dành cho trẻ con thường có chủ đề rất dễ thương, gắn liền với tuổi thơ. Vì thế, tôi kết nối với các em bằng trải nghiệm thơ ấu của mình, rồi cùng hát với nhau.

Với nhóm tuổi lớn hơn, tôi sẽ truyền đạt cả kiến thức về lịch sử xẩm, cũng như kỹ năng thực hành. Làm việc với nhóm này khá thoải mái, vì nhận thức đã tương đối chững chạc. Họ sẽ được học gõ phách, nhịp, tiếp đến là các làn điệu. Tôi dạy xử lý từng câu, từng chữ. Người hát phải điều khiển được hơi để tạo nên sự rung động, luyến láy. Khó nhất trong việc hát xẩm là làm sao mộc mạc, nhưng phải có kỹ thuật để truyền tải hết vẻ đẹp ca từ, giai điệu đến người nghe.

* Không chặng đường nào không có khó khăn?

- Khi khởi đầu dự án, tôi nhận được sự giúp đỡ của một đơn vị để mua một số nhạc cụ gồm đàn bầu, đàn nhị, trống, phách và bộ âm thanh để phục vụ cho việc giảng dạy, học tập.

Tôi hợp tác với một thương hiệu mua bán đồ đồng ở Nam Định để quảng bá nghề đúc đồng, sản phẩm. Họ cam kết sẽ đồng hành cùng tôi trong việc thu âm, ghi hình sản phẩm, các bài giảng... Tôi dự định bán ruộng rau muống ở quê để dành tiền tiếp tục mua nhạc cụ.

Tôi vẫn đang gặp khó về nghệ nhân đàn nhị, và đang vận động sự hỗ trợ của một nghệ nhân có tiếng. Để đi đường dài, tôi mong tìm thêm nhiều người đồng hành, bởi chúng ta đang cố gắng vì cái chung của dân tộc.

* Có vẻ để người trẻ bám trụ với nghệ thuật truyền thống là bài toán nan giải?

- Tôi không kỳ vọng sẽ đào tạo được nghệ nhân, nghệ sĩ. Chỉ hy vọng các bạn trẻ sau khi học có thể biết và hát được xẩm, để từ đó truyền lại cho mọi người xung quanh, cho con em họ sau này. Theo nghệ thuật truyền thống, chắc chắn rất khó để giàu. Nhưng tôi nghĩ chỉ cần đảm bảo cuộc sống, thì vẫn sẽ có người theo nghề.

Trong những lần giao lưu văn hóa quốc tế, nghệ sĩ thuộc các môn nghệ thuật truyền thống luôn được mang đi quảng bá, nhưng khi về nước vẫn chưa có nhiều chính sách, đường hướng phát triển kịp thời. Điều này cần được giải quyết sớm.

* Mở rộng thị trường cho loại hình này, chị nghĩ có những hướng đi nào?

- Khi dịch bệnh chưa xảy ra, tôi thường tìm đến các lễ hội lớn như: lễ hội chùa Bái Đính, lễ hội Yên Tử, hội chùa Hương... để quảng bá xẩm. Khán giả nghe dần thành quen. Có năm không thấy tôi biểu diễn họ lại liên lạc với ban tổ chức để hỏi thăm. Tôi vẫn phải đi hát ở các tiệc tùng để trang trải.

Phải đưa xẩm vào những không gian, thị trường lớn hơn, mới có thể có được sự phát triển tốt hơn. Các ứng dụng nghe nhạc có ý nghĩa lớn khi giúp âm nhạc vượt ra khỏi biên giới. Tôi đã phát triển một kênh trên ứng dụng nghe nhạc có trả tiền Spotify. Đây cũng là cách giúp nghệ sĩ có thêm nguồn thu.

Ngoài ra, một số mạng xã hội như: YouTube, Facebook, Bigo... cũng hỗ trợ rất nhiều trong việc quảng bá sản phẩm. Tôi mong có một sân chơi mang tính quốc tế, hoặc có một sự kết nối nào đó, chẳng hạn từ Facebook, để phát triển nghệ thuật truyền thống, dân gian, bởi nơi đây tập hợp rất nhiều người trẻ.

So với những loại hình nghệ thuật hiện đại, sức cạnh tranh của nghệ thuật truyền thống không lớn mạnh bằng. Nhưng tôi tin bất kỳ sự thay đổi nào cũng xuất phát từ những điều nhỏ nhất, và quan trọng là chúng ta muốn làm, theo đuổi đến cùng. 

"Với gốc là âm nhạc ngũ cung nên xẩm có tính truyền cảm rất mạnh, làm tăng sự kết nối giữa người hát và người nghe, đặc biệt với trẻ con.
Các bài hát đều có nội dung ý nghĩa như: nêu bật tinh thần đoàn kết, hiếu thảo, tình yêu quê hương, gia đình, đất nước, phê phán cái xấu... Chúng không chỉ là nghệ thuật, mà còn là những bài học đạo đức đầu đời được truyền tải khéo léo”.

Thành Lâm (thực hiện)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI