Nghệ sĩ Tài Linh - Lý Thần Phi: 'Tôi yêu cải lương như máu thịt, hơi thở'

04/03/2020 - 08:27

PNO - Gác lại những vai diễn và niềm đam mê ánh đèn sân khấu, cô đào Tài Linh theo chồng sang Mỹ định cư rồi trở thành bà chủ tiệm nail, nhưng tình yêu dành cho sân khấu vẫn bất chấp thời gian.

Sau chuyến về nước hội ngộ cùng khán giả TPHCM và tổ chức liveshow tại Hà Nội vào năm 2011, nghệ sĩ Tài Linh hiếm khi xuất hiện trên sân khấu cải lương trong nước. Dẫu vậy, nhiều người vẫn không thể quên cô đào có giọng ca mùi mẫn, từng kết hợp với NSƯT Vũ Linh để trở thành cặp đào kép 'đốn tim' khán giả khi hoá thân thành những nhân vật có số phận éo le với cuộc tình đẫm nước mắt.

Ngã rẽ bất ngờ của cô nhân viên phòng vé

Nhắc đến các cô đào từng ca diễn với NSƯT Vũ Linh, cái tên đầu tiên được nhiều khán giả nhắc đến là nghệ sĩ Tài Linh. Hợp nhau từ ngoại hình, vóc dáng đến giọng ca, cặp đào kép Vũ Linh - Tài Linh có trên 15 năm diễn cùng nhau trên cả sân khấu lẫn video cải lương, cải lương truyền hình, từng khiến hàng triệu trái tim khán giả mộ điệu thổn thức.

Nghệ sĩ Tài Linh mộc mạc trong đời thường
Nghệ sĩ Tài Linh mộc mạc trong đời thường

Trong cuộc bình chọn cặp đào kép được yêu thích nhất do Báo Sân khấu tổ chức vào thập niên 1990, cặp Vũ Linh - Tài Linh chỉ đứng sau Minh Vương - Lệ Thủy.

Rất ăn ý trên sàn diễn, là một trong những cặp đôi đẹp của sân khấu cải lương, nhưng khi NSƯT Vũ Linh đã là một tên tuổi được nhiều người biết đến thì nghệ sĩ Tài Linh chỉ mới bắt đầu đến với sân khấu cải lương từ vị trí… nhân viên bán vé ở Đoàn Cải lương Sài Gòn 3. Chị rẽ lối sang cải lương như một định mệnh.

Được sự khuyến khích của NSƯT Thanh Điền, Thanh Kim Huệ... ngoài giờ bán vé, cô gái Phú Nhuận (tên thật của nghệ sĩ Tài Linh) bắt đầu tham gia lớp ca cổ của thầy Duy Khanh (con của nhạc sĩ Vũy Chỗ).

Thời đó, Đoàn Cải lương Sài Gòn 3 có Đoàn Thanh niên với rất nhiều hoạt động, cô thanh niên Phú Nhuận là một trong những đoàn viên năng nổ, thường xuyên tham gia ca tân nhạc trong những chuyến đi biểu diễn của Đoàn.

Ở Đoàn Sài Gòn 3 ba năm, vừa bán vé, vừa học nghề, lần đầu được bước ra sân khấu với vai quần chúng, chỉ ca một câu nhưng cũng đủ khiến chị lo lắng, hồi hộp đến mất ăn, mất ngủ.

Cho đến lúc đó, Phú Nhuận vẫn không nghĩ mình có thể trở thành một nghệ sĩ cải lương thực thụ.

Trích đoạn Bích Vân Cung kỳ án (nghệ sĩ Tài Linh, Bạch Long) 

 

Có lẽ cô gái Phú Nhuận được sinh ra để trở thành nghệ sĩ cải lương, nên dù chưa từng nghĩ đến nghề hát, hay khi đã bước lên sân khấu chị vẫn chưa đủ tự tin, thì “chất” nghệ sĩ vẫn toát lên trong thần thái, lời ca, cách diễn. Bấy nhiêu đủ để Đoàn Cải lương Nha Trang quyết định mời chị về làm đào chánh – bước ngoặt thứ hai trong cuộc đời Phú Nhuận. Khi ấy, chị 25 tuổi.

Một năm làm đào chánh ở Đoàn Nha Trang bên cạnh các NS Quốc Trầm, Phương Dung, Vương Tuấn, Lệ Huyền, cô đào Phú Nhuận được khán giả miền Trung nhớ đến qua các tuồng Công chúa tóc thơm, Cây gậy thần, Tình ca biên giới…

Rời Đoàn Nha Trang, chị về đầu quân cho các đoàn tỉnh Tiếng ca Sông Cửu, Tây Ninh II, Long Giang, Vũng Tàu II, Cửu Long I… và đổi nghệ danh là Tài Linh. May mắn một lần nữa đến với nghệ sĩ Tài Linh khi chị được mời về Đoàn Cải lương Minh Tơ thay thế nghệ sĩ Thuỳ Dương.

Trích đoạn Xử án Bàng Quý Phi (NSƯT Vũ Linh - nghệ sĩ Tài Linh) 

 

Được sự chỉ bảo tận tình của NSND Thanh Tòng, cộng thêm tính siêng năng, cần cù, luôn khát khao học hỏi, từ đây tên tuổi cô đào Tài Linh vụt sáng với hàng loạt vai diễn: Hàn Tố Mai (Trảm Trịnh Ân), Điêu Thuyền (Phụng Nghi Đình), Chúc Anh Đài (Lương Sơn Bá-Chúc Anh Đài), Thái Bình công chúa (Thái Bình công chúa), Võ Tắc Thiên (Võ Tắc Thiên).

Nghệ sĩ Tài Linh có lẽ là một ngoại lệ hiếm hoi của sân khấu cải lương thời bấy giờ, vừa bắt đầu nổi danh với những vai đào chánh, chị vẫn chấp nhận làm mình xấu đi, già đi để hoá thân thành đào mụ. Dấu son của nghệ sĩ Tài Linh ở Đoàn Cải lương Minh Tơ là vai diễn Lý Thần Phi  (Bích Vân Cung kỳ án). Cho đến bây giờ, nhiều khán giả và giới làm nghề vẫn nhắc đến Lý Thần Phi của chị là vai diễn tốt nhất, chưa ai có thể thay thế.

Chị chân thành chia sẻ: “Thành công của người nghệ sĩ là có thể hoá thân thành tất cả các nhân vật và đủ sức làm khán giả yêu ghét với nhân vật của mình. Khi đó, đẹp hay xấu không quan trọng bằng diễn tốt hay diễn tệ. Tôi biết mình không có nhiều lợi thế nên càng có nhiều cơ hội được thử sức, tôi càng trân trọng nắm giữ và luôn cố gắng bằng tất cả khả năng”.

Trích đoạn Lan và Điệp  (NSƯT Vũ Linh - nghệ sĩ Tài Linh) 

 

NSƯT Vũ Linh và nghệ sĩ Tài Linh bắt đầu trở thành bạn diễn của nhau từ vở Lương Sơn Bá- Chúc Anh Đài trên sân khấu Đoàn Cải lương Trần Hữu Trang 2. 

Cuối thập niên 1980, đầu 1990, phòng vé với những bảng hiệu có cặp đôi Tài Linh – Vũ Linh luôn trong tình trạng cháy vé. Khó thể nhớ hết Tài Linh – Vũ Linh đã đóng với nhau bao nhiêu tuồng cải lương, chỉ biết không ít tuồng, khi nhắc đến tên, khán giả sẽ nghĩ ngay đến cặp đào kép Tài Linh – Vũ Linh: Bản tình ca còn đó, Không bán tình em, Thanh Xà - Bạch Xà, Tôi không làm hoàng hậu, Chiêu Quân cống hồ, Nặng gánh giang sơn, Gánh cải Trạng nguyên, Thần nữ dâng ngũ linh kỳ, Phụng Nghi Đình…

Năm 1991, khi giải Trần Hữu Trang tổ chức lần đầu tiên, cặp đôi đào kép Tài Linh – Vũ Linh đều đoạt Huy chương Vàng giải Triển vọng cùng các nghệ sĩ Thanh Thanh Tâm, Ngọc Huyền, Phương Hồng Thủy và Thanh Hằng.

Trích đoạn Lương Sơn Bá- Chúc Anh Đài  (NSƯT Vũ Linh - nghệ sĩ Tài Linh) 

Bình dị sau ánh hào quang

Năm 2004, nghệ sĩ Tài Linh đột ngột chia tay khán giả khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp để theo gia đình định cư ở Mỹ, để lại cho khán giả nhiều tiếc nuối. Hỏi “Chị có buồn với lựa chọn của mình?”, nghệ sĩ Tài Linh hồn hậu trả lời: “Cởi bỏ xiêm y, mũ mão, lau chùi phấn son, tôi cũng chỉ là một người phụ nữ bình thường, gia đình vẫn là nơi yên ấm, hạnh phúc nhất.

Hạnh phúc của tôi là được cùng chồng con quây quần trong bữa cơm gia đình; được cùng chồng sắp xếp, dọn dẹp tổ ấm. Từ ngày thành người một nhà, anh đã từ bỏ ước mơ theo nghiệp thể thao để bước theo chọn lựa của tôi. Anh hy sinh cho tôi quá nhiều, đến một lúc nào đó, tôi cũng phải biết nghĩ đến chồng và các con, không thể chỉ nghĩ cho mình”.

Chị và ông xã là bạn học thời học sinh trung học, yêu nhau rồi nên vợ nên chồng. Hơn ba mươi năm chung sống, anh luôn là chỗ dựa vững chắc nhất của vợ dù chị là cô nhân viên hành chánh ở Đoàn Sài Gòn 3 hay đã là một nghệ sĩ nổi tiếng. 

Tình yêu, sự hy sinh của anh dành cho gia đình đủ để chị chấp nhận ngừng nghiệp diễn khi đang ở đỉnh cao, để cùng chồng đoàn tụ với những người thân ở Mỹ.

NS Tài Linh (trái) trong chuyến đi từ thiện khi về thăm quê hương  năm 2019
Nghệ sĩ Tài Linh (trái) trong chuyến đi từ thiện khi về thăm quê hương năm 2019

Ít ai ngờ, ẩn sau vẻ hiền lành, mỏng manh của cô đào thương ấy là một ý chí mạnh mẽ, bền bỉ. Dường như chưa có khó khăn nào có thể “hạ gục” nghệ sĩ Tài Linh. Ở tuổi 40, chị tiếp tục đi học để trở thành chuyên viên chăm sóc thẩm mỹ.

Buổi sáng học tiếng Anh, chiều "chạy show" lớp học thẩm mỹ tới tối, cứ vậy suốt 18 tháng ròng. Cực nhất là giáo viên lớp thẩm mỹ giảng bài bằng tiếng Anh, không thể hiểu bài ngay tại lớp, chị phải ghi âm tòan bộ buổi học để về nghe lại. Ngày đi học, tối về lo cơm nước, chăm sóc chồng con, xong việc chị lại mở máy nghe lại bài giảng ở lớp.

Hệt như hai mươi năm trước khi hàng đêm, lúc chồng con đã ngủ, chị một mình xuống bếp tập luyện cách nhấn nhá câu chữ, trau chuốt từng động tác của nhân vật để hoá thân thành Lý Thần Phi đầy u uẩn và cam chịu trong vở tuồng cổ Bích Vân Cung kỳ án.

Chị nói: “Tôi yêu nghệ thuật cải lương như máu thịt, như hơi thở, như chính cuộc sống của mình. Ngày mới qua Mỹ, phải thích nghi với cuộc sống mới nhưng tôi vẫn không thôi khát khao trở về để được đứng trên sân khấu, gặp lại khán giả thân thương”.

Để thỏa nỗi nhớ nghề, nghệ sĩ Tài Linh không ngơi luyện tập. Trong bộn bề mưu sinh nơi đất khách, chị luyện tập bất cứ khi nào có thể: lúc làm việc nhà, khi lái xe... vì sợ hơi bị “tù”, sợ thanh quản “cứng” không thể ngân nga luyến láy.

Khi được mời đi hát ở Mỹ, chị cũng thuyết phục ban tổ chức để được hát cải lương, được diễn trích đoạn dẫu chị cũng rất nổi tiếng với nhiều bài hát tân nhạc trong các album Mưa bụi

Tạm dừng các hoạt động nghệ thuật để tập trung lo cho tiệm nail, chăm sóc gia đình, nỗi nhớ sân khấu của chị phần nào được bù đắp bằng hạnh phúc viên mãn, khi cậu con trai duy nhất đã ổn định cuộc sống và cho chị "lên chức" bà nội.

Gia Minh

(Ảnh và clip tư liệu)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI