Nghệ sĩ sơn mài đương đại Saeko Ando: Sơn ta không nhàm chán, đó là một tài nguyên vô giá

06/05/2023 - 07:27

PNO - Gần 30 năm trước, Saeko Ando đến Việt Nam và “phải lòng” sơn mài Việt. Cô chọn lưu lại đất nước này để theo học nghề sơn Việt Nam dưới sự hướng dẫn của nghệ sĩ Trịnh Tuấn, bậc thầy sơn mài Doãn Chí Trung và nghệ nhân sơn mài Lâm Hữu Chính.

Tại triển lãm cá nhân lần thứ bảy mang tên Portal diễn ra tại TPHCM, Saeko Ando lần đầu giới thiệu bộ sưu tập tranh sơn mài trên mica - cách tiếp cận độc đáo và đương đại nhất với sơn ta từ trước đến nay - mà cô miệt mài thử nghiệm suốt 8 năm qua.

Trong suốt sự nghiệp kéo dài gần 3 thập kỷ, Saeko được biết đến khắp thế giới là một nghệ sĩ đương đại sử dụng sơn ta. Tranh Saeko là sự kết hợp giữa các lớp màu, các kỹ thuật sơn và mài khác nhau để tạo nên các tấm vóc cứng cáp. Các tấm vóc này sau đó được kết hợp với nhiều chất liệu khác như vàng, bạc, vỏ trứng, xà cừ. Cuối cùng, tác phẩm được đánh bóng và mài mịn bằng tay. Triết lý Zen, niềm say mê với thiên nhiên và ảnh hưởng của thẩm mỹ Nhật Bản đều được thể hiện rõ trong các tác phẩm của Saeko. Thúc đẩy niềm đam mê của Saeko là triết lý "monozukuri" của người Nhật - nghĩa là các tác phẩm phải đạt chất lượng cao nhất về kỹ thuật, hài hòa với thiên nhiên và có giá trị cho xã hội.

Là thành viên dự án Trao đổi nghiên cứu sơn mài thủ công châu Á, Saeko đã tích cực tham gia nhiều hội nghị khắp châu Á, chia sẻ kiến thức, kỹ thuật và cống hiến không ngừng cho việc nghiên cứu và bảo tồn sơn mài. 

Sơn mài trên mica: Thử thách nhân đôi 

Phóng viên: Sơn mài trên mica mang đến những thú vị và thử thách nào cho chị trong quá trình sáng tác?

Nghệ sĩ sơn mài đương đại Saeko Ando: Tôi bắt đầu sáng tác trên nền chất liệu mica vào năm 2015. Đây là cách tiếp cận rất mới mẻ đối với sơn ta - loại sơn truyền thống của Việt Nam, nhằm làm nổi bật độ trong tự nhiên vốn có của chất liệu. Theo lối vẽ truyền thống, sơn ta được vẽ trên vóc gỗ, vì vậy chỉ có thể xem được 1 mặt. Còn khi dùng mica, tôi tận dụng độ trong suốt của mica để tạo nên những bức tranh có thể ngắm nhìn từ cả 2 mặt. Tuy chỉ vẽ trên mặt trước nhưng tôi phải liên tục kiểm tra mặt còn lại xem các lớp sơn dần dần hiện ra ở mặt sau như thế nào. Đó cũng chính là tác phẩm nghệ thuật thứ hai. Bức tranh ở cả 2 mặt đều thay đổi rất nhiều sau khi mặt trước được mài và đánh bóng.

Những lớp sơn tự nhiên đa sắc và phức tạp cùng những vật liệu khác trên nền tấm mica mỏng trong suốt tạo thành kết cấu bề mặt và hiệu ứng thị giác như những tầng địa chất. Sau đó, tranh được mài phẳng và đánh bóng thủ công. Ánh sáng xuyên qua tác phẩm như những mẫu sinh vật trên lam kính, đặt dưới thấu kính hiển vi. Mặt trước tấm tranh có vẻ tối màu hơn, còn mặt sau tranh, nhìn xuyên qua tấm mica, trông sáng màu hơn. Trò chơi tâm trí tôi thường thực hành (với sơn tự nhiên) trên 1 mặt của bức tranh đã khá phức tạp. Với chất liệu mica, tôi như đang chơi 2 trò thử thách trí óc cùng lúc.

Sau mica, tôi đang ấp ủ thử nghiệm sơn mài trên kính.

* Dù đã thử sức với các loại sơn tự nhiên trong khu vực Đông Nam Á nhưng chị vẫn chọn thực hành nghệ thuật trên sơn ta Việt Nam. Điều gì ở sơn ta thu hút chị đến vậy?

- Sơn ta từ lâu đã là chất liệu hoàn hảo cho các tác phẩm của tôi. Độ trong và độ bóng tuyệt vời giúp sơn ta có màu sắc sống động hơn khi trộn với bột màu cũng như tạo ra nhiều sắc thái biểu cảm cho bức tranh. Việc của tôi là khai thác và đẩy tối đa vẻ đẹp đó, mang đến cho người xem cảm giác hiện hữu về sự sống ngay cả trên những tác phẩm trừu tượng.

Điều khiến tôi tâm đắc nhất là sự biến đổi của sơn ta theo thời gian. Tranh sơn mài tự nhiên cứng cáp nhờ phản ứng hóa học chứ không khô chết. Các enzym trong sơn mài lấy ô xy từ hơi nước trong khí quyển và ô xy hóa chúng. Phản ứng này xảy ra ở sơn ta trong khoảng thời gian dài hơn nhiều so với sơn từ các quốc gia khác. Điều đó làm cho đường nét trong tranh mềm mại hơn lúc đầu nhưng tác phẩm lại trở nên cứng cáp và bền hơn. Độ trong suốt của sơn ta cũng tăng lên, khiến tác phẩm sáng hơn và nhiều màu sắc hơn theo thời gian.

Sơn ta là chất liệu truyền thống dùng để vẽ tranh sơn mài chỉ có ở Việt Nam. Ngày nay, vì nhiều lý do, sơn ta đang dần chết đi, ít được sử dụng; thay vào đó, nhiều họa sĩ dùng sơn Nhật bởi sự đa dạng màu sắc. 

Sơn ta là một chất nhựa được lấy từ cây sơn của Việt Nam, có chủ yếu ở vùng Phú Thọ, sau đó pha với bột màu tự nhiên để vẽ. Sự độc đáo của sơn ta là pha với nước hay dầu đều được và dùng càng lâu thì càng lên “màu thời gian” rất đẹp. Giá của sơn ta khá cao. Để lấy nhựa sơn, người ta phải thức dậy từ 2g sáng, đến khi mặt trời vừa ló dạng thì cây sơn không tiết nhựa nữa. 300 cây sơn mới thu hoạch được khoảng 1kg nhựa sơn.

* Giữa sơn mài Việt Nam và sơn mài Nhật Bản có sự khác nhau nào, thưa chị?

- Sơn mài Việt Nam và Nhật Bản rất khác nhau. Đầu tiên là do chất liệu. Cây sơn Việt Nam và cây sơn Nhật Bản là 2 giống khác nhau. Sơn tự nhiên Nhật rất cứng, vì vậy nó trở thành vật liệu lý tưởng để làm nội thất và vật dụng hằng ngày như hộp, khay, dĩa, đũa… Các ngôi nhà truyền thống Nhật Bản gồm các cột và mái được ngăn bởi các cánh cửa trượt. Người Nhật vẽ lên đó để trang trí cho ngôi nhà thay vì treo tranh trên tường. Sơn mài Nhật Bản thường được xem là những đồ vật có giá trị nghệ thuật làm phong phú thêm cuộc sống, tương tự những bức tranh trong văn hóa châu Âu.

Sơn tự nhiên Việt Nam quá mềm để sử dụng cho những mục đích đó nhưng rất lý tưởng để vẽ tranh. Bên cạnh đó, sơn mài Nhật Bản thường tạo ra các hoa văn trang trí, không giống ở Việt Nam - các nghệ sĩ được tự do sáng tạo. Sơn mài Việt Nam phù hợp với phong cách của tôi.

Saeko đặc biệt quan tâm đến chất liệu, quy trình tạo ra các tác phẩm sơn mài
Saeko đặc biệt quan tâm đến chất liệu, quy trình tạo ra các tác phẩm sơn mài

Nguồn cảm hứng vô tận từ thiên nhiên 

* Hội An, trong suy nghĩ của chị, bật lên những ý niệm nào đầu tiên khi nhắc đến?

- Năng lượng của tự nhiên và của những điều bí ẩn ở vùng đất này tỏa ra - điều thu hút mọi người khắp nơi trên thế giới, từ xưa đến nay.

* Cơ duyên nào đưa chị đến Hội An và chọn ở lại? Sự chuyển dịch đó ảnh hưởng thế nào đến tư duy và phong cách sáng tác của chị?

- Tôi đến Hội An với mong muốn mang lại ký ức thời thơ ấu ở miền quê cho 2 con trai tôi. Có lẽ mọi người thường hình dung Hội An chỉ toàn phố cổ. Thực tế, tôi sống ở một vùng nông thôn yên bình được bao quanh bởi những cánh đồng lúa. Tôi có thể cảm nhận những thay đổi nhỏ nhất và luôn ngạc nhiên trước vòng đời biến đổi của cây cỏ. Chúng lớn lên, đơm hoa, kết trái, chết đi rồi lại hồi sinh. Tôi còn nhìn thấy các đám mây từng ngày và từng mùa liên tục thay đổi như những sinh vật huyền bí. Tôi không biết rõ hình dạng của gió thế nào cho đến khi tôi chuyển đến Hội An. Nguồn năng lượng từ thiên nhiên cứ thế tràn ngập thấm vào cơ thể và linh hồn khiến tôi không cần phải cố gắng vẽ phác thảo như trước. Giờ đây, khi nhìn vào bức tranh đang sáng tác, tôi có thể thấy rõ bước tiếp theo mình phải làm gì. Hệt như thể tôi được điều khiển bởi năng lượng tự nhiên. Mọi thứ cứ thế tuôn chảy…

Một số tranh trong bộ sưu tập Spicemen tại triển lãm Portal
Một số tranh trong bộ sưu tập Spicemen tại triển lãm Portal

* Có những xung đột nào xảy ra giữa điều chị muốn thể hiện và điều chị biết người mua tranh sẽ thích?

- Tôi luôn bị cuốn vào màu sắc, hình dạng và các chi tiết trong tự nhiên. Bất cứ khi nào thấy hào hứng khi ngắm nhìn chúng, tôi lại nghĩ đến việc thể hiện chúng bằng các đặc tính của sơn ta. Đối với tôi, việc vẽ là những gì tôi quen làm mà không cần nỗ lực hay tính toán. Tôi chưa bao giờ cố gắng đặt “ý định” của mình cho đến khi hoàn thành tác phẩm. Ở mỗi tác phẩm, tôi luôn mang đến cho người xem những gì tôi cảm nhận được từ thiên nhiên. Các tác phẩm như tấm gương phản chiếu những gì tôi cảm nhận được. 

Tôi nhận được rất nhiều phản hồi thú vị từ khách mua tranh. Một người nói cô ấy cảm thấy tâm hồn được chữa lành. Một người khác nói rằng gia đình cô ấy gắn kết hơn. Và một phụ nữ từng suy sụp do sẩy thai, tuyệt vọng với suy nghĩ không thể có con đã tìm được niềm tin, thấy được hy vọng khi nhìn thấy tranh của tôi. Điều hạnh phúc là sau khi mua bức tranh ấy treo trong nhà, cô ấy đã được làm mẹ. Tôi đoán sơn ta có thể truyền tải nguồn năng lượng tích cực tôi nhận được từ môi trường xung quanh và niềm hạnh phúc tôi cảm nhận mỗi ngày.

* Có người sáng tạo làm nghề theo cách nghiêm cẩn mỗi ngày. Tức là, đến giờ thì họ ngồi vào bàn viết, đứng bên giá vẽ nhưng cũng có người chọn nương theo cảm hứng và nắm bắt nó. Chị thuộc kiểu nào?

- Tôi làm việc từ sáng đến chiều rất đúng giờ nhưng nội dung công việc thì tùy. Có thể nhiều người chỉ là họa sĩ, tức chỉ làm công việc vẽ tranh. Còn tôi, thực tế vừa là họa sĩ, vừa là người dạy nghề, nhà nghiên cứu và còn là một người mẹ, người trụ cột của gia đình. Tôi có rất nhiều việc ngoài vẽ. Cho nên, mỗi buổi sáng, tôi bắt đầu ngày mới bằng 1 tách cà phê để đầu óc thoải mái và sắp xếp thứ tự ưu tiên các công việc trong ngày. Đương nhiên, việc tôi thích và hào hứng nhất là vẽ nhưng không phải lúc nào cũng ưu tiên việc đó được.

Thời gian trước, khi tôi là 1 họa sĩ chưa có nhiều kinh nghiệm và vẫn là 1 người mẹ trẻ, tôi rất sợ và sốt ruột khi ý tưởng bật lên trong đầu mà mình lại bận việc khác. Tôi sợ ý tưởng sẽ biến mất, sợ mình quên kỹ thuật và những kinh nghiệm, sợ người xem sẽ quên mất Saeko là họa sĩ… Hiện tại, tôi không còn e ngại những điều đó nữa. Khi tôi vào xưởng vẽ, cảm hứng sẽ tự nhiên tuôn ra. Ngay cả khi cuộc sống không cho phép tôi có nhiều thời gian sáng tác như mong muốn, tôi vẫn không từ bỏ hội họa. Vẽ tranh đã trở thành bản năng của tôi, tự nhiên như hơi thở.

* Điều gì khiến chị luôn giữ được tinh thần lạc quan? 

- Tôi đã trải qua khá nhiều biến cố trong cuộc sống. Rất may là tôi có năng khiếu “quên đi”. Tôi cũng học được một câu đầy ma thuật trong tiếng Việt là “mặc kệ nó”. Ở Nhật, người ta thường được dạy là cố gắng lưu ý đừng làm phiền đến người khác hoặc khiến mình bị phê bình. Ở Việt Nam, mọi người rất giỏi trong việc “mặc kệ nó”. Dường như mọi người được mặc định bởi suy nghĩ những người mặc kệ được và tha lỗi được cho người khác là người vị tha. Việt Nam đã giúp tôi luôn lạc quan như thế! 

* Theo chị, từ đâu con người ngày càng khát khao quay về với bản thể và thích sự tự soi chiếu?

- Bi kịch bắt đầu khi chúng ta đón nhận quá nhiều thông tin từ internet, trong đó có nhiều thông tin miễn phí và có lợi cho người đăng, người quảng cáo. Đến việc con cái đi học ở đâu, nên học trường nào, chọn nghề gì… cũng phụ thuộc vào thông tin trên truyền thông, cộng đồng mạng. Càng nhiều thông tin, người ta càng bị chi phối. Họ quan tâm nhiều hơn đến việc làm nghề gì, lương bổng ra sao… thay vì quan tâm con mình giỏi điều gì, thích làm gì. Tôi tin bất kỳ ai cũng cảm thấy họ không được tự do trước những sự lựa chọn trong cuộc sống.

Tôi học được tính lạc quan của người Việt

* Từ một chuyến đi, chị lưu lại Việt Nam đến nay đã gần 30 năm. Bên cạnh tình yêu dành cho sơn mài, đâu là những lý do khiến chị quyến luyến Việt Nam đến thế?

- Tình yêu sơn mài là tình yêu tìm được qua rất nhiều người tôi biết ơn. Nếu không gặp được những người truyền nghề, truyền cảm hứng, tôi đã không quyết định ở lại.

Bên cạnh đó, tình yêu của tôi đến từ những người bạn, những người tôi coi như gia đình Việt Nam. Tôi thường được họ chia sẻ những góc nhìn khác nhau về tính cách của người Nhật. Tôi nhận ra những gì các bạn nói là đúng và tôi muốn giữ cái hồn cùng bản sắc tốt đẹp của người Nhật.

Đồng thời, tôi cũng thấy người Việt Nam có rất nhiều thứ người Nhật nên học. Ví dụ, khi sáng tác, tôi có ưu điểm kỹ tính và kiên nhẫn, làm gì cũng phải tốt nhất có thể. Tính cách này giúp tôi luôn luôn thử nghiệm, nghiên cứu không ngừng, tiếp tục học hỏi và có được uy tín vì tính chuyên nghiệp. Tính cách này dễ khiến cho công việc trở nên nghiêm túc quá, chú trọng nhiều vào kỹ thuật quá khiến người xem tranh không thích. Khi sáng tác ở Việt Nam, tôi nhận được ảnh hưởng tích cực với lối sống thoải mái của người Việt. Tôi luôn muốn đạt được sự cân bằng giữa “tính kỹ càng” và “sự thoải mái”.

* Chị dành nhiều tình yêu và tâm huyết cho sơn mài và sơn ta Việt Nam không chỉ qua hoạt động vẽ mà còn ở những nỗ lực lan tỏa, giới thiệu chất liệu này. Theo chị, làm thế nào để tình yêu ấy chạm đến được những người trẻ?

- Ở Nhật Bản, quê hương tôi, nghề thủ công có thể coi là “nghệ thuật” và rất được tôn trọng nhưng ở Việt Nam, những kinh nghiệm và kỹ năng đó được coi là “nghề thủ công” và người làm công việc đó thường gọi là “thợ” hoặc “nghệ nhân”. Những “thợ” hay “nghệ nhân” này không được tôn trọng và thành công như “họa sĩ” hay “nghệ sĩ”. Thế hệ trẻ đang háo hức học vẽ sơn mài để trở thành họa sĩ nhưng rất khó để tìm ra một nghệ nhân thực sự am hiểu về kỹ thuật sơn ta. Trước thực tế như vậy, tôi quyết định thay đổi hình ảnh về “nghệ nhân” tại Việt Nam. 

Gần 30 năm làm việc như chuyên gia về sơn mài tại Việt Nam, tôi thường đến tỉnh Phú Thọ và thấy sự thay đổi trong trồng và thu hoạch sơn ta, về cả phương pháp trồng, thu hoạch sơn, chất lượng sơn và diện tích trồng sơn. Người nông dân luôn trong vòng luẩn quẩn và trong vài năm gần đây, rất nhiều người đã bỏ cây sơn. Người nông dân hỏi, liệu tôi có thể giúp họ cải thiện chất lượng sơn thu hoạch để họ xuất khẩu sang Nhật với giá cao hơn. Thực tế, Việt Nam sản xuất sơn ta tự nhiên và xuất khẩu sang Trung Quốc và các nước châu Á khác. Rồi Việt Nam nhập khẩu sơn hóa học về sản xuất sản phẩm sơn mài. Tôi thấy thật đáng tiếc.

Tôi muốn nhiều người nhìn nhận lại giá trị của sơn ta và sử dụng sơn ta để sản xuất sơn mài nhiều hơn. Sản xuất sơn mài sử dụng sơn ta sẽ mang lại lợi nhuận cho nghệ sĩ và nghệ nhân; người kinh doanh sản phẩm sơn mài cũng có thu nhập từ việc gìn giữ văn hóa và giá trị nguyên bản của nghệ thuật sơn mài quý giá của Việt Nam. Tiếp đó, người nông dân trồng sơn có thu nhập ổn định từ việc trồng và thu hoạch sơn chất lượng tốt cung cấp cho thị trường trong nước.

Tôi biết rằng xưởng sản xuất và phòng tranh của mình không thể tiêu thụ hết sản lượng sơn ta của Phú Thọ để thay đổi cuộc sống của người nông dân nơi đây nhưng việc tôi đang cố gắng thực hiện là bước khởi đầu của một phong trào.

Tôi có thể chứng minh rằng dù sơn ta có vẻ lỗi thời và nhàm chán nhưng là một tài nguyên phi vật thể vô giá Việt Nam cần gìn giữ và phát triển. Tôi mong những bạn nghề sẽ đồng hành với nhau trên con đường này và tạo nên sự chuyển dịch mạnh mẽ để thay đổi cuộc sống của rất nhiều người.

* Cảm ơn chị đã chia sẻ. 

Thư Hiên (thực hiện) 

Ảnh: Nhân vật cung cấp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI