Nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn: Bản sắc là mốt, không bao giờ lỗi thời

04/05/2018 - 19:16

PNO - Hai 'già gân'- Trần Mạnh Tuấn và Nguyên Lê- sẽ cùng kể câu chuyện bản sắc trong buổi hòa nhạc 'Âm nhạc Đông phương - The Oriental Moods', diễn ra lúc 20g, ngày 6/5, tại Nhà hát VOH Music One - 37 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM.

Ngoài Trần Mạnh Tuấn và Nguyên Lê, buổi hòa nhạc còn có sự góp mặt của nghệ sĩ Thanh Tân (bass), nghệ sĩ Pháp Jean Sebastien (piano), An Trần (saxophone) và tay trống trẻ Lê Minh Hiếu - chàng trai đã thắng lớn tại Drum Fest Singapore - lễ hội trống lớn nhất châu Á, diễn ra tại Singapore vào tháng Tám năm ngoái.

Bên cạnh live concert, Trần Mạnh Tuấn và Nguyên Lê sẽ có một buổi workshop dành cho các bạn trẻ yêu âm nhạc vào ngày 7/5; sau đó sẽ cùng thu đĩa CD.

Nghe si saxophone Tran Manh Tuan: Ban sac la mot, khong bao gio loi thoi

Trần Mạnh Tuấn nói, anh đã qua cái tuổi ham hố việc mình là ai. Anh đã tự biết mình. Bạn bè, đồng nghiệp và khán giả cũng đã hiểu Trần Mạnh Tuấn. Việc anh có làm thêm một, hai CD hay vài ba đêm nhạc cũng chẳng cộng thêm thành tích gì, không làm cũng không thua kém ai. Nhưng anh quan niệm, cứ làm những điều mình thấy có ý nghĩa, để lại một mốc nào đó trong những năm tháng hoạt động nghệ thuật cũng thú vị.

Trần Mạnh Tuấn nói, hai năm rồi, anh chưa ra sản phẩm nào mới. Thời điểm này “chín”. Nhạc sĩ Nguyên Lê về nước, duyên cũng vừa lành. Cả hai sẽ cùng đưa khán giả vào cuộc khám phá nguồn cội văn hóa dân gian thông qua những bài dân ca nổi tiếng của Việt Nam như Người ở đừng về, Qua cầu gió bay… hay những tác phẩm mới, mang âm hưởng dân ca như Sen, Sương sớm, Hội làng, Thằng Cuội, Bướm mơ...

* Phóng viên: Nghe nói, anh tự bỏ tiền để làm dự án này?

- Saxophonist Trần Mạnh Tuấn: Với tôi và cả anh Nguyên Lê, cơm áo gạo tiền là chuyện của 20 năm trước; giờ chúng tôi muốn hướng tới một câu chuyện khác. Đây cũng không phải chuyện Trần Mạnh Tuấn bỏ bao nhiêu tiền hay làm dự án này lỗ bao nhiêu. Chúng tôi không thể trả lời cho câu hỏi chúng tôi bán được bao nhiêu đĩa. Bán được nhiều đĩa không khẳng định anh ở đẳng cấp nào. Nó chỉ là sự yêu mến của khán giả mà thôi.

* “Câu chuyện khác” đó là gì, thưa anh?

- Hai nghệ sĩ được đào tạo ở Tây phương, nhưng mê đắm bản sắc văn hóa, mê chất Á Đông đang chảy trong huyết quản, cùng nhau làm nên một thứ âm hưởng Đông - Tây đặc biệt. Với dự án này, chúng tôi muốn nói với bạn bè thế giới, rằng chúng tôi là người Việt Nam, là phương Đông. Nơi đó, có tình yêu, có hơi thở, có chất liệu - là tài sản mà ta có và cũng là thứ mà ta mạnh nhất.

Nghe si saxophone Tran Manh Tuan: Ban sac la mot, khong bao gio loi thoi
Nhạc sĩ Nguyên Lê

* Chất liệu mà anh xem là mạnh nhất ấy lại đang bị các bạn trẻ hiện nay xem là lạc hậu, lỗi mốt.

- Mỗi thế hệ có một cách nhìn nhận khác nhau. Các bạn như tờ giấy trắng. Truyền thông đưa mạnh cái nào, các bạn sẽ nghiêng về cái đó, khó trách được. Tôi nghĩ, điều quan trọng nhất của một nghệ sĩ là bản sắc. Nếu không có bản sắc, không thể vượt ra khỏi Việt Nam, chưa nói xa hơn. Chúng ta chỉ ngồi ở  khoảnh làng, bàn tán với nhau, khen người này số 1, người kia số 2, người kia nữa thứ 3, thứ 4 mà thôi.

Tôi có cơ hội được đi hơn 60 nước, không dám khoe, nhưng để nói, càng đi càng thấy tính bản sắc có giá trị cao vậy. Chúng ta không bàn về kỹ thuật, vì kỹ thuật là cái hiển nhiên của nghệ sĩ chuyên nghiệp. Vậy còn gì đáng bàn, nếu không phải là câu chuyện bản sắc?

Đôi khi, người sống trong nước may mắn hơn những nghệ sĩ gốc Việt, vì bạn là đối tượng thụ hưởng trực tiếp nền văn hóa và sống trong bản sắc đó. Tại sao cái mình có lại không khai thác? Các nghệ sĩ quốc tế đang thèm thuồng chất Á Đông đó đấy. Với Trần Mạnh Tuấn, bản sắc văn hóa là một thứ mốt và thứ mốt ấy sẽ không bao giờ lỗi thời.

* Nhưng nếu chỉ dừng lại ở bản sắc, khác gì chúng ta đang “tự sướng” với nền âm nhạc nhỏ bé của mình? 

- Đương nhiên chúng ta cũng phải học hỏi chứ. Không hội nhập thì không vươn xa được. Nước nào cũng có bản sắc riêng, nhưng nếu chơi thứ âm nhạc dân gian gốc, lạ mà người ta không hiểu thì những điều chúng ta thể hiện cũng chỉ mang tính giới thiệu thôi, khó chia sẻ được. Không chia sẻ được thì không thể đẩy cảm xúc lên cao. Trách nhiệm của chúng ta, không có con đường nào khác, là dùng phương Tây như cầu nối để bạn bè hiểu hơn về bản sắc Việt Nam.

Nhạc sĩ giống như một người đầu bếp, chuyển tiếp giai điệu Á Đông bằng học thuật hòa thanh của phương Tây. Khi đó, chúng ta mới nói được với bạn bè thế giới bản sắc Việt Nam như thế nào.

* Cảm ơn anh.

Đậu Dung (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI