Ngay từ tập đầu của chương trình thử tài siêu nhí, cậu bé Quách Phú Thành đã gây chú ý đặc biệt không chỉ vì tên họ giống nam diễn viên Hồng Kông nổi tiếng, mà còn vì cách cậu bé nhỏ nhắn thể hiện tám câu nam ai đầy cảm xúc.
Kể từ đó, phần thi của Quách Phú Thành luôn là một trong những tiết mục được chờ đợi. Mỗi lần xuất hiện là một sự khác biệt, phần thể hiện tài năng của Quách Phú Thành luôn đong đầy cảm xúc. Mới 11 tuổi, Quách Phú Thành đã sở hữu giọng ca ngọt ngào, đầy nội lực và khả năng diễn xuất giàu biểu cảm, đủ sức dẫn dắt cảm xúc khán giả. Quách Phú Thành được kỳ vọng là tài năng đặc biệt của sân khấu cải lương tương lai.
Tình thương của nội
Nằm nép mình ở khu dân cư dọc rạch Miễu Ông, P.Long Tuyền, Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ, tổ ấm của Quách Phú Thành và ông bà nội sạch sẽ, ngăn nắp. Vật dụng quý nhất trong ngôi nhà nhỏ là chiếc bàn học đặt sát vách, nơi treo hàng chục bằng khen về thành tích học tập, ca hát của Quách Phú Thành.
Chỉ về chiếc tủ, nơi đặt cúp lưu niệm của Thành ở các cuộc thi tài tử, cải lương cùng chiếc ti vi 14 inches có lẽ còn "cao niên" hơn đứa cháu, bà nội Quách Phú Thành trầm ngâm: "Cái này là của cha nó mua tặng tôi khi trúng số cách đây mấy năm. Cái tủ bằng gần hết tiền trúng số của nó, nhưng nó nói để cha mẹ vui vì con không giúp được gì cho cha mẹ nuôi thằng Thành".
Cười giòn tan khi nghe hỏi về tên khai sinh đặc biệt của cháu, bà nội Thành kể: “Nhà nghèo lại ở quê, ti vi còn không có mà coi nên vợ chồng có biết ai tên Quách Phú Thành đâu. Đặt tên cho đứa cháu đầu tiên, vợ chồng tôi mong nó sẽ thành đạt và thoát khỏi cuộc sống nghèo khó. Nhưng rồi ngẫm nghĩ, tên Quách Thành Đạt, lỡ nó không thành đạt như tên gọi thì tội nghiệp nên tôi quyết định đặt là Quách Phú Thành. Tới chừng cháu lớn, tôi mới biết mình đặt tên cháu trùng với một diễn viên nổi tiếng”.
|
Lớn lên bên cạnh ông bà nội, cuộc sống của Thành đầy ắp ký ức đẹp |
Chào đời trong niềm vui khôn xiết của ông bà, cha mẹ, nhưng lúc Thành 14 tháng, cha mẹ em chia tay. Mẹ giao Thành cho cha và ông bà nội rồi đi mất. Cha cũng phải đi theo những chuyến xe tải chở hàng liên tỉnh nên Thành được gửi lại cho ông bà nội.
Bỏ nghề thu mua trái cây tận vườn, bà nội Thành ở nhà mở quán bún riêu để tiện chăm sóc cháu. Nhưng chẳng được bao lâu, buôn bán ế ẩm, cụt vốn, ông bà lại trở về công việc cũ. Chỉ khác là trên chiếc ghe cũ kỹ giờ có thêm đứa cháu và chiếc võng vá chằng chịt để làm “giường” cho cháu.
Sớm biết thương ông bà nội, cậu bé Thành chỉ quanh quẩn bên chiếc võng, không khóc nhè, mè nheo… dù có khi ham làm, nội quên mất giờ ăn của cháu. Thành nói mình không buồn vì không có mẹ mà chỉ buồn vì thương nội, thương ba và thương cả người mẹ kế yêu thương Thành như chính con ruột của mình.
Thoáng yên lặng khi nhắc về mẹ, nhưng rồi Thành kiên quyết, cứng rắn hơn nhiều so với tuổi: “Con không mong chờ mẹ về tìm mình vì nếu mẹ thương con, mẹ đã không bỏ con. Con có ông bà nội, có ba mẹ, có em gái, con thấy vậy là đủ”. Hồn nhiên lớn lên bên cạnh ông bà nội, thiếu tình thương của mẹ, nhưng cuộc sống tinh thần của Thành vẫn đầy ắp ký ức, tình cảm đẹp.
|
Quán quân Thử tài siêu nhí Quách Phú Thành |
Cho đến giờ Thành cũng không nghĩ nhà mình rất nghèo, dù biết hiện tại cả nhà ba người chỉ trông vào thu nhập từ nghề làm mướn của ông nội. Toàn bộ vốn liếng buôn bán của bà nội đã “ra đi” theo những chuyến hai bà cháu lên Sài Gòn tập luyện và thi cử.
Có lần, khi được nửa chặng đường cuộc thi, nội giật mình khi nghe Thành hỏi: “Nội ơi, nội có đủ tiền dẫn con lên Sài Gòn thi cho tới hết không?”. Nội vỗ vỗ vào túi: “Nội nhóc tiền nè!”. “Nhóc tiền” khi đó chỉ là vài trăm ngàn đồng, nhưng nghe giọng chắc nịch của nội, Thành tin “trăm phần trăm”. Bởi từ nhỏ tới lớn, Thành chưa bao giờ nghe nội than nghèo, kể khổ.
Giọng bà nội Thành run run khi kể lại lần sau bữa đi tập ở Sài Gòn, Thành mệt và thèm ăn phở nhưng chỉ dám rụt rè hỏi nội: “Nội ơi, phở có mắc không? Bao nhiêu tiền một tô?”. Nội phải giảm giá một nửa, nghe nói một tô chỉ có 15.000 đồng, Thành mới dám xin nội cho mình ăn. 11 tuổi, Thành mới biết pizza là gì, mùi vị của gà rán KFC và Lotteria ra sao.
Lần đầu tiên được thử món pizza, Thành nghĩ ngay tới nội và xin được đem về khách sạn cho nội một góc nhỏ. Tình cảm của Thành dành cho nội rất lạ, không phải là cách nũng nịu “nội ơi, con thương nội lắm!” mà là những niềm vui nho nhỏ Thành cố gắng mang về cho nội mỗi ngày, từ chuyện học hành đến khoe tài ca hát để nội được hãnh diện với hàng xóm, láng giềng.
Tài năng chờ được bồi đắp
Không ít khán giả thắc mắc vì sao một đứa trẻ như Quách Phú Thành lại có thể đảm đương nhiều nhân vật với nhiều cảm xúc khác biệt chỉ sau một tuần.
|
Niềm vui trong ngày nhận giải quán quân |
Thành có thể khiến khán giả bật cười thú vị với hình ảnh chú bé đánh giày lém lỉnh, để rồi khóc hết nước mắt khi hóa thân thành cậu bé Tấn Lực (trích đoạn Nghi Xuân - Tấn Lực) luôn khao khát được một lần gặp mẹ; hay đứa cháu về thăm nhà nhưng không dám gặp nội vì sợ mình không đủ can đảm để tiếp tục đi theo đoàn hát và nội phải đền hợp đồng cho ông bầu (Nội tôi).
Không chỉ có khả năng diễn cảm xúc một chiều, Quách Phú Thành còn khiến người xem bất ngờ khi thể hiện nhiều tâm trạng khác nhau ở cùng một trích đoạn. Có lúc Thành là đứa trẻ lém lỉnh để rồi chỉ ít phút sau vụt hóa thành nhân vật Thi Sách oai hùng với giọng ca vang, khỏe, đầy nội lực.
Và khi cởi bỏ bộ trang phục nhân vật Thi Sách, Thành “biến hóa” thành đứa con nuôi của người hát rong, cố làm cho cha ghét bỏ mình, thôi đừng thương nhớ khi cậu quyết định đi theo mẹ để có tiền cho cha chữa bệnh và anh chị em bớt khổ (Cha con người hát rong) …
“Nghe ông Năm (NSƯT Hữu Quốc) phân tích nhân vật và hướng dẫn, khi đã hiểu, con nghĩ mình là nhân vật đó và diễn xuất theo suy nghĩ của mình. Nhưng khi diễn hết là con quên liền, con trở lại là con”. Thành hồn nhiên nói về chuyện ca diễn, nhưng đó lại là điều không dễ thực hiện với không ít diễn viên chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản.
Quách Phú Thành không chỉ có giọng ca khỏe, vang, giàu sức biểu cảm, mê hoặc lòng người mà em còn có niềm đam mê kỳ lạ với cải lương. Thời gian phải thơ thẩn một mình ở nhà, Thành chỉ có niềm vui là mở đĩa cải lương rồi nghêu ngao hát theo.
Bốn-năm tuổi, Thành thuộc lòng nhiều bài ca mà cả nội cũng không nhớ nổi nó thuộc tuồng nào, nhân vật tên gì, do nghệ sĩ nào đóng. Niềm vui của ông bà cháu mỗi ngày là cháu làm nghệ sĩ, ca diễn cho khán giả ông bà nội nghe. Nghe giọng ca của Thành, một người hàng xóm là thành viên CLB Đờn ca tài tử của phường dẫn Thành vô CLB để cậu bé có cơ hội được dợt với các tay đờn.
Hồn nhiên ca diễn bằng bản năng, nhưng Thành không bao giờ có thể ca ở đám cưới, đám tiệc. Từng có người đến thuyết phục nội cho Thành đi ca đám tiệc với số tiền được khách tặng có thể hơn một triệu đồng/ lần. Nhưng dẫn Thành đến nơi, Thành nhất quyết đòi về vì không thể ca, không thể khớp với dàn đờn.
Đi ca kiếm tiền thì không được, nhưng hè 2015, khi Nhà hát Tây Đô mở lớp sân khấu học đường, Thành lại nằng nặc đòi ông nội chở lên cho tham gia. Nhìn cậu bé mới học xong lớp 4, vóc dáng “hạt tiêu”, trong khi lớp học chỉ nhận học sinh từ bậc THCS, những người tổ chức đã từ chối. Thương cháu, ông nội năn nỉ. Tưởng nhận cho vui ai dè, “ốc tiêu” là gương mặt sáng giá nhất sau khóa học và để lại dấu ấn đặc biệt bằng vai diễn Nguyễn Trãi.
Cũng trong năm 2015, ở cuộc thi tìm kiếm tài năng cải lương Hạt ngọc mùa vàng, mới 10 tuổi, cậu bé chỉ có mặt ở bảng thi dành cho thí sinh nhỏ tuổi nhưng Quách Phú Thành lại là cái tên được nhắc đến rất nhiều ở cuộc thi. Những ai từng làm việc với Quách Phú Thành đều có chung nhận xét, Thành có trí nhớ và khả năng quan sát rất tốt.
Chỉ cần một ngày, Thành có thể thuộc lòng lời thoại, bài ca của nhân vật xuất hiện trên sân khấu chừ ng 10 phút. Chỉ cần đưa bài ca, lời thoại, Thành tự tập ca diễn một mình. Có lúc, chỉ cần hai buổi, Thành đã có thể ráp xong với dàn nhạc và các diễn viên khác.
|
Gia đình Quách Phú Thành |
Sau ngày đăng quang, Thành nhanh chóng trở lại với nhịp sống cũ. Chỉ có điều, cậu bé nhút nhát hơn nhiều so với trước. Thành trốn biệt trong nhà, ít dám ra chợ với nội vì “sợ các cô, các chú hỏi nhiều mà con hổng biết phải trả lời như thế nào”.
Hai trăm triệu đồng tiền thưởng cho ngôi vị quán quân, Thành không biết nhiều hay ít, chỉ biết số tiền đó có thể giúp nội sửa nhà để khi trời mưa ông bà cháu không phải bưng thau chạy dột. Với bà nội, tiền thưởng là con số có nằm mơ cũng chưa dám nghĩ tới. Bà nói, ông bà muốn dành dụm số tiền đó để lo cho tương lai đứa cháu sớm chịu thiệt thòi.
Thảo Vân