Phía sau hào quang

Nghệ sĩ Quốc Nhĩ: “Tiếng trống Mê Linh” còn vọng mãi

06/10/2021 - 06:26

PNO - Nghệ sĩ Quốc Nhĩ hỏi người viết:“Con có xem vở "Sân khấu về khuya" không? Đó chính là nỗi lòng thấu tâm can người nghệ sĩ khi phải rời xa sân khấu, phải chấp nhận thực tế rằng cải lương đã không còn được như thời vàng son nữa”.

LTS: Phía sau ánh đèn sân khấu rực rỡ, sau những vai diễn ông hoàng bà chúa áo xiêm lộng lẫy, những nhân vật đầy quyền uy, ma lực… người nghệ sĩ cũng có những số phận, nỗi niềm riêng. Đôi khi, số phận của người nghệ sĩ trong đời thực còn phong ba, thăng trầm gấp bội những nhân vật mà họ thể hiện. Thành công của người nghệ sĩ bao giờ cũng được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, tình yêu và sự tận hiến cho nghệ thuật. Như con tằm rút ruột nhả tơ, có người may mắn thành công ngay từ những vai diễn đầu tiên, nhưng cũng có người đi gần nửa hành trình nghệ thuật mới nhận ra đâu là thế mạnh, khả năng thực sự của mình. Nhưng ở vị trí, vai trò nào, người nghệ sĩ cũng luôn có một ước mơ cháy bỏng: Được sống với sân khấu, với vai diễn đến hơi thở cuối cùng. 

Phía sau hào quang còn biết bao câu chuyện chưa kể về cuộc đời, nỗ lực của người nghệ sĩ. Từ số báo này, Báo Phụ Nữ TP.HCM sẽ “kể lại” những câu chuyện vui buồn, trăn trở, khát vọng của những người đã tận hiến đời mình, để mang lại niềm vui, nụ cười và cảm xúc đẹp cho công chúng. 

Bài 1: Nghệ sĩ Trang Thanh Xuân: “Tuổi nào ghi dấu chân chim qua trời…”
Bài 2: NSƯT Thoại Mỹ: Có vinh quang mấy cũng không quên thuở cơ hàn 
Bài 3: Nghệ sĩ Nhứt Dũng: “Nhạc lễ khó mà vượt đại dương lần nữa”
Bài 4: NSƯT Ngọc Dung: Nghề rộng dài như sông như biển...
Bài 5: Họa sĩ thiết kế Lê Trường Tiếu: Tuổi xế chiều trôi đi cùng năm tháng
Bài 6: Nghệ sĩ xiếc Phi Vũ: Bội lần gian nan, bội phần vinh quang
Bài 7: NSƯT Trường Sơn: Đêm nằm chiêm bao, vẫn thấy mình được hát 
Bài 8: Thời xa vắng của nghệ sĩ Thanh Hiệp

Bài 9: NSƯT Phượng Loan: Hạnh phúc khi mình “biết đủ”!

Bài 10: Nghệ sĩ Hồng Nga: Người mẹ trên sân khấu và đời thật

Bài 11: NSƯT Phượng Hằng và làn hơi “huyền thoại”

Bài 12: Ngọc Hương, ái nữ gánh xiếc lẫy lừng Sài Gòn một thuở: Không bao giờ hối hận dù mẹ “vẽ” cuộc đời

Bài 13: NSND Thanh Vy: Nàng Xê Đa trẻ mãi

Bài 14: NSND Thanh Hải: Đời thầy đờn như khúc nhạc nỉ non

Bài 15: Nghệ sĩ Công Minh: Người thờ hai Tổ

Bài 16: NSƯT Ngọc Nga: Rưng rưng nhớ tuổi vàng son với nghề…

Bài 17: NSƯT Hùng Minh: Đời cầm ca là những khúc quanh

Bài 18: Nghệ sĩ Mai Thanh Dung: Hạnh phúc và những bước ngoặt của đời này là số phận…

Bài 19: NSƯT Ngọc Khanh: Có con nước nào chảy ngược dòng sông

Bài 20: Nghệ sĩ Bạch Long: Nước mắt phía sau nụ cười...

Bài 21: NSƯT Thanh Nguyệt: Đời như một ánh trăng trong

Bài 22: NSƯT Thanh Điền: “Tôi mang ơn nghề mãi mãi”

Bài 23: NSƯT Hữu Danh: Người mong “nối liền mạch” nghệ thuật truyền thống

Bài 24: Nghệ sĩ Kim Hiền: Tài sản quý giá của người nghệ sĩ là những vai diễn:

Bài 25: NSND Thu Hiền: Tiếng hát đi qua đạn bom

Sân khấu về khuya - vở tuồng kinh điển của cố soạn giả Năm Châu - từng làm mê đắm lòng khán giả trên sân khấu Thanh Minh - Thanh Nga từ những năm thập niên 1960. Cũng từ đoàn hát này, nghệ sĩ Quốc Nhĩ có quãng thời gian gắn bó với sân khấu đẹp đẽ nhất của cuộc đời…

Một người hiền của sân khấu

Nghệ sĩ Quốc Nhĩ sinh năm 1947, tại Vĩnh Long. Tên tuổi ông không phải là quá tỏa sáng so với những nghệ sĩ cùng thời, nhưng suốt quãng đời gắn bó với sân khấu cải lương, ông đã tham gia hoạt động ở các đoàn hát danh tiếng: đoàn Thống Nhất - Út Trà Ôn, Thanh Minh - Thanh Nga, Nhà hát ca kịch cải lương Trần Hữu Trang… Trong ký ức của người nghệ sĩ già còn có cả những vở cải lương đặc sắc của hơn nửa thế kỷ trước, mà đến giờ nguồn kịch bản đã không còn lưu giữ được: Đầu xanh vương cổ hận, Gió hú đồi ma, Hoa tình trong gió lốc… (của soạn giả Tứ Lang, diễn trên sân khấu đoàn Hương Hoa vào những năm cuối thập niên 1950). 

Nghệ sĩ Quốc Nhĩ thuở còn trẻ, với tạo hình vai Chế Bàn  trong vở Những vì sao không tên
Nghệ sĩ Quốc Nhĩ thuở còn trẻ, với tạo hình vai Chế Bàn trong vở Những vì sao không tên

Năm ấy, Quốc Nhĩ còn là cậu trò nhỏ, ngày một buổi đến trường, một buổi ra đồng, khi làm ruộng, lúc giữ trâu cắt cỏ. Thôn xóm nghèo nhưng người dân quê rất yêu đờn ca tài tử, những chiều hôm rảnh rỗi lại ngồi quây quần hát ca.

Trong gia đình Quốc Nhĩ có người anh trai là nghệ sĩ cải lương Hoàng Sương, đi theo đoàn Hương Hoa (cùng với các nghệ sĩ Thanh Thanh Hoa, Kim Hà, Nam Hùng, Văn Đặng…). Nhưng đến lượt mình, Quốc Nhĩ lại có duyên theo đoàn Thống Nhất - Út Trà Ôn, khi đó là đoàn “đại bang”, danh tiếng lẫy lừng. Nghệ sĩ Quốc Nhĩ nói, ông tự biết mình không được đào tạo bài bản, nên suốt thời gian dài chủ yếu là làm những công việc phụ giúp đoàn, hoặc tham gia múa làm nền cho các nhân vật chính. Nhiều người nói Quốc Nhĩ là một người hiền của sân khấu, chuyện vất vả nào cũng không từ nan nên luôn được đồng nghiệp thương mến. 

“Đêm đêm ngồi ở cánh gà nhắc tuồng, tôi vẫn thường được xem các nghệ sĩ Tám Dân, Việt Hùng, Hùng Minh, Thanh Sang, Hoàng Giang… diễn trên sân khấu. Họ đều là những người thầy âm thầm cho tôi học hỏi kỹ năng diễn xuất và cả lòng yêu nghề”, mấy mươi năm sau, khi nhắc lại thế hệ đi trước, nghệ sĩ Quốc Nhĩ vẫn không quên ai, nhớ từng vai diễn và cả tính cách của đàn anh, đàn chị. 

Nghệ sĩ Quốc Nhĩ vai cụ Đô Trinh trong vở  Tiếng trống Mê Linh diễn vào dịp kỷ niệm 64 năm  đoàn Thanh Minh - Thanh Nga, bên cạnh là NSƯT Thanh Nguyệt
Nghệ sĩ Quốc Nhĩ vai cụ Đô Trinh trong vở Tiếng trống Mê Linh diễn vào dịp kỷ niệm 64 năm đoàn Thanh Minh - Thanh Nga, bên cạnh là NSƯT Thanh Nguyệt

Cũng nhờ đảm nhận vai trò của người nhắc tuồng mà Quốc Nhĩ thuộc lòng rất nhiều trích đoạn, cả vai chính/thứ. Chàng trai trẻ cứu một “bàn thua trông thấy” cho đoàn Thống Nhất - Út Trà Ôn trong lần lưu diễn ở Ninh Hòa (Nha Trang) vào cuối năm 1963. “Đêm đó diễn vở Tần Thủy Hoàng, nhưng nghệ sĩ Minh Châu lại bất ngờ nghỉ bệnh.

Nghệ sĩ Chân Tâm trước đó đóng vai Lã Bất Vi được đôn lên vai chính. Nghệ sĩ Út Trà Ôn hỏi tôi: “Vai Lã Bất Vi, Nhĩ diễn được không?”. Tôi nói được, nhưng trong lòng lo lắng vô cùng. Nhân vật Lã Bất Vi chỉ diễn một lớp, nhưng đó lại là một phân cảnh dài và khá quan trọng. Nghệ sĩ Chân Tâm giúp tôi hóa trang râu dài, tóc dài, bước ra sân khấu ca diễn mà lo. May mắn thuộc lời, tôi chỉ thấy mình hát tròn vai chứ không phải là hay. Nhưng sau lần thế vai đó, tôi được lên lương từ 10 đồng lên 20 đồng”, nghệ sĩ Quốc Nhĩ nhớ lại. Ngày theo đoàn hát, ông đâu ngờ vai diễn đầu tiên của mình lại là một “lão già”, trong khi bản thân chỉ mới là chàng trai tuổi 16. 

Trong những bức ảnh kỷ niệm còn lưu lại, Quốc Nhĩ năm xưa có sắc vóc của một kép chính, nhưng sự nghiệp của ông lận đận khi các đoàn hát ông tham gia đều không trụ được lâu. Vì thiếu nhân sự, kinh phí eo hẹp, vì cả thời cuộc. Sau khi đoàn Thống Nhất - Út Trà Ôn tan rã, Quốc Nhĩ chuyển sang đoàn Hương Mùa Thu, ký hợp đồng 12 tháng, được lãnh trước 10.000 đồng tiền lương. Nhưng suốt thời gian ấy, ông chủ yếu diễn vũ đạo.

Rồi cơ duyên gặp soạn giả Nhị Kiều, và được giới thiệu cho bà bầu Thơ của đoàn Thanh Minh - Thanh Nga, Quốc Nhĩ đã gắn bó với đoàn từ năm 1965-1968. Suốt thời gian đó, ông được bước lên sân khấu ca diễn, dù chưa được đảm nhận vai chính, nhưng đã có nhiều hơn cơ hội cho mình. Cuối năm 1968, khi đoàn đang diễn vở Mạnh Lệ Quân ở Đà Nẵng (Quốc Nhĩ vai Mạnh Gia Linh, anh trai của Mạnh Lệ Quân - nhân vật của nghệ sĩ Thanh Nga), thì bàn thờ Tổ cháy. Anh em sau đó về nghỉ tết, hẹn nhau sẽ tái ngộ khai màn suất diễn đầu năm vào đêm mùng một. Không ai ngờ đó là chuyến lưu diễn sau cùng - cho đến ngày hòa bình lập lại.

Vai Đông Bảng và bước ngoặt nhân duyên

Những năm sau này, khi nhắc đến nghệ sĩ Quốc Nhĩ, người trong giới lẫn khán giả mộ điệu thường nhớ ông qua vai Đông Bảng trong vở Tiếng trống Mê Linh. Vai diễn là dấu mốc với nghề, cũng là cơ duyên trời định, khi từ vở diễn này mà ông gặp và se duyên với NSƯT Thanh Nguyệt. Thời điểm ấy, Thanh Nguyệt là cái tên sáng giá. 

Trước Tiếng trống Mê Linh, Quốc Nhĩ đã tham gia nhiều vai phụ trong các vở Trúng số độc đắc, Tiếng nhạn kêu sương, Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga, Trọng Thủy Mị Châu… Nhưng Đông Bảng, một lần nữa lại là “trường hợp thế vai” của Quốc Nhĩ, lại là thử thách khó, khi không phải diễn trên sân khấu, mà thế vai để thu video.

Nghệ sĩ Quốc Nhĩ và NSƯT Thanh Nguyệt trong vở Tiếng chuông Thiên Mụ
Nghệ sĩ Quốc Nhĩ và NSƯT Thanh Nguyệt trong vở Tiếng chuông Thiên Mụ

“Sáng mai thu hình thì buổi tối nghệ sĩ Hoàng Long đảm nhận vai Đông Bảng nghỉ bệnh. Vai này khó ở chỗ không chỉ ca diễn mà còn phải đánh võ múa kiếm, đâu thể nói cứ thuộc tuồng là diễn được. Tôi nhờ anh Nam Hùng tập dợt cùng trước buổi diễn, căng thẳng lắm, nhưng rồi cũng thành công. Từ đó, ngày nào tôi cũng tập luyện cho đến khi chính thức diễn trên sân khấu. Mọi thao tác phải thuần thục, không được phép sai. Nếu không, làm sao thể hiện được trọn vẹn tinh thần của nhân vật” - nghệ sĩ Quốc Nhĩ tâm sự. Vai diễn này, có đêm trong số khán giả ngồi bên dưới xem ông diễn là cô đào Thanh Nguyệt…

Và hôm nay, khi ông ngồi kể lại chuyện xưa, bên cạnh vẫn chính là người “khán giả đặc biệt” năm ấy. Thi thoảng NSƯT Thanh Nguyệt nhắc cho ông nhớ về ngày tháng hoặc địa điểm mà ông bất chợt quên. Bà nhớ cả tên con đường Ngô Nhân Tịnh (gần Chợ Lớn) - nơi mà ông từng có vài tháng làm việc… ở phòng nha.

Nghệ sĩ Quốc Nhĩ nói, khi đoàn Thanh Minh - Thanh Nga tan rã sau mùa xuân năm 1968, ông từng có ý định giải nghệ, đi học nha khoa. Thu nhập từ công việc làm răng hằng tháng tính ra là hơn rất nhiều so với đi hát. Nhưng rồi cũng chỉ được vài tháng thì nhớ nghề. Sau năm 1975, đoàn Thanh Minh - Thanh Nga tái hợp, nghệ sĩ Quốc Nhĩ chính là người tìm cách liên lạc với các thành viên cũ. Nhưng biến cố của đêm 26/11/1978 đã mãi mãi lấy đi của sân khấu một nữ nghệ sĩ tài sắc vẹn toàn.

Nghệ sĩ Quốc Nhĩ nói ông không bao giờ quên ân tình mà cố nghệ sĩ Thanh Nga đã dành cho. “Gắn bó nhiều năm với đoàn Thanh Minh - Thanh Nga, tôi học được bài học quý giá mà nghệ sĩ Thanh Nga vẫn thường chỉ dạy. Trước mỗi vai diễn mới, chị đều dành thời gian tập luyện rất nhiều. Chị coi tôi như em trai, thường dạy tôi mỗi khi tập luyện, phải nhìn vào gương ca diễn sao cho cơ mặt không bị nhăn, tập cả cách chau mày…”, nghệ sĩ Quốc Nhĩ bùi ngùi. 

Đời người như một giấc mộng dài, nhưng rất nhiều điều là không thể lãng quên trong nỗi nhớ của một người nghệ sĩ già. Quốc Nhĩ năm nay 74 tuổi. Ông vẫn nhớ thời điểm mình rời sân khấu là năm 1992. Vẫn nhớ hoài vai diễn người gác cổng của nghệ sĩ Tám Dân trong vở Sân khấu về khuya. Đó là nỗi buồn chua xót của một người nghệ sĩ đã đến tuổi hoàng hôn với nghề. Sân khấu những năm tháng sau này đã không còn được như trước nữa, nhưng trong sâu thẳm tâm tư của người nghệ sĩ, là một nỗi nhớ mãi mãi, về một thời hoàng kim. 

Bùi Tiểu Quyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI