|
Nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng thời gian qua... |
Ngày nay quảng cáo đi kèm với các chương trình truyền hình, truyền thanh, các sự kiện, các game show, các giải đấu. Với danh nghĩa nhà đồng hành, nhà tài trợ, các công ty, các doanh nghiệp đã giúp cho các chương trình các sự kiện, các giải đấu... có điều kiện tài chính để nhà sản xuất, điều hành thực hiện các nội dung mình muốn làm. Trực tiếp hơn, người ta dùng hình ảnh của các nghệ sĩ, các vận động viên nổi tiếng… là những người có ảnh hưởng mạnh mẽ đến công chúng để lôi kéo người tiêu dùng chú ý đến thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ mà họ muốn quảng bá.
Tuy nhiên rất hiếm khi những người nổi tiếng ấy trực tiếp đề cập đến chất lượng sản phẩm mà họ quảng cáo. Thông thường trong các hợp đồng có điều khoản bồi thường nếu uy tín của người nhận quảng cáo bị sứt mẻ do scandal nào đó. Và ngược lại người nhận quảng cáo sẽ hủy hợp đồng nếu sản phẩm có vấn đề về chất lượng bị công chúng phát hiện. Không hiểu sao hiện nay trên các phương tiện truyền thông nhiều nghệ sĩ Việt Nam lại đồng ý đóng vai là người mắc bệnh đã dùng phương pháp điều trị, uống thuốc (hoặc thực phẩm chức năng) để chữa bệnh thành công.
Xưa, lúc học tiểu học, tôi còn nhớ về nhức đầu, sách giáo khoa có đoạn viết: “Đi nắng nhiều, bị cảm lạnh hay thời tiết thay đổi nhanh chóng là ta bị nhức đầu. Nhức đầu còn là triệu chứng của các loại bệnh khác”. Bài học còn dạy cách phòng ngừa như đội nón khi ra nắng, mặc ấm khi trời lạnh, chú ý khi thời tiết thay đổi. Còn khi đã bị nhức đầu lời khuyên là phải đi khám bệnh.
Khi đến cơ sở khám chữa bệnh dù là theo Đông y hay Tây y, các lương y hay các bác sĩ đều phải thực hiện các bước tứ chẩn (vọng, văn, vấn, thiết) và ngày nay có thêm chẩn đoán cận lâm sàng của y học hiện đại như xét nghiệm máu, xét nghiệm hình ảnh các cơ quan trong cơ thể… Từ những chẩn đoán đó lương y, bác sĩ dựa vào kiến thức, kinh nghiệm của mình định ra phương pháp điều trị, thường là cho uống thuốc điều trị.
Do mỗi người có cơ địa khác nhau mỗi phương pháp điều trị, thuốc điều trị lại có tác dụng phụ khác nhau nên không thể cứ có triệu chứng giống nhau thì dùng biện pháp giống nhau. Cho nên nhiều y, bác sĩ ra toa thuốc cho bệnh nhân dùng 1, 2 ngày sau đó tái khám để kiểm tra chắc chắn nhận định bệnh của mình là đúng. Vậy mà trên các đoạn quảng cáo có người nghệ sĩ này than thở kể lể về triệu chứng bệnh thì người nghệ sĩ kia lập tức xác định nguyên nhân và khuyên dùng thuốc mà họ đang quảng cáo. Sau đó là khỏi bệnh.
Nếu người bệnh dùng thuốc theo quảng cáo mà hết bệnh thì chỉ là tình cờ. Còn nếu giả sử không hết bệnh và cũng không có tác hại gì đáng kể thì cũng tốn tiền vô ích, nhưng biết đâu lại làm nguy hiểm hơn khi đánh mất thời cơ chữa bệnh kịp thời.
Không ai trách nghệ sĩ nhận quảng cáo để tăng thu nhập, khi có một sự nghiệp khả dĩ để mọi người biết đến mình họ đã phải làm việc, phấn đấu nhiều năm. Nhưng có đáng không khi “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”? Hành động quảng cáo chữa bệnh như vậy có khác nào các gánh Sơn Đông mãi võ nửa lừa, nửa bán thuốc gia truyền trên các chuyến xe đò khi xưa.
Dư luận đang đề nghị các cơ quan chức năng xử lý các nghệ sĩ lấy uy tín, danh tiếng của mình để quảng cáo sai sự thật. Riêng chúng ta dù “khi có bệnh, vái tứ phương” thì ở phương nào cũng phải đến các nơi khám chữa bệnh đáng tin cậy.
Nguyễn Huỳnh Đạt