Nghệ sĩ piano Nguyễn Long An: “Nhân tố trẻ cần sân chơi để trui rèn”

28/04/2024 - 11:13

PNO - Tại đêm nhạc của học trò – Bella Vũ Huyền Diệu, nghệ sĩ piano Nguyễn Long An nói ông vui mừng vì Việt Nam ngày càng nhiều tài năng trẻ có ý thức tự rèn luyện, phấn đấu.

Trong nhiều năm giảng dạy, nghệ sĩ piano Nguyễn Long An luôn mong được nhìn thấy học trò tỏa sáng trên các sân khấu lớn. Tuy nhiên, tại Việt Nam, cơ hội để những tài năng trẻ thể hiện tình yêu với âm nhạc giao hưởng chưa nhiều.

Để tạo sân chơi chủ động cho các nhân tố mới, nghệ sĩ piano Nguyễn Long An thành lập Dàn nhạc học sinh quốc tế Sài Gòn (gọi tắt SISO). Đến nay, sau hơn nửa năm thành lập, SISO đã được chú ý đến với chương trình hòa nhạc giao hưởng Những giấc mơ - Dream Concert.

Có mặt tại đêm nhạc của Bella Vũ Huyền Diệu (tối 27/4), cũng là thành viên của SISO, nghệ sĩ piano Nguyễn Long An đã có những trao đổi với Báo Phụ nữ TPHCM về định hướng phát triển và những nỗ lực của người trẻ trong việc lan toả nhạc giao hưởng đến công chúng.

Nghệ sĩ piano Nguyễn Long An đàn cùng học trò - Bella Vũ Huyền Diệu
Nghệ sĩ piano Nguyễn Long An đàn cùng học trò - Bella Vũ Huyền Diệu, kết hợp cùng các thành viên của SISO

Phóng viên: Thành lập dàn nhạc giao hưởng có thể không quá khó nhưng việc vận hành một tập thể hơn 50 thành viên như SISO hẳn đối diện nhiều thách thức phải không, thưa anh?

- Nghệ sĩ piano Nguyễn Long An: Tài chính, nhân lực, thời gian... chắc chắn là những yếu tố khó khăn luôn hiện hữu khi vận hành một dàn nhạc giao hưởng. Nhưng SISO may mắn nhận được sự ủng hộ của gia đình các thành viên, từ xã hội và chính của những tài năng trẻ.

Các em là học sinh từ các trường quốc tế, tiếp xúc với âm nhạc cổ điển khá thường xuyên nên cách đến với âm nhạc cũng tự nhiên. Ngoài ra, với môi trường giáo dục phương Tây, âm nhạc là 1 trong 5 môn học bắt buộc phải được học trong trường. Do đó, việc tôi quy tụ được những tài năng trẻ về cùng nhau là không hề khó. Điều khó là khi tập hợp những cá tính độc lập vào trong một tập thể, làm thế nào để các bạn chơi gắn kết, dành thời gian luyện tập cùng nhau ở một thời điểm mà không bị chi phối từ bên ngoài.

* Tập hợp những tài năng trẻ, non kinh nghiệm với nghề, SISO định hướng phát triển như thế nào để có thể đi đường dài, đặc biệt trong bối cảnh đã có những dàn nhạc tiềm năng không có được tiếng nói chung nên buộc dừng lại?

- Khi quyết định thành lập SISO, chúng tôi không định hướng xây dựng theo phong cách của những dàn nhạc chuẩn quốc tế, tức giữ nguyên bản tinh thần âm nhạc hàn lâm. Ở đây, chúng tôi muốn dù chuyển tải âm nhạc phương Tây nhưng vẫn giữ hoặc lồng ghép được bản sắc, hồn cốt của văn hóa Việt Nam, âm nhạc dân tộc.

Khi nói ý tưởng và cho các thành viên trực tiếp chơi những bài nhạc mang giai điệu dân ca các vùng miền bằng nhạc cụ phương tây, các bạn rất phấn khích. Rõ ràng, khi đi học trong môi trường giáo dục nước ngoài, tiếp xúc với văn hóa các nước và trở về, được tiếp cận với âm nhạc dân tộc Việt Nam, đây mới là điều lạ lẫm, cũng là yếu tố thu hút các thành viên gắn bó.

Chúng tôi hi vọng hoạt động của SISO sẽ là tiền đề cho sự tập hợp của không chỉ những tài năng trẻ tại Việt Nam mà còn những bạn trẻ quốc tế đến Việt Nam học tập. Khi đó, chúng ta có thể quảng bá được giá trị văn hoá, lan tỏa và cộng hưởng âm nhạc đa quốc gia.

SISO tập trung những tài năng âm nhạc
SISO tập trung những tài năng âm nhạc tuổi đời còn rất nhỏ nhưng đã có nhiều năm luyện tập các loại nhạc cụ

* Tại TPHCM hiện có nhiều cá nhân đang nỗ lực đưa âm nhạc cổ điển đến gần với công chúng. Có những buổi diễn tại quán cà phê, văn phòng... thu hút lượng vừa đủ khán giả tham dự. Anh thấy những cách làm này thế nào?

- Với một quốc gia đã quen với làn điệu dân ca, khi âm nhạc cổ điển xuất hiện, thật khó lòng để chúng ta đón nhận ngay được. Điều này đã được nhìn thấy hàng chục năm qua. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, xuất hiện nhiều cách đưa âm nhạc cổ điển đến với công chúng rất thú vị và những người trẻ hiện tại đang rất tích cực làm công việc này. Tôi đánh giá rất cao bởi hành động đó không chỉ đến từ tình yêu với âm nhạc, sự kết tinh từ giáo dục mà còn là những chuyển biến rất tích cực trong tư duy của người trẻ.

Vai trò của chúng tôi, những nghệ sĩ đi trước là làm sao động viên, khuyến khích và khi cần, có thể tập hợp các bạn lại để chúng ta cùng làm nên những điều lớn lao hơn. Đó có thể là những đêm nhạc giao hưởng đúng nghĩa, không chỉ dừng ở độc tấu.

* Về đường dài của SISO, tương lai sẽ trả lời nhưng từ đây, có thể nhiều tài năng âm nhạc sẽ xuất hiện vì cơ hội để các em được cọ sát hay gọi là "thực chiến" rất ít...

- Để có được người nghệ sĩ biểu diễn chỉn chu trên sân khấu, họ đã phải trải qua rất nhiều năm học tập. Không chỉ rèn luyện với cây đàn của mình, họ cần không gian, cần các cấp độ biểu diễn khác nhau để có kinh nghiệm cũng như sự tự tin cần thiết. Chuỗi Dream Concert có ý nghĩa là tạo dựng giấc mơ ngay từ ban đầu dành cho những người nghệ sĩ trẻ. Và với những người nghệ sĩ lớn tuổi, chúng tôi cũng có giấc mơ là được nhìn những người trẻ thực hiện đam mê, ước mơ của mình.

* Và những kế hoạch của SISO trong thời gian ngắn sắp tới sẽ là...?

- Trong 1 năm, chúng tôi có 3 chương trình chắc chắn sẽ diễn ra ở tại 3 thành phố là Hà Nội, Huế và TPHCM. Sau chương trình đầu tiên vừa tổ chức tại TPHCM, đã có những lời đề nghị từ các học viện âm nhạc, các trường dạy nhạc mong muốn được thực hiện những chương trình phái sinh từ Dream Concert. Đây là tin vui cho chúng tôi.

Về những hoạt động tiếp theo, chúng tôi đang lên kế hoạch và một phần lớn phụ thuộc vào sự ủng hộ tiếp tục từ công chúng, cũng như lịch trình từ các thành viên.

* Cảm ơn anh đã chia sẻ.

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI