Nghệ sĩ piano Nguyễn Đức Anh và câu chuyện từ trời Tây trở về

22/09/2020 - 12:01

PNO - Nguyễn Đức Anh rời Đức về Việt Nam sau 8 năm học tập, trình diễn với mong muốn đào tạo nên nhiều thế hệ nghệ sĩ piano tài năng là người Việt.

Nghệ sĩ piano Nguyễn Đức Anh (sinh năm 1991) lớn lên trong gia đình có truyền thống nghệ thuật. Anh sớm tiếp xúc với âm nhạc và có điều kiện theo học piano tại Nhạc viện Hà Nội từ năm 7 tuổi. Năm 2013, Đức Anh tiếp tục theo học tại Nhạc viện Freiburg – CHLB Đức. Sau 4 năm, anh hoàn thành 2 tấm bằng Cử nhân và Thạc sĩ Piano chuyên ngành Biểu diễn.

Ngoài học tập, giảng dạy, nghệ sĩ piano Nguyễn Đức Anh tham gia trình diễn, thi đấu tại nhiều cuộc thi quy mô quốc tế, trong đó, nổi bật là chiến thắng với giải Nhì (cuộc thi không có giải Nhất) tại cuộc thi Piano quốc tế mang tên Alkan-Zimmerman tại Athens, Hy Lạp năm 2014.

Đức Anh nói anh thuộc về sân khấu vì bản thân chỉ cảm thấy thoải mái nhất, được là chính mình nhất khi trình diễn trước khán giả. Tuy nhiên, ngay khi hoạt động nghệ thuật tại Đức khá thuận lợi, Đức Anh trở về Việt Nam đảm nhận công việc giảng dạy. “Nước cờ” của Đức Anh khiến mọi người hồ nghi rằng sự trở về này, liệu đã được tính toán hay là quyết định nhất thời khi dịch COVID-19 đang “khoá” mọi hoạt động nghệ thuật tại nhiều quốc gia?

Nghệ sĩ piano Nguyễn Đức Anh từng có 8 năm học tập tại Đức.
Nghệ sĩ piano Nguyễn Đức Anh từng có 8 năm học tập tại Đức.

Phóng viên: Anh chọn trở về trong khi nhiều người trẻ Việt vẫn đang muốn ra thế giới, vì đâu có quyết định hồi hương ở thời điểm này?

Nghệ sĩ piano Đức Anh: Khi dịch COVID-19 tác động đến mọi mặt cuộc sống, vì có thời gian rảnh nên tôi muốn tìm kiếm một nơi để mình có thể chia sẻ nhiều hơn phần kiến thức đã có được trong 8 năm du học tại Đức.

Tôi cứ tự do tìm kiếm, không chủ đích sẽ về đâu cho tới khi thấy dòng thông báo tuyển giảng viên của Học viện Âm nhạc và Trình diễn nghệ thuật Soul (SMPAA) tại Việt Nam. Sau khi xem những công việc phải làm ở vị trí Trưởng khoa Piano, tôi không ngần ngại nộp hồ sơ vì bản thân đang muốn tham gia vào một đơn vị giáo dục có hệ thống, nơi tôi có thể tác động đến một và nhiều thế hệ.

* Ngày đó, anh quyết định sang Đức du học vì thấy bản thân thua kém trước nhiều bạn bè quốc tế. Anh có nền tảng và luôn không ngừng nỗ lực, khoảng cách trình độ xa đến thế sao?

- Chúng ta cần nói đến 2 điều. Đầu tiên về ngôn ngữ, Việt Nam và các nước trong khu vực châu Á vẫn đang sử dụng ngôn ngữ khác với phương Tây. Ngôn ngữ mà tôi muốn nói đến ở đây không chỉ là tiếng nói, mà là ngôn ngữ âm nhạc. Chúng ta đang giao tiếp khác với ngôn ngữ chung của phương Tây. Do đó, việc chọn học ở đâu để có cùng tiếng nói với họ rất quan trọng.

Thứ hai, ngày trước, tôi từng rất tự tin với việc học tại Việt Nam. Tôi không nghĩ bản thân cần đi du học để nâng cao trình độ. Cho tới khi tham gia cuộc thi quốc tế, tôi thấy các bạn đến từ các nước chơi rất hay và tôi bắt đầu suy nghĩ lại về hành trình học tập, luyện rèn của mình. Tôi có nền tảng, có sự cố gắng nhưng vẫn không sánh bằng trình độ.

Sau khi suy nghĩ thấu đáo, tôi biết rằng họ không thật sự xuất chúng, không phải sinh ra đã là thiên tài mà do nền tảng giáo dục tác động lớn đến tài năng. Nghĩa là, họ được đào tạo bài bản. Khi đó, giáo dục ở trình độ cao tác động ngược lại đến phần năng khiếu sẵn có, giúp tài năng của họ thăng hoa hơn. Vì lẽ đó, tôi quyết định phải đi du học.

* Những ngày tháng học tập tại Đức làm “vỡ ra” trong anh những điều gì?

- Kết quả từ quá trình học cũng là một trong những lý do để tôi chọn trở về Việt Nam. Tôi có một thời gian học nhạc khá dài trong nước trước khi sang Đức nên sau 8 năm học tập tại đây, tôi biết các bạn tại Việt Nam đang thiếu những điều gì để phát triển năng lực.

Khi sang Đức, tạm bỏ qua những cản trở về mặt ngôn ngữ, giáo dục tại Đức thúc đẩy sự cố gắng của từng học trò, nếu thiếu quyết tâm, bạn sẽ bị bỏ lại. Hệ thống đào tạo tại Đức rất khác với những gì tôi từng được học. Họ quan trọng việc biểu diễn hơn thi cử. Có những trường học bắt học sinh phải biểu diễn nhưng có những trường, việc biểu diễn hay không tuỳ thuộc vào học trò. Nếu lười biếng trình diễn, tập luyện, chỉ có bạn là người thiệt. Chính sự cạnh tranh tự nhiên như thế tạo ra những cuộc đào thải khắc nghiệt, tạo động lực cho mọi người cùng cố gắng.

Đức Anh trở về Việt Nam với mong muốn giúp đỡ, hỗ trợ nhiều tài năng trong nước nâng cao trình độ.
Đức Anh trở về Việt Nam với mong muốn giúp đỡ, hỗ trợ nhiều tài năng trong nước nâng cao trình độ.

* Khi trở về Việt Nam, anh sẽ làm gì cho thế hệ trẻ để cụ thể hoá những điều anh vừa nói? 

- Tôi không dám nhận bản thân giỏi hơn những người thầy ở Việt Nam, hay các giảng viên đến từ các quốc gia khác, nhưng con đường tôi đã đi, tôi nghĩ trải nghiệm đó giúp được nhiều người trẻ. Tôi muốn bản thân trở thành cầu nối giữa những bạn thật sự đam mê, có tiềm năng tại Việt Nam với các chương trình đào tạo, trình diễn trên thế giới để các bạn tiếp tục phát triển bản thân.

Ngoài ra, tôi sẽ xây dựng nên những chương trình đào tạo mang tính quốc tế, với phương pháp dạy mang tính gợi mở, có sự giao thoa giữa các phương pháp để đối tượng tiếp nhận hiệu quả hơn. Mơ ước của tôi là một ngày nào đó, sẽ có nhiều nhà biểu diễn piano tài năng trong nước tiếp cận với khán giả quốc tế và khi giới thiệu, họ tự hào khi nói rằng mình đến từ Việt Nam.

* Với khán giả quốc tế, nhiều nghệ sĩ piano người Việt được mến mộ nhưng chính trên sân nhà, anh hay nhiều người là những gương mặt còn khá lạ. Anh nghĩ sao về điều này?

- Thời xưa, âm nhạc cổ điển là dành cho giới quý tộc, trung lưu – những người dư giả về tiền bạc, thời gian để tận hưởng nghệ thuật hàn lâm. Riêng tôi không phân biệt, hay đặt ra những khác biệt giữa các hình thức thưởng thức nghệ thuật. Tôi không thấy lạ khi chỉ có một nhóm khán giả trong nước yêu thích nhạc cổ điển, nhưng cũng không khao khát muốn mở rộng nhóm đối tượng này thêm.

Tôi nghĩ, nếu chỉ có 1 khán giả đến nghe nhưng nghe say mê, còn hơn lôi kéo được 10 người đến nhưng họ không đủ yêu thích, chỉ tò mò, không cảm nhận được. Có lẽ, cách nghĩ của tôi khác với nhiều người nhưng cần rạch ròi giữa âm nhạc thường thức của thế giới và Việt Nam.

* Trở về Việt Nam, ngoài giảng dạy, đâu là những dự án nghệ thuật tiếp theo có sự xuất hiện của anh?

- Ngoài giảng dạy, tôi có tham gia biểu diễn trong chương trình hợp tác cùng Nhà hát giao hưởng Nhạc Vũ Kịch trong chuỗi kỷ niệm 250 ngày sinh Ludwig van Beethoven. Trong năm nay, tôi cũng sẽ ra mắt CD tưởng nhớ tài năng của nhà soạn nhạc Bethoven.

* Cảm ơn anh đã chia sẻ.

Diễm Mi (thực hiện)

Ảnh: SMPAA

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI