|
Nam diễn viên Kenneth Fibbe phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với The Korea Times tại một studio ở Los Angeles |
Kể từ khi đến Seoul vào năm 2011, nam diễn viên người Mỹ Kenneth Fibbe đã tích cực theo đuổi sự nghiệp diễn xuất với thị thực E-6-1 - giấy phép đặc biệt dành cho người nước ngoài muốn tham gia vào các hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, diễn xuất và nghệ thuật. Fibbe xuất hiện trong rất nhiều loạt phim ăn khách, trong đó có Hậu duệ mặt trời (2016). Anh cũng xuất hiện trong video âm nhạc của diva K-pop, HyunA. Có vẻ như anh sống một cuộc sống mà nhiều người phải ghen tị.
Tuy nhiên, sau vài năm, Fibbe rời Hàn Quốc trở về quê hương. Anh không thể chịu đựng cuộc sống ở Hàn Quốc được nữa. Anh cảm thấy sẽ không bao giờ được ai bảo vệ hay tôn trọng, ngay cả khi anh kiên trì vượt qua mọi khó khăn và vươn lên dẫn đầu.
“Khi ở Hàn Quốc, cái tôi của tôi bị xem thường” - Fibbe nói với The Korea Times trong một cuộc phỏng vấn gần đây tại một studio ở Los Angeles. "Thành thật mà nói. Hầu hết người nước ngoài trong ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc không có nền tảng về diễn xuất. Bởi nếu có, họ sẽ ở Los Angeles tìm cơ hội. Nhưng ai lại không muốn lên tivi cơ chứ? Ai mà không muốn nói tôi từng tham gia bộ phim truyền hình số 1 Hàn Quốc như Hậu duệ mặt trời?" - anh tiếp tục.
Đến từ Mỹ, việc đặt chân vào làng giải trí Hàn Quốc tương đối dễ dàng hơn với Fibbe. Sau khi xuất hiện trong một số tác phẩm, Fibbe đương nhiên phải giao du với những người có "địa vị xã hội cao".
"Tôi cảm thấy địa vị xã hội của mình cũng tăng lên. Nhưng cuối cùng tôi đã đi đến điểm mà tôi cảm thấy rằng nó không còn giá trị nữa" - anh nhớ lại.
|
Nam diễn viên Garrison Michael Farquharson-Keener trong một cuộc phỏng vấn với The Korea Times |
Trên thực tế, giống như những nghệ sĩ nước ngoài khác, Fibbe cũng bị trả lương thấp và phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt. Nhưng điều khiến anh lo lắng nhất là tình trạng bóc lột trẻ em thường xuyên xảy ra và sự thiếu vắng tình người, mà anh chứng kiến trên phim trường.
“Có lần, tôi được giao khiêu vũ và thân mật với một bé gái 14 tuổi người Ukraine để quay quảng cáo. Tôi rất khó xử vì điều này, nhưng đối với các nhà sản xuất, đây là một hợp đồng béo bở, đem về số tiền rất lớn..." - Fibbe kể.
Anh nói thêm: "Nhưng quay phim quảng cáo thường mất nhiều thời gian, đôi khi lên đến 20 giờ, và điều này khiến trẻ nhỏ thiếu kiên nhẫn. Có một phim quảng cáo thuốc chống muỗi mà tôi đã thực hiện vào một ngày lạnh cóng của tháng 3, tôi và các diễn viên khác đóng cùng một cậu bé 3 tuổi chưa từng đến trường quay. Khi quay xong, em không ngừng khóc và nói chỉ muốn về nhà ngủ, nhưng những người ở phim trường không cho em đi. Họ nói tất cả chúng tôi nên ở lại đây cho đến khi quay xong. Mẹ của đứa bé nói rằng con trai cô không thể làm việc này nữa, nhưng họ chỉ bảo cô ấy ở lại... Đó là bóc lột sức lao động trẻ em".
Fibbe cho biết thêm, một số người thậm chí đã suýt chết do không được đảm bảo an toàn. Khi quay một phim quảng cáo khác, anh chứng kiến 2 người đàn ông vô tình bị mắc kẹt trong một chiếc ô tô chứa đầy khí carbon monoxide và bất tỉnh. Fibbe đã cố gắng hô hấp nhân tạo và cứu họ, cho đến khi một lãnh đạo từ công ty giữ anh lại. “Ông ấy nói tôi không nên chạm vào họ vì tôi sẽ khiến công ty gặp rắc rối”, Fibbe nói, "Tôi không thể tin đây là sự thật. Tôi không thể cứu mạng ai đó vì người đại diện sợ khách hàng của mình?".
May mắn thay, cả hai người đàn ông đều sống sót. Nhưng đối với Fibbe, việc sự sống của ai đó bị coi là kém quan trọng hơn công việc là điều không thể hiểu được. "Thật nực cười, nhưng điều này xảy ra suốt" - anh nhấn mạnh.
Garrison Michael Farquharson-Keener - một diễn viên/người mẫu người Mỹ gốc Anh - đã làm việc ở Hàn Quốc được khoảng 7 năm. Điều duy nhất anh có thể làm khi đối mặt với sự vô lý là chấp nhận nó. Keener đã góp mặt trong loạt phim ăn khách của tvN, Tuổi hai lăm, tuổi hai mốt (2022). Anh nói với The Korea Times: “Việc chậm thanh toán luôn luôn xảy ra. Các công ty trả tiền cho bạn bất cứ khi nào họ muốn. Bạn chỉ cần tập quen với điều này".
|
Nữ diễn viên Kelly Frances |
Các nghệ sĩ nước ngoài và nghệ sĩ giải trí ở Hàn Quốc cũng không được tiếp cận với nhiều dịch vụ cơ bản của Quỹ phúc lợi nghệ sĩ Hàn Quốc - tổ chức công hỗ trợ xã hội và tài chính cho các nghệ sĩ.
Vào tháng 9 vừa qua, luật mới bảo vệ quyền của nghệ sĩ - cả người Hàn Quốc và người nước ngoài - có hiệu lực ở Hàn Quốc. Luật quy định cần đảm bảo quyền lợi và yêu cầu của người nghệ sĩ cũng như cần có chính sách nâng cao điều kiện lao động và phúc lợi của họ. Đồng thời bắt buộc các tổ chức trong nước đưa ra các chính sách để ngăn chặn vấn nạn quấy rối tình dục và bạo lực tình dục đối với nghệ sĩ.
Bà Park Kyong-ju - thành viên ủy ban không thường trực tại Hội đồng nghệ thuật Hàn Quốc và là người sáng lập Hiệp hội nghệ sĩ - nói rằng: “Các nghệ sĩ cần lên tiếng để đảm bảo rằng những vấn đề mà họ gặp phải được lắng nghe và thấu hiểu. Chúng ta cần tiếp tục cải thiện và báo cáo các sự cố quấy rối tình dục, hợp đồng làm việc không công bằng và các vi phạm khác".
Thảo Nguyễn (theo Korea Times)