Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thế Phong: Nụ cười xoa dịu biết bao nhọc nhằn

02/10/2021 - 07:00

PNO - Tôi gọi cho Trần Thế Phong giữa những ngày Sài Gòn đang là tâm điểm của dịch bệnh. Anh nói vội rằng đang bận tác nghiệp ở một bệnh viện dã chiến chỉ vì “không thể ngồi yên ở nhà, phải ghi lại những ngày tháng này của Sài Gòn cho đời sau còn biết mà nhắc nhở nhau”.

Vốn đã thành danh với 16 cuộc triển lãm và 10 đầu sách, anh có thể nghỉ ngơi sau bao năm lăn lội. Nhưng không, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thế Phong vẫn sáng tác không ngừng. Dường như lúc nào anh cũng cảm thấy mình có lỗi nếu không thể tự ghi lại những khoảnh khắc của cuộc đời này. 

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thế Phong
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thế Phong

Chất đường phố trong từng khuôn hình

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thế Phong nổi tiếng không chỉ trong làng nhiếp ảnh. Hàng trăm giải thưởng lớn nhỏ anh có được từ những ngày đặt chân vào nghề đến nay chính là minh chứng. Nhìn anh chân chất, dễ gần và hào hiệp, thực sự khác xa với hình dung của mọi người về một nhiếp ảnh gia danh tiếng. Vẫn luôn nhận mình là nhiếp ảnh gia đường phố, nên hơn ai hết, từng khuôn hình của anh dường như vận vào rõ nét nhất hai chữ đường phố - phóng khoáng, nghĩa tình mà cũng “chất chơi”. 

 

Anh xuất thân là trẻ đường phố. Sáu tuổi, anh đã lăn lộn bán báo, bán đậu phộng rang. Học hết lớp Chín, anh đã phải bán vé xem phim chợ đen, đi phụ bếp... Hình ảnh trẻ đường phố trong ký ức của anh vẫn là những trang đời nhiều chất liệu nhất, giúp anh trưởng thành và cứng cáp.

Anh cũng tự nhận mình không có chút năng khiếu nhiếp ảnh nào nên bộ môn nghệ thuật này đến với Trần Thế Phong cũng thong thả như tính cách của anh. “Lúc nhìn thấy có ai đó chụp một tấm hình, đăng báo và nhân vật trong hình đã nhận được rất nhiều tiền cứu trợ, tôi mới nghĩ rằng hóa ra hình ảnh có những tiếng nói riêng, đôi khi còn nặng ký hơn ngàn chữ viết. Sự đẹp đẽ của thiên nhiên, sự tàn khốc của thiên nhiên, vẻ đẹp của con người, cả ánh nhìn yêu thương... tất cả chỉ có hình ảnh mới có thể nói lên đủ đầy và chân thật. Tôi thích chụp hình từ đó” - kể về cơ duyên với nghề, anh cũng đơn giản như thế. 

Đợt dịch COVID-19 đầu tiên, tháng 4/2020, khi nhà nhà ở yên, anh lại vác máy ra đường. Lúc đó, Trần Thế Phong chỉ đơn thuần nghĩ “phải ghi lại mọi thứ, vì từ bé đến giờ, hơn nửa đời người tôi có bao giờ nhìn thấy cảnh này đâu”. Sài Gòn những ngày không một bóng người đã được anh nhìn dưới một góc nhìn tích cực, tươi sáng và đầy hy vọng. Bây giờ cũng vậy, chẳng để mình ngồi yên quá lâu, anh lại vác máy lên đường. Dù biết có thể gặp rủi ro nhưng anh lo ở yên trong nhà quá lâu e rằng lại mất đi nét đường phố của chính mình. Từ những tấm ảnh của anh, một bịch bánh mì của Sài Gòn thương nhau hiện lên thật đẹp, một con đường bị giăng dây vẫn mang nét tươi vui của niềm hy vọng. Anh khoe đã có hơn 6.000 hình ảnh được ghi lại rồi, là tất cả những gì của Sài Gòn hôm nay, là gia tài ảnh quý giá của anh. 

Dù thế nào vẫn cứ yêu nghề…

Dân trong nghề vẫn hay nói với nhau rằng, Trần Thế Phong có nghệ sĩ tính cao quá nên… nghèo. Nghe vậy, anh cười xòa: “Tầm này rồi, tôi chẳng nghĩ đến nghệ sĩ tính to lớn gì đó nữa, chỉ biết mình làm vì chính mình mà thôi. Nhưng chắc một điều, có lẽ vì chữ nghèo đó, mà tác phẩm nào của tôi cũng đời lắm”. Từ thành công rực rỡ của triển lãm đầu tiên về cơn bão Chanchu năm xưa, đến triển lãm Cười tháng Ba năm nay, chất đời trong anh vẫn ngồn ngộn như thế. Có lẽ anh nghèo vật chất thật nhưng sự giàu có anh đang giữ trong lòng mình thì mấy ai có được. Sự hồn hậu, phóng khoáng luôn tràn đầy trong con người nghệ sĩ này. 

Sự hồn hậu đó dễ dàng nhìn thấy trong tác phẩm nụ cười quên đất trời chụp nghệ sĩ harmonica Tòng Sơn. Khoảnh khắc đó chẳng phải được chụp bằng chính sự hồn hậu của người cầm máy hay sao? Cũng thật khó để bắt gặp nụ cười của các em bé, những người bán hàng rong, vé số… vì  cuộc mưu sinh khó khăn, nặng nhọc. Vậy nhưng tất cả vẫn cười thật rạng ngời như chẳng có gì để lo lắng, bận tâm. Những nụ cười ấy đang làm nên sự giàu có của chính anh. 

Trong triển lãm đầu tiên, lần đầu trình làng một gương mặt nhiếp ảnh mới, anh đã kịp ghi vào tim mình tận cùng sự tàn khốc của thiên tai. Anh cho biết: “Bao nhiêu tiền của ủng hộ người dân Đà Nẵng sau triển lãm đã được gửi về. Nhìn thấy sự đau đớn của đồng bào mình ai mà không xót xa. Tôi thật sự hiểu rằng, chỉ có hình ảnh mới đủ sức gióng lên tiếng nói nặng ký đến vậy. Thời điểm đó, chỉ cần hình ảnh thôi, không cần nói thêm bất cứ lời nào”.

Sau cuộc triển lãm những hình ảnh thương tâm sau cơn bão ấy, bản thân anh cũng lần đầu ngộ ra con đường riêng của mình trong nghề: kể chuyện bằng hình ảnh. Không cần nghĩ đến những đề tài xa xôi lớn lao, anh bắt đầu tập trung chụp những hình ảnh có câu chuyện, những hình ảnh thật đời thường, những gì đang diễn ra xung quanh anh. Cứ thế,  Trần Thế Phong có rất nhiều bức ảnh kể chuyện thật đặc biệt, lay động người xem.

Nhớ lần gần đây, khi phát biểu khai mạc triển lãm lần thứ 16 của mình mang tên Cười, anh nói: “Tôi lang thang ghi lại những nụ cười khắp cả nước, vì một nụ cười có thể xoa dịu biết bao nhiêu nhọc nhằn. Những bức ảnh sẽ giúp chúng ta lưu lại những khoảnh khắc không bao giờ có thể lặp lại lần nữa trong đời. Tự sâu bên trong mình, những gì hoa mỹ, bóng bẩy sẽ không bao giờ hợp với tôi nên hình ảnh của tôi luôn là khoảnh khắc, nhưng mỗi khoảnh khắc bắt gặp ấy sẽ là một câu chuyện. Tôi thích vô cùng khi nhìn những khuôn hình của mình tự thân kể những câu chuyện của riêng nó, không sắp đặt, không trừu tượng”.

Có lần tôi hỏi anh có “sống” được với nghề không, khi nhiều giá trị bây giờ ít nhiều bị đảo lộn. Anh lại vội vàng “khoe” cuộc triển lãm của mình ở Thụy Sĩ như một câu trả lời cho tình yêu nghề. Một doanh nhân người Thụy Sĩ đã tự tìm đến anh và tài trợ anh một hành trình vừa triển lãm vừa sáng tác tại Thụy Sĩ chỉ vì ông yêu nghệ thuật. Đời người, thực sự luôn có những điều kỳ diệu.

Với một nghệ sĩ nhiếp ảnh tự do, cơ duyên được mang hình ảnh con người, đất nước Việt Nam ra triển lãm, giới thiệu ở nước ngoài là một niềm hạnh phúc. Anh đã vô cùng cảm động khi nhìn biểu cảm thích thú, ngạc nhiên của mọi người trong cuộc triển lãm đó và anh biết chắc chắn đây chính là nghiệp, bởi anh luôn tin vào chữ nghiệp trong nghề của mình. 
Nên “sống” được hay không, với anh bây giờ đã không còn là điều bận tâm hàng đầu nữa. Khi đã lỡ yêu rồi, sao lại tính toán so đo. Điều được của anh chính là những chuyến thiện nguyện đến các mái ấm từ lợi nhuận do anh bán sách. Ai cũng biết anh chăm chỉ làm từ thiện y như cách anh chăm chỉ sáng tác mỗi ngày và cũng như tính cách của anh - âm thầm, nhẹ nhàng. 

Lan Khôi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI