Tới Đà Lạt mà không gặp Phước khùng MPK thì thấy như thiếu sót điều gì đó. Phước khùng nổi tiếng với những bức ảnh chụp thiên nhiên (giọt sương, mắt côn trùng, hoa, phong cảnh Đà Lạt…) thật tinh tế. Không biết từ bao giờ nhưng dần dần một gã nghệ sĩ phong sương lang thang khắp Đà Lạt để chụp những tác phẩm nghệ thuật dần trở thành một phần không thể thiếu của đời sống Đà Lạt. Gặp MPK tại café Tùng hay tìm tới nhà MPK phải đi qua năm bảy con dốc và thật thú vị khi được trò chuyện với nghệ sĩ dị thường này.
Quen và quyết lấy nhau trong vòng ba ngày
Phóng viên: Mười năm rồi không gặp, hình như không thấy anh thay đổi nhiều.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phước khùng MPK: À, tôi vừa tìm thấy một chiếc quần jeans trong đống đồ, không rõ nó ở đâu ra, thế mà mặc nó vẫn vừa, từ năm 1997 là triển lãm đầu tiên ở Hà Nội. Trời, giờ tôi đã 63 tuổi rồi.
* Anh vẫn hay chụp côn trùng chứ?
- Ngày nào tôi chẳng chụp. Nhiều khi ngồi xem lại, thấy “sao đã quá”. Mười mấy năm không biết bao nhiêu ảnh. Giờ ngồi lọc lại định triển lãm mấy chục bức rồi lần hồi lên tới 108 bức. Côn trùng cho ta nhiều bài học hay lắm. Ví như có lần thấy đôi bọ yêu nhau giữa trời, tôi chụp bằng ống kính lật ngược, xong nó đẻ trứng, trứng nở ra con sâu, con sâu thành con kén, mà tôi chụp được luôn, không hề sắp đặt, toàn là vô tình. Rồi sau nó trở thành con ngài, bay lang thang, rồi dính mạng nhện.
Sau đó, nó bị con nhện ăn. Con nhện ăn no, rơi xuống đất, bị con kiến lang thang “chén” luôn. Con kiến đi, lại bị dính vào mật cây và chết… Tôi lại chụp được cảnh một con kiến nhìn thấy một con kiến chết, nó giật mình thảng thốt và tôi thấy cái vẻ mặt thảng thốt ấy của con kiến.
Có lẽ, đó là những cái mà thiên nhiên tặng cho tôi, cho tôi thấy, cho tôi cái gọi là “kiến” (nhìn), cảm nhận được vòng tròn của tạo hóa. Tôi đặt chủ đề của loạt tác phẩm này là “Ồ” - nghĩa là sửng sốt và òa vỡ trước sự sắp đặt tuyệt vời của tạo hóa.
* Tin anh lấy vợ, một cô gái trẻ học trường viết văn Nguyễn Du, khiến khá nhiều người thảng thốt. Hai người quen nhau lâu không, sao quyết lấy nhau nhanh thế?
- Tôi quyết định lấy Tiên trong ba ngày. Về Sài Gòn, mấy người bạn tôi cảnh báo: “Khùng, mày cẩn thận đấy, tìm hiểu từ từ chứ, sao vội vàng thế!”. Tôi bảo: “Tao già rồi, tìm hiểu làm chi nữa”.
* Phải chăng đó là tình yêu sét đánh?
- Tôi ngồi với cô ấy ở café Tùng. Tôi nghĩ: “Ô, con nhỏ này bày đặt làm thơ, làm nhà thơ”. Nói chuyện xong, tôi thấy, ồ, con nhỏ này, sao nó giống mình vậy ta (khùng, giống mình). Rồi tôi rủ cô ấy đi chơi riêng. Ba ngày sau, tôi nói với Tiên: “Em ơi, thôi mình về ở với nhau trong sự nghèo khó đi”. Cô ấy đồng ý.
Tôi nhìn thấy Tiên, như nhìn thấy mình vậy đó.
Cảm ơn con đã cho cha làm người lớn
* Hồi cưới, anh lấy đâu ra tiền vì người ta đã quen với hình ảnh một Phước khùng lang bạt một thân một mình?
- Hồi cưới, thật sự tôi cũng không có tiền. Tôi nói với một người bạn: “Nè, tao thích con nhỏ kia làm vợ tao quá! Tao muốn cưới nó…”. Bạn tôi bảo: “Anh quyết thật không?”. Tôi bảo: “Thật”. Thế là bạn tôi cho tất cả chi phí để cưới. Mẹ tôi gọi từ Mỹ về hỏi: “Ủa Phước, ơi con lấy vợ à?”. Thế là bà gửi về cho ít tiền mừng cưới hai đứa; sắm cho con dâu ít kiềng, vòng, khuyên tai… vàng.
|
Bé Châu Tâm là món quà tuyệt vời nhất mà tạo hóa ban tặng đôi vợ chồng nghệ sĩ này |
* Con gái ra đời đã làm anh thay đổi thế nào?
- Nhờ con, tôi mới làm người lớn. Bởi, người lớn là người biết lo cho người khác. Trước kia, tôi chỉ là đứa con nít, có lo cho ai được đâu. Giờ tôi biết đi chợ, mua rau, mua cá.
Lần đầu tiên tôi biết một sự lo lắng rất khác lạ. Tôi có viết trên Facebook: “Cảm ơn con, con đã cho cha làm người lớn”. Tôi đặt tên con là Châu Tâm, có nghĩa là cái tâm quý báu, cái tâm chân thật.
* Anh có cảm thấy mất đi sự tự do khi bước vào hôn nhân?
- Có nhiều người hỏi tôi về sự tự do. Tôi hỏi lại họ: “Tự do là gì? Trên thế giới, người ta còn mông lung về tự do. Với tôi, tự do nghĩa là không sợ hãi. Nên mình làm một việc mà không còn sự sợ hãi, đó có nghĩa là tự do”.
Từ dân bốc vác đến nhiếp ảnh gia
* Anh đến với máy ảnh như thế nào?
- Trước khi đi vào nhiếp ảnh, thời bao cấp, tôi đói lắm. Tôi đi làm bốc vác. Một ngày vác 3 tấn lúa, gạo mà chả được bao nhiêu tiền công. Một lần, ngày tết, tôi với bạn đi mua vải về đặt may mỗi đứa một bộ quần áo, diện cho bõ cái tết nghèo. Chúng tôi xuống hồ Xuân Hương, chụp một tấm hình làm kỷ niệm. Người ta lấy 8 đồng một tấm. Tôi sửng sốt: chụp một tấm hình được 8 đồng, kiếm tiền dễ vậy sao? Sau tết đó, tôi quyết gom góp tiền, mua cái máy ảnh rẻ, mà chả biết chụp.
Tôi tìm hỏi mấy ông thợ ảnh già nhưng chẳng ai mách cho vì sợ mất nghề. Cuối cùng, tôi lấy phim lắp vào, may cái máy đó chỉ có một tốc độ, nên cứ thế mà chụp bừa. Khi đem rửa hình, mấy người làm phòng tối mắng: “Chụp dốt như gì ấy, mày phải chụp thế này chứ…”. Thế là tôi biết chụp. Nên ai hỏi vì sao mà đến được với cái máy ảnh, tôi nói thật là do đói quá. Chụp một năm sau, tôi mua được cái máy tốt hơn là Fujica.
* Thế từ khi nào mà anh thợ chụp dạo bước vào con đường nghệ thuật… khùng khùng điên điên?
- Một lần mùa hè, có khách vào thuê chụp hình ở thung lũng tình yêu, tôi chụp khách đoàn rất nhanh, như một cái máy. Và tôi chợt thấy một đám mây, chu choa, nó đẹp quá. Đám mây vẫn lững lờ. Tôi lấy tay khum đám mây lại, lấy máy ảnh bấm một phát. Trước kia tôi quan niệm nghệ thuật chỉ là cần câu cơm nhưng giờ đây, nghệ thuật là phương tiện thể hiện khát vọng cuộc sống.
Rồi tôi bỏ hết, được bao nhiêu tiền, bỏ vô theo nghệ thuật, quay ngoắt 180 độ, không chụp dạo mà chỉ thích lang thang chụp thiên nhiên và theo nghệ thuật. Tôi cảm thấy bình an. Và tôi hiểu ra: khi tâm hồn mình bình an, lúc đó mới biết yêu nhau một cách tròn nghĩa hơn. Còn nếu phải yêu thì đó không phải là tình yêu.
* Tôi cũng thấy thiên nhiên trong sáng, hồn nhiên qua góc nhìn của anh.
- Tôi chỉ chụp ngẫu hứng, không bao giờ mang ý tưởng áp đặt thiên nhiên. Tôi đã viết cho tôi câu chuyện này: “Một hôm mây bay qua núi, gặp một cái cây già. Cây hỏi: “Mây ơi, mây bay nhiều thế, mây có kinh nghiệm gì không?”. Mây cười trả lời: “Mây nào có kinh nghiệm gì, bởi vì mây không bao giờ trở lại nơi chốn mây đã bay qua. Mây chào tự do và bay đi”.
* Có vẻ nhiều ngụ ý trong đó, đôi khi tôi thấy anh sử dụng nhiều câu… triết học?
- Không, tôi chỉ là một kẻ lang thang. Cái quan trọng, tôi nghĩ, mình được gieo ở Đà Lạt, thì mình yêu quý Đà Lạt như mẹ như cha, mình thật thiện tâm thôi.
* Tôi thấy anh đeo nhiều nhẫn, vòng theo kiểu Mật tông. Phải chăng có điều gì đó rất chiêm nghiệm mà anh đã trải qua?
- Tôi nghĩ, nếu còn tâm phân biệt tôn giáo thì chưa ổn. Các vị đều là đấng cứu sinh cả. Đức Phật, Chúa đều nói đến lòng từ bi và bác ái. Thực chất chỉ là một, chỉ khác nhau về từ ngữ, thế là người ta đánh nhau về từ ngữ.
Có lần tôi đi chụp sương, mặt trời nằm trong giọt sương. Cái to lớn nằm trong cái nhỏ bé, đó là sự dung hợp giữa cha trời và mẹ đất. Hôm đó, tình cờ tôi thấy con sâu trên cọng cỏ. Tôi quan sát và chụp bằng ống kính micro, ánh mắt của con sâu ánh lên đẹp chưa từng thấy. Chụp xong sướng quá, tôi cứ cười khùng khục và bảo bạn tôi: “Đẹp quá mày ơi!”.
Đó là nụ cười hạnh phúc thật sự. Thế là nguyên cả năm tôi đi chụp mắt côn trùng. Tôi hiểu rằng, chân hạnh phúc chỉ đến với con người khi trong tâm trí không phân biệt đối đãi. Trước đây mình còn phân biệt đây là con côn trùng dơ bẩn, nhưng khi mình không phân biệt, mình mới thấy được vẻ đẹp bên trong của nó. Đặc biệt, khi chụp, tôi rất ít khi nắn sửa bởi tôi thấy, sửa mình còn quan trọng hơn là sửa người khác.
Nhà thơ Hồng Thủy Tiên: Em 'cưa' anh Phước, Phước mời em một tô mì
Phóng viên: Khi gặp Phước khùng MPK, Tiên đang trong “tình trạng” thế nào?
Nhà thơ Nguyễn Hồng Thủy Tiên: Khi gặp Phước, trước đó, em từng trải qua một giai đoạn “xuống đáy”, nghĩa là gặp nhiều cú sốc. Em đã tĩnh tâm một thời gian và bắt đầu tạo dựng mọi thứ lại từ đầu tại Sài Gòn. Gặp Phước, âu cũng là duyên lành để em xác định được điều gì là quan trọng nhất trong giai đoạn đó.
* Nghe nói cuộc gặp gỡ bất ngờ tại café Tùng đã tạo nên mối lương duyên giữa Tiên và Phước?
- Café Tùng chỉ là địa điểm thứ hai, chính xác địa điểm đầu tiên là quán mì Quảng ở đường Nguyễn Văn Trỗi - Đà Lạt. Khi mới gặp, Phước mời em ăn một tô mì - điều đó làm em cảm động.
* Cái chuyện chỉ ba ngày là biết nhau, chỉ ba ngày biết là của nhau là sự thật hay... tiểu thuyết?
- Chuyện ba ngày biết nhau thực ra chỉ là một cách nói tượng trưng. Thực sự, chỉ ba giây thấy Phước, em đã biết anh là mẫu đàn ông mình thích. Ba ngày là khoảng thời gian để xác định tình cảm: bạn văn nghệ, bạn xã giao hay bạn đời.
* Sự đồng cảm đầu tiên mà Tiên cảm nhận được ở Phước là gì?
- Sự đồng cảm đầu tiên giữa em và Phước, chính là cái chất “khùng, điên” - chất này không phải khùng điên bệnh lý, mà là chất xúc tác cần thiết để vươn tới đỉnh cao nghệ thuật của người nghệ sĩ, của tâm hồn đồng điệu. Thấy Phước, như em thấy chính mình.
* Anh Phước có nói câu: “Tiên ơi, mình lấy nhau trong sự nghèo khó đi” cũng cảm động nhỉ, nhưng đó có phải sự cản trở?
- Chị biết không, em vào nhà anh ấy, trời ơi, lắm rác quá. Anh ấy quanh năm chỉ ăn mì gói. Trong nhà chỉ có mì gói và còn đúng một quả cà chua. Thảm lắm! Nhà lúc đó chỉ là nhà mượn. Và em nghĩ, có lẽ sự nương tựa vào nhau cũng bắt đầu từ đó.
Em biết sống với nghệ sĩ không dễ dàng
* Ai là người đề xuất mình phải làm lễ cưới đàng hoàng, chứ không đơn giản chỉ là sống chung?
- Lễ cưới là em đề xuất. Yêu là chân thành, trách nhiệm, ràng buộc pháp lý, danh chính ngôn thuận... Đó chính là viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng hạnh phúc - sự tin cậy được xác tín.
|
Trong ngôi nhà nhỏ của MPK luôn có sự hiện diện của thiên nhiên |
* Em có phải tìm cách thích nghi với cuộc sống sau hôn nhân không? Có điều gì “vỡ toang” không?
- Em phải học thích nghi cuộc sống hôn nhân. Bởi cả hai đều có cái “tôi” lớn, em phải nhún nhường, lùi lại, sống chậm lại để xác định cái gì quan trọng, cái gì không, cái gì cần thiết cho cuộc sống chung này. Em đã lường trước, sống với nghệ sĩ không dễ dàng, để không ảo mộng quá nhiều.
* Anh Phước đã chụp rất nhiều ảnh thiên nhiên và con gái khi mới sinh, em có thể chia sẻ đôi chút?
- Anh Phước chụp rất nhiều ảnh khi ở bệnh viện chăm hai mẹ con, đó là sự vui sướng, náo nức, mong có một món quà ý nghĩa tặng em và con, điều đó giản dị nhưng làm em cảm động. Anh không có nhiều vật chất nhưng có những thứ quan trọng hơn cả vật chất, nên em rất trân trọng.
* Thi thoảng thấy em chia sẻ về chuyện người ta “chế giễu” việc em lấy một người lớn tuổi như anh Phước, em có buồn?
- Em vẫn chia sẻ chuyện họ giễu cợt, đấy cũng là cách để giải tỏa tâm trạng, xoa dịu tâm lý bức xúc, vì em rất ghét chuyện đời tư bị đem ra mổ xẻ nhưng biết đâu họ chưa bao giờ nếm trái ngọt của tình yêu chân chính.
|
Tác phẩm nhiếp ảnh ấn tượng của MPK |
* Em thấy có gì thay đổi trong anh ấy không?
- Sự tác động của gia đình đến anh Phước, như anh tự nhận “con dạy cha làm người lớn”, từ “lão ngoan đồng” vô ưu sống hết mình với nghệ thuật, anh trở thành người chồng người cha trách nhiệm, đầy thương yêu. Em không cố gắng tác động hay thay đổi chồng mình. Em trân trọng gia đình mình và nghĩ rằng mỗi người phải tự thay đổi để phù hợp với đời sống mới.
* Được biết ngôi nhà do hai vợ chồng tự tay tạo dựng. Hình như đây là lần đầu tiên, Phước khùng có ngôi nhà đúng nghĩa?
- Như anh ấy chia sẻ, đây đúng là ngôi nhà đầu tiên của anh ấy, cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Anh Phước đã tự mày mò làm ngôi nhà gỗ này, em không nghĩ đây là sự chiều chuộng, mà là sự thấu hiểu. Trong thấu hiểu, thương yêu chính là chìa khóa. Hạnh phúc thì không cần phải cố gắng, quan trọng cái nhìn về hạnh phúc như thế nào, biết đủ là đủ. Anh Phước đi xin gỗ về làm nhà còn em khuân vác xuống. Anh Phước rất vui và tự hào khi lấy được “người vợ lực điền”. Hai vợ chồng cứ túc tắc làm cái nhà, hai, ba năm chưa xong. Anh đóng từ giường ngủ, bàn, ghế, chạn…
Em không có bí quyết gì, chỉ biết yêu thật nhiều
* Bí quyết sống chung với một người như anh Phước là gì?
- Với một người như anh Phước, em chẳng có bí quyết gì cao siêu cả, chỉ yêu thật nhiều.
|
Gia đình nhỏ của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phước khùng MPK trong ngôi nhà được dựng từ tình yêu của họ |
* Tiên cảm nhận thế nào về các bức hình anh chụp hoặc cách sống, ứng xử của anh?
- Với Phước, tất nhiên nếu trả lời chị, em chỉ sẽ nói những điều hay, tích cực. Nhưng em thích thẳng thắn, anh vẫn là một người đàn ông bình thường, có tốt, có xấu. Tác phẩm của anh đã được sự công nhận khẳng định của công chúng thưởng lãm, mỗi người một gu riêng, em không muốn lạm bàn.
Anh sống thật, điều đó tốt, nhưng cái sự thật của anh chưa chắc ai cũng chịu nổi... Nói sao nhỉ, anh có cái kiểu “độc đoán” nhất định. Quan trọng là chúng em đã có Châu Tâm, đây chính là quà tặng ngọt ngào nhất của tạo hóa ban cho bọn em.
* Đời quả thật đã cho em nhiều thứ sau những nỗi buồn riêng, phải không?
- Đến với anh Phước, em là kẻ mồ côi, sống đơn độc. Và em cảm nhận cuộc sống của anh Phước cũng như vậy. Hai kẻ như hai mảnh ráp thành một cuộc đời trọn vẹn cho Châu Tâm. Còn riêng em, biết đối diện với mình, sống thật với mình, chấp nhận ưu nhược điểm của mình, của đối phương để đồng cảm, thấu hiểu và trân trọng nhau hơn, thì tình cảm sẽ bền chặt.
Codet Hanoi (thực hiện)
Ảnh: Lê Bích và nhân vật cung cấp