Ngọn lửa nghề có sức lan tỏa kỳ lạ
Nghệ sĩ nào cũng yêu nghề nhưng ngọn lửa nghề của Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Xuân Quan lại có sức lan tỏa kỳ lạ, không chỉ “hớp hồn” người xem qua các màn trình diễn xuất thần mà còn lôi cuốn cả bạn diễn. “Giỏi nghề lắm”, “diễn hay lắm”, “nhập vai xuất thần lắm” là những lời đồng nghiệp thường nhắc về ông.
 |
Nghệ sĩ nhân dân Xuân Quan cùng các nghệ sĩ nhà hát nghệ thuật hát bội TPHCM biểu diễn phục vụ du khách - Ảnh: Quốc Thanh |
NSND Hữu Danh - bạn nghề lâu năm của NSND Xuân Quan ở nhà hát nghệ thuật hát bội TPHCM - nhận định: “Xuân Quan làm vai kép, lão, tướng hay hề đều rất giỏi”. Trong sự nghiệp của mình, Xuân Quan có nhiều vai diễn để đời, từ tuồng lịch sử đến tuồng thầy, đặc biệt có vai Dư Hồng (tuồng Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu) không chỉ ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả mà còn làm cả đồng nghiệp từ Bắc vô Nam biết tiếng, nể phục.
Đạo diễn, Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Lê Nguyên Đạt qua bao năm vẫn nhớ cảm giác khi xem NSND Xuân Quan diễn trích đoạn Châu Xán qua sông: “Không biết lực ở đâu ra mà khủng khiếp vậy. Từ những lần được xem những vai mẫu, tôi kính phục tài năng của anh Xuân Quan mà cách đây gần 20 năm, khi là lãnh đạo Khoa Kịch hát dân tộc, Trường cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh TPHCM (nay là đại học), tôi đã thuyết phục anh về truyền dạy vũ đạo cho sinh viên”.
Nếu các vai Dư Hồng, Châu Xán… thể hiện kỹ năng vũ đạo đỉnh cao của NSND Xuân Quan thì những lớp diễn tâm trạng của Trịnh Ân (Trảm Trịnh Ân) hay Từ Hải Thọ (Xử bá đao Từ Hải Thọ) cũng lôi cuốn không kém. NSƯT Ngọc Nga - nguyên Phó giám đốc nhà hát nghệ thuật hát bội TPHCM, bạn đồng môn của NSND Xuân Quan tại Trường Nghệ thuật sân khấu II và cũng là bạn diễn ăn ý lâu năm - bày tỏ sự mến mộ đối với NSND Xuân Quan: “Mình là nghệ sĩ mà coi Xuân Quan diễn còn mê. Hát với Xuân Quan rất thích vì không những ổng rất giỏi nghề mà còn chú ý nâng bạn diễn. Tôi nhớ nhất khi diễn cùng ổng tuồng Xử bá đao Từ Hải Thọ, nghe ổng thoại thôi đã muốn khóc rồi”.
Ông Võ Hồ Hoàng Vũ - Chánh văn phòng Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, nguyên Giám đốc nhà hát nghệ thuật hát bội TPHCM - thì đặc biệt thích vai Đặng Trần Thường (Đài thiêng) của NSND Xuân Quan. Đó là một vai phản diện nhưng chinh phục đông đảo khán giả lẫn giới làm nghề, mang về cho ông chiếc huy chương vàng một kỳ hội diễn. “Tôi thích tinh thần trách nhiệm của anh Quan trong từng vai diễn. Dù vai lớn hay nhỏ, anh luôn dồn hết tâm huyết vào đó, hết lòng nghiên cứu và diễn hết mình. Trong mọi suất diễn, anh Quan là một trong những người luôn đến sớm và luôn là người hóa trang đầu tiên trong đoàn. Anh có thể rất vui vẻ, hòa đồng nhưng lên sân khấu luôn rất nghiêm túc, chăm chút…” - ông Võ Hồ Hoàng Vũ kể.
Tận hiến đến phút cuối cùng
“NSND Xuân Quan có đóng góp rất lớn cho công tác đào tạo, truyền nghề hát bội. Từ lớp đào tạo đầu tiên của nhà hát vào năm 2002, Xuân Quan đứng đầu khâu này. Lực lượng biểu diễn nòng cốt của nhà hát nghệ thuật hát bội TPHCM hiện nay đều trưởng thành từ đây” - NSƯT Ngọc Nga cho biết.
NSND Xuân Quan (tên thật là Trần Văn Quan), sinh năm 1961 tại TPHCM, qua đời vào chiều 29/3 vì ung thư. Tang lễ diễn ra tại nhà riêng (2665/37 Song Hành, quận 12, TPHCM). Lễ động quan diễn ra vào 14g ngày 1/4, sau đó hỏa táng tại trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa. |
Với nghệ sĩ Bảo Châu (kép chánh của nhà hát nghệ thuật hát bội TPHCM), NSND Xuân Quan còn hơn cả một người thầy khi là thần tượng và cũng là người đưa anh đến với nghề. “Hồi 14-15 tuổi, lần đầu tiên tôi coi thầy hát vai Lữ Bố lớp đãi yến (Phụng Nghi Đình), tôi rất thích thầy múa kích với vuốt lông trĩ. Lúc đó, tôi chưa biết gì về nghề nhưng coi hát thấy thầy múa đẹp quá nên mê, coi riết tới thuộc tuồng luôn. Thầy thấy vậy kêu tôi vô nhà hát học đi, thầy dạy nghề cho…” - anh kể.
Từ hàng ghế khán giả dõi theo thần tượng, những Lữ Bố, Triệu Tử Long, Trịnh Ân, Từ Hải Thọ… đã “thấm” vào Bảo Châu từ bao giờ không hay. Từ khi NSND Xuân Quan nghỉ hưu, các vai của ông để lại đều do Bảo Châu đảm nhận. Anh vẫn nhớ lời khuyên của thầy: “Lên sân khấu, con không cần phải mặc đồ đẹp, quan trọng là ca hay, diễn giỏi, múa đẹp. Hát làm sao cho khán giả hiểu, thu hút được khán giả đến với loại hình hát bội của mình”. Người thầy ấy luôn theo sát học trò từ từng nét vẽ mặt, chỉ cặn kẽ từ cách hát đến vũ đạo, luôn động viên học trò ráng học nghề cho giỏi, đừng làm biếng… “Đó là những bài học mà tôi mang theo cả đời” - Bảo Châu rưng rưng.
 |
NSND Xuân Quan trong vai Nguyễn Trãi, vở Vụ án Lệ Chi viên, đã đoạt huy chương vàng cá nhân Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2019 - Ảnh: Ngân Anh |
Gần 20 năm qua, theo lời mời của NSƯT Lê Nguyên Đạt, NSND Xuân Quan đã truyền dạy vũ đạo cho sinh viên cải lương tại Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM. Cũng chừng ấy năm, cả hai đồng hành trong việc chọn lựa những tài năng trẻ đến với các cuộc thi tìm kiếm tài năng cải lương hay đi truyền nghề ở các tỉnh.
“Trong giai đoạn cuối, dù biết anh đã mệt nhưng với nguyện vọng của anh, chúng tôi vẫn cùng nhau thực hiện 2 tác phẩm dự Liên hoan cải lương toàn quốc 2024: vở Chất ngọc Cầm Thi giang (nhà hát Tây Đô) và Tây Sơn nữ tướng - Chói rạng sơn hà (sân khấu Sen Việt). Các màn vũ đạo, đặc biệt là bài múa kiếm của Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân trong Tây Sơn nữ tướng - Chói rạng sơn hà do Minh Trường và Bình Tinh thể hiện, cũng do anh dàn dựng, dù có lần thị phạm, anh đã té ngã. NSND Xuân Quan đã tận hiến đến phút cuối cùng cho sân khấu” - NSƯT Lê Nguyên Đạt chia sẻ.
Sự ra đi của NSND Xuân Quan thực sự là mất mát không thể bù đắp của nghệ thuật hát bội lẫn sân khấu truyền thống TPHCM và cả nước.
Ngọc Tuyết