Nghệ sĩ nhân dân Lê Khanh: “Tôi chưa cho cưới đâu nhé!”

25/05/2016 - 16:50

PNO - Nếu với NS Trà Giang, Dòng sông hoa trắng là bộ phim đánh dấu việc khép lại một sự nghiệp diễn viên lẫy lừng, thì với Lê Khanh lại khác.

Đó lại là cột mốc mở ra một chặng đường mới cho cuộc đời phía sau những vai diễn: quyết định về sống chung một nhà với người mình yêu - nhà quay phim Phạm Việt Thanh.

Giai đoạn một

Một chiều Hà Nội, thời tiết đang vào cái “rét nàng Bân” nhưng chỉ hơi se lạnh, trong căn phòng xinh xắn được dùng làm “bản doanh” từ ba năm nay của bà Phó giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ Lê Khanh, vừa nhâm nhi tách cà phê nóng do chính chị pha, tôi vừa nghe chị tỉ tê “chuyện hai đứa” của chị. Trên sân khấu hay trong đời thường, dường như lúc nào Lê Khanh cũng đẹp, bất chấp thời gian. Phía sau vẻ đẹp ấy còn là một tư chất thông minh, tính ưa hài hước nên chuyện tình của chị tưởng sướt mướt nhưng lại hóa dí dỏm. Ký ức lật giở tới đâu, gương mặt chị bừng lên hạnh phúc tới đó, nụ cười không chỉ nở trên đôi môi xinh mà còn lấp lánh trong ánh mắt tinh nghịch.

Lần đầu họ giáp mặt là khi đoàn phim SBC (viết tắt chữ Săn bắt cướp, phim nhựa màu, ba tập) tổ chức chụp ảnh để chọn người đóng vai nữ tu Băng Thanh. Nhiếp ảnh gia kiêm nhà quay phim là Phạm Việt Thanh, diễn viên đến thử vai là Lê Khanh. Lê Khanh trong mắt Phạm Việt Thanh lúc ấy:“Là một cô dáng gầy, có cặp mắt vui vui, lễ phép, rất thận trọng, hình như luôn nghĩ các chàng trai sẽ tán tỉnh mình. Mình không tán nên cô thận trọng gọi mình bằng chú. Cũng thừa thôi cô em ạ, mình cười thầm”.

Nghe si nhan dan Le Khanh: “Toi chua cho cuoi dau nhe!”
NSND Lê Khanh

Còn trong trí nhớ của Lê Khanh, buổi chụp ảnh ấy không để lại ấn tượng gì sâu sắc nhưng chuyện diễn ra sau đó, theo chị, lại chính là sự khởi đầu cho một định mệnh. Vì phải nán lại Sài Gòn để quay cho xong cảnh cuối một bộ phim khác nên Lê Khanh về tới Cần Thơ thì đã hai giờ sáng. Nhân viên lễ tân khách sạn đã nghỉ, cô tu sĩ Băng Thanh của SBC phải vào ngủ tạm chung phòng với các chị lớn của đoàn phim đã xuống từ trước.

Nghe mấy chị buôn chuyện về một ai đó, rằng là người gai góc, ăn nói thô bạo, cô tò mò hỏi ai thì được trả lời: “Cái lão Thanh “khàn” quay phim này (SBC). Mày phải làm việc với lão, cẩn thận đấy”. Lê Khanh vừa buồn, vừa hoảng, nghĩ đến cái chặng phải làm việc với “lão” này đến ba tháng ròng, rồi tự nhủ mình phải cố gắng chỉn chu, đừng để “lão” làm cho mất mặt. Cùng lúc, ở phòng bên, nghệ sĩ Tất Bình đang đi phó cho đạo diễn Trần Phương, cũng cất giọng răn đe nhà quay phim Nguyễn Việt Thanh: “Con đấy nó “bôn” lắm, mày cẩn thận không khéo nó đòi về thì chết”

Hôm sau và nhiều hôm sau nữa, ra hiện trường, Lê Khanh ngạc nhiên sao “lão” này ăn nói, cư xử nhẹ nhàng, rất biết chăm sóc; công tác nghệ thuật thì ăn ý, hai anh em bàn bạc nhuần nhuyễn, đồng cảm, lúc nào cũng động viên nhau. Dần dần Lê Khanh nhận ra đó là một người anh lớn, rất tâm lý, khiến cô cảm thấy thoải mái, dễ chịu, đồng thời nhận ra ông anh rất… an toàn.

Nhưng cũng chính vì sự phối hợp ăn ý, tạo hiệu quả cao trong công việc đã làm cho mối quan hệ của họ mỗi lúc một thêm thú vị và Lê Khanh mơ hồ nhận ra hình như có cái gì đó bất thường đã bắt đầu. Trong mắt cô diễn viên trẻ, Thanh “khàn” (biệt danh của Phạm Việt Thanh vì giọng nói khàn khàn) còn là một người rất… hóm, thường khiến cô cười bằng những lời bông đùa dí dỏm. Phim SBC xong phần ghi hình cũng là lúc quan hệ của họ kết thúc giai đoạn một. Giai đoạn cả hai đều ở thế thủ để giữ sự chỉn chu trong mắt nhau.

Nghe si nhan dan Le Khanh: “Toi chua cho cuoi dau nhe!”
DV Lê Khanh và chồng

Ba cục xương

Giai đoạn hai cũng là quãng thời gian họ tìm cách được ở bên nhau, hết phim này đến phim khác, Phạm Việt Thanh nếu không quay thì cũng tìm cách giữ vai trò nhiếp ảnh, cốt để được làm việc chung với Lê Khanh. Lần làm phim Chiếc mặt nạ da người ở Đà Lạt, có cảnh thách đua ngựa trên đồi cù, Lê Khanh bị ngựa lồng lên, không nghe theo sự điều khiển, phải chủ động nhảy khỏi ngựa, rớt xuống đất như… đập tỏi, tuy không bị thương nhưng toàn thân ê ẩm.

Nhờ vậy, Thanh “khàn” có cơ hội “ngàn vàng” được cõng cô nàng “bọ ngựa” của mình di chuyển hết vạt đồi này sang vạt đồi khác cho những cảnh quay sau. Chứng kiến cảnh đó, nghệ sĩ Mạc Can gật gù:“Người đàn ông này có thể sẽ che chở cho Lê Khanh suốt cuộc đời”. Còn nhà quay phim Phạm Việt Thanh thì đang rất nỗ lực như trên đường đua kỳ thú:“Ngày ấy, để được nàng yêu thật gian nan. Mình phải viết đến hàng trăm lá thư mới có được cái hôn đầu tiên trong…lô cốt thời chiến tranh chống Pháp”.

Đúng như lời tâm sự của nhà quay phim Thanh “khàn”, để đến được trái tim một người “đẹp toàn tập” như Lê Khanh, anh đã phải vượt qua một con đường đầy gian nan.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI