Nguyễn Lê Phương Linh sinh năm 1990 tại Hà Nội, sống và làm việc tại miền Nam nước Pháp. Cô tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật ở Nimes (Pháp) với tấm bằng xuất sắc. Năm 2019, Linh là nghệ sĩ lưu trú trong chương trình Villa Saigon do Viện Pháp tại Việt Nam tổ chức. Cô cũng là nghệ sĩ đầu tiên được chọn trong chương trình Villa Saigon x A.Farm năm nay. Trong đợt lưu trú này, Linh giới thiệu triển lãm ảnh và video Từ điển hình ảnh với công chúng Việt Nam.
Tác phẩm được triển lãm tại Thư viện đa phương tiện IDECAF đến ngày 18/10, sau đó tiếp tục được hoàn tất để giới thiệu trong đợt mở xưởng (Open Studio) tại A.Farm (Q.12, TP.HCM) ngày 2/11. Từ điển hình ảnh của Nguyễn Lê Phương Linh là những bức ảnh và những đồ vật cũ gần như bị bỏ đi được cô nhặt nhạnh trên đường cùng đoạn video chủ yếu ghi lại các hình ảnh trong một hành trình phượt từ Nam ra Bắc. Video là những đoạn lắp ghép khá thú vị các câu chuyện nhỏ bắt đầu từ chữ A đến chữ Y trong bảng chữ cái tiếng Việt.
Sự xáo trộn, biến đổi từ dạng thức ban đầu sang dạng thức khác là tư tưởng xuyên suốt các tác phẩm của Phương Linh. Và như vậy, tác phẩm cũng sẽ được “biến đổi” trong mỗi không gian khác nhau bằng một cách sắp đặt khác nhau qua những lần triển lãm.
Phương Linh rời Hà Nội ở tuổi 16. Trong những lần trở lại Việt Nam, cô luôn ghi lại những điều mình thấy ở cuộc sống xung quanh như một sự tìm về cội nguồn, về ngôn ngữ mẹ đẻ để thấy mình không xa lạ với quê hương…
Sự tự nhiên luôn là thứ ngôn ngữ thú vị
Phóng viên: Cuộc sống và tâm lý của bạn đã thay đổi như thế nào trong thời gian mới sang Pháp?
Nghệ sĩ Nguyễn Lê Phương Linh: Lúc mới sang Pháp, tôi chưa nói được tiếng Pháp. Tôi sống ở vùng núi hẻo lánh thuộc miền Nam nước Pháp với gia đình mẹ. Cuộc sống nơi đây rất khác cuộc sống ồn ào ở Hà Nội nhưng rồi cũng quen. Vừa sang, tôi đã phải học chương trình lớp mười bằng tiếng Pháp nên luôn cố gắng nhiều để nói chuyện và hiểu bạn bè. Thời gian đầu vì vốn từ khá ít ỏi nên để giao tiếp, tôi thường vẽ hay chụp ảnh đưa cho bạn bè xem, ngạc nhiên là đôi khi họ hiểu ngay điều mình muốn diễn đạt. Có thể đó là “tiền đề” cho công việc của tôi hiện giờ.
|
Đất đá, công trường ngổn ngang là cảm hứng thường thấy trong các sáng tác của Linh |
* Văn chương có tác động nhất định đến tư duy và cảm xúc của bạn chứ?
- Chắc chắn rồi! Vì văn chương như tiếng nói. Tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ của tôi và tiếng mẹ đẻ thứ hai là tiếng Pháp. Văn chương Việt Nam đến với tôi từ những lời hát ru, bài đồng dao, ca dao, bài hát thiếu nhi, những bài thơ… Sang Pháp, tôi học kịch của Eschyle, Racine, Molière…; tác phẩm văn học, triết học của Platon, Pascal, Kant… Khi tôi học và bắt đầu hiểu ý nghĩa thì thấy cuộc đời đẹp hơn rất nhiều.
* Xem các tác phẩm của bạn, cảm giác như bạn dùng ngôn từ, máy ảnh, máy quay phim cho những cuộc chơi đùa, nghịch ngợm theo cách riêng. Ở đó không có sự trau chuốt, nếu không muốn nói đôi khi còn vụng về?
- Đúng rồi, tôi cố tình làm như thế. Cũng giống như tôi học đánh vần, đôi khi bị sai, rồi sửa lại. Cái máy ảnh hay máy quay kia tôi thích thì cho luôn vào phim, tôi cũng cho vào phim những cảnh mình đang lọ mọ với cái chân máy để tìm vị trí quay. Cái sự vụng về khi quay như hình ảnh bị rung lắc, bọn trẻ con sờ tay lên ống kính… tôi cũng cho vào. Tự nhiên mà, trau chuốt làm gì! Đây cũng như một thứ ngôn ngữ thú vị.
Muốn đi khắp nơi và ghi lại mọi thứ trước mắt mình
* Dường như nếu không có những chuyến đi sẽ không có những tác phẩm của Nguyễn Lê Phương Linh?
- Vâng, tôi muốn đi khắp nơi và ghi lại mọi thứ trước mắt mình. Phim trong triển lãm Từ điển hình ảnh là tôi sử dụng tư liệu trong những chuyến đi xe máy từ Nam ra Bắc năm 2012 và một ít hình ảnh mới quay sau này. Tôi trộn tất cả lại. Năm 2012, tôi đi phượt với một bạn người Czech đang học về ngôn ngữ học, muốn tìm hiểu về ngữ âm tiếng Việt qua các vùng miền. Chuyến đi đó như một cuộc khám phá về đất nước và con người Việt Nam qua các vùng đất khác nhau. Tôi muốn đi và nhìn để biết đất nước, con người mình xưa kia thế nào và đã đổi thay ra sao…
* Vì sao chủ thể trong tác phẩm của bạn có rất nhiều hình ảnh công trường, các công trình xây dựng dang dở, đất cát, bê tông, xe cẩu... - điều thường ít thấy trong tác phẩm của các nữ nghệ sĩ?
- Bố tôi là kiến trúc sư. Lúc tôi còn nhỏ và sống ở Hà Nội, bố thường đưa tôi đến các công trình bố đang thi công. Có lẽ những hình ảnh đó đã in dấu đậm sâu trong ký ức tôi. Vì vậy, dọc đường đi, các hình ảnh đó thu hút tôi một cách rất tự nhiên mà ngay cả bản thân tôi cũng không nhận ra.
* Chủ thể hình ảnh có vẻ rất nam tính nhưng dường như cách truyền tải trong tác phẩm của bạn lại rất nữ tính?
- Chắc là vì những hình ảnh tôi thực hiện có phần nào đó mềm mại và nên thơ. Hồi xưa, tôi đi chụp ảnh nhiều, những bức ảnh ấy cũng nên thơ lắm. Ví dụ như những tác phẩm trong series Vô đề (2012), tôi chụp phong cảnh và chân dung hay động vật, tĩnh vật và cứ để hình này so sánh với hình kia. Chụp lưng con bò ở Iceland thì liên tưởng đến hình ảnh núi đồi và hình ảnh núi đồi đó lại gợi liên tưởng đến hình ảnh bàn chân đang nhô lên trước cửa sổ. Chụp quả bóng bị rách tôi lại liên tưởng đến cảnh bên trong của cái hang có người đang nhìn ra ngoài. Chụp mảnh vải voan trên đất nông nghiệp của Pháp, tôi có cảm giác đó là mây bay trên những ngọn núi lửa xa xa. Sự nên thơ đó có phải là nữ tính như bạn nói không thì tôi không biết.
Hồi đầu tôi làm phim về các bạn thân: Maël, Rita, Paul - những người tôi quý mến, ghi lại những việc đang diễn ra một cách tự nhiên như để phác họa chân dung họ. Rita nói về một ngày bạn ấy đến xem trại tị nạn cho người nhập cư bất hợp pháp ở Marseille, nói chuyện với những người hàng xóm sống đối diện trại đó. Maël thì được quay vào một ngày tình cờ tôi đến thăm và thấy anh ấy đang sửa cái giếng cổ. Còn Paul thì đặt lều bên con sông và cứ ngồi chờ để chụp ảnh chim bói cá. Đơn giản thế thôi. Đôi khi tôi làm phim không có kịch bản. Cái gì đến thì tôi quay. Sự nhẹ nhàng là ở đây. Có thể đó là sự nữ tính như bạn muốn nói.
* Bạn cảm thấy mình như thế nào trong những ngày rong ruổi mải miết nhiều nơi trên thế giới?
- Cô đơn. Mặc dù đôi khi tôi có bạn đi cùng nhưng vẫn cảm thấy cô đơn. Ai xem ảnh có thể nhìn thấy điều đó. Tôi chụp rất ít chân dung hay con người, nếu có thì con người thường quay lưng lại hay nhìn về phía khác, không bao giờ nhìn vào ống kính. Họ bận rộn hay suy tư. Tôi thường chụp đồ vật, cái áo, hòn đá, chiếc cốc hay mẩu bánh mì trong ánh sáng ban ngày. Tất cả như những mảnh vụn của ký ức được ghi lại qua ảnh. Khi mình đi và học cách nhìn thì mình như chủ thể, có khoảng cách giữa mình và sự vật. Cái khoảng cách đó khiến mình có cảm giác gần gũi và cũng có cảm giác cô đơn.
Không chỉ những khi đi xa, đôi khi ở ngay tại nơi mình sống, tôi vẫn có cảm giác cô đơn. Có một tác phẩm năm ngoái tôi làm, quay video bầu trời sao và phong cảnh ở miền Nam nước Pháp nơi tôi sống. Tôi đi bộ ban đêm, quay cánh đồng, những con bò ăn cỏ, xe tải chở rơm, xe cẩu, máy xới đất trong công trường xây dựng... Tôi đi một mình cho đến sáng, thỉnh thoảng với con chó của tôi. Phim có hai màn hình, tròn như đôi mắt, như nhìn vào ống nhòm. Một màn có phụ đề Pháp, màn kia phụ đề Việt. Thỉnh thoảng chúng lại đổi chỗ cho nhau. Tên phim là Je connais rien sur ce qui se passe en haut / Em không biết gì hết về những điều xảy ra ở trên cao.
|
Phá vỡ hình thức trưng bày ảnh quen thuộc kiểu đóng khung, treo tường, Phương Linh đã in ảnh và trưng bày dưới sàn nhà |
Bất lực khi chứng kiến những thứ đẹp đẽ dần biến mất
* Bạn hãy kể cảm giác của bạn trong những lần vác ba-lô đi khắp Việt Nam?
- Cảm giác cũng bình thường, như đi ăn sáng và không quay về nhà nữa. Có cái gì đó đơn giản như bỏ nhà ra đi và không bị níu kéo. Rồi ngày qua ngày, những chuyến đi từ chỗ này sang chỗ khác là chuyện thường nhật. Tôi có cảm giác mình không bị phụ thuộc vào đâu, như là lang thang mặc dù cũng biết điểm đến của hành trình. Có nhiều cảm giác, lúc thì hứng khởi trên đường, lúc thì nản vì mưa tầm tã, ướt hết cả ba-lô, quần áo hay cảm giác như bị lạc lõng và bất lực khi nhìn thấy rừng bị cháy, thấy cây bị chặt, thấy người dân tộc đánh mất dần ngôn ngữ riêng của họ. Tôi thấy mình yếu đuối và không biết giúp thế nào để bản thân và loài người được tốt hơn.
* Trong những cuộc rong ruổi ấy, bạn tìm thấy gì và có những gì đã biến mất vĩnh viễn?
- Thực ra tôi chẳng tìm được gì cả mà chỉ thấy. Thấy nhiều thì buồn nhiều. Có những thứ tôi thấy đẹp như ngôn ngữ dân tộc, quần áo, cách xây nhà dân tộc… bây giờ cũng mất rồi và thay thế bằng tiếng Kinh, áo maillot, quần shorts, nhà rông thì lợp mái tôn, người H’Mông trồng ngô sử dụng hạt ngô màu hồng chóe của chất hóa học… Mất truyền thống thì buồn chứ! Ngay cả khi đó không phải là của mình. Họ đánh mất ngôn ngữ riêng của họ, bài hát xưa của họ.
Khi sang Pháp, thời gian đầu tôi có cảm giác mình đã đánh mất phần nào ngôn ngữ của mình nên đôi khi trở lại Việt Nam, tôi muốn tìm nguồn cội và tiếng nói dân tộc mình, tìm về với văn hóa cổ truyền nhưng mọi thứ đã đổi thay, lần nào tôi cũng thấy lạc lõng cô đơn. Đôi khi mình cảm thấy như có tội với dân tộc mình. Dường như thế giới đang chạy về một phía, có cản cũng không được. Thế là tín ngưỡng và tập tục đa dạng ngày càng mất đi.
|
Các chữ cái được trưng bày trên mặt đá vỡ liên kết với các đoạn phim Linh miêu tả từng chữ cái khá thú vị |
* Bạn thấy gì ở nghệ thuật đương đại Việt Nam?
- Thực ra tôi không biết nhiều về nghệ thuật đương đại Việt Nam. Phải chăng vì nghệ thuật đương đại Việt Nam đã và đang bị ảnh hưởng quá nhiều bởi nền nghệ thuật Tây Âu? Các bạn nghệ sĩ tôi quen, thuộc thế hệ tôi, làm nghệ thuật ở Việt Nam, cũng được đi du học, biết nhiều, hiểu nhiều về nghệ thuật thế giới. Khi quay về, các tác phẩm nghệ thuật của họ bị ảnh hưởng quá nhiều lịch sử, chính trị của Tây Âu.
Có những người cố gắng tìm hiểu về nghệ thuật cổ truyền Việt Nam và có sử dụng hình ảnh hay chất liệu đó để làm tác phẩm nhưng con mắt họ hay cách họ suy nghĩ cũng bị Tây hóa nhiều nên đôi khi tôi có cảm giác như bị gò bó và gượng ép. Mặt khác, cũng có nhiều nghệ sĩ nước ngoài sang Việt Nam làm nghệ thuật hay nghệ sĩ trong nước được tài trợ bởi nước ngoài nên có lẽ họ phải “thiêu thân” chút ít để làm thế nào cho hợp gu nghệ thuật đương đại với nước ngoài thì mới dễ bán tác phẩm… Biết là nghĩa của từ “đương đại” khá mơ hồ nhưng có một người đã nói với tôi rằng nghệ thuật Việt Nam không có đương đại.
* Trong khi đó bạn lại là một nghệ sĩ đương đại, bạn nghĩ công chúng Việt Nam có chia sẻ được với các sáng tác của mình không?
- Tôi nghĩ mình chia sẻ được với công chúng qua phim tôi làm vì nó gắn bó với hình ảnh đời thường và tiếng Việt qua ca dao, tục ngữ, bài hát và thơ. Tôi là người dân tộc Kinh, hiểu biết của tôi về Việt Nam còn hạn hẹp nhưng tôi vẫn muốn chia sẻ những mảng nhớ, khoảnh khắc sau những chuyến đi đó. Tình cờ thôi, gặp người này, người kia, cái này, cái kia, chuyện này, chuyện kia và mỗi thứ đan xen nhau như câu chuyện của ngôn ngữ và hình ảnh. Hơn nữa, tôi đan xen phụ đề, thuyết minh tiếng Pháp và tiếng Việt. Ví dụ trong phim Từ điển hình ảnh, ở chữ Y, tôi cho hai thứ tiếng “chơi với nhau” như bài karaoke Và tôi cũng yêu em của nhạc sĩ Đức Huy đã được dịch tiếng Pháp, người xem có thể hát bằng tiếng Pháp và tiếng Việt cùng lúc. Tôi nghĩ những điều ấy gần gũi với khán giả Việt Nam. Công chúng Pháp cũng xem được phim, khi ấy họ sẽ càng hiểu hơn về Việt Nam mình.
|
Một phần trưng bày trong triển lãm Từ điển hình ảnh |
"Tôi mạnh về hình ảnh hơn vì tôi có con mắt của người chụp ảnh. Hình ảnh đối với tôi nói lên được nhiều hơn là con chữ. Khi mình quay phim, ngôn từ đến như một sự dẫn dắt câu chuyện của các nhân vật trong phim. Họ nói, họ kể chuyện và tôi quay họ. Nó như là một thứ tài liệu sự thật việc thật. Sau đó, khi tôi dựng phim, từ phim này sang phim kia, có một điều gì đó rất nên thơ được tạo ra từ các chuỗi liên tiếp giữa những hình ảnh, âm thanh và chữ cái". Nghệ sĩ Nguyễn Lê Phương Linh |
Lam Hạnh (thực hiện)
Ảnh: nhân vật cung cấp