Nghệ sĩ nên làm gì để tránh việc quảng cáo sai sự thật?

18/06/2021 - 17:21

PNO - Thời gian qua, không ít nghệ sĩ vì chủ quan, thiếu sót nên đã quảng cáo quá mức, sai sự thật cho một số sản phẩm.

NSND Hồng Vân mới lên tiếng xin lỗi vì quảng cáo quá sự thật cho một viên sủi thảo dược. Trong đoạn quảng cáo, chị cho biết có bạn thân bị u xơ tử cung, nhờ sử dụng sản phẩm này đã giảm kích thước khối u. Để tăng sự tin tưởng, nữ nghệ sĩ còn đưa ra giấy siêu âm. Cục An toàn thực phẩm lên tiếng cho biết sản phẩm không có công dụng như quảng cáo.

Trước đó, nghệ sĩ Trung Dân cũng từng bị phát hiện dùng giấy khám bệnh giả để tăng cường sự tin tưởng của công chúng cho một loại thực phẩm chức năng ông quảng cáo. Chuyện vỡ lở, nghệ sĩ cho biết ông tin vào ê-kíp nên làm theo, xin lỗi khán giả.

Quyền Linh cũng lên tiếng xin lỗi quảng cáo quá sự thật cho một viên sủi. Diễn viên Lê Dương Bảo Lâm, Quang Thắng… cũng bị phản ứng vì nói quá cho sản phẩm. 

Luật sư Trương Anh Tú nhấn mạnh nghệ sĩ phải kiểm tra giấy tờ, thông tin cần thiết trước khi quảng cáo để không phạm luật
Luật sư Trương Anh Tú nhấn mạnh nghệ sĩ phải kiểm tra giấy tờ, thông tin cần thiết trước khi quảng cáo để không phạm luật

Nếu nắm rõ luật, NSND Hồng Vân, Trung Dân hay Quyền Linh có lẽ không rơi vào những trường hợp vừa nêu. 

Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, theo quy định của Luật Quảng cáo năm 2012 thì việc nghệ sĩ, người nổi tiếng thực hiện hoạt động quảng cáo thông qua mạng xã hội, vừa đồng thời là người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, vừa là người phát hành quảng cáo, vừa là người chuyển tải sản phẩm quảng cáo đến người tiêu dùng.

Người tiêu dùng được quyền yêu cầu người quảng cáo (tổ chức, cá nhân có yêu cầu quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình hoặc bản thân tổ chức, cá nhân đó - khoản 5, Điều 2, Luật Quảng cáo 2012) hoặc người phát hành quảng cáo bồi thường thiệt hại khi sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân đã quảng cáo. 

“Tuy nhiên, không ai mong muốn hậu quả xảy ra rồi mới yêu cầu bồi thường”, luật sư Trương Anh Tú nhấn mạnh.

Hoạt động thuê quảng cáo giữa cá nhân, thương nhân, có nhu cầu quảng cáo sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của mình với nghệ sĩ, người nổi tiếng hoặc các đơn vị quảng cáo gọi chung là hợp đồng dịch vụ quảng cáo. Một hợp đồng dịch vụ quảng cáo phải được ký kết bởi các bên có quyền và nghĩa vụ thực hiện hoạt động quảng cáo.

Là người nhận quảng cáo, trước tiên, nghệ sĩ phải đảm bảo đúng quy định pháp luật về quyền quảng cáo là đăng ký kinh doanh hoạt động quảng cáo làm nền tảng để ký hợp đồng dịch vụ quảng cáo với khách hàng. 

Trước khi thực hiện hoạt động quảng cáo, nghệ sĩ cần yêu cầu người quảng cáo cung cấp thông tin trung thực, chính xác về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo và các tài liệu liên quan đến điều kiện quảng cáo; kiểm tra các tài liệu liên quan đến điều kiện quảng cáo của tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cần quảng cáo. 

Trong quá trình thiết lập hợp đồng, điều khoản cung cấp thông tin phải được quy định rõ, trong đó người quảng cáo phải chịu trách nhiệm với thông tin được đưa ra.

Các loại giấy tờ thường phải được xem xét kỹ lưỡng: giấy phép kinh doanh, giấy phép lưu hành sản phẩm, giấy phép quảng cáo…
Điều 20, Luật Quảng cáo có quy định rõ, khi quảng cáo về hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và có ngành nghề kinh doanh hàng hóa/dịch vụ tương ứng. Quảng cáo cho các loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt phải có các tài liệu chứng minh về sự hợp chuẩn, hợp quy của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật. Khoản 4 điều này, quy định chi tiết cho những sản phẩm như: thuốc, mỹ phẩm, sữa, sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ…

Chẳng hạn, quảng cáo mỹ phẩm phải có phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định của pháp luật về y tế. Quảng cáo thuốc được phép quảng cáo theo quy định của pháp luật về y tế phải có giấy phép lưu hành tại Việt Nam đang còn hiệu lực và tờ hướng dẫn sử dụng do Bộ Y tế phê duyệt.

Giấy phép quảng cáo hay còn gọi là giấy xác nhận nội dung quảng cáo sẽ có những nội dung chính sau đây: tên cá nhân, thương nhân quảng cáo (giấy phép kinh doanh, địa chỉ, số điện thoại…), tên sản phẩm được quảng cáo (kèm theo số, ký hiệu của giấy xác nhận công bố sản phẩm hợp quy hoặc xác nhận sản phẩm đảm bảo an toàn chất lượng…), hình thức quảng cáo, nội dung quảng cáo. Đây là nội dung quan trọng mà nghệ sĩ, người nổi tiếng cần chú ý.

Khi người quảng cáo cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến điều kiện quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thì người tiếp nhận quảng cáo có thể thực hiện hoạt động quảng cáo.
Điều 7, Luật Quảng cáo nghiêm cấm việc quảng cáo các sản phẩm trong danh mục sản phẩm cấm kinh doanh như rượu trên 15 độ, thuốc lá…

Luật Quảng cáo nghiêm cấm các hành vi được quy định trong Điều 8 như: làm lộ bí mật nhà nước, thiếu thẩm mỹ, trái thuần phong mỹ tục… Trong đó, có một nội dung mà nghệ sĩ, người nổi tiếng hay phạm phải trong thời gian qua là quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá… của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố. Để tránh những điều này, buộc nghệ sĩ phải xem xét kỹ các thông tin đã nêu trên. 

Trung Sơn

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI