Theo tôi, việc nghệ sĩ nam giả nữ hay nữ đóng vai nam đã có từ thời xưa và điều này là không sai, nhưng chuyện hóa thân này phải đúng học thuật, bài bản và được thực hiện hợp lý trong đúng tình huống diễn xuất.
Nếu nói việc giả gái là sai thì điều này không đúng, tuy nhiên thời trước, các bậc tiền bối khi sử dụng thủ pháp này đều cân nhắc kỹ lưỡng về vai diễn, vở tuồng nào, tình huống ra sao mới thực hiện, còn bây giờ thì... nó đại trà quá. Như thời của tôi hay nghệ sĩ Thành Lộc, Hữu Châu... là thời điểm mà việc giả gái chưa lan rộng, khi đi làm phải hóa thân vào một số vai nữ theo yêu cầu cũng như ý đồ quay hình của đạo diễn.
|
Nghệ sĩ Minh Nhí cũng là một người từng có nhiều vai giả gái |
Và trong mấy cuộc thi, chương trình truyền hình tôi được làm giám khảo thì ở vòng casting thường có 9/10 bạn thí sinh nam giả nữ. Tôi cũng thấy khó chịu, cảm giác như phải đóng vai nữ thì mới diễn hài được hay sao ấy? Và ai cũng có thể giả được, bất chấp xấu đẹp ra sao.
Bản thân tôi cũng từng là nghệ sĩ có một số vai diễn hóa thân thành nữ được công chúng nhớ đến nhưng trong 4 năm gần đây, khi nhìn thấy trào lưu này đang dần bị lạm dụng, tôi đã rút lui và không giả gái nữa dù được trả cát-sê cao.
Tôi cho rằng cần phải chắt lọc vai diễn để lựa chọn phương pháp hóa thân phù hợp và việc giả gái phải được thực hiện bài bản, chỉn chu, đàng hoàng để mang đến hình ảnh sạch đẹp, đúng tính cách nhân vật, tình huống lẫn yêu cầu của vở diễn, đặc biệt là không được phô. Bây giờ cứ người người, nhà nhà đổ xô đi giả nữ khiến thủ pháp nghệ thuật này không còn giá trị. Tôi từng từ chối nhiều show diễn bởi họ có yêu cầu tôi đóng vai nữ và khi nghe đến đó, tôi nhanh chóng lắc đầu đồng thời xin rút lui không tham gia.
|
Chí Tài trong tạo hình giả nữ
|
Chuyện hóa thân thành con gái đâu phải ai cũng làm được. Có người khi hóa trang xong nhìn rất đẹp và duyên dáng nhưng cũng có người nhìn lại thô thiển, thấy gớm quá... Từ việc nhìn thấy những hình ảnh không đẹp mắt như vậy, tôi càng ý thức hơn chuyện bản thân nên dừng lại vấn đề giả gái, tự soi lại mình và nghĩ, thôi, bao nhiêu đó đủ rồi, mình ngưng đi chứ thấy ghê quá! Tôi đã đóng tất cả những phục trang và đạo cụ giả nữ của mình cất vào tủ.
Với những học trò của mình trong một số gameshow do tôi làm huấn luyện viên, giám khảo, tôi nhất quyết không cho thí sinh giả nữ. Và tôi đã chứng minh cho học trò thấy rằng, đâu cần phải “làm con gái” thì mới khiến khán giả cười được, các em diễn nhân vật nam bình thường vẫn được công chúng đón nhận và cổ vũ nhiệt tình.
|
Chí Tài và Trường Giang hóa thân thành nhân vật mẹ con nhà Cám trong tiểu phẩm Tấm Cám
|
Tôi không bài bác hay đả phá vấn đề giả gái của nhiều nghệ sĩ Việt hiện nay nhưng phải hạn chế bớt và suy xét kỹ lưỡng, đừng có cái gì cũng giả... thành ra nó xàm. Bản thân tôi cũng từng kinh qua vai diễn hóa thân thành con gái, tôi cũng thấy khó chịu khi xem một số tiểu phẩm và tự hỏi... có nhất thiết phải giả trong tình huống này hay không?
Về gameshow dành cho thiếu nhi nhưng cũng có tình trạng để các bé trai đóng giả con gái, tôi thấy là điều không nên. Bởi nếu người lớn dễ bị tiêm nhiễm thì con nít lại càng dễ học theo và bắt chước gấp mấy lần. Tôi đã để ý đến vấn đề từ ngày xưa khi còn nhiều thời gian gắn bó với các chương trình thiếu nhi. Diễn những chương trình này còn khó hơn khi đóng cho khán giả trưởng thành xem. Do vậy, mình phải diễn làm sao thật chỉn chu và hết sức kỹ lưỡng khi thể hiện nhân vật. Từ xưa đến giờ tôi đều xác định như vậy.
Trong chương trình Tiếu lâm tứ trụ năm nay, cả tôi và 3 huấn luyện viên còn lại là Hồng Vân, Thanh Thủy, Đức Hải đều thống nhất với nhau việc không cho thí sinh giả nữ, nếu em nào vẫn kiên quyết làm thì tự xin phép nhà sản xuất và đài truyền hình.
|
Hình ảnh Trấn Thành trong vở hài kịch Tô Ánh Nguyệt remix từng bị dư luận "ném đá" vì tục tĩu
|
Từ phía nhà đài như đài truyền hình Vĩnh Long năm nay cũng có công văn gửi đến các đơn vị sản xuất chương trình phối hợp với đài việc phải hạn chế chuyện giả gái khi biểu diễn các tiết mục trên sóng truyền hình. Theo đó, việc nam giả nữ phải được thực hiện đúng tình huống, hợp lý một cách đàng hoàng chứ không phải muốn cho hợp lý là hợp lý.
Đó là một động thái mà tôi nghĩ là rất đúng và cần thiết vào thời điểm này. Không riêng gì nhà đài, một số nhà sản xuất chương trình mà tôi làm việc cũng cùng chung quan điểm trên. Họ đã có yêu cầu thí sinh lẫn huấn luyện viên xem xét nghiêm túc vấn đề có nên hay không giả nữ trong tiết mục của mình, để tránh những ảnh hưởng không mong muốn cũng như tác động tiêu cực đến khán giả.
Bản thân nghệ sĩ cũng phải tự giảm bớt sự lạm dụng quá đà để góp phần kiểm soát lại thực trạng đang bị “lạm phát” này. Mỗi người cần cùng chung tay lại để xây dựng nghệ thuật hài đúng nghĩa như ngày xưa!
|
Nghệ sĩ Minh Nhí hiện tại đã nói không với giả gái
|
Tôi mong các bạn diễn viên nam trẻ đã và đang có suy nghĩ lạm dụng việc giả gái, hãy nghiên cứu những vai nam để diễn xuất sao cho thật xuất sắc thay vì đóng mình thành vai nữ. Và có nên hay không việc tiếp tục đóng giả con gái khi thực trạng này đang bị “lạm phát”, người người đều giả, nhà nhà cùng giả?
Cá nhân tôi đã nói không với việc giả nữ để giữ hình ảnh cho mình và làm gương cho học trò. Bây giờ đi đến đâu, các bạn diễn viên trẻ đều gọi tôi bằng thầy do vậy mà tôi thấy mình cần phải chín chắn và nghiêm khắc hơn với bản thân để trở thành tấm gương tốt cho các em.
Quang Hùng