Nghệ sĩ Mai Huỳnh - Những ngày trở gió

12/12/2015 - 09:17

PNO - Có những người sinh ra trúng ngay phước phận đa đoan, nên hành trình mưu cầu hạnh phúc phải nhận thêm vài phần giông gió, Mai Huỳnh cũng vậy.

Hỏi chuyện duyên tình, ông cười, rồi nói: "Thôi, mình chỉ kể chuyện nghề"...

1. Sài Gòn mùa cuối năm, nắng nhạt trên đầu, Mai Huỳnh ngồi ngóng xa xăm. Ông kể về những ngày xưa vui buồn, quên quên nhớ nhớ ở 18 thôn vườn trầu Bà Điểm quê ông: “Nhà có năm chị em, hồi nhỏ tôi ở với ông bà nội. Ba tôi làm họa viên kiến trúc ở dưới Sài Gòn, má thì tất bật mua gánh bán bưng. Nhà trồng cau trầu, cuộc sống bình lặng mà vui lắm”. Nhưng những ngày yên ấm không kéo dài được bao lâu. Chiến tranh xảy ra, ngôi nhà khang trang bị đánh bom tan nát.

Mai Huỳnh thở hắt: “Một tay má gồng hết năm đứa con, cha đi làm xa rồi tự nhiên có người phụ nữ khác”. Người đàn bà quanh năm chỉ biết tảo tần giờ đây chết lịm, đám con ngơ ngác ríu lấy nhau mà sống.

“Nhà cửa xơ xác hết, có còn cái gì nữa đâu. Má tôi nấu chè rồi đem đi bán, chị hai xuống Sài Gòn làm nghề viết lách, còn tôi chết tên “thầy đội”. Năm ấy, Mai Huỳnh vừa tròn 15 tuổi, ốm tong teo, mỗi buổi trưa đi học về lại xách thúng ra chợ để cân đường, cân đậu, rồi nếp, bột báng… đội lên đầu đi bộ về. Làng trên xóm dưới ghẹo Mai Huỳnh là “thầy đội”. Đứa trẻ không cha chỉ biết cười, liếm đôi môi nứt. Nắng khét tóc, gan bàn chân ran rát nỗi cơ hàn.

Nhưng ông nói cũng chẳng có gì phải buồn: “Hồi nhỏ tôi mê văn nghệ lắm, nghệ thuật rất diệu kỳ, nên dù cuộc sống có chút chật vật, không sao, tinh thần vui vẻ là chuyện gì cũng dễ dàng lướt qua”. Mai Huỳnh thời trẻ trai hát hay nổi tiếng khắp vùng, đến mức một xí nghiệp lớn nghe danh đã mời về làm việc, để nhân tiện… tham gia luôn phong trào ca hát của cơ quan.

Từ xí nghiệp Tân Á, Mai Huỳnh thi tuyển vào đoàn Ca nhạc kịch Thanh niên xung kích, đậu ngay khóa đầu tiên. Mai Huỳnh chép miệng: “Đậu vào đó phải đi học tới bố n năm, lịch học dày đặc sáng chiều liên tục. Tôi không đi làm thêm được việc gì, chuyện uống nước cầm hơi là rất bình thường. Bạn bè chịu không nổi áp lực, nghỉ gần phân nửa. Tôi mê quá, nên bám lại. Cực vô cùng”.

Nghe si Mai Huynh - Nhung ngay tro gio
Nghệ sĩ Mai Huỳnh

Mai Huỳnh may mắn, cả thanh lẫn sắc đều hơn nhiều người. Xuất hiện lần đầu tiên trong bộ phim Tự thú trước bình minh (đạo diễn Phạm Kỳ Nam), Mai Huỳnh chinh phục người xem bằng nét u uẩn trong ánh mắt của người lỡ mang tội tình, trong vẻ bình thản giả vờ, trong điệu cười đong đầy cay đắng.

Khán giả cũng không quên thầy giáo Thạnh ngập trời đau khổ bên Người đẹp Tây Đô một thời, càng không thể quên tên trung úy ác ôn trong Phong lan đỏ… Rong ruổi 40 năm theo nghề, dù là vai diễn nhỏ, Mai Huỳnh cũng trân trọng và thể hiện bằng cả tâm sức.

Ông nói, rất sợ những người có lối diễn “quỷ quyệt”, đơn thuần dùng sức mạnh hình thể để che lấp sự yếu kém trong khả năng thể hiện vai diễn bằng nội tâm. Đau đáu với nghề, Mai Huỳnh khắc nghiệt với bản thân, ông không cho phép mình lơ là dẫu một ngày nào đó phải diễn lại chính mình trên màn ảnh, nên ông thành công.

Sắp tới đây, Mai Huỳnh tái ngộ khán giả màn ảnh rộng với vai diễn khá nặng ký trong phim Lật mặt 2 của Lý Hải. Mai Huỳnh "bật mí", có thể đây là một vai rất ác.

Nhắc đến vai ác, ông cười: “Nhớ ngày xưa đóng vai phản diện, khán giả phản ứng quá trời. Đi ra đường cứ nghe người ta xì xầm: “Thằng cha mặt mũi vậy mà ác ôn, đểu giả”, cười ra nước mắt. Có người còn phản đối tôi đóng vai ác, để giữ hình tượng. Nhưng đã là diễn viên ai cũng muốn được thử sức với nhiều dạng vai. Nhân vật càng phức tạp, càng tạo khoái cảm, càng trui rèn người diễn viên. “Lửa thử vàng” là vậy”. Dưa ngọt thì cuống đắng, từ những vất vả, Mai Huỳnh trở thành gương mặt đượ c đông đả o khán giả yêu mến: “40 năm theo nghề, với một người nghệ sĩ, bấy nhiêu đã là quá đủ”.

2. Nhưng ông trời vốn dĩ không cho ai cái gì tròn vẹn, “phải khuyết cho nơi khác tròn”, nên sự nghiệp Mai Huỳnh thênh thang mở lối mà đường đời lại lắm nỗi trúc trắc, ưu phiền. Nghệ sĩ bẩm sinh nhạy cảm, khó có ai chai lì dẫu kinh qua nhiều tang thương mất mát, và buồn riêng ông khiêm nhường xin giữ lấy.

Chỉ thấy trong đôi mắt ông hằn sâu những vệt thời gian, một vùng hiu hắt không người san sẻ. Mai Huỳnh cười nhẹ tênh: “Nghề là nghiệp, nghiệp nặng quá, nên hạnh phúc tiêu tan. Chuyện qua lâu lắm rồi, thôi mình đừng nhắc nữa”… Vui buồn của mấy mươi năm, dài thăm thẳm, nhưng với người đã trải qua ngó lại, tựa hồ cái chớp mắt rồi thôi.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI