Trong giới lồng tiếng, cái tên Đạt Phi không còn xa lạ. Anh từng lồng tiếng cho rất nhiều phim nổi tiếng thập niên 90 thế kỷ trước như: Thần điêu đại hiệp, Cô gái Đồ Long...
Anh sinh ra và lớn lên tại Vĩnh Long, mê diễn xuất từ nhỏ. Tốt nghiệp lớp 12, anh gặp cơ may khi Trường Nghệ thuật Sân khấu 2 (nay là Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM) có đợt tuyển sinh tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Qua nhiều vòng thi, tranh tài với hơn 1.000 "đối thủ" tại miền Tây và TPHCM, anh là một trong 20 người được chọn để đào tạo chuyên nghiệp. Nhưng con đường sự nghiệp của anh lại rẽ sang hướng khác.
|
Nghệ sĩ lồng tiếng Đạt Phi |
Một lối đi hẹp
Phóng viên: Vì sao lại là lồng tiếng, khi đam mê lớn của anh là diễn xuất?
Nghệ sĩ Đạt Phi: Trở thành diễn viên nổi tiếng, ngoài năng lực phải có ngoại hình đẹp, nhưng tôi chỉ có niềm đam mê lớn. Tôi muốn nếu theo nghề diễn phải nổi tiếng, chứ không làng nhàng.
Một dịp, cô giáo chủ nhiệm dẫn cả lớp đi xem lồng tiếng phim. Nhìn mọi người làm việc, tôi thấy thích, có cảm giác đây sẽ là tương lai. Miễn là điện ảnh, làm việc gì cũng được, có cống hiến là được.
* Suy nghĩ đó được anh hiện thực hóa như thế nào?
- Năm 1989, tôi về thử việc tại Nhà Văn hóa Thanh niên, vực dậy rạp chiếu phim theo yêu cầu trong 3 tháng, trong khi mỗi ngày chỉ bán được 5 vé. Chỉ sau 1 tháng tôi làm được. Tôi tìm mua băng video của những người nước ngoài đến Việt Nam như: Thằng gù nhà thờ Đức Bà, Cuốn theo chiều gió... - những phim, thể loại chưa từng xuất hiện ở Việt Nam. Tôi đọc thuyết minh cho những phim này. Sau đó, dần dà tôi chuyển sang lồng tiếng.
Sự ủng hộ của báo giới giúp dự án này được chú ý. Tôi cũng có kế hoạch hút người trẻ đến xem, cải tạo rạp chiếu. Sau đó, khi đài ATV vào Việt Nam, họ đề xuất làm việc với tôi, lương mỗi tháng là 5 triệu đồng, trong khi vàng có giá 500.000 đồng/chỉ.
|
Thập niên 90, anh bắt đầu có những thành tựu đầu tiên trong sự nghiệp với mức lương khá hậu hĩnh |
* Thập niên 90, thị trường phim ảnh chưa phát triển, điều gì giúp anh tin vào con đường này?
- "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh". Khi làm tốt một việc nào đó, ít nhất sẽ đủ nuôi sống bản thân. Tôi không từ bỏ ước mơ. Nhưng để thành công, ta cần biết thế mạnh ở đâu để phát huy. Điện ảnh là con đường có nhiều ngã rẽ. Vậy, vì sao không chọn mặc một chiếc áo vừa vặn với bản thân? Điều thú vị của nghề này là tôi được trải nghiệm nhiều dạng vai khác nhau, có khi trong cùng bộ phim, mà khó tài tử nào có thể làm được.
* Không có trường lớp chuyên nghiệp, vậy thước đo của công việc này sẽ như thế nào?
- Thập niên 90 thế kỷ trước đến đầu những năm 2000 có 3 nhóm lồng tiếng là: ATV, TVB, Sanyang. Tiêu chí để được chọn ngày đó là giọng phải đẹp, cất lên khiến người nghe thích, say đắm.
Mỗi ê-kíp khoảng 8-9 người, 5 nam, 4 nữ. Nhưng số lượng nhân vật trong phim lại lớn hơn nhiều, buộc diễn viên lồng tiếng phải giả giọng, ban đầu có thể không hay, nhưng dần khán giả cũng chấp nhận. Nếu được quay trở lại, chắc chắn có nhiều phim tôi làm hay hơn như: Cô gái Đồ Long, Thần điêu đại hiệp...
Lựa chọn làm người đứng sau
* Nghĩa rằng, việc lồng tiếng hiện tại đã khác trước nhiều?
- Khi tiếp cận với những nền điện ảnh hàng đầu thế giới, làm việc cho những đơn vị lớn tôi nhận ra giọng đẹp không phải là tất cả, quan trọng nhất là phù hợp. Tôi từng casting nhiều phim, vẫn thất bại như thường, thậm chí trước học trò.
Có bạn nữ lo lắng vì giọng ồm ồm. Tôi bảo giọng này sẽ được việc nhưng bạn không tin. Sau đó, bạn được việc thật. Cũng có một học trò khác bị đớt, lại được chọn lồng tiếng cho một chú chuột trong phim. Thị trường hiện tại dành cho sự đa dạng.
|
Nghệ sĩ lồng tiếng Đạt Phi trong buổi làm việc với NSND Kim Cương |
* Qua một chặng đường dài, anh còn thấy sự thay đổi nào hay không?
- Ngày trước, ê-kíp rất gắn bó với nhau, làm việc cùng lúc dễ giao lưu, hỗ trợ, rất khó để một nhân tố mới được lọt vào. Nhưng điều này cũng có hạn chế, chúng tôi không có cái mới. Việc chạy nhiều nơi, cũng khiến cảm xúc vơi đi nhiều.
Sau này, kỹ thuật ngày một hiện đại, từng diễn viên có thể thu riêng, nhưng lại rất cực cho người làm kỹ thuật.
Tôi vẫn duy trì cách làm việc truyền thống, nhưng không muốn bị lệ thuộc vào người cũ về thời gian, trong khi khách hàng lại hối thúc. Tôi đi tìm và đào tạo, với màu giọng rất đa dạng, khi họ hòa vào sẽ rất hay. Tôi cũng thay đổi cách lồng để khán giả nghe sẽ thấy đậm đà hơi thở cuộc sống.
* Anh thấy gì từ những người trẻ?
- Người trẻ giỏi, màu giọng rất đa dạng, đẹp, hiện đại. Chẳng hạn, diễn viên lồng tiếng cho nhân vật Raya trong Raya và thần rồng cuối cùng, chỉ mới tốt nghiệp từ lớp đào tạo của tôi không lâu. Lựa chọn này đến từ ê-kíp quốc tế.
Nhưng thời nay các bạn có thể tìm thêm nguồn thu từ những việc khác. Vì thế, sự cọ xát của họ với nghề đôi khi lại ít hơn. Tôi tin nếu có nhiều thời gian làm nghề, chắc chắn họ sẽ phát triển rất nhanh.
* Cảm giác của người đứng sau, dễ chịu không, khi khán giả chỉ nhớ những gì diễn ra trên màn ảnh?
- Khi lựa chọn đứng sau, tôi không có gì hối tiếc cả. Khi nhân vật được khen, tôi thấy hãnh diện. Tôi xem trọng việc mình làm được gì, thành công hay không. Mỗi năm, trung bình tôi làm đạo diễn lồng tiếng cho khoảng 14 phim, chưa kể các dự án khác, không còn nhiều thời gian để nghỉ ngơi. Nhưng, đó là niềm vui. Tôi cũng có cuộc sống, thu nhập ổn định, thế là quá đủ cho một lựa chọn. Hiện tại, tôi cũng lui về sau, làm đạo diễn. Tôi luôn muốn tạo điều kiện tối đa để người trẻ được phát triển.
|
Nghệ sĩ Đạt Phi ngồi ghế giám khảo Thanh âm quyền năng |
* Có một lúc nào đó, ước mơ ngày xưa trở lại không, thưa anh?
- Có chứ, và tôi cũng từng đóng phim, một số vai khá quan trọng, cũng thú vị. Có những lần, tôi có mặt lúc 7g theo lịch hẹn, nhưng đến chiều mới quay. Việc nào cũng có đặc thù, tôi không phán xét. Nhưng tôi luôn muốn sử dụng thời gian hiệu quả nhất có thể. Vì thế, sau một vài phim, tôi không nhận lời nữa. Tôi tin mỗi người đã được chọn cho một công việc nhất định.
* Tuổi này, anh còn mong chờ điều gì nữa trong sự nghiệp?
- Mỗi khi đào tạo được một bạn trẻ, sau đó họ được chọn, được khen, đó là niềm hạnh phúc lớn với tôi. Con đường tôi đã đi đủ dài, thành công có, thất bại cũng có. Tôi cô đọng thành công để dạy cho học trò đi nhanh nhất có thể.
Tôi đã làm việc với Disney 10 năm rồi đến Universal, Panorama... Tôi cũng từng thắc mắc họ tìm đến tôi như thế nào. Họ trả lời: “Bạn làm tốt công việc, chúng tôi sẽ tự tìm đến”. Tôi luôn nhớ để nhắc nhở bản thân tốt hơn mỗi ngày.
Tôi mong sẽ có một học viện lồng tiếng để có được sự đào tạo bài bản, chỉn chu hơn. Ngày trẻ, làm việc gì cũng máu lửa, nhanh chóng. Nhưng nay, khi đã đi qua nửa con dốc của cuộc đời, làm gì tôi cũng suy nghĩ cẩn thận, thấu đáo hơn. Tôi không đi một mình, mà luôn có cộng sự. Khi thành công, người ta có xu hướng bảo thủ, nên tôi muốn có những người trẻ để cố vấn cho tôi.
* Xin cảm ơn anh!
Gần đây, khi sắp xếp được thời gian, nghệ sĩ Đạt Phi tham gia làm giám khảo cho 6 số của chương trình Thanh âm quyền năng, sân chơi dành cho những diễn viên, bạn trẻ đam mê lồng tiếng. Anh nói vui khi cuối cùng cũng có một nơi để vinh danh, giúp khán giả biết đến những người đứng sau màn ảnh.
Anh cũng vừa giúp NSND Kim Cương chuyển thể hồi ký sang dạng audio. Sắp tới, anh sẽ cho ra mắt một bộ phim hoạt hình lịch sử mang tên Quyết chiến Bạch Đằng giang nói về Trần Hưng Đạo. Anh luôn mong có những dự án để giúp người trẻ tiếp cận sử Việt.
|
Thành Lâm (thực hiện)