LTS: Phía sau ánh đèn sân khấu rực rỡ, sau những vai diễn ông hoàng bà chúa áo xiêm lộng lẫy, những nhân vật đầy quyền uy, ma lực… người nghệ sĩ cũng có những số phận, nỗi niềm riêng. Đôi khi, số phận của người nghệ sĩ trong đời thực còn phong ba, thăng trầm gấp bội những nhân vật mà họ thể hiện. Thành công của người nghệ sĩ bao giờ cũng được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, tình yêu và sự tận hiến cho nghệ thuật. Như con tằm rút ruột nhả tơ, có người may mắn thành công ngay từ những vai diễn đầu tiên, nhưng cũng có người đi gần nửa hành trình nghệ thuật mới nhận ra đâu là thế mạnh, khả năng thực sự của mình. Nhưng ở vị trí, vai trò nào, người nghệ sĩ cũng luôn có một ước mơ cháy bỏng: Được sống với sân khấu, với vai diễn đến hơi thở cuối cùng. Phía sau hào quang còn biết bao câu chuyện chưa kể về cuộc đời, nỗ lực của người nghệ sĩ. Từ số báo này, Báo Phụ Nữ TP.HCM sẽ “kể lại” những câu chuyện vui buồn, trăn trở, khát vọng của những người đã tận hiến đời mình, để mang lại niềm vui, nụ cười và cảm xúc đẹp cho công chúng. Bài 1: Nghệ sĩ Trang Thanh Xuân: “Tuổi nào ghi dấu chân chim qua trời…” Bài 2: NSƯT Thoại Mỹ: Có vinh quang mấy cũng không quên thuở cơ hàn Bài 3: Nghệ sĩ Nhứt Dũng: “Nhạc lễ khó mà vượt đại dương lần nữa” Bài 4: NSƯT Ngọc Dung: Nghề rộng dài như sông như biển... Bài 5: Họa sĩ thiết kế Lê Trường Tiếu: Tuổi xế chiều trôi đi cùng năm tháng Bài 6: Nghệ sĩ xiếc Phi Vũ: Bội lần gian nan, bội phần vinh quang Bài 7: NSƯT Trường Sơn: Đêm nằm chiêm bao, vẫn thấy mình được hát Bài 8: Thời xa vắng của nghệ sĩ Thanh Hiệp
Bài 9: NSƯT Phượng Loan: Hạnh phúc khi mình “biết đủ”! Bài 10: Nghệ sĩ Hồng Nga: Người mẹ trên sân khấu và đời thật Bài 11: NSƯT Phượng Hằng và làn hơi “huyền thoại” Bài 12: Ngọc Hương, ái nữ gánh xiếc lẫy lừng Sài Gòn một thuở: Không bao giờ hối hận dù mẹ “vẽ” cuộc đời Bài 13: NSND Thanh Vy: Nàng Xê Đa trẻ mãi Bài 14: NSND Thanh Hải: Đời thầy đờn như khúc nhạc nỉ non Bài 15: Nghệ sĩ Công Minh: Người thờ hai Tổ Bài 16: NSƯT Ngọc Nga: Rưng rưng nhớ tuổi vàng son với nghề… Bài 17: NSƯT Hùng Minh: Đời cầm ca là những khúc quanh Bài 18: Nghệ sĩ Mai Thanh Dung: Hạnh phúc và những bước ngoặt của đời này là số phận… Bài 19: NSƯT Ngọc Khanh: Có con nước nào chảy ngược dòng sông Bài 20: Nghệ sĩ Bạch Long: Nước mắt phía sau nụ cười... Bài 21: NSƯT Thanh Nguyệt: Đời như một ánh trăng trong Bài 22: NSƯT Thanh Điền: “Tôi mang ơn nghề mãi mãi” Bài 23: NSƯT Hữu Danh: Người mong “nối liền mạch” nghệ thuật truyền thống Bài 24: Nghệ sĩ Kim Hiền: Tài sản quý giá của người nghệ sĩ là những vai diễn: Bài 25: NSND Thu Hiền: Tiếng hát đi qua đạn bom Bài 26: Nghệ sĩ Quốc Nhĩ: “Tiếng trống Mê Linh” còn vọng mãi Bài 27: NSƯT Phương Hồng Thuỷ - Bên trời hạnh phúc |
Bao năm qua, NSƯT Lê Thiện vẫn đều đặn “gõ cửa” một vài nơi quen để nhờ người này, người khác cưu mang đồng nghiệp hay học trò của mình đang lâm vào cảnh khó khăn. Nhiều người khuyên bà buông bớt sự đời cho thảnh thơi, bà chỉ bảo nhiều lúc cũng muốn lắm, nhưng lòng dạ cứ lo lắng, nghĩ ngợi, nên nếu có buông để tìm đến chữ an, thì tâm cũng khó mà yên.
Thương nhau bởi chữ nghèo
Đợt TP.HCM nới lỏng giãn cách xã hội từ ngày 1/10/2021, một trong những điều đầu tiên mà NSƯT Lê Thiện làm là ghé đến Hội Sân khấu thành phố. Chuyến đi của bà chóng vánh nhưng nhiều mục đích. Trước nhất, nữ nghệ sĩ mong gặp lại vài anh em đồng nghiệp để giải tỏa sự nhớ thương sau nhiều tháng xa cách, sau nữa là để chia sẻ với NSƯT Trịnh Kim Chi thông tin về hoàn cảnh của một học trò, cũng là đồng nghiệp đang mắc bệnh ung thư, gia cảnh khó khăn cần sự giúp đỡ.
|
NSƯT Lê Thiện và ca sĩ Phương Thanh trong phim Vừa đi vừa khóc |
Đây không phải là lần đầu tiên NSƯT Lê Thiện ngỏ lời nhờ giúp đỡ cho một trường hợp quen biết. Bà bảo bao năm qua, cái tính hay lo lắng cho người khác không tài nào bỏ được. Mặc dù bà biết, nếu sống vô tư, bớt bao đồng hơn sẽ tốt cho thân tâm, nhưng như có sự thôi thúc từ bên trong, bảo bà nhất định phải làm điều gì đó.
“Đời sống của anh em làm sân khấu tưởng hào nhoáng nhưng đa phần gặp nhiều khó khăn, với nhân sự hậu đài, chữ khó này càng đậm. Ngày trước, nếu muốn có tiền, anh em phải kiêm nhiều nghề, làm cật lực mới đủ tiền trang trải. Còn bây giờ, nhiều khi muốn cũng không có việc. Sân khấu bấp bênh, cuộc sống của anh em cũng rơi vào thế bị động”, NSƯT Lê Thiện nói.
Vì từng là diễn viên sân khấu, lại có hơn 20 năm đảm nhận vị trí Phó Giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang, nên NSƯT Lê Thiện hiểu thấu đời sống của anh em thiếu thốn đủ đường. Đương nhiên, sẽ có người khấm khá, tài chính ổn định, nhưng trường hợp nghệ sĩ cần sự hỗ trợ cũng không ít. “Tôi hiểu rõ đời sống, tâm tư của anh em, nhưng rồi lực bất tòng tâm. Nhiều khi muốn, ước ao anh em đỡ khổ hơn mà mãi không thay đổi được. Chỉ biết khi thấy ai khó quá, tôi sẽ đi xin, kết nối giùm để mong có nhà hảo tâm giúp họ đi qua đoạn khó”, nữ nghệ sĩ chia sẻ.
|
Nữ nghệ sĩ tìm thấy niềm vui mỗi lần lên phim trường |
Trong cuộc trò chuyện, NSƯT Lê Thiện trăn trở, đau đáu nhiều về chuyện của người khác. Bà bảo chắc cũng bởi bản thân đi lên từ cái nghèo, sống đời khó khăn vất vả từ nhỏ, nên thấy người khác gặp cảnh đường cùng, bà không thể ngó lơ, dù hoàn cảnh của bản thân cũng không thật có điều kiện.
Ngày còn ấu thơ, sống ở Bình Định, gia đình NSƯT Lê Thiện nghèo lắm, phải chạy từng bữa cơm vì gia đình đông con. Đến năm 13 tuổi, khi Đoàn văn công quân đội Nam bộ tập kết ra Bắc, đi ngang địa phương, thấy cô bé nhỏ đam mê nghệ thuật, lại có tố chất, cán bộ đến tận nhà để thuyết phục gia đình cho con theo đoàn. Từ sau cái gật đầu đồng ý của cha mẹ, NSƯT Lê Thiện được học múa, học hát, học cả xiếc để hoàn thiện kỹ năng. Sống xa nhà từ bé, lại lớn lên từ những bài học gắt gao của thầy, nên bản thân bà cũng sớm có sự gan góc, lì lợm. 21 năm sống ở miền Bắc rồi chuyển vào Nam, liên tục trải qua nhiều biến cố cuộc đời, nên NSƯT Lê Thiện hiểu thấu giá trị tình thương giữa người với người.
“Tôi hay tâm niệm, phải sống sao đó để khi nghĩ lại, bản thân không thấy hổ thẹn với lương tâm là được. Tôi biết mình không khá giả, cũng biết chuyện sống thay người khác sẽ cực thân, nhưng chắc bản chất cũng đi lên từ nghèo khổ, nên gặp người đồng cảnh ngộ lại thấy thương. Nói ra nghe tưởng mình cao siêu, nhưng thực chất, tôi chỉ là người kết nối để nhà hảo tâm giúp người khó khăn, tôi cho họ số của nhau để chủ động liên lạc, đến khi xong việc, họ chỉ cần gọi báo là tôi sướng rơn người. Đời chỉ vậy mà vui!”, nữ nghệ sĩ tâm sự.
Phía sau những lấp lánh của nghề
Đến trước tháng 5/2021, NSƯT Lê Thiện từng hai lần chết hụt, bốn lần mổ và 12 lần tiểu phẫu. Rồi tháng Năm vừa qua, trong một lần đi tìm tư liệu tại chung cư cũ, nữ nghệ sĩ trượt ngã cầu thang bị nứt xương sống phải nằm điều trị khá lâu mới hồi phục được 80% sức lực. Dù đã bao lần vào ra bệnh viện từ thời còn trẻ đến khi tuổi đã cao, NSƯT Lê Thiện vẫn giữ nguyên cho mình sự lạc quan, yêu đời, yêu nghề sâu đậm.
NSƯT Lê Thiện được biết đến nhiều qua các vai người bà trên các phim truyền hình, điện ảnh. Đối với khán giả, vai bà Mỹ trong Dù gió có thổi, vai bà nội của Đông Dương trong Vừa đi vừa khóc, vai bà của Hiểu Phương trong Tháng năm rực rỡ, hay vai bà nội trong phim Thưa mẹ con đi… là những vai diễn để lại ấn tượng.
|
NS ƯT Lê Thiện thời trẻ và con gái |
Trên phim, nhân vật của NSƯT Lê Thiện đa phần thương con, thương cháu, hiền lành chân phương. Dù sở hữu nhiều vai diễn được khán giả mến mộ, nhưng ít ai biết, cơ duyên đưa nữ nghệ sĩ đến nghiệp diễn xuất cũng chỉ qua lời “trách” hồn nhiên của đứa cháu ngoại bảy tuổi. NSƯT Lê Thiện kể lại, thời điểm mười năm sau khi về hưu, vì ngại môi trường làm việc, nên dù có nhiều lời mời đóng phim nhưng bà đều từ chối. Đến khi cháu ngoại hồn nhiên nói: “Bà ngoại không lao động là ngoại làm biếng nè”, nữ nghệ sĩ bật cười rồi thử đi casting vai bà Mỹ trong phim Dù gió có thổi và bén duyên với phim ảnh đến nay.
Diễn xuất ấn tượng trên màn ảnh là thế, nhưng với nhiều khán giả, nhắc đến những cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp của NSƯT Lê Thiện là phải kể đến vai diễn Lý Thần Phi trong vở Rạng Ngọc Côn Sơn. Nữ nghệ sĩ bảo ngày trước, vì được học nhiều, lại cũng siêng ngó nghiêng bè bạn, thầy cô nên “món” nào bà cũng có thể làm, từ múa, ca, diễn, sáng tác nhanh tại chỗ… Chính nhờ sự đa năng, nên khi con gái đầu lòng mới được tám tháng, nữ nghệ sĩ được chọn cùng bốn thanh niên khác sang Pháp để chuẩn bị cho hoạt động biểu diễn ở một hội nghị quan trọng. Vì thương con nhỏ, lời từ chối đã được NSƯT Lê Thiện nói ra, nhưng không thể tìm người thay thế, nữ nghệ sĩ đành gửi con thơ nhờ bạn chăm sóc.
“Tôi không tưởng tượng được cảnh mình đi xa con như thế. Đêm trước khi về đến ga Hàng Cỏ, tôi thức trắng đêm, lòng mừng vui không sao tả được. Vừa đến ga, tôi đưa tay ra bế thì con quay ngoắt đi. Điếng người, tôi đứng giữa sân ga mà khóc. Lúc này, con được một tuổi rưỡi. Sau đó, tôi về hoạt động ở Đoàn cải lương Nam bộ, đến đầu năm 1971, tôi đi Trường Sơn với suy nghĩ muốn được cống hiến cho đất nước, nếu không may phải hy sinh thì sự hy sinh dành cho quê hương cũng thật đáng giá. Một lần nữa, tôi nén cảm xúc mang con gửi cho bạn”, NSƯT Lê Thiện kể lại.
Trong dòng hồi ức về ngày cũ, nữ nghệ sĩ cười chua xót, bà bảo không hiểu sao mình có thể xa con thơ nhiều ngày đến thế và tự hỏi, liệu có người mẹ nào giống mình không? “Tôi nhớ có ngày hành quân ngang cánh đồng, tiếng chó sủa vang kèm tiếng khóc của trẻ con, tôi nghe mà chân nhấc không nổi để bước tiếp. Tôi nhớ con không thể nào tưởng tượng được. Về sau, khi tôi trở về, hai mẹ con sống cùng nhau, nhưng trong giai đoạn con cần tôi nhất, tôi lại không thể bên cạnh, nên cứ mãi day dứt. Con gái tôi bây giờ cũng gan góc, ít nói và đâu đó, tôi thấy con giống mình, chắc có lẽ vì con sớm phải tự lập”, nữ nghệ sĩ nói thêm.
Nghệ thuật cho NSƯT Lê Thiện có được đồng lương, có đồng nghiệp, khán giả và những vai diễn đi cùng năm tháng. Nhưng đằng sau thành công là còn đó những mất mát, có cái hiện hữu, có cái vô hình mà hơn 60 năm làm nghề, phải từ người trong cuộc kể ra, mới thấy họ đã phải đánh đổi nhiều thế nào để sống trọn vẹn với nghề nghiệp, lý tưởng.
NSƯT Lê Thiện kể về bức ảnh chụp cùng con gái ngày trước khi đi Trường Sơn làm nhiệm vụ, bà bảo mỗi lần nhìn lại đều thấy nhói lòng, nhưng cũng mong con hiểu, là bà thương con vô cùng. Sau này, khi sinh thêm cậu con trai, NSƯT Lê Thiện mang tất cả tình thương mà vốn dĩ đã không thể dành cho người con gái đầu, trao cho con nhỏ của mình.
Có lẽ, đây là lần đầu tiên, NSƯT Lê Thiện nói nhiều về cuộc đời riêng trên mặt báo. Bà bảo cũng chẳng hiểu vì sao bản thân lại muốn nói ở thời điểm này, có thể sau nhiều biến cố và mất mát, bà cảm thấy trân trọng hơn từng giây phút được sống, được tỏ bày tâm can. Sau phút trải lòng, tiếng cười nói hề hà lại vang lên, như thể sau những ngày mưa, trời lại cao xanh, sáng rõ. NSƯT Lê Thiện bảo hiện tại, dù có chuyện gì xảy ra, bà cũng giữ cho mình sự lạc quan, hạn chế lời than vãn, và lấy tiếng cười, sự chân tình giữa người với người làm niềm vui sống.
Diễm Mi