Nghệ sĩ Lê Bình: Ông già Nam bộ còn ở lại

01/05/2019 - 17:45

PNO - Người đã đi nhưng chất mộc mạc, bình dị gắn liền với hình ảnh người nông dân miền Tây vẫn còn đó - trong tình yêu thương, sự kính trọng của khán giả.

Nghệ sĩ Lê Bình đã rời cõi tạm. Người ra đi để lại trong lòng kẻ ở lại những buồn thương xen lẫn hoài niệm. Người ta nhắc nhiều về ông khi ông chính là một phần tuổi thơ với những vai diễn cổ tích. Và họ cũng nhớ nhiều về một Lê Bình như ông già miền Tây thực thụ trên màn ảnh với những trăn trở, buồn thương, khổ đau của một kiếp người.

Nghe si Le Binh: Ong gia Nam bo con o lai
Khán giả thương nhớ nghệ sĩ Lê Bình với hình ảnh người nông dân trên màn ảnh qua nhiều bộ phim được yêu thích.

Nghệ sĩ Lê Bình sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, mảnh đất phồn hoa đô hội của miền Nam nhưng tâm hồn ông lại sớm được nuôi dưỡng bởi cái gốc miền Tây với cha là người Sa Đéc, mẹ quê Cao Lãnh. Ông lớn lên trong một gia đình không tròn vẹn bởi cha mẹ sớm chia tay. Những năm tháng tuổi thơ của cố nghệ sĩ gắn liền với ông bà nội - người đã xây những viên gạch đầu tiên cho hình ảnh ông già Nam bộ của Lê Bình trong những năm ông theo nghiệp diễn.

Mùi cơm nấu chín quyện với mùi lá chuối đậy lên trên, mùi khô cá tra lùi than hay hấp chín trên lớp cơm nóng, mùi thuốc rê, hình ảnh chiếc khăn rằn, bộ đồ bà ba nâu… sớm trở thành miền ký ức đẹp khó thể phai nhoà với nghệ sĩ Lê Bình. Những điều mộc mạc, bình dị ấy đổi cho ông năm tháng tuổi thơ yên bình, lắm lúc nhắc lại niềm hạnh phúc vẫn còn vẹn nguyên như mới hôm qua.

Nghe si Le Binh: Ong gia Nam bo con o lai
Nghệ sĩ Lê Bình sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn nhưng ông sớm được nuôi dưỡng bởi chất Nam bộ đậm đặc của người nông dân miền Tây.

Vốn liếng ấy được ông mang trọn lên màn ảnh, rồi nhẹ nhàng đi vào lòng khán giả trong suốt mấy thập niên qua. Lê Bình diễn như không diễn bởi cái chất khẳng khái, chân thật, hiền hoà của người nông dân miền Tây vốn đã là máu thịt của ông, không cần đi vay mượn. Tư Tại, vai diễn trong Đất phương Nam như một khởi đầu hoàn hảo của nghệ sĩ Lê Bình với hành trình khắc hoạ chân dung của ông trên màn ảnh.

Trong bộ đồ bà ba đen, nâu cộng với vóc dáng cao gầy, hình ảnh người nông dân trong những ngày đi khai hoang mở cõi được Lê Bình tái hiện chân thật trên nền phong cảnh miền quê chan chứa nỗi buồn lay lắt. Cái mộc mạc trong giọng cười của Tư Tại, cái chất khẳng khái, nghĩa tình trong từng câu nói đủ lay động người xem.

Cảnh Tư Tại cầm lưỡi hái băng băng trên mấy nhịp cầu tre để đối diện với súng mác của bọn tay sai, cường hào giữa trời nước mênh mông chợt khiến nỗi buồn của sự nghèo khổ, yếu thế thêm đậm đặc. Rồi bao nhiêu uất nghẹn được thể hiện trong ánh mắt đầy lửa của người nông dân cùng khổ giữa lằn ranh sinh tử trở thành khoảnh khắc đầy ám ảnh của Đất phương Nam.

Nghe si Le Binh: Ong gia Nam bo con o lai
Hình ảnh Tư Tại trong Đất phương Nam vẫn còn in đậm trong ký ức của khán giả bởi sự chân chất, mộc mạc, đầy nghĩa khí.

Trích đoạn phim Đất phương Nam:

Cái hay của Lê Bình ở chỗ, ông luôn đủ sức cuốn khán giả vào câu chuyện bằng những điều rất nhỏ nhưng rất thật. Nhìn cái cách Năm Na vấn thuốc rê, tay bưng cốc rượu đế lưng chừng rồi nụ cười nửa vời trong Vịt kêu đồng càng khiến người ta tin nỗi khổ trên màn ảnh và cuộc đời vốn chỉ là một.

Giữa khung cảnh trời đất mênh mông cùng tiếng vịt kêu đồng nghe đến nôn nao, ánh mắt da diết, buồn thương của Lê Bình đủ “xé ruột, xé gan” người xem. Trong ánh lửa bập bùng giữa đêm tối, hình ảnh người nông dân giữa hai mảng màu sáng tối lại đẹp hơn bao giờ hết. Chất thơ ở đây không đến từ sự lãng mạn, vẽ vời mà giúp người ta nhìn cái khổ của đời nhẹ nhàng hơn. Giữa hiện thực nghèo khó và ước mơ đổi đời, ánh mắt của Lê Bình như ôm trọn mọi nỗi niềm.

Nghe si Le Binh: Ong gia Nam bo con o lai
Nhân vật Năm Na trong phim Vịt kêu đồng, một vai diễn người nông dân thành công của nghệ sĩ Lê Bình

Trong căn chòi được dựng lên từ tre, nứa, mái tranh, cuộc sống nhẹ nhàng của ông Bảy Cô Đơn trong Vùng đất không yên tĩnh đủ khiến người xem ao ước một lần được sống trong sự bình yên ấy. Tình đất, tình người cũng được thể hiện rõ nét qua những dằn vặt, đấu tranh của người đàn ông này trong những ngày tháng đấu tranh với cái ác để bảo vệ môi trường. Hình tượng người nông dân trên màn ảnh của nghệ sĩ Lê Bình càng trở nên đậm nét trong Kẻ ngược dòng

Nếu như ngoại hình mang đến sự phù hợp cho cố nghệ sĩ ở những vai nông dân cùng khổ thì đài từ, chất giọng, ngôn ngữ lại là sự kết hợp hoàn hảo để chinh phục khán giả. Trong cái chân chất, hiền hoà, không khó để cảm nhận được sự trải nghiệm đủ sâu về đời trong từng câu, từng lời của Lê Bình trên màn ảnh.

Chỉ hai tiếng “Mình ơi” vang lên giữa chiều mưa miền Tây, nỗi buồn của thân phận gà trống nuôi con như được gói gọn. Tâm tư của một người cha cũng được thể hiện trọn vẹn qua lời dặn dò con cái: “Bây làm sao thì làm, đừng để mang tai mang tiếng đó nghe Thắm”; hay “Để cha lo”... bấy nhiêu đủ để người ta cảm nhận về một điểm tựa bình yên, vững chãi.

Nghe si Le Binh: Ong gia Nam bo con o lai
Không chỉ diện mạo mà ngôn ngữ, lời thoại cũng giúp nghệ sĩ Lê Bình có được hình ảnh người nông dân Nam bộ trọn vẹn trên màn ảnh.

Những ngày mới nhập viện trở lại để điều trị, ngẫm về những vai diễn đã qua, Lê Bình cười hiền bảo có lẽ do duyên số. Nhiều người bảo Lê Bình diễn vai khổ nhiều quá để rồi cuộc đời ông cũng luỵ theo. Nhưng ông không đổ lỗi cho nghệ thuật bởi mỗi người một số phận. Nếu ai cũng muốn chọn vai giàu sang, phú quý thì lấy ai làm kẻ khổ trong xã hội. 

Con đường cố nghệ sĩ Lê Bình đi qua có lẽ không có sự hào nhoáng, lộng lẫy. Vóc dáng gầy gò, gương mặt hiền hậu nhưng có phần khắc khổ đã không cho Lê Bình được nhiều vai đẹp trên màn ảnh. Nhưng điều chưa trọn vẹn ấy cũng đã đổi cho ông những năm tháng đẹp đẽ trong sự nghiệp - để khán giả phải nhớ, phải thương khi nhắc về Lê Bình.

Nghệ sĩ Lê Bình đã ra đi nhưng ông già Nam bộ vẫn còn ở lại!

Thuỵ Khuê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI