Nghệ sĩ Khánh Hoàng: Tôi từng bị Phước Sang 'đấu tố'

12/07/2017 - 06:07

PNO - Theo nghệ sĩ Khánh Hoàng- 'bị đơn' trong vụ kiện của Ngọc Trinh- Phước Sang từng hiểu lầm ông nhiều chuyện nên 'đấu tố' ông khá mạnh mẽ.

Sáng hôm qua, 11/7/2017, TAND quận 1 đã tuyên bố Nhà hát kịch TP.HCM phải bồi thường cho diễn viên Ngọc Trinh. Ông Âu Ngọc Khánh- đại diện Nhà hát đã khẳng định sẽ kháng cáo vì không chấp nhận phán quyết của tòa. Quyết định này trùng với những gì mà ông Khánh Hoàng đã bày tỏ với báo Phụ nữ TP.HCM trước đó.

- Quan sát dư luận kể từ khi vụ xử bắt đầu cho đến nay, công chúng có vẻ như ủng hộ và đồng tình với Ngọc Trinh hơn phía Nhà hát. Cảm giác của ông thế nào trước việc này?

Tôi có khoảng hơn 10 học trò. Đến thời điểm này họ vẫn quan tâm và yêu quý tôi như trước. Những người hiểu tôi cũng tin rằng tôi không làm gì sai. Còn ai ủng hộ ai hoàn toàn nằm ngoài khả năng kiểm soát của tôi, mọi người có quyền tự do của riêng mình.

Nghe si Khanh Hoang: Toi tung bi Phuoc Sang 'dau to'
Nghệ sĩ Khánh Hoàng trả lời tại toà

- Kể từ khi xuất hiện trước tòa ông nhiều lần dùng cụm từ “không ai có thể đụng tôi được đâu”. Câu nói này có ý nghĩa thế nào?

Tôi hoàn toàn không ám chỉ có một thế lực nào đó đứng phía sau chống lưng tôi. Ý tôi là khi tôi đúng thì không có ai có thể đánh đổ được tôi mà nói nôm na là “cây ngay không sợ chết đứng”.

- Trước đó ông có bày tỏ ý kiến là sẽ không có mặt tại tòa vào buổi tuyên bố kết quả xét xử vào sáng ngày 11/7/2017. Có phải ông đã đoán trước rằng ông sẽ thua?

Chủ tọa đã khẳng định ngày hôm đó nếu chúng tôi không có mặt thì tòa vẫn tuyên bố kết quả xét xử. Sức khỏe của tôi đã kém rồi nên cần nghỉ ngơi. Tuy nhiên, tòa xử theo hướng chúng tôi phải bồi thường cho Ngọc Trinh thì Nhà hát sẽ kháng cáo.

Lúc này, vai trò của tôi đã hết vì hiện tại tôi chỉ là công dân bình thường nên Nhà hát mà cụ thể là những người đương nhiệm sẽ tiếp tục theo đuổi vụ việc đến cùng.

- Được biết vào ngày 7/7/2017 ông cũng đã đi khám sức khỏe để xác nhận chế độ hưu trí. Kết quả thế nào?

Tôi được xác định mất sức khỏe 63%. Với tình trạng này tôi đã được xét nhận chế độ của người mất sức vào tuổi nghỉ hưu.

Nghe si Khanh Hoang: Toi tung bi Phuoc Sang 'dau to'
Diễn viên Ngọc Trinh chủ động bắt tay Khánh Hoàng tại toà án

- Ông đã chuẩn bị tinh thần như thế nào cho thời gian nghỉ hưu của mình ?

Lương hưu của tôi tầm 4-5 triệu và hiện giờ tôi không có khoản thu nhập nào khác. Trước đây, tôi còn được thuê đi lồng tiếng và đọc thuyết minh cho các bài giảng của Phật giáo, bây giờ không làm nữa.

Tôi sống độc thân nên phải tự chăm sóc mình. Cũng may tôi thuộc dạng sống giản dị. Tôi ăn uống đơn giản theo khuynh hướng nhiều rau nên chi phí ăn uống thấp. Ngược lại tôi bị bệnh nên phải cân nhắc đến chi tiêu cho thuốc men. Tuy nhiên, tôi rất thấu hiểu triết lý nhà Phật “chết là hết” và ai cũng sẽ đi qua giai đoạn này nên không lo nghĩ nhiều.

- Thời trẻ ông là diễn viên tên tuổi, nhưng đời sống tình cảm lứa đôi của ông khá nghèo nàn, và đến lúc hoàng hôn cuộc đời thì lẻ bóng, không người yêu không con cái. Ông có thể chia sẻ đôi điều?

Đương nhiên là tôi được nhiều phụ nữ yêu thích. Vào thời tôi còn trẻ, có người muốn mời tôi đi chơi, tôi trả lời rằng tổng giá vé của đêm diễn đến 2 chỉ vàng, nếu tôi bỏ diễn tôi phải đền số tiền ấy.

Người con gái ấy móc trong bóp ra một xâu cà rá vàng 24 cara, chọn hai chiếc quăng cho tôi nói đây là số tiền đền bù để tôi không phải diễn. Dù vậy, tôi vẫn không nhận lời.

Cũng có nhiều người có điều kiện bày tỏ rằng nếu tôi chấp nhận tình yêu, tôi không phải lo chuyện tiền bạc, chỉ tập trung vào nghệ thuật là đủ. Tôi đã không chấp nhận. Trong mỗi người có một cõi riêng, chuyện tình cảm của tôi là một khu vườn bí mật. Tôi không muốn chia sẻ việc này nhiều.

Nghe si Khanh Hoang: Toi tung bi Phuoc Sang 'dau to'
Khánh Hoàng và Ngọc Trinh cách đây hơn 3 năm

- Hiện tại ông thuê nhà để sống?

Tôi có một căn hộ chung cư được mua từ tiền lao động thời trẻ của tôi. Tuy nhiên, đó không hoàn toàn là tiền từ catsê diễn xuất. Nói về điều này, tôi hơi dài dòng một chút.

Tôi học Cao đẳng sân khấu TP.HCM niên khóa đầu tiên vào năm 1976 cùng với Thành Hội và khoảng hơn 20 bạn khác. Sau khi ra trường tôi về đoàn kịch Cửu Long Giang. Lúc đó, Thương Tín đang là ngôi sao. Tôi trụ ở đây trong các vai phụ suốt 4 năm liên tục.

Đến một thời điểm, Thương Tín vì lý do gì đó “đình công” không chịu diễn vở mà tôi nhớ không lầm có tên là Kẻ lạc mất đồng đội. Đoàn kịch đã chọn tôi thay thế vai nam chính ấy. Kể từ đó, suất diễn nào cũng đầy rạp.

Người ta kháo nhau rằng Thương Tín diễn vai này rất lạ mà không hề biết vai diễn đó do tôi thay thế. Nhưng ít lâu sau, khán giả bắt đầu biết đến tôi và Thương Tín đã mất vai diễn đó vĩnh viễn.

Khánh Hoàng bắt đầu trở thành một cái tên bán vé nhưng tiền lương thời bao cấp của tôi chỉ tương đương với một tô phở. Để cải thiện cuộc sống tôi phải làm thêm nhiều nghề như sửa máy ảnh, lồng tiếng, giảng dạy...

Thời điểm đó nghệ sĩ đa phần đi xe đạp mà tôi đã chạy vespa thì xem như bảnh lắm rồi. Tôi đứng trên đỉnh cao hào quang danh vọng của một diễn viên từ năm 1984-1995 thì chuyển sang công việc giảng dạy. Sau này tôi được chọn vào vai trò quản lý và từ đó cuộc đời tôi bắt đầu nhiều thăng trầm.

Nghe si Khanh Hoang: Toi tung bi Phuoc Sang 'dau to'
Khánh Hoàng hồi trẻ

- Ông có thể chia sẻ thêm sự thăng trầm khi ông chuyển sang công tác quản lý, thưa ông?

Theo luật thì chức danh quyền giám đốc chỉ có giá trị trong 6 tháng. Nếu ai đó được bổ nhiệm vào vị trí quyền giám đốc, sau 6 tháng phải có quyết định chính thức là giám đốc hoặc không chọn. Tôi phải làm quyền giám đốc nhà hát suốt 6 năm đầu tiên.

Tôi đã chất vấn lãnh đạo về việc này và người ta trả lời có nhiều lý do. Tôi chỉ nói đơn giản rằng nếu tôi không đủ năng lực thì cứ cách chức tôi và giao nhiệm vụ khác chứ làm sao để tôi lơ lửng như vậy? Cuối cùng thì người ta cũng bổ nhiệm tôi chính thức vào vị trí giám đốc Nhà hát kịch TP.HCM.

Được một thời gian sau thì tin đồn tôi cửa quyền và thâm lạm công quỹ lan truyền. Có nhiều buổi hội thảo về sân khấu nhưng hóa ra người ta tận dụng việc này để đấu tố tôi.

Phước Sang là một trong những người phản đối tôi rất mạnh. Thậm chí có lúc gặp nhau tôi chìa tay ra bắt, nhưng Phước Sang ngoảng mặt quay đi. Sau này, Phước Sang hiểu ra nhiều vấn đề nên tỏ ra thân thiện với tôi rồi.

Sân khấu tư nhân phải thuê rạp, không được cấp kinh phí hằng năm như Nhà hát kịch TP.HCM nhưng họ vẫn có lãi và hoạt động ổn định. Nhà hát kịch TP.HCM dưới thời ông làm giám đốc hằng năm được nhận 1 tỷ đồng làm kinh phí nhưng hoạt động èo uột đến mức công chúng gọi là sân khấu chết. Ông lý giải điều này thế nào?

Trước tiên nói về kinh phí. Với 1 tỷ đồng đó, chúng tôi phải trả lương cho khoảng 35 người làm việc cho nhà hát khu vực hành chánh, hậu đài, bán vé, soát vé... chứ không phải diễn viên. Chúng tôi phải bảo trì rạp và chi trả tiền điện và tiền nước.

Cuối cùng chúng tôi còn khoản 150 – 250 triệu để đầu tư vào nghệ thuật. Nếu dàn trải số tiền này ra cho cả năm thì mỗi vở chúng tôi có khoản kinh phí tầm 50 triệu. Con số quá ít để mua kịch bản, thuê đạo diễn, mời diễn viên và chi phí phục trang, cảnh trí...

Nghe si Khanh Hoang: Toi tung bi Phuoc Sang 'dau to'
Khánh Hoàng cùng các diễn viên Tiết Cương, Mỹ Uyên, Việt Hương

Điều quan trọng hơn, trong vai trò một nhà hát của nhà nước, chúng tôi bị quản lý theo cơ chế khác với sân khấu tư nhân. Chúng tôi được khuyến khích đầu tư vào những vở diễn mà yếu tố ăn khách khán giả thích xem kịch giải trí như đồng tính, kinh dị, ngôn tình gần như đều bị loại bỏ.

Trong hoàn cảnh như thế làm sao nhà hát có thể hoạt động giống như sân khấu tư nhân và có thể thu lãi lớn để tái đầu tư?

- Có nhiều ý kiến cho rằng ông là người tự cao đến mức ngạo mạn, ông nghĩ gì về nhận xét này?

Đúng vậy. Cái tôi của tôi rất lớn xét trong nghệ thuật. Cái sự ngạo mạn của tôi suy cho cùng cũng nhằm mục đích phục vụ cho nghệ thuật chứ không phải một dạng cửa quyền. Dưới thời gian điều hành của tôi, nhiều nghệ sĩ đã được tạo điều kiện làm nghề. Tôi không ngăn cản hoặc đánh mất cơ hội của những diễn viên nào đến với tôi.

Nguyễn Huy (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI