Nghệ sĩ K-pop thoát mác “hàng hóa xuất xưởng”

11/03/2021 - 16:59

PNO - Hoạch định rõ ràng cùng những thành công vang dội của BTS và Blackpink đã xóa bỏ những nghị kỵ tồn tại bấy lâu của K-pop.

Thoát mác “hàng hóa sản xuất từ nhà máy”

Dù có sự phát triển liên tục trong hơn 1 thập kỷ qua nhưng các nghệ sĩ K-pop vẫn không được ngành công nghiệp âm nhạc thế giới coi trọng, thậm chí còn bị gán mác là “hàng hóa xuất xưởng” hay “hàng hóa sản xuất từ nhà máy”.

 

MV Dynamite của BTS

 

Kể từ sự ra đời của thế hệ K-pop đầu tiên vào cuối những năm 1990 với xuất hiện của những nhóm nhạc như HOT, Shinhwa… được đào tạo theo một hệ thống bài bản bởi các công ty quản lý, công chúng ở Hàn Quốc và nước ngoài bắt đầu chú ý đến mô hình này. Hầu hết mọi người đều cho rằng K-pop "thiếu tính nghệ thuật chất lượng" và bản thân các nghệ sĩ cũng không có bản sắc riêng. 

Tuy nhiên, sau cuộc khủng hoảng sức khỏe tạo điều kiện cho K-pop trỗi dậy mạnh mẽ bên cạnh thành tích vượt trội của BTS và Blackpink, đã chính thức giúp nền âm nhạc xứ kim chi xóa bỏ những nghi kị.

BTS chinh phục khán giả toàn cầu với bản hít Dynamite.
BTS chinh phục khán giả toàn cầu với bản hit Dynamite

Năm ngoái, BTS xuất sắc lập cột mốc lịch sử, trở thành nghệ sĩ K-pop đầu tiên đứng đầu bảng xếp hạng Billboard Hot 100 nhờ bản hit đình đám, Dynamite. Đồng thời, các chàng trai nhà Big Hit còn vinh dự giành được một đề cử tại Grammy - một trong những giải thưởng âm nhạc uy tín nhất thế giới - và hiện đã sẵn sàng biểu diễn tại sự kiện vào ngày 14/3 tới đây.

Trong khi đó, Blackpink cũng không hề kém cạnh khi album The album tiêu thụ hơn 1 triệu bản, ra mắt ở vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng Billboard 200 và chinh phục bảng xếp hạng iTunes ở 57 khu vực trên toàn thế giới.

Từ đây, K-pop đã viết nên trang sử mới: hào nhoáng và đầy tham vọng. Lee Jang-woo, giáo sư quản trị kinh doanh tại Đại học Kyungpook, cho biết: “Không còn thích hợp khi coi các ngôi sao K-pop là hàng hóa sản xuất hàng loạt chỉ vì họ được công ty đào tạo trong nhiều năm”. 
 

 

MV How you like that của Blackpink

 

Ông chỉ rõ các nhà sản xuất như Lee Soo-man - chủ tịch của SM Entertainment và Bang Si-hyuk - chủ tịch của Big Hit Entertainment - đã tập trung khả năng về chuyên môn và tiềm lực tài chính của mình để giới thiệu các ban nhạc đa dạng về hình ảnh và âm nhạc. Các idol phải mất khoảng 5 năm đào tạo từ lúc còn là thực tập sinh cho đến khi ra mắt. Điều này đồng nghĩa với việc các công ty không thể sản xuất hàng loạt ban nhạc cùng một lúc. Với thực tế này, câu hỏi được đặt ra là làm sao chúng ta có thể ví một nhãn hiệu K-pop như một nhà máy?

Không thiếu những thần tượng có tư duy sản xuất âm nhạc thiên tài, điển hình là G-Dragon của Bigbang, khi anh chàng tự mình làm nhạc cho phần lớn các ca khúc gây sốt của nhóm như Bang Bang Bang, Haru Haru, Loser… Trong khi các thành viên của BTS, Blackpink… cũng tham gia vào khâu viết lời, phối khí…

Nếu như ban đầu, các nhóm thành công dựa vào tiềm lực của công ty chủ quản thì hiện tại, chính họ lại tạo nên danh tiếng cho công ty quản lý.

Ca khúc Ice Cream của Blackpink kết hợp cùng Selena Gomez gây được sự chú ý trong năm 2020.
Ca khúc Ice Cream của Blackpink kết hợp cùng Selena Gomez nhận được sự chú ý trong năm 2020.

Kiên định với định hướng

Cho đến nay, giới chuyên môn âm nhạc toàn cầu vẫn cho rằng sự can thiệp quá mức của các công ty quản lý có thể giáng một đòn mạnh vào sự phát triển của ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc và các nghệ sĩ, nhưng các chuyên gia khác vẫn cho rằng đây là hướng đúng. Bởi K-pop hiện đang chiếm được cảm tình của đông đảo công chúng và họ yêu K-pop là có lý do. Vì vậy, đối với Hàn Quốc, điều quan trọng bây giờ là xem xét cách nâng cao hệ thống hiện tại, thay vì đánh giá thấp nó.

Trên thực tế, nhờ sự bùng nổ của K-pop, xuất khẩu album nhạc và video của Hàn Quốc đạt mức cao nhất mọi thời đại vào năm 2020, với lượng xuất khẩu tăng 94,9% so với cùng kỳ năm trước, đạt 203 tỷ won (tương đương 170 triệu USD) từ tháng 1-11/2020 - theo Cơ quan Hải quan Hàn Quốc.

Giáo sư Lee Jang-woo nói thêm: “Trong sự phát triển vượt bậc của K-pop, các doanh nghiệp tư nhân chứ không phải chính phủ đóng vai trò quan trọng. Thần tượng hóa, kiếm tiền và quảng bá (toàn cầu hóa cộng với bản địa hóa) là những chìa khóa dẫn đến thành công của K-pop hiện tại”.

WayV - một nhóm nhạc nam Trung Quốc được đòa tạo theo mô hình K-pop.
WayV, một nhóm nhạc nam K-pop toàn các thành viên Trung Quốc

Các công ty K-pop xác định trọng tâm của sự nổi tiếng không nằm ở một album, mà là của chính nhóm nhạc thần tượng. Vì vậy, các tập đoàn đã xây dựng một hệ thống có tổ chức để đào tạo các ca sĩ, giúp họ trau dồi kỹ năng ca hát và vũ đạo. Sau khi các nhóm nhạc ra mắt thành công, họ lại tiếp tục khuyến khích các ngôi sao phát triển sự nghiệp diễn xuất hoặc mở rộng sự hiện diện của mình trong các lĩnh vực liên quan, nhằm giúp tên tuổi của idol được biết đến rộng rãi và có sức hút lâu dài.

Ngoài ra, các nền tảng truyền thông xã hội cũng được các nhóm nhạc thần tượng sử dụng để tiếp cận khán giả toàn cầu và quảng bá hữu hiệu cho các dự án. Họ tổ chức các buổi hòa nhạc trực tuyến và tiếp thị chiến lược, nhắm mục tiêu thị trường quốc tế. Dự báo định hướng này của K-pop sẽ tiếp tục phổ biến trong ít nhất vài năm tới.

Hiện các tập đoàn giải trí lớn đang tích cực làm việc để đổi mới và tung ra các loại nhóm nhạc K-pop mới, như WayV - một nhóm nhạc nam toàn các thành viên người Trung Quốc - để mở rộng thị phần trên thế giới.

"Nếu họ phát triển mô hình kinh doanh mới bằng cách kết hợp công nghệ hiện đại và nội dung K-pop, họ có thể nắm bắt nhiều cơ hội hơn để dẫn đầu ngành công nghiệp giải trí toàn cầu” - Lee Jang-woo cho biết.

Chung Thu Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI